Monday, April 29, 2024

“CHÚNG TÔI TÌM THẤY 700 CHỦNG LOẠI KHÁC NHAU”: CON SỐ LỚN KHÁC THƯỜNG CỦA ĐỜI SỐNG HOANG DÃ ĐƯỢC KHÁM PHÁ TRONG RỪNG ĐƯỚC Ở CAMBODIA

(‘We found 700 different species’: astonishing array of wildlife discovered in Cambodia mangroves)

Robin McKie – Bình Yên Đông lược dịch

The Guardian – 14 April 2024

 

Rái cá có lông mũi và mèo bắt cá trong số những sinh vật đa dạng gây sửng sốt cư trú trong những nơi cư trú bị đe dọa

 

Một trong những khảo sát đa dạng sinh học tổng thể nhất chưa từng được thực hiện trong rừng đước vừa khám phá rằng một số lớn đời sống hoang dã chọn rừng đước làm nơi cư trú trong những nơi bị đe dọa then chốt nầy.

Hàng trăm chủng loại – từ dơi đến chim và cá đến côn trùng – được xác nhận trong nghiên cứu nơi cư trú Peam Krasop và khu bảo tồn Ramsar Koh Kapik kế cận ở Cambodia.  Rái cá có lông mũi, rái cà lông mướt, chồn hương đốm lớn, khỉ đuôi dài và mèo bắt cá, cũng như nhiều loại dơi, nằm trong số cư dân được ghi nhận trong cuộc khảo sát, được tài trợ bởi nhóm bảo tồn Fauna and Flora International (Động Thực vật Quốc tế).  Nhiều đời sống hoang dã khác nhau đã gây choáng váng các nhà sinh học.

Rái cá lông mướt trong rừng đước. [Ảnh: FCEE]

 

“Chúng tôi tìm thấy 700 chủng loại khác nhau trong những rừng đước nầy nhưng chúng tôi nghi rằng chúng tôi chưa làm trầy bề mặt,” Stefanie Rog, trưởng nhóm khảo sát, tác giả của phúc trình được công bố hôm Chủ nhật nói.  “Nếu chúng tôi có thể nhìn vào vùng sâu hơn chúng tôi có thể tìm được gấp 10 lần hơn thế, tôi chắc chắn.”

 


Rừng đước có dạng những dãy đất có cây lộn xộn trên bờ biển trong vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới.  Chúng quan trọng vì chúng gồm có cây đã thích ứng để lớn trong nước mặn hay lợ mà hầu hết cây khác không thể sống được.  Tuy nhiên, trong vài thập niên qua, hành tinh đã mất khoảng 40% rừng đước, thường bị đốn xuống để làm nơi giải trí bãi biển hay nông nghiệp.

Nhưng đước đóng những vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ đất và cư dân của nó.  Vùng nước của chúng cung cấp nơi nuôi dưỡng cho cá có tầm quan trọng thương mại, thí dụ.  “Chúng tôi tìm thấy cá nhồng (barracuda) con, cá hồng (snapper) và cá mú (grouper) trong vùng nước ở đây,” Rog nói.  “Chúng quan trọng rõ ràng là những nơi sinh sản của cá và cung cấp cho cộng đồng địa phương thực phẩm cũng như cung cấp cá cho thủy sản thương mại.”

Rừng đước cũng bảo vệ vùng đất nội địa chống sóng thần và giông tố, thu hút carbon có hiệu quả hơn nhiều các loại rừng khác, và có tác dụng như nơi trú ngụ cho nhiều loại thú vật choáng người, như nghiên cứu mới khám phá qua sử dụng rộng rãi bẫy máy hình, lưới, cá và côn trùng ước tính, và khảo sát “cắt ngang” – những nghiên cứu được thực hiện dọc theo một đường thẳng cắt ngang khung cảnh.

 

Một con khỉ đuôi dài ở công viên quốc gia Tanjung Puting. [Ảnh: Juan Pablo Moreira]

 

Một thí dụ then chốt của những chủng loại khác thường được tìm thấy trong rừng đước ở Cambodia là mèo bắt cá, Prionailurus viverrimus.  Lớn hơn mèo nuôi trong nhà một chút, nó có thân hình mạnh mẽ với chân ngắn và mình chắc nịt, và – không giống như hầu hết mèo – nó rất thích bơi.  Móng trước của nó đặc biệt có màng chân như vịt và vuốt của nó nhô ra, giúp cho nó cá khả năng bắt mồi, phần lớn là cá và chuột, mà nó đuổi theo trong khi rình mồi trong rễ cây đước.  “Rất hiếm khi thấy một con mèo bắt cá và chúng tôi chỉ phát hiện chúng trong rừng qua hình ảnh từ các bẫy máy hình của chúng tôi,” Rog nói.

“Rừng đước là nơi mà rễ cây và bùn và chúng rất khó cho con người đi vào, đó là lý do chúng cung cấp nơi trú ngụ quý giá cho những thú vật dễ tổn thương nầy.”

Một con thú hiếm hơn, rái cá có lông mũi, cũng được ghi hình bởi bẫy máy ảnh trong một số vùng cũ nhất của rừng đước.  Lutra sumatrana dùng lông chung quanh mũi để khám phá con mồi, gồm có loài giáp xác, động vật thân mềm, và các sinh vật khác.

 

Rừng đước Peam Krasop: nhóm khảo sát tìm thấy 700 chủng loại gồm có 74 loại cá trong vùng nước ven biển. [Ảnh: Steph Baker]

 

Nó là rái cá hiếm nhất Á Châu và ở trên bở vực tuyệt chủng – và rằng đó là vấn đề lo ngại thật sự, Rog nói.  “Rừng đước dựa vào tất cả mối liên hệ liên kết giữa chủng loại và nếu bạn bắt đầu lấy đi một số chủng loại đó, thì dần dần bạn sẽ mất chức năng của rừng.”

