Sunday, March 22, 2020

TRUNG HOA LÀM MEKONG NGHẸT THỞ NHƯ THẾ NÀO


How China is choking the Mekong

Shibani Mahtani và Ore Huiying – Bình Yên Đông lược dịch
Washington Post – January 28, 2020


Một cuộc hành trình trên sông phát giác 
các làng mạc dời cư và một hệ sinh thái bị hủy hoại.

TRÊN SÔNG NAMOU, Lào – Nguyên xả trưởng của Pak Chim, một làng nhỏ trên phụ lưu của sông Mekong, nhớ rõ giây phút ông biết làng của mình sẽ không còn nữa.

Đó là một thập niên trước.  Vài trăm cư dân của Pak Chim và các làng lân cận dọc theo con sông Nam Ou uốn khúc họp lại.  Họ được triệu tập bởi các viên chức của chánh phủ Lào và công ty quốc doanh Sinohydro của Trung Hoa.

Họ được cho biết là đập sắp đến.  Không chỉ một, nhưng là một chuỗi 7 đập bậc thang sẽ được Trung Hoa xây dọc theo sông Nam Ou, từng là một trong những phụ lưu tốt nhất của Mekong cho việc đánh cá và canh tác vì phù sa mầu mỡ.  Các viên chức nói rằng tất cả dân làng phải tái định cư, xa ra khỏi con sông đã tạo nên cuộc sống của họ.

Một người dân làng cho heo ăn trên bờ sông Nam Ou trong tỉnh Luang Prabang.


Các viên chức tìm cách thuyết phục họ bằng cách hứa hẹn nhà mới, điện và đường sá.  Người Lào nghèo khổ sẽ trở nên giàu có.  Quốc gia không có biển sẽ nắm vận mệnh của mình để trở thành “bình điện của Á Châu.”
Nok, 55 tuổi, nguyên xả trưởng, chỉ cho biết tên riêng vì sợ bị trả thù khi chỉ trích chánh quyền, nói: “Họ bảo chúng tôi rằng đây là sự hy sinh phải làm để tiến bộ.  Lúc đó, chúng tôi cũng không tin chắc vào những lời hứa của họ.”
Thực tế phơi bày trong 10 năm qua đã u ám hơn người dân tưởng tượng.


Vị trí các đập trên sông Nam Ou.

Sông Mekong và các phụ lưu của nó uốn khúc qua 6 quốc gia, từ Trung Hoa xuống lục địa Đông Nam Á (ĐNA).  Các chuyên viên lo ngại rằng những ngày cuối cùng của sông như “một hệ sinh thái lành mạnh” đã đến, một cuộc khủng hoảng hoàn toàn do con người gây nên vì xây đập bừa bải và thay đổi khí hậu.
Nam Ou là một trong những phụ lưu quan trọng nhất.  Hầu hết dòng sông sẽ bị chi phối bởi 7 đập bậc thang do Trung Hoa xây khi chúng được dựng lên và điều hành trong vài năm sắp tới.  Làng mạc đã bị san bằng để nhường chỗ cho dự án, xóa đi lối sống cổ truyền của người dân.
Khi đập Nam Ou 2 và các đập ở thượng lưu bắt đầu hoạt động, chúng thay đổi dòng chảy của sông, làm mất rất nhiều chủng loại cá cá biệt và khiến hàng ngàn người phải dời cư.  Các chuyên viên cảnh báo rằng thiệt hại sẽ gia tăng khi giai doạn 2 của chuỗi đập, gồm có đập Nam Ou 1, 3 và 4, được hoàn tất vào cuối năm nay.

Sông Mekong và các phụ lưu rất đa dạng sinh học – mạch sống của trên 60 triệu người ở ĐNA – xuống đến mức thấp nhất trong vòng một thế kỷ vào mùa hè năm rồi.  Một đoạn sông đổi từ màu đục ngầu sang trong xanh.  Các chuyên viên nói đây là dấu hiệu trở bệnh của sông, do sự sụt giảm phù sa lớn lao.  Nguồn cá cạn.  Lúa không thể trồng trên bờ sông khô cằn thiếu dinh dưỡng.  Toàn thể hệ sinh thái đang thay đổi vĩnh viễn.
Brian Eyler, giám đốc chương trình ĐNA của Trung tâm Stimson và tác giả của quyển sách về Mekong, nói rằng khu vực đang ở “điểm tới hạn”.
Nếu việc xây đập vẫn không được kiểm soát, lưu vực Mekong sẽ tiến đến “hiểm họa sinh thái,” được tăng tốc bởi thay đổi khí hậu.  Ông nói thêm rằng những ngày cuối cùng của dòng sông có thể “ở đây ngay bây giờ.”

