Sunday, March 8, 2020

Sắp có đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất tại miền Tây


Lâm Viên


(VNTB) – Sẽ có đợt xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường giữa tháng 2 Âm lịch ở miền Tây

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi chính quyền các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cho biết theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc bộ, từ ngày 7 đến 15-3, tại đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xảy ra một đợt xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường giữa tháng 2 Âm lịch. Đợt xâm nhập mặn này được đánh giá có khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô.

Duyên cớ dẫn tới hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, là việc Trung Quốc xây 11 đập sông trên Mê Kông với khả năng tạo ra hơn 21.300 MW điện. Đang có 8 đập khác đang được tính đến trên sông chính và các nhánh của nó – có thể tăng thêm công suất gần 6.000 MW, theo Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington cảnh báo.

Các đập ở Lào nhỏ hơn nhiều và 64 cái hiện tại chỉ tạo ra dưới 5.700 MW, nhưng có 63 cái được xây dựng để phát điện bán cho Trung Quốc. Đây là cách sử dụng dòng sông tạo thuỷ điện một kiểu ích kỷ và những người khác đang bị thiệt thòi. Tổ chức sông ngòi thế giới, có nhận xét như vậy.

Trung Quốc nằm ở vị trí trung tâm của bản đồ nước châu Á. Nhờ vào cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc là điểm khởi đầu của nhiều con sông chảy xuống 18 nước phía dưới hạ nguồn. Chẳng nước nào trên thế giới là đầu nguồn của nhiều con sông đến như vậy. Bằng việc xây dựng thật nhiều đập và nhiều hạ tầng phân phối nguồn nước, Trung Quốc đang tạo ra hạ tầng ở thượng nguồn giúp Trung Quốc có thể vũ khí hóa nguồn nước.

Tuy nhiên thật ra cũng không hẳn Việt Nam vô can trong việc góp thêm bàn tay khiến Mê Kông cạn dòng. Việt Nam đã xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông Sesan-Srepok (thượng lưu sông Mê Kông của Campuchia). Trong dự án xây dựng thủy điện Luang Prabang, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) của Việt Nam sẽ tham gia 38%, phía Lào góp 25% và các đối tác khác góp 37%.
“Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang đứng trước những thách thức ngày càng lớn. Vì vậy, nếu Việt Nam tham gia vào đầu tư xây dựng đập thủy điện Luang Prabang cũng góp phần gây nên tác động tiêu cực cho đồng bằng sông Cửu Long, đẩy sinh kế người dân vào tình thế khó khăn hơn nữa trong bối cảnh khu vực này đang phải chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đề nghị Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và các cơ quan chức năng xem xét lại việc đầu tư vào dự án thủy điện Luang Prabang tại Lào” – Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã phát đi bảng thông cáo báo chí có nội dung như vậy ở ngày 10-10-2019.

Chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, ông Đào Trọng Tứ đã kiến nghị PV Power và các cơ quan chức năng xem xét lại việc đầu tư vào dự án thủy điện Luang Prabang tại Lào.
Theo ông Tứ phân tích, trên dòng chính sông Mê Kông ở Lào có 2 đập thủy điện đã và đang xây dựng là Xayaburi và Don Sahong. Còn thủy điện Luang Prabang có công suất 1.410 MW nằm cách thị trấn Luang Prabang Lào 30km. Các nghiên cứu của Đan Mạch, Ủy hội sông Mê Kông đã chỉ ra, nếu xây dựng thủy điện Luang Prabang thì sự tác động xấu đến Việt Nam là rất rõ.
“Xây dựng thủy điện Luang Prabang còn nhiều tranh luận, phức tạp. Tuy nhiên, nếu các quốc gia đã chung nhau một dòng sông thì phải chơi theo luật, cần sự hợp tác để hạn chế những tác động xấu đến hạ lưu của Việt Nam. Việc tham gia đầu tư vào các đập thủy điện ấy của doanh nghiệp Việt Nam là cần xem xét lại”, ông Tứ kết luận.

Bất chấp các ý kiến phản đối từ các nhà khoa học, chính phủ Việt Nam dường như vẫn kiên trì theo đuổi việc hợp tác dự án xây dựng đập thủy điện Luang Prabang. Nếu tình hình dịch bệnh corona ổn định, dự kiến vào tháng Tư này Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam lại tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia dự án thủy điện Luang Prabang của Lào.


Source:
https://vietnamthoibao.org/vntb-dot-xam-nhap-man-khoc-liet-nhat-tai-mien-tay/

.

No comments:

Post a Comment