Cuộc khảo sát – cũng được hỗ trợ bởi Fishing Cat Ecological Enterprise (Kinh doanh Sinh thái Mèo Bắt Cá), một nhóm bảo tồn – khám phá 74 chủng loại cá sống trong vùng nước của rừng đước, cũng như 150 loại chim, trong số đó có 15 được liệt kê gần bị đe dọa hay có nguy cơ tuyệt chủng trong sách đỏ của International Union for Conservation Nature (IUCN) (Liên hiệp Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế).

Các nhà khoa học nói rằng đước đóng một vai trò then chốt trong việc bảo tồn những hệ sinh thái vì chúng có tác dụng như những chướng ngại vật 2 chiều giữa đất và biển.  Chùng làm chậm sạt lở vào biển và bảo vệ các cộng đồng ven biển tránh ngập lụt và giông tố.

“Nhưng nó cho nhiều hơn thế,” Rog nói thêm.  “Rừng đước xinh đẹp, phong phú, bí mật, và thu hoạch quá nhiều đời sống.”

“Chúng có rất nhiều thứ hơn là một hệ sinh thái cung cấp một dịch vụ thu hút carbon hay bảo vệ bờ biển.  Chúng thật sự xinh đẹp vì những phẩm chất đặc biệt của chúng.  Đối với tôi, không có cảm nhận nào tốt hơn khi ở trong rừng bí mật và đặc thù nầy, biết rằng vẫn còn rất nhiều để khám phá – rằng có một thế giới khác đang chờ để khám phá thêm.”

NHỮNG VÙNG ĐƯỢC BẢO VỆ MANG GÁNH NẶNG MẤT RỪNG TIẾP TỤC TRÊN KHẮP CAMBODIA

(Protected areas bear the brunt as forest loss continues across Cambodia)

Gerald Flynn – Bình Yên Đông lược dịch

Mongabay – 17 April 2024

 

Đập Stung Veal Thmor Kambot đang được xây trong tâm điểm của Công viên Quốc gia Kravanh – cũng như trong vùng Dự án REDD+ Nam Cardamom. [Ảnh: Gerald Flynn]

 

·                     Trong năm 2023, rừng bị mất ở Cambodia có kích thước bằng thành phố Los Angeles, hay 121.000 hectares (300.000 acres), theo dữ kiện mới nhất được công bố bởi Đại học Maryland.

·                     Đa số mất mát nầy xảy ra bên trong những vùng được bảo vệ, với Khu Trú ngụ Đời sống Hoang dã Prey lang ở trong tình trạng khó khăn ghi nhận mức mất rừng cao nhất trong cái được xem là một trong những năm tệ hại nhất được ghi nhận.

·                     Một nhà hoạt động bảo tồn hàng đầu nói đốn gỗ bất hợp pháp bên trong những vùng được bảo vệ được thúc đẩy một phần bởi nhu cầu xuất cảng gỗ quý, “nhưng chánh quyền có vẻ không để ý về việc bảo vệ những rừng nầy.”

·                     Mặc dù khuynh hướng đáng lo ngại được làm nổi bật bởi dữ kiện, chánh phủ Cambodia đã đặt một mục tiêu đầy tham vọng để gia tăng độ bao phủ rừng của quốc gia đến 60% vào năm 2050.

 

PHNOM PENH – Dữ kiện mới được công bố bởi Đại học Maryland ngày 4 tháng 4 và có sẵn qua diễn đán theo dõi vệ tinh Global Forest Watch (Quan sát Rừng Toàn cầu) cho thấy rừng tiếp tục mất trên khắp Cambodia trong năm ngoái, nhất là trong những vùng được công nhận được bảo vệ bởi Bộ Môi trường.

Năm ngoái đã thấy 121.000 hectares (300.000 ares) rừng, một diện tích có kích thước của thành phố Los Angeles, mất trên khắp Cambodia.  Trên 48.000 hectares (119.000 acres) trong số nầy được ghi nhận là rừng nguyên thủy, theo Global Forest Watch.

Một phân tích được thực hiện bởi Mongabay sử dụng dữ kiện của phòng thí nghiệm GLAD Đại học Maryland cho thấy đa số mất rừng ở Cambodia trong năm ngoái xảy ra bên trong những vùng được bảo vệ.  Đánh giá mất mát tàng cây rừng với cường độ 30% hay cao hơn, Mongabay thấy rằng trên 66.000 hectares (163.000 acres) rừng đã biến mất từ những vủng được bảo vệ của Cambodia trong năm 2023.

Tuy nhiên, con số rất khó để so sánh với những năm trước, theo sau những thay đổi cuốn đi đối với hệ thống vùng được bảo vệ của Cambodia đã thấy thêm trên 1 triệu hectares (2,5 triệu acres) được tái xếp loại như được bảo vệ trong tháng 7 và 8 năm 2023.

 

Dữ kiện mới của Global Forest Watch cho thấy làm thế nào trên ½ cùa tất cả rừng bị mất trong năm 2023 xảy ra bên trong những vùng được bảo vệ.

 

Phát ngôn viên Bộ Môi trường Khvay Atitya không trả lời những câu hỏi chi tiết được Mongabay gởi đến qua app điện tín Telegram, thay vào đó tuyên bố rằng Cambodia có 73 vùng được bảo vệ bao gồm 7,2 triệu hectares (17,8 triệu acres) – khoảng 41% khối đất của Cambodia – và rồi cho chi tiết của kế hoạch quản lý mới của bộ.

