(New Climate Change
Fears, Old Mekong Problems)
Luke Hunt – Bình Yên Đông lược dịch
The Diplomat – March 21, 2018
Bằng chứng tiếp tục chồng chất lên
tương lai ảm đạm của dòng sông.
Sông Mekong, một trong những con sông dài nhất trên thế giới
và phong phú về tài nguyên, đáng được quốc tế lưu ý và công nhận như là một ranh
giới với các chánh phủ và nhà phát triển – xem dòng sông như một công cụ sản
xuất kỹ nghệ - ở một bên và người dân sống ven sông được những nhà hoạt động
môi trường ủng hộ ở bên kia.
Tương lai của Mekong sẽ được định đoạt bởi thay đổi khí
hậu. Điều nầy đã được làm nổi bật trong
đợt hạn hán 2015 và 2016 khi Trung Hoa dường như là anh hùng khi loan báo sẽ xả
nước từ các đập ở thượng nguồn để làm nhẹ bớt tình trạng thiếu nước ở Đồng bằng
sông Cửu Long (ĐBSCL).
Dĩ nhiên, điều đó có thể không cần thiết nếu các đập không
được xây và nước được giữ lại ở thượng lưu.
[Lời người dịch: Đập thủy điện
không giữ nước. Nó trữ nước trong mùa
mưa và xả nước trong mùa khô qua máy phát điện.] Nhưng đập ở Trung Hoa và các nước láng giềng
Đông Nam Á như Lào làm giảm sản lượng cá, và khí hậu đang thay đổi cũng đục
khoét tương lai của dòng sông.
Một phúc trình mới đây cho thấy rằng mức độ di dân ra khỏi
ĐBSCL đang gia tăng với khoảng 1,7 triệu người trong thập niên vừa qua, trên
gấp 2 lần mức di dân trung bình trong cả nước Việt Nam, thay đổi cuộc sống ven
bờ của con sông dài thứ 12th trên thế giới.
Các tác giả Alex Chapman và Phạm Đặng Tri Văn nói trong ấn
bản The Conversation ở Australia, “Điều nầy ngụ ý rằng cái gì đó – có thể có
liên quan đến khí hậu – đang diễn ra ở đây.”
Phúc trình cho biết nước mặn xâm nhập 80 km vào đất liền
trong đợt hạn hán 2015/2016, tiến gần một cách nguy hiểm đến biên giới
Cambodia, hủy hoại hoa màu và ruộng mía khiến người dân phải ra đi. [Lời người dịch: Trong đợt hạn hán
2015/2016, nước mặn xâm nhập vào sông Vàm Cỏ và tiến gần đến biên giới
Cambodia.]
Các tác giả cũng trích dẫn một phúc trình của Lê Thị Kim Oanh
và Lê Minh Trường của Đại học Văn Lang, đề nghị rằng thay đổi khí hậu là yếu tố
chánh trong quyết định di cư của 14,5% số người rời khỏi ĐBSCL.
“Nếu con số nầy đúng, thay đổi khí hậu buộc 24.000 người đi
khỏi khu vực mỗi năm. Và nên biết rằng
yếu tố quan trọng nhất để quyết định đi khỏi ĐBSCL là sự mong muốn thoát
nghèo. Khi thay đổi khí hậu có liên hệ
phức tạp và càng ngày càng tăng với nghèo khó, 14,5% có thể là một ước tính
thấp.”
Số cá thu hoạch hàng năm trong lưu vực Mekong và ĐBSCL được
ước tính vào khoảng 11 tỉ USD. Nhưng mức
thu hoạch đã tụt giảm trong thập niên qua vì đánh bắt bừa bãi và sử dụng dụng cụ
bất hợp pháp cộng với việc xây cất đập.
Và việc phát triển tiếp theo khó chấm dứt với các dư án do
Trung Hoa tài trợ, mà theo thông tấn xã nhà nước Xinhua sẽ nâng cao “sự nối kết, quản trị nguồn nước và khả năng sản
xuất kỹ nghệ.”
Trong tháng 1, Thủ tướng Trung Hoa Li Keqiang (Lý Khắc Cường)
loan báo Beijing (Bắc Kinh) sẽ cung cấp trên 1 tỉ USD khoản cho vay trong khuôn
khổ của Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) cho 5 quốc
gia Mekong ở hạ lưu. Khoản cho vay nầy
cộng thêm với viện trợ trước đây dưới chủ đề: “Dòng sông Hòa bình và Phát triển
Khả chấp của Chúng ta.”
Nhưng phát triển khả chấp là một từ ngữ đau đớn. Trung Hoa từ lâu có nhiều vấn đề với việc
quản lý môi trường ở trong nước, không kể đến thái độ của họ về mặt nầy ở nước
ngoài được thấy rõ hơn qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Các quốc gia duyên hà dọc theo sông Mekong
cũng có trách nhiệm: việc tìm kiếm năng lượng và vốn thỉnh thoảng có nghĩa là
môi trường và cuộc sống của người dân phải nhượng bộ.
Bút tích đã được viết lên tường Mekong từ lâu, và chúng ta
tiếp tục thấy bằng chứng mới cho thấy vấn đề chỉ tồi tệ hơn. Có phải chúng ta bắt đầu nhận thấy một số hậu
quả thảm khốc đã được tiên đoán từ lâu, có điều chắc chắn: các chánh phủ sẽ
không thể đổ thừa cho việc thiếu bằng chứng hay thiếu cơ sở khoa học.
.
No comments:
Post a Comment