Sunday, March 22, 2020

CON SÔNG QUAN TRỌNG NHẤT ĐÔNG NAM Á ĐANG ĐI VÀO VÙNG NƯỚC LẠ



Southeast Asia’s most critical river is entering uncharted waters

Stefan Lovren – Bình Yên Đông lược dịch
National Geographic – January 31, 2020

Không ảnh, chụp ngày 28 tháng 10 năm 2019, cho thấy khúc sông Mekong dài 185 miles từ đập Xayaburi ở Lào.  
Đáy sông khô cạn ở hạ lưu đập đã khuấy động sự phản đối 
của các nhà bảo tồn và dân làng dựa vào hệ sinh thái đa dạng để sinh sống.


Dòng sông nầy đã nuôi dưỡng nhiều nền văn minh hàng ngàn năm.  Ngày nay, nó đang khô cạn, bị tấn công bởi việc xây đập, đánh bắt bừa bãi, và khai thác cát.

PHNOM PENH, CAMBODIA – Nhiều tháng trước, một con cá heo Irrawaddy hiếm hoi bị vướng vào lưới và mất phương hướng ở rất xa nơi cư trú thông thường ở đông bắc Cambodia trên sông Mekong đang vùng vẫy ở Đông Nam Á (ĐNA).  Các nhà bảo tồn đang tranh đua để đưa ra một kế hoạch giúp cho loài cá sắp tuyệt chủng trước khi quá trễ, nhưng thời gian không còn bao lâu.

Cá heo thỉnh thoảng đóng một vai trò tượng trưng trong văn học dân gian Cambodia.  Con cá heo nầy, lạc đường và mờ mắt, có thể ví như sự lạc đường của sông Mekong.  Vì vận mệnh của cá heo tùy thuộc vào sự cân bằng, tương lai của sông Mekong cũng thế, với dấu hiệu càng ngày càng nhiều hơn cho thấy dòng sông có một trong những hệ sinh thái phong phú nhất trên Trái đất đang bị bóp nghẹt trên phạm vi toàn lưu vực.

Từ nhiều năm nay, người dân đã được cảnh báo về một cuộc khủng hoảng môi trường đang hiện ra dọc theo thủy lộ dài 2.700 miles đi qua 6 quốc gia Á Châu.  Mekong không thể chống đỡ với sự tấn công dữ dội của việc xây đập, đánh bắt bừa bãi, và khai cát cát mãi mãi.  Nhưng bằng cách nào đó, tính cho đến nay, dòng sông đã vượt qua, cung cấp sự trù phú không sao kể xiết cho trên 60 triệu người dựa vào nó để sinh sống. (Nhiều hình ảnh bi thảm cho thấy việc khai thác cát đe dọa đến lối sống ở ĐNA như thế nào)

Rồi vào năm 2019, mọi thứ rẽ vào khúc quanh tồi tệ.  Nó bắt đầu với mùa mưa không đến như thường lệ vào cuối tháng 5.  Khi hạn hán hoành hành trong khu vực, mực nước sông Mekong xuống đến mức thấp nhất trong vòng 100 năm.  Cuối cùng, mưa cũng đến nhưng không kéo dài như thông lệ, và hạn hán tiếp tục.

Trong những tháng qua nhiều điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra.  Ở một vài nơi ở phía bắc, Mekong hùng vĩ chỉ còn là dòng nước nhỏ.  Nước đổi sang màu đáng lo ngại và bắt đầu có rong.  Số cá thu hoạch của nền ngư nghiệp nội địa lớn nhất thế giới giảm sút, và cá đánh được quá nhỏ nên chỉ có thể dùng để nuôi cá.

Zeb Hogan, một chuyên viên về cá của Đại học Nevada, Reno và nhà thám hiểm của National Geographic, nói: “Có nhiều chỉ dấu ở mọi nơi cho thấy dòng sông nầy, đã cung cấp nhiều thứ từ bấy lâu nay, đang ở điểm tới hạn.”

Ngày nay, với Mekong đang đi vào vùng nước lạ, Hogan và nhiều người khác đang thắc mắc: Cái gì ở sau khúc quanh của dòng sông đã nuôi sống nhiều nền văn minh hàng ngàn năm?

Giao động tự nhiên bị gián đoạn

Bắt đầu từ thượng nguồn băng giá của cao nguyên Tây Tạng, sông Mekong chảy qua các vực sâu ở Trung Hoa, được biết như là thượng lưu vực, rồi vào hạ lưu vực qua các quốc gia Myanmar, Lào, Thái Lan, và Cambodia trước khi xòe ra khắp Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam (ĐBSC) rồi đổ ra Biển Đông.