Atitya cũng từ chối cho ý kiến về quyết định gần đây của bộ để ngưng chia sẻ bản đồ của ranh giới những vùng bảo vệ và các khung cảnh nhà nước khác với “những tổ chức hay cá nhân,” được báo cáo vì lo sợ những bản đồ nầy được dùng cho những mục đích bất hợp pháp không được ghi rõ và để “nâng cao việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.”

Các bản đồ cho hầu hết tất cả ranh giới được cập nhật của những vùng được bảo vệ của Cambodia được chia sẻ công khai đến tháng 7 và 8 năm rồi bởi nhiều nguồn của chánh phủ, gồm có nay là Thủ tướng Hun Manet và bộ trưởng môi trường Say Samal.

Sử dụng những bản đồ nầy, có thể tính rằng trong số tất cả những vùng được bảo vệ ở Cambodia, Khu Trú ngụ Đời sống Hoang dã Prey Lang ghi nhận mức mất rừng cao nhất, với gần 11.500 hectares (28.400 acres) của khu trú ngụ bị mất.  Điều nầy đại diện cho một trong những năm tệ hại nhất kỷ lục cho Prey Lang – mặc dù rừng được bảo vệ được nới rộng gần 60.000 hectares (148.000 acres) hồi năm ngoái.

 

Trong năm 2020, những người đốn gỗ bất hợp pháp ở gần nơi chuyển nhượng Think Biotech lợi dụng đại dịch Covid-19 đển âm thầm rút ruột Khu Trú ngụ Đời sống Hoang dã Prey Lang. [Ảnh: ma Chettra]

 

Việc nới rộng của mỏ vàng do người Trung Hoa điều hành và mở một mỏ quặng sắt do con buôn gỗ nổi tiếng Try Pheap làm chủ, cả hai đóng góp đáng kể vào việc phá rừng được thấy ở Prey Lang hồi năm ngoái.  Đốn gỗ bất hợp pháp liên kết với Think Biotech và công ty anh em Angkor Plywood cũng đóng một vai trò lớn.

Với 7.232 hectares (17.871 acres) của rừng bị mất, Khu Trú ngụ Đời sống Hoang dã Beng Per là vùng được bảo vệ bị ảnh hưởng tồi tệ hàng thứ 2nd trong năm ngoái.  Những quyến lợi nối kết chánh trị đã cướp rừng nhiều năm, và năm 2023 không phải là một ngoại lệ.  Một người từng được Try Pheap che chở, Ouk Kimsan, đi từ nhà bảo tồn tham nhũng đến nhân vật hột điều bằng cách buôn lậu gỗ và hồi đầu năm nay đối mặt với những cáo buộc đốn gỗ nặng nề trên khắp Khu Trú ngụ Đời sống Hoang dã Beng Per.

Khu Trú ngụ Đời sống Hoang dã Phnom Samkos có mức phá rừng thứ 3rd trong số những vùng được bảo vệ của Cambodia trong năm 2023.  Mặc dù NGO bảo tồn Wildlife Alliances (Liên minh Đời sống Hoang dã) mới có ý định để thiết lập một dự án REDD+ mới trong khu tru ngụ, 6.125 hectares (15.135 acres) rừng đã biến mất hồi năm ngoái.

Một trong những nghị sĩ giàu có nhất của Cambodia, Ly Yong Phat của đảng cầm quyền Nhân dân Cambodia, hiện đang xây đập thủy điện Stung Meteuk bên trong Phnom Samkos, mặc dù hình ảnh vệ tinh cho thấy việc khai quang rừng đã đi lệch ra ngoài ranh giới chánh thức của vị trí đập thủy điện.  Cũng có những mất mát đáng chú ý trong Công viên Quốc gia Kravanh (cũng được gọi là Công viên Quốc gia Cardamom), nơi một số đập thủy điện đe dọa rừng mưa già và đã bao che cho những người đốn gỗ bất hợp pháp bị phanh phui bởi Mongabay.

 

Mặc dù việc xây cất chỉ mới bắt đầu gần đây, việc đốn gỗ ở đập Stung Meteuk đã đi qua những ranh giới của hồ chứa và đốn rừng nguyên thủy trong Khu Trú ngụ Đời sống Hoang dã Phnom Samkos. [Ảnh: Gerald Flynn]

 

Tham những là động cơ then chốt của phá rừng

Thêm 5.213 hectares (12.882 acres) rừng bị mất bên trong Công viên Quốc gia Veun Sai-Siem Pang, chỉ được thiết lập như một vùng được bảo vệ hồi năm ngoái nhưng đã là mục tiêu của việc đốn gỗ đại qui mô được điều hành bởi trùm tư bản được biết như Oknha Chey, người mà Mongabay nhận diện như Meck Saphanareth, phó giám đốc nhà giam của Cambodia và là một tướng 3 sao.

“Trong suốt đại dịch Covid-19, có nhiều vụ đốn gỗ bất hợp pháp vì tham nhũng,” Heng Kimhong, giám đốc của Hiệp hội Hệ thống Trẻ Cambodia, nói, thường vận động để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Cambodia và kêu gọi thi hành luật pháp thích đáng được thực hiện để đối phó với tội phạm rừng.

“Đốn gỗ bất hợp pháp tiếp tục trên khắp những vùng được bảo vệ, việc bán  gỗ quý ra nước ngoài là một yếu tố, nhưng chánh quyền có vẻ không lo về việc bảo vệ những rừng nầy,” ông nói với Mongabay trong một cuộc phỏng vấn trên điện thoại.  “Có nhiều hoạt động đốn gỗ đại qui mô được làm chủ bởi người có thế lực muốn có đất, vì thế họ mướn người địa phương khai quang rừng và thỏa thuận để mua đất từ chánh quyến địa phương.”