Hình nộm với trang phục an toàn 
được trưng bày ở đập Nam Ou 1 trong tỉnh Luang Prabang.

Các đập trên Nam Ou và các phụ lưu khác trên khắp lưu vực Mekong là một phần của cái mà Trung Hoa gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường, một hệ thống dự án lớn lao nhằm tìm cách củng cố ảnh hưởng của Beijing (Bắc Kinh) trên khắp Á Châu và xa hơn.  Mỗi sự phát triển – đập, cảng và đường sắt, và những thứ khác – tạo cho Trung Hoa một chỗ đứng lâu dài trong nền kinh tế và mậu dịch của một quốc gia.
Cuộc hành trình xuôi dòng Nam Ou của Washington Post tìm thấy những khó khăn và thất hứa đối với hệ thống sông Mekong khi nhiều đập được xây lên – khoảng ½ do các công ty Trung Hoa.

Ở Lào, 60 đập trên dòng chánh Mekong và các phụ lưu.  Đang xây cất: thêm 63 đập, mặc dù có một vụ vỡ đập quan trọng hồi năm ngoái khiến hàng chục người chết.  Các dự án đập dọc theo Nam Ou chiếm hơn 80% chiều dài của sông.
Có trên 370 đập được dự trù dọc theo hành trình dài 2.700 miles của sông Mekong từ Trung Hoa qua trung tâm của ĐNA, nối Lào, Việt Nam, Thái Lan, Cambodia và Myanmar.
Các thủy lộ như Nam Ou được Trung Hoa xem “không phải là sông, mà là phòng thí nghiệm,”  Pianporn Deetes, một nhà hoạt động môi trường của International Rivers đã thực hiện nhiều chuyến đi đến Nam Ou để ghi chép ảnh hưởng của việc xây đập, cho biết như thế.
Cô nói: “Họ muốn làm chủ hoàn toàn chỉ để thử nghiệm.”

“Không rõ nếu chúng tôi có thể ở lại”

Thị trấn Muang Khua từng sống còn nhờ những người mang ba lô đến từ Việt Nam, háo hức du lịch dọc theo Nam Ou đến Luang Prabang, một trong những hành trình sông đẹp nhất trên thế giới.
Nhưng những chiếc vỏ lãi gỗ nay nằm im lìm.  Cạnh điểm khởi hành là những chỉ dẫn cho du khách cách đi vòng qua các đập ở trên đường bằng tiếng Anh.
Cái khiến dân làng lo ngại nhất là những vạch màu đỏ trên nhà của họ.  Đó là mức mà mực nước sẽ dâng lên khi đập Nam Ou 4 ở thượng lưu bắt đầu hoạt động vào tháng 10.
Đầu năm nay, đại diện của Sinohydro đến đây với thông điệp rõ ràng: Đi hay sẽ bị ngập.  Nhưng phái đoàn Sinohydro không hề quay lại, và dân làng không biết phải làm gì.
Một người lái đò, giống như những người được phỏng vấn, yêu cầu được dấu tên vì lo sợ chánh quyền trả thù, nói: “Có nhiều tin đồn.  Chúng tôi không biết nếu chúng tôi có thể ở lại hay phải ra đi.”
Hiện nay, các cộng đồng sống nhờ vào sông ở dọc theo khúc sông Nam Ou nầy đang cố gắng sống như ngày trước: đãi vàng khi nước xuống và nhử cá bằng cách cắt một loại cỏ mà nó thích.
Trong khi chờ đợi đập hoàn tất, họ cũng lo ngại về mực nước không thể đoán trước được và giao động lớn lao.

Dòng sông bỏ hoang

Âm thanh của những khúc sông không có đập – tiếng gà gáy, tiếng ầm ừ yếu ớt của động cơ ở phía sau vỏ lãi – tan đi ở chung quanh đập Nam Ou 2, giai đoạn 1 của dự án bắt đầu hoạt động.
Con sông nầy là đường giao thông thủy then chốt giữa các tỉnh của vùng núi ở đông bắc Lào, nhưng các đập làm cho việc đi lại bằng thuyền trở nên rắc rối.
Ngày nay, khúc sông Nam Ou ở phía dưới đập nầy coi như bị bỏ hoang.
Khoảng 2.300 gia đình buộc phải dời cư khỏi sông và không còn dựa vào nó cho cuộc sống hàng ngày.  Đập đã cắt đứt dòng chảy tự nhiên về hạ lưu và ngăn chận phù sa từ núi đá vôi.
Chúng tôi gặp một người đánh cá từ Luang Prabang, thành phố cỗ trên Mekong ở phía nam, vì ở chung quanh đập có nhiều cá.  Nhưng điều đó cũng không tự nhiên.  Cá bị mắc kẹt giữa 2 đập và không bơi nhanh như trước, khiến chúng dễ bị bắt.
Một số dân làng cố tiếp tục canh tác dọc theo sông nhưng nói rằng mực nước bất thường khiến họ và gia súc gặp nhiều khó khăn hơn.