Mekong là một con sông được liên kết chặt chẽ vì những thay đổi ở một nơi có thể có những hậu quả quan trọng ở các nơi khác.  Mức sản xuất lớn lao của nó – nơi cư trú của trên 1.000 chủng loại cá, với nhiều loại chưa được khám phá – tùy thuộc phần lớn vào mùa lũ hàng năm tạo thành nơi cư trú lý tưởng cho cá và chim, và mang phù sa cần thiết cho nông nghiệp ở hạ lưu.

Nhưng chu kỳ lên xuống tự nhiên của sông càng ngày càng bị gián đoạn, với ảnh hưởng của các đập thủy điện và thay đổi khí hậu đã thấy rõ hơn bao giờ.

Phần lớn của vấn đề từ lâu thuộc về Trung Hoa, quốc gia vận hành 11 đập trên Mekong.  Trong lúc hạn hán nghiệm trọng, như hiện nay, phần sông của Trung Hoa đóng góp đến ½ lưu lượng của sông, với các đập giữ lại trên 12.000 tỉ gallons [45.420 tỉ m3] nước, gián đoạn nặng nề lưu lượng ở hạ lưu.

Brian Eyler, giám đốc chương trình ĐNA của Trung tâm Stimson ở Washington, D.C., nói: “Khi hạn hán xảy ra, Trung Hoa kiểm soát lưu lượng của sông có hiệu quả.”

Ngư dân và nông dân ở đông bắc Thái Lan từ lâu đã đối phó với sự giao động khác thường của nước sông khi Trung Hoa trữ hay xả nước từ các đập.  Những thay đổi như thế có ảnh hưởng bất lợi đối với việc di chuyển của cá, và mực nước dâng thình lình thường cuốn trôi hoa màu, gia súc và dụng cụ, làm xáo trộn kinh tế nông thôn.

Mới đây, tình hình trở nên u ám hơn.  Sau khi Trung Hoa giảm ½ mức sản xuất của đập Jinghong (Cảnh Hồng) trong nhiều ngày để thử nghiệm hồi đầu tháng nầy, mực nước đã xuống rất thấp trong nhiều đoạn sông đến nỗi không thể nhận ra, với ghềnh đá khổng lồ và các cồn cát nổi lên giữa thủy lộ rộng lớn.

Chainarong Setthachau, một nhà môi trường ở Đại học Mahasarakham, Thái Lan đã nghiên cứu dòng sông trong nhiều thập niên, cho biết: “Tôi chưa từng thấy như thế nầy.”

Nước đói, nước khát

Ảnh hưởng môi trường của đập sẽ gia tăng khi Lào, quốc gia nghèo nhất vùng, tiếp tục con đường để trở thành “bình điện của ĐNA” bằng cách xây hàng trăm nhà máy thủy điện mới trong những năm sắp đến.  Nước nầy đang vận hành hơn 60 đập trên sông Mekong và các phụ lưu, và trong năm qua, 2 trong số đập được dự trù trên dòng chánh, vẫn chưa bị ngăn đập ở hạ lưu Trung Hoa, bắt đầu hoạt động.

Đập lớn nhất, Xayaburi, từ lâu đã bị kẹt giữa cuộc chiến pháp lý vì lo ngại rằng nó sẽ gây nguy hại cho việc di chuyển của cá và cộng đồng ở hạ lưu.  Nhà phát triển đập, một công ty Thái Lan có tên CK Power, nói rằng họ đã chi trên 600 triệu USD để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực, kể cả việc xây dựng các thang cá (fish ladder) và cửa xả đặc biệt để phù sa đi qua, nhưng nhiều nhà môi trường vẫn chưa được thuyết phục.

Ngay sau khi đập được vận hành, màu nước đục ngầu cố hữu của Mekong bắt đầu đổi sang màu trong xanh ở nhiều nơi xa về phía nam, dấu hiệu cho thấy con sông đã bị lấy đi phù sa nó thường mang để bón cho đất canh tác trong lưu vực.  Tình trạng đó được gọi là “nước đói” và có thể tàn phá dữ dội, vì nước ăn vào bờ sông và gây sạt lở.

Nhiều nhà sinh thái nghi ngờ phù sa bị đập Xayaburi ngăn chận, mặc dù nó cũng có thể do nước chảy chậm khiến phù sa lắng đọng xuống đáy, với nước trong xanh từ các phụ lưu lấn át nước đục.  Tuy nhiên, dường như nhà máy không xả nhiều nước như nó nhận, làm cho mực nước xuống thấp ở hạ lưu. [Lời người dịch: Nhà máy thủy điện không thể giữ lại số nước mà nó nhận được.  Tất cả đều chảy qua máy phát điện và xả xuống hạ lưu.]