 

Một trại cưa bên trong khu chuyển nhượng T.S.M.W., theo nhà hoạt động rừng Ouch Leng, người chụp ảnh nầy trong tháng 12 năm 2022. [Ảnh: Ouch leng]

 

Kimhong chỉ vào việc ruồng bố gần đây do Bộ Môi trường cầm đầu trong các huyện Veal Veang và Phnum Kravanh, tỉnh Pursat, mà theo Khmer Times theo chánh phủ, kết quả là trên 600.000 hectares (1,48 triệu acres) đất bị xâm chiếm được trả lại cho nhà nước – mặc dù 2 huyện chiếm tổng cộng khoảng 770.000 hectares (1,9 triệu acres).

Những cơ quan truyền thông theo chánh phủ khác nói rằng tổng số đất thu hồi là 145.585 hectares (395.748 acres) hay 9.800 hectares (24.216 acres).

Atitya của bộ môi trường làm rõ rằng 10.441,65 hectares (25.801,88 acres) đất đã được thu hồi bởi chánh quyền.  Cuộc hành quân hỗn hợp trong tỉnh Pursat liên quan đến gần 800 người bảo vệ rừng của bộ môi trường cũng như chánh quyền địa phương đã tịch thu tập thể một số cưa, xe gắn máy, cọc rào và máy cắt cỏ trong cuộc hành quân.  Theo Atitya, 40 nghi can bị bắt giữ với 16 bị đưa ra tòa.

Đối với Kimhong, nó là đại diện mới nhất của một loạt những cuộc hành quân thi hành luật pháp được thực hiện được tuyên bố để ruồng bố tội phạm tài nguyên thiên nhiên mặc dù thất bại trong việc đưa những người vi phạm có thế lực ra trước công lý.

Mặc dù có những thất bại nầy và chiều hướng cho thấy bởi dữ kiện của Đại học Maryland, chánh phủ đã đặt những mục tiêu đầy tham vọng để gia tăng độ bao phủ rừng của Cambodia lên đến 60% vào năm 2050, với Eang Sophalleth, bộ trưởng môi trường từ năm 2023, nhằm trồng 1 triệu cây trong năm nay, không rõ những cây nầy sẽ được trồng ở đâu hay liệu chúng sẽ sống còn.

“Chúng tôi thấy nhiều chánh sách được làm, một số được thi hành, chúng tôi hy vọng rằng chánh phủ mới thật sự thi hành luật nầy,” Kimhong nói.  “Nhưng nó giống như chánh phủ trước khi hành động chỉ được làm khi thủ tướng ra lệnh, thì nó sẽ không khả chấp cho rừng – chánh quyền phải đi theo ngôn ngữ của luật pháp hơn là miệng của người có quyền thế.”

CÁC CHUYÊN VIÊN PHÁC HỌA NHỮNG LỢI ÍCH CỦA KINH ĐÀO FUNAN TECHO

(Experts outline benefits of Funan Techo Canal)

Niem Chheng – Bình Yên Đông lược dịch

The Phnom Penh Post – 25 April 2024

 

Một hình vẽ của dự án Kinh đào Funan Techo, được công bố gần đây bởi Bộ Công chánh và Giao thông. [Ảnh: MPWT]

 

Dự án Kinh đào Funan sẽ không có những ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng và chỉ sẽ mang những lợi ích kinh tế, những nhà phân tích nói, mặc dù một số chỉ trích từ những nhà bình luận Việt Nam và phê bình ngoại quốc khác.

Dự án được loan báo hồi năm ngoái sau 26 tháng nghiên cứu khả thi, với chi phí tổng cộng được mong đợi gần 1,7 tỉ USD.  Kinh đào được ước tính sẽ mất 4 năm để hoàn tất.

Thủy đạo dài 180 km sẽ nối Prek Takeo của hệ thống sông Mekong với Prek Ta Ek và Prek Ta Hing của hệ thống sông Bassac, và đến tỉnh ven biến Kep của Vương quốc, đi qua các tỉnh Kandal, Takeo và Kampot.

Dự án sẽ gồm có 3 đập với cửa, 11 cầu và 208 km đường ở 2 bên thủy đạo.

Kinh sẽ có chiều rộng 100 m ở đầu kinh, và 80 m ở cuối kinh, với chiều sâu đến 5 m.  Hai làn sẽ làm dễ dàng cho tàu bè di chuyển an toàn trong hướng ngược nhau.

Khoảng 1,6 triệu người sống trên 2 bờ kinh được dự trù.

Với việc xây cất được sự trù bắt đầu vào cuối năm nay, có nhiều lo ngại chồng chất từ các chuyên viên của Việt Nam, theo nhiều cơ quan truyền thông khác nhau ở quốc gia láng giềng.

Báo VNExpress báo cáo hôm 25 tháng 4 rằng các chuyên viên lo sợ rằng việc xây cất kinh đào sẽ đưa đến tình trạng thiếu hụt nước ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (ĐBSCL) – chén cơm và rau của quốc gia láng giềng – cũng như gia tăng mặn hóa, do sự gia tăng xâm nhập của nước mặn.  Họ cảnh báo rằng điều nầy có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái mong manh của đồng bằng và việc canh tác hoa màu.

Cơ quan truyền thông nói rằng một cuộc hội thảo hôm 23 tháng 4 được tổ chức ở Việt Nam để thảo luận ảnh hưởng của kinh đào trong tương lai.

Mặc dù không có gì bất thường để các nhà bình luận Việt Nam bày tỏ những lo ngại của họ vì họ ở hạ lưu của kinh đáo, nguyên thủ lãnh đối lập Sam Rainsy cũng tham gia vào việc tranh luận, đề nghị rằng “những cứu xét nghiêm chỉnh” nên được thực hiện đối với dự án.