“Nhìn đi… dơ quá”

Khi chúng tôi đến gần Nam Ou 1, đập gần với hợp lưu của Mekong và Nam Ou nhất, dấu hiệu của mục nát và tan rã ở chung quanh.  Các nhánh cây chết nhô khỏi mặt nước.  Một con bò chết trôi bên cạnh.  Rác đầy sông.
Nước đọng ở đây nên không có gì chảy qua.
Dân làng được dời cư ra xa khỏi sông.  Sau khi các đập được vận hành hoàn toàn, nước sông sẽ dâng cao mỗi khi mở đập.  Những bảng báo cho dân làng biết để tránh, nhưng họ không cần: họ nói họ không muốn tiếp xúc với dòng nước ô nhiễm nầy.
Mai, 53 tuổi, nói trong khi dùng khung cửi để dệt lụa: “Chúng tôi thường xuống đó để tắm.  Nhưng nay, hãy nhìn đi.  Đầy rác, quá dơ.”
Somsak, người dân làng 50 tuổi, không di chuyển.  Ông là người cuối cùng trong làng chưa dời cư và từ chối bồi thường của chánh phủ vì quá nhỏ.
Ông nói viên chức chánh quyền và đại diện của công ty Trung Hoa, cùng với công an, đến gặp ông hầu như hàng tuần để thúc ép ông ra đi.
Somsak nói: “Có một khoảng cách lớn giữa cái họ giúp tôi và cái tôi cần để có một cuộc sống như hiện nay.  Nếu tôi không chống lại, cái gì sẽ xảy đến cho chúng tôi, và tương lai của chúng tôi?”


Gần Mekong, Trung Hoa ôm chặt

Trên đường dọc theo đập Nam Ou 1, các biểu ngữ với các lời hứa đầy tham vọng: Việc đầu tư 2,8 tỉ USD nầy sẽ chiếm 39% tổng số năng lượng sản xuất ở Lào khi được hoàn tất, có lẽ vào năm tới.
Công nhân Lào tươi cười trong ảnh cùng với công nhân Trung Hoa.  Hình ảnh của các địa điểm du lịch của Trung Hoa như Hổ Khiêu Hiệp (Tiger Leaping Gorge) và Vạn lý Trường Thành (Great Wall) được trưng bày bên cạnh các chùa chiềng ở Lào và các địa điểm khác ở ĐNA.
Một bảng hiệu bằng tiếng Quan thoại và Lào ghi: “Chúng tôi đang tiến lên phía trước không mệt mõi.”
Và ở Luang Prabang, Di sản Văn hóa Thế giới UNESCO ở cuối sông Nam Ou, nhiều bảng hiệu khác đánh dấu sự hiện diện của Beijing.  Một đường sắt lù lù hiện ra trên sông Mekong, một phần của đường sắt dài 257 miles nối liền thành phố Kunning (Côn Minh) của Trung Hoa với Vientiane (Vạn Tượng), thủ đô của Lào.  Dự án 7 tỉ USD nầy là một sự phô trương khác của Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Lào được xem là một mối nối then chốt trong các kế hoạch của Trung Hoa.
Nhưng nhiều người Lào lo ngại việc Trung Hoa ôm chặt kinh tế của nước họ, một quốc gia độc đảng hầu như vắng bóng xã hội dân sự.
Một người lái đò, cho biết với điều kiện dấu tên vì lo sợ trả thù: “Thỉnh thoảng, tôi xem lại tất cả và cảm thấy chúng tôi thuộc về họ.  Tôi lo lắng về chuyện nầy.”

Shibani Mahtani

Phóng viên ĐNA của Washington Post, phụ trách các quốc gia Philippines, Myanmar, Thái Lan và Indonesia.  Cô tham gia Washington Post vào năm 2018 sau 7 năm với Wall Street Journal ở ĐNA và sau đó ở Chicago, phụ trách Trung Đông.



No comments:

Post a Comment