Thanapon Piman, một nghiên cứu sinh của Viện Môi trường Stockhom ở Bangkok, nói: “Trong tình trạng hạn hán nầy, các nhà điều hành đập sẽ giữ nước lại càng nhiều càng tốt.” [Lời người dịch: Đập Xayaburi thuộc loại đập dòng chảy (run-of-the-river) nên không có trữ nước ở phía sau đập.  Đập được vận hành với lưu lượng tự nhiên tại vị trí đập.]

Nước trong và chảy chậm cũng cho phép rong tăng trưởng trên cát và đá ở đáy sông.  Thông thường, sự tăng trưởng nầy sẽ bị dòng nước cuốn đi, nhưng điều nầy không xảy ra và trong vài tuần qua hầu hết mé sông ở Thái Lan và Lào hoàn toàn trở nên xanh.

Cùng lúc, nước đói đã vào Cambodia.  So Nam, quản trị viên môi trường của Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) liên chánh phủ, cho biết: “Chúng tôi lo ngại nó sẽ lan xa hơn.  Nếu mực nước quá thấp nầy tiếp tục, mọi thứ sẽ không khá hơn cho đến mùa mưa.”

Nhịp tim chậm lại

Trông chờ vào sự cứu nguy của Mẹ Thiên nhiên, tuy nhiên, đã càng ngày càng trở nên mong manh trong vùng Mekong, mà các nghiên cứu cho thấy rất dễ bị tổn thương vì thay đổi khí hậu.  Hạn hán hiện nay là do hiện tượng El Niño gây ra – ½ chu kỳ thời tiết tự nhiên, ấm và ẩm – được dự đoán sẽ kéo dài nhiều năm và nhiệt độ ấm áp có thể làm cho tình hình thêm nghiêm trọng.

Khi nói đến đánh cá, không có nước nào chịu áp lực nhiều hơn Cambodia.  Nơi có hồ nước ngọt lớn nhất ĐNA, Tonle Sap (Biển Hồ), cũng được biết như “trái tim đang đập của Mekong.”  Mỗi năm, sau khi mưa bắt đầu, Tonle Sap, nối với Mekong qua con sông cùng tên, nở rộng diện tích gấp nhiều lần và cung cấp nơi cư trú cho cá sinh sản và tăng trưởng.  Nó vô cùng quan trọng về mặt thương mại, với ít nhất 500.000 tấn cá được thu hoạch mỗi năm – nhiều hơn tất cả sông hồ ở Bắc Mỹ gộp lại.

Nhưng năm rồi, nước từ Mekong chảy vào Tonle Sap đến quá muộn và rút quá sớm khiến phần lớn hồ không ngập nước.  Cá chết tập thể được báo cáo vì nước cạn và thiếu oxygen.  Theo một ước tính, số cá đánh được ở Tonle Sap có thể giảm đến 90%, buộc nhiều ngư dân phải bỏ nghề.  Những người còn tiếp tục, nhiều người không còn bắt cá để ăn, họ bắt cá con để bán cho các trại nuôi cá, Rohany Isa, một ký giả người Cambodia phụ trách vấn đề Tonle Sap, cho biết.

Tình hình đánh cá tồi tệ tiếp tục đến năm nay, với ít nước – và cá – chảy xuống sông Tonle Sap.  Đây thường là lúc di chuyển lớn nhất của loài thú trên Trái đất, khi hàng tỉ con cá, bắt đầu với cá tra dầu Mekong sắp tuyệt chủng, tìm đường trở lại Mekong. (Xin đọc nơi trú ẩn trong sông giúp cá tra dầu phục hồi.)

Nhưng ngư dân cho biết họ không thấy cá tra dầu trong những tháng gần đây và trey riel bắt được cũng nhỏ hơn nhiều.  Trey riel được gọi là “cá tiền” ở Cambodia.  Hơn 1/3 của khoảng 60 người đóng “đái” trên sông Tonle Sap không làm trong năm nay.

Trong chuyến viếng thăm một đái trong tháng rồi, khoảng 40 miles về phía bắc của thủ đô Phnom Penh, công nhân đã đổ số lớn trey riel trên sàn của một nhà nổi.  Nhưng theo lời giải thích của quản lý Sue Mao, số cá đánh được quá ít so với khả năng thu hoạch của đái trong những năm trúng mùa: trên 5 tấn cá chỉ trong 1 giờ đồng hồ.  Cá cũng nhỏ hơn rất nhiều.

“Chúng quá nhỏ để làm prahok,” Mao nói, ám chỉ một loại mắm là thực phẩm chủ yếu của người Cambodia.

Vào lúc cao điểm của mùa cá, hồi đầu tháng, thu hoạch của đái đã giảm thêm, và đa số người làm đái đã ngừng việc.