Mặc dù chia sẽ nhận thức của ông về những ảnh hưởng môi trường và xã hội của kinh đáo, Rainsy cũng cáo buộc rằng kinh đào là một phần của “chiến lược của Trung Hoa”.

“Qua chánh sách đế quốc của họ, Trung Hoa đang tìm cách để bảo đảm đường vào vịnh Thái Lan qua Cambodia và Lào, đang chịu ảnh hưởng của họ,” ông nói.

Những nhận xét của nguyên lãnh tụ đối lập tự lưu vong gây giận dữ cho đại đa số thành viên của quần chúng đã phê bình trên trang truyền thông xã hội của ông, với nhiều người đề nghị rằng ông không chú ý đến quyền lợi tốt nhất của người dân.

Sok Touch, chủ tịch của Viện Hàn lâm Hoàng gia Cambodia, nói với The Post hồm 25 tháng 4 rằng Rainsy thường chối bỏ tất cả những phát triển được đề nghị ở Vương quốc, mà không cứu xét lợi ích mà chúng mang lại cho quốc gia.

“Ông chống đối tất cà mọi thứ, chỉ để làm cho tiếng nói của ông được nghe.  Điều nầy không giúp cho Cambodia – ông có vẻ đang làm việc cho người ngoại quốc để đánh Cambodia.  Ông có làm bất cứ nghiên cứu nào trước khi cho nhận xét?  Như chúng ta đều biết, nơi nào có nước, nơi đó có đường đi,” ông nói.

Trong một cuộc hội thảo gần đây, Touch trình bày chi tiết làn thế nào để kinh đào sẽ mang lợi ích cho Vương quốc, và giải thích rằng nó sẽ có ít ảnh hưởng môi trường.

Ông cũng lưu ý rằng nhiều đập thủy điện đã hoạt động ở thượng lưu của Việt Nam, và hỏi liệu Việt Nam có bao giờ thắc mắc về việc xây cất của chúng.

“Ảnh hưởng của Kinh đào Funan Techo ở Cambodia sẽ rất ít hơn nhiều so với chỉ 1 của các đập thủy điện ở thượng lưu,” ông nói.

Touch giải thích rằng Vương quốc rất cần kinh đào để tránh chi phí xuất cảng cao cho hàng hóa của mình qua các cảng của Việt Nam, cũng như để giảm chi phí vận tải bằng xe vận tải và xe lửa.  Ông cũng lưu ý rằng điều nầy sẽ thu hút thêm đấu tư.

Ông lưu ý rằng sự kiện mặn hóa đang xảy ra ở ĐBSCL; lưu ý rằng điều nầy là do mực nước biển dâng và mực nước thấp hơn trong sông Mekong, vì một số đập đã được xây cất ở thượng lưu.

“Cambodia có toàn quyền để lấy quyết định của mình.  Chúng tôi là một quốc gia có chủ quyền, và theo đuổi một chánh sách ngoại giao dựa trên việc xây dựng liên hệ mạnh mẽ với tất cà quốc gia, dựa trên quyền lợi hỗ tương,” ông nói.

“Khi Kinh đào Funan Techo hoàn tất, sẽ không có lo ngại cho nông nghiệp và canh tác hoa màu dọc theo kinh đào vì khi chúng tôi có nước, chúng tôi có tất cả,” ông nói thêm.

Touch cũng làm dịu bớt những lo lắng về những cáo buộc rằng Trung Hoa có thể dùng kinh đào cho mục đích quân sự, nói rằng Hoa Kỳ, và cũng như Trung Hoa, có kỹ thuật hiện đại và vệ tinh thám sát có thể theo dõi tất cả các hành động quân sự.

“Nếu Hoa Kỳ không có những khả năng nầy, làm sao họ có thể nhắm đến các lãnh đạo quân sự của Iran và làm sao họ có thể giết Osama Bin Laden ở Pakistan, trong khi chính người Pakistan không biết ông ở trong quốc gia của họ?  Họ dùng vệ tinh,” ông nói.

 

Ky Sereyvath, một nhà nghiên cứu kinh tế ở Viện Hàn lâm Hoàng gia Cambodia, chi tiết nhiều lợi ích của kinh.  Ông giải thích rằng một khi hoạt động, nó sẽ tiết kiệm thời gian hàng hóa chuyển giao, trong khi cũng làm chi phí giao thông giảm đến 300 USD cho mỗi thùng hàng.

“Việc giảm 300 USD trong chi phí sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh cho Cambodia trong thị trường quốc tế.  300 USD nầy sẽ bù trừ cho chường ngại thuế khóa của Âu Châu và Hoa Kỳ,” ông nói.

“Khi Cambodia tốt nghiệp tình trạng quốc gia kém phát triển và trở thành một quốc gia có thu nhập thấp hơn ở giữa, kế hoạch mậu dịch Everything But Arms (EBA) (Mọi thứ Ngoại trừ Vũ khí) từ EU sẽ mất.  Bằng cách giảm chi phí, kinh đào sẽ cho chúng tôi lợi thế cạnh tranh đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới,” ông nói thêm.

Sereyvath cũng lưu ý rằng cơ sở mới cũng sẽ làm dễ dàng hơn để vận chuyển hàng hóa nông nghiệp từ các tỉnh chung quanh hồ Tonle Sap, giảm thời gian di chuyển, và vì thế bảo đảm rau cải đến các chợ càng tươi càng tốt.

Ngoài ra, ông cũng nhìn xa rằng kinh đào cũng sẽ phuc4 vụ như một hồ chứa nước, thu nhận nước mưa dư từa từ vùng chung quanh trong mùa mưa, trong khi cũng cung cấp một nguồn nước ngọt cho người dân trong mùa khô.