Hogan, người cầm đầu dự án “Những Kỳ quan của Mekong (Wonders of the Mekong)” của USAID [United States Agency for International Development (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ)], lo ngại rằng hạn hán nhiều năm sẽ khiến cho số lượng của nhiều chủng loại cá tụt giảm, cùng với nền ngư nghiệp dựa vào chúng.

Ông nói: “Cá có sức phục hồi đáng kể, với khả năng bật dậy từ các sự kiện xảy ra tự nhiên chẳng hạn như hạn hán.  Cái nguy hiểm hiện nay là sông đang thay đổi vượt ra ngoài giới hạn tự nhiên.”

Điều lo ngại lớn nhất của Eyler, giám đốc Trung tâm Stimson, là tình trạng thiếu thực phẩm quan trọng trong Tonle Sap.  Ông nói: “Thông thường, mức thu hoạch là mức cao nhất trên thế giới từ một vùng nước và cung cấp hầu hết chất đạm cho 16 triệu người Cambodia.  Giá cá ở thị trường Cambodia đang tăng vọt và khủng hoảng thực phẩm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.”

Các nỗ lực trong khu vực mang hy vọng

Với mùa khô vừa bắt đầu, có nhiều lo ngại vì tình hình có thể suy đồi nhanh chóng.  Trong khi viên chức Thái Lan cảnh báo về tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trong những tháng sắp tới, các quan sát viên cảnh báo Cambodia có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt thực phẩm quan trọng.  Cùng lúc, lo ngại gia tăng về tình hình của ĐBSCL.  Ở đó, sạt lở tràn lan, chánh yếu là do khai cát cát, khiến cho nhiều nhà cửa và đường sá sụp đổ và tình trạng khẩn cấp được ban bố trong 6 tỉnh.

Eyler nói giới thẩm quyền trong vùng chưa nhận thức được mức nghiêm trọng của tình hình.  “Các chánh phủ Mekong không phản ứng đủ nhanh để thấu hiểu khủng hoảng đang đến và cộng tác để giảm bớt nguy cơ và cải thiện sức hồi phục.”  Ông cũng thêm rằng, trong nhiều trường hợp, các viên chức không biết rằng họ đang có phương tiện trong tay để sử dụng, thí dụ như cứu hạn.

Hogan tin rằng ưu tiên kinh tế cần được thay đổi để Mekong sinh tồn.  Ông nói: “Dòng sông đã thay đổi cho lợi ích của con người như một nguồn điện.  Điều đó phải thay đổi để các dịch vụ như thực phẩm, mầu mỡ, và hệ sinh thái của dòng sông lành mạnh, liên tục và chảy tự do được đánh giá cao hơn.”

Điều đó có nghĩa là chấm dứt hay ít nhất làm chậm cuộc đua xây đập trên Mekong, mà cho đến nay dường như chưa xảy ra.  Trong khi vài chánh phủ, như Cambodia, có thể đang cứu xét các kế hoạch xây đập ở vùng đông bắc, Lào vừa thông báo việc xây đập đầy tranh cãi gần Khu Di sản Thế giới ở Luang Prabang sẽ bắt đầu trước thời hạn trong năm tới.

Với sự hợp tác khu vực được xem như rất cần thiết để thay đổi chánh sách, một số người đang trông vào MRC đóng một vai trò mạnh hơn.  Tổ chức nầy từ lâu rất yếu về mặt chánh trị, vì nó chỉ bao gồm 4 quốc gia trong lưu vực mà không có Trung Hoa, đã thiết lập ủy hội riêng của mình, Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)). (Mekong được gọi là Lancang ở Trung Hoa.)

Nhưng 2 tổ chức vừa cam kết cộng tác chặt chẽ hơn.  Anoulak Kittikhoun, phụ trách chiến lược và hợp tác của MRC, nói: “Đây là điểm khởi đầu thuận lợi.  Chúng tôi hoan nghênh vì Trung Hoa đang cởi mở hơn.”

Ông nói rằng khi Trung Hoa thử nghiệm ở đập Jinghong hồi đầu tháng nầy, họ đã thông báo cho các quốc gia hạ lưu trước 1 tuần vì lưu lượng giảm.  Kittikhoun nói: “Trong quá khứ, họ không làm như vậy.”

Và hầu hết các nhà bảo tồn đồng ý rằng vẫn không quá trễ để cứu sông Mekong.  Pianporn Deetes, một người vận động cho International Rivers, nói: “Chúng tôi thấy Mekong bị tổn thương, và càng ngày càng nhiều sự hủy hoại xảy ra ở đó đây.  Nhưng nó chưa chết.  Giá trị sinh thái không đếm xuể của Mekong có thể phục hồi và hoạt động trở lại để duy trì tương lai của khu vực.”

.

No comments:

Post a Comment