Ông cũng đề nghị rằng hạ tầng cơ sở mới sẽ đưa đến việc tạo nên một vài mạo hiểm du lịch mới dọc theo chiều dài của nó, đưa đến cơ hội gia tăng công ăn việc làm.

“Một lợi ích khác của kinh đào là nó sẽ cung cấp lạc quan cho người dân của chúng tôi.  Một khi chúng tôi có kinh đào, người dân Cambodia sẽ thấy rằng chúng tôi có mạch sống của chính mình đến biển.  Chúng tôi không nên nhìn thế giới qua lăng kính tiêu cực, vì điều nầy làm cho chúng tôi thấy thế giới rất mờ hơn,” ông nói thêm.

Wednesday, April 24, 2024

Hồ Phương Trinh - Miền Tây, vùng châu thổ bị tàn phá!

 19/4/2024

 Bài 1 & 2:


https://docs.google.com/document/d/1dCI1eOZnmbeRSiIT3x7XzigScE3cGQcak_NHh2hNfhQ/edit?usp=sharing

 

Bài 1: Miền Tây không có LŨ hay HẠN

 

 

Hệ thống sông Cửu Long

 

MIỀN TÂY và MIỀN ĐÔNG là hai miền Tây, Đông của miền Nam Việt Nam. Miền Tây là vùng châu thổ, lưu vực của sông Tiền, sông Hậu. Miền Tây sông, kinh, rạch chằng chịt, trong sách vở cũng nói nhiều về điều này.

Rạch là những nhánh nhỏ của sông, xẻo là những nhánh nhỏ của rạch.

Rạch và xẻo là những nhánh tự nhiên của sông. Rạch và xẻo miền Tây nhiều vô số, có tên và không tên.

Kinh là những con sông do người đào để nối liền sông, rạch hoặc để thuận đường giao thông thủy hoặc dẫn nước. Miền Tây có con kinh Chợ Gạo nối từ sông Tiền ở Mỹ Tho qua sông Vàm Cỏ (Long An) để rút ngắn đường thủy từ miền Tây lên Sài Gòn và miền Đông. Kinh Vĩnh Tế nối từ Châu Đốc đến Hà Tiên cũng là một con kinh nổi tiếng.

Vùng tứ giác Long Xuyên có một hệ thống kinh dẫn nước từ sông vô đồng, do bọn "đế quốc sài lang" đào bằng "xáng cạp". Hệ thống kinh này được gọi bằng số: Kinh Bảy, Kinh Mười Ba...và vẫn đang được sử dụng tốt.

MIỀN TÂY có nhiều miệt: miệt đồng, miệt vườn, miệt thứ... v.v... nơi thì ruộng lúa cò bay thẳng cánh, chỗ thì vườn dừa ngút ngàn, chỗ khác thì toàn cam quýt bưởi, vùng khác nữa thì sầu riêng chôm chôm nức tiếng. Có vùng thì toàn ruộng trồng khóm chứ không trồng lúa.... Có vùng thì mỗi năm có ba tháng nước sông dâng lên ngập đồng, nhà vùng đó toàn nhà sàn. Có vùng thì mỗi năm ba tháng nước lợ, cây trái không chết nhưng nước sông lợ khó uống thì nhà ai cũng có một hàng lu chứa nước mua đủ uống trong mùa nắng, nước lợ, nhà giàu thì xây bồn chứa nước mưa đủ uống quanh năm. Vì sao như vậy? vì người miền Tây thuận theo tự nhiên, nương theo mùa mưa, mùa nắng, mùa nước, phù sa của sông ... mà sống, mà trồng trọt, chăn nuôi, khai thác tôm cá. Bao đời như vậy đã tạo nên một miền Tây trù phú, là vựa lúa, vựa trái cây, vựa tôm cá nuôi sống cả nước và xuất khẩu.

Miền Tây có bị HẠN không? Theo bài Địa lý học hồi tiểu học thì nước ta ở vùng nhiệt đới gió mùa, mỗi năm có hai mùa mưa nắng: mùa mưa từ KHOẢNG tháng tư dương lịch tới KHOẢNG tháng mười một dương lịch, các tháng còn lại là mùa khô. Mùa mưa trùng với mùa gió mùa Tây Nam (gió nồm), mùa khô là mùa gió mùa Đông Bắc (gió bấc). Những vùng gần sông rạch thì nước sông rạch không bao giờ cạn. Mùa khô, miền Tây gọi là mùa kiệt thì nước ít hơn chút, mùa mưa thì nước nhiều một chút. Vùng không gần sông rạch thì có những đìa chứa nước để tưới hoa màu trong mùa kiệt. Mà hoa màu trồng mùa kiệt tốt hơn mùa mưa: dưa hấu, đậu xanh và đậu các loại, các loại rau, bầu bí v.v...

Thực tế ba bốn chục năm nay hai mùa mưa nắng ở miền Tây đều đúng như trong bài địa lý năm xưa. Chưa có năm nào mà tới tháng năm chưa mưa, hay đưa đến tháng mười một đã hết mưa. Vậy nên, miền Tây với một mùa mưa dài hơn 6 tháng và hệ thống sông rạch chằng chịt, thì chưa bao giờ có HẠN HÁN. Trong các truyện cổ tích thì ba năm không mưa sông suối khô cạn thì mới gọi là hạn hán.

Còn nước sông Tiền sông Hậu thì sao? Mỗi năm vào tháng 6-7 âm lịch, nước trên Biển Hồ Campuchia tràn xuống, sông không chảy kịp nên nước tràn bờ, dâng lên ngày vài phân (vài centimet cm). Nước dâng lên từ từ như vậy tới tháng chín âm lịch là cao nhứt rồi từ tự rút xuống tới tháng mười âm lịch là rút cạn. Dân địa phương gọi là mùa nước nổi, chứ không phải mùa lũ. Nước dâng lên có "lịch trình" đem theo nhiều phù sa vào đồng ruộng, và tôm cá trong mùa nước nổi thì khắp đồng đâu cũng có thể đánh bắt cá được. Nước nổi làm chết đuối? Người lớn phải giữ con nít không té xuống nước, cũng giống như giữ con không cho chạy ra lộ. Không thể nói điện giựt chết người thì điện là có hại, nước nổi cũng vậy. Thực tế thì con nít vùng nước nổi biết lội (bơi) trước khi biết chữ. (Con tui cũng vậy!)

Mùa nước nổi nước chỉ ngập vùng gần Biển Hồ: An Giang, Đồng Tháp, Long An gần biên giới. Nước chưa kịp ngập tới hạ lưu sông thì đã đến lúc nước rút. Vậy nên trên sông Tiền, từ Sa Đéc xuống hạ lưu: Vĩnh Long, Mỹ Tho; trên sông Hậu từ Long Xuyên xuôi dòng tới Cần Thơ... không có mùa nước nổi.

Tóm lại miền châu thổ Cửu Long trù phú từ xưa không có hạn hay lũ, vậy sao bây giờ cứ phải chống hạn, chống lũ?

 

Bài 2 – Ai làm ra lũ, hạn?

20/4/2024

 

Hình 1: vùng tứ giác Long Xuyên với hệ thống kinh nối từ sông Hậu ra biển Tây

 

Như bài trước đã nói, Miền Tây không có lũ mà chỉ có mùa nước nổi ba bốn tháng ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, gần biên giới trong địa phận các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An. Vùng tứ giác Long Xuyên là vùng sản xuất lúa chủ yếu của An Giang, mỗi năm làm hai vụ lúa, vì có mùa nước nổi nên không thể làm lúa vụ ba để tăng sản lượng lúa hơn nữa.

Năm 1989 là năm đầu tiên sau 75 Việt Nam ta không còn lo thiếu đói mà đã có dư gạo để xuất khẩu. Từ đó ở trên cứ muốn xuất khẩu gạo nhiều, nhiều nữa, nhiều mãi. Thế là phải nghĩ cách làm lúa vụ ba ở vùng tứ giác Long Xuyên. Muốn làm lúa vụ ba thì phải không có mùa nước nổi, muốn triệt mùa nước nổi thì phải biến nó thành "lũ". Thế là đài báo thi nhau la lên: mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại abc xyz. Tới nỗi mà bạn bè tôi ở Sài Gòn, những năm ấy cứ tới mùa nước là hỏi thăm tôi ở An Giang có bị lũ cuốn chưa. Họ tưởng tượng ra rằng tôi hai tay ôm hai đứa con ngồi quặp chân vắt vẻo trên xà nhà giữa bốn bề nước ngập, chờ người tới cứu. Thực tế thì ngôi nhà tôi ở là nhà sàn, từ hồi được cất lên (1979) tới giờ chưa từng bị ngập nước, kể cả mùa nước năm 2000 cao kỷ lục thì cũng cách sàn nhà tôi ba bốn tấc. Đa số nhà trung nông ở đây là vậy, chỉ nhà nghèo quá cất tạm bợ, thấp thì mới bị ngập, mà ngập thì cũng có thời gian kê dọn đồ đạc vì nước không dâng lên tức thì mà từ từ đủng đỉnh trong mấy tháng trời. Hiếm nhà ai cất thấp tè đến nỗi ngập tới nóc. Nếu có nhà nào ngập tới nóc mà ta thấy trên hình trên phim chắc là trại ruộng ở ngoài đồng chứ không phải nhà ở.

Vì là LŨ nên phải đào kinh "thoát lũ ra biển Tây". Ui chao! Từ thời vua Gia Long đã có hai con kinh nối từ sông Hậu ra biển Tây: kinh Thoại Hà nối từ Long Xuyên tới Rạch Giá, đào năm 1817 và kinh Vĩnh Tế nối từ Châu Đốc tới Hà Tiên đào năm 1918. Tới thời thực dân Pháp thì bọn thực dân đào thêm bốn con kinh nữa nối từ sông Hậu qua biển Tây: hai con kinh trong vùng tứ giác Long Xuyên là kinh Tri Tôn và kinh Ba Thê. Hai con kinh khác ngoài tứ giác Long Xuyên là kinh Cái Sắn từ Cái Sắn (xuôi khỏi Long Xuyên một đoạn) nối qua Rạch Sỏi (Kiên Giang), và kinh Xà No từ sông Hậu ở Cần Thơ nối qua sông Cái Lớn Kiên Giang và cũng đổ ra biển Tây.

Tới thời đế quốc Mỹ thì chính quyền VNCH đào nhiều kinh ngang dọc như bàn cờ trong vùng tứ giác Long Xuyên, thêm nhiều kinh nối ra biển Tây mà quen thuộc nhứt là kinh Tha La, kinh Trà Sư. Kinh trong vùng này nhiều tới nỗi một số có tên và số khác thì chỉ được đánh số kinh 1, kinh 2, kinh 16 v.v...Tới giữa thế kỷ 20 thì vùng tứ giác Long Xuyên đã được khai phá xong, đất tốt, mỗi năm đều có phù sa do nước sông mang vào, lắng xuống. Lúa tốt mà không cần phân bón. "Chị hai năm tấn quê ở Thái Bình" là đồ bỏ, vì chị hai làm cả năm mấy vụ lúa mới được 5 tấn, còn ở "vùng lũ" này người ta làm một vụ thôi là 6-7 tấn/ha rồi.

Vậy là "trên" chỉ đạo tỉnh An Giang đào kinh thoát lũ ra biển Tây. Kinh T5 được đào nối từ kinh Vĩnh Tế ra kinh Rạch Giá Hà Tiên rồi đổ ra biển Tây. Mà cái kinh Rạch Giá - Hà Tiên này là do thực dân Pháp đào hồi 1930, cũng góp phần điều tiết nước cho vùng Tứ Giác bấy lâu nay. Gọi kinh T5 vì đã có kinh T3 từ trước, giờ đào thêm kinh T4, T5, T6 mà chỉ có T5 là nối ra tới bờ biển Tây, còn kinh T4, T6 thì đổ vào các kinh khác trong vùng (và cũng vòng vèo ra biển)

Thử hỏi trong vùng tứ giác biết bao nhiêu là con kinh đã có, từ sông Hậu nối qua bờ biển Tây, từ kinh Vĩnh Tế (cũng là nước từ sông Hậu) nối qua bờ biển Tây. Chỗ nào đào được kinh để cày cấy được thì người ta đã đào rồi, chỗ không đào kinh có nghĩa là đất chỗ đó không khai thác được. Bao nhiêu con kinh người ta đào là để đưa nước vào làm ruộng và thoát nước ra biển Tây là sự kéo theo thôi, và thực tế thì mùa nước lên vẫn lên, với bao nhiêu con kinh đó thêm kinh Cái Sắn kinh Xà No chảy về biển Tây mà "lũ" vẫn "lũ" có chăng là bớt vài phân vài tấc. Vậy thì đào thêm một kinh T5 chút ét, thêm T4, T6 ngắn ngủn ở chỗ người ta chừa lại không đào kinh thì có thoát lũ ra biển Tây được hay không? và góp bao nhiêu phần để khai thác vùng Tứ Giác đã được khai phá xong từ đời nảo đời nào?

Vậy mà khua chiêng gióng trống về công trình thoát lũ ra biển Tây. Vài "nhà khoa học" cũng hùa theo, báo chí thì ca ngợi nhờ kinh T5 mà vùng Tứ giác Long Xuyên được khai phá hahaha!

 

 

Hình 2: sông Hậu vẫn đầy nước

 

Chưa hết, đào kinh T5 "thoát lũ" không xong, lại phải đắp đê bao "ngăn lũ". Những con kinh lớn trong vùng nước nổi khi đào bằng xáng múc thì đổ đất lên hai bờ. hai bờ kinh cao ráo, người ta cất nhà dọc theo bờ kinh. Các bờ kinh này thành đường lộ, thường không bị ngập nước. Khi đắp đê bao thì người ta dùng những bờ kinh có sẵn này, đắp lại những chỗ hở khi nối bờ này với bờ kia, thành một vòng đê nhỏ. Nhiều vùng nhỏ có đê bao như vậy, nước ở ngoài đê. Trong đê người ta làm lúa vụ ba, để tăng lượng lúa xuất khẩu. Chủ trương đắp đề này dân không được chống lại, mà dân phải góp tiền đắp đê. Ai không góp tiền thì khi chứng giấy tờ hay có việc với xã ấp thì không được giải quyết. Đóng tiền đi rồi nói chuyện.

Vì bao đê rồi nên ai không muốn cũng phải làm lúa vụ ba. Có năm nước lớn, nhiều tiểu vùng bể đê, nước tràn vô chết lúa. Nếu không bể đê thì nước mưa ngập chút ít trong đê, thành nước tù đọng hôi thúi. Chuyện đắp đê này phá vỡ hệ sinh thái, sinh ra nhiều hệ lụy, nhiều chuyện cười ra nước mắt, có thể viết thành truyện dài nhiều tập!

Đó là mùa nước nổi, còn mùa khô này thì sao? có "hạn" không? Nhà tôi ở ven bờ sông Hậu. Hiện giờ nước vẫn đầy, sông vẫn chảy, các kinh nối từ sông Hậu vô đồng vẫn nhiều nước, lúa Hè Thu vẫn đang lên xanh đồng, vẫn đủ nước. Những nơi đất cao hơn mặt ruộng nhiều thì bị khô hạn, phải tưới nước nhiều. Vườn của tôi cao hơn mực nước năm 2000 nên mùa này hơi tốn nước tưới.

 

Bài 3: Vùng "ngọt hóa" thiếu nước ngọt, vì đâu?

https://docs.google.com/document/d/1pGWVHBFTS2kTSWKvlwFSxbYAl48sfoltbffJa_C42uo/edit?usp=sharing

 


Hình: Bản đồ vùng ngọt hóa Gò Công và các địa điểm có nhắc trong bài.

 

"HẠN MẶN" là gì?

Biển Đông của Việt Nam có chế độ thủy triều là "bán nhật triều", nghĩa là một ngày có hai lần thủy triều lên/xuống (điều này đã được học trong bài địa lý hồi tiểu học). Giờ thủy triều lên xuống thay đổi mỗi ngày tùy theo vị trí của mặt trăng đối với trái đất. Mỗi tháng có hai lần thủy triều lên cao nhứt là vào đầu tháng và giữa tháng âm lịch, (là lúc mặt trăng gần trái đất nhứt), dân miền Tây gọi là CON NƯỚC RONG, từ mới bây giờ gọi là TRIỀU CƯỜNG.

Mỗi ngày khi thủy triều lên, nước biển dâng cao thì nước từ cửa biển sẽ chảy ngược vào sông một đoạn, và làm nước sông và các kinh rạch gần biển dâng lên cao một chút, dân trong vùng gọi là nước lớn, độ một giờ sau thủy triều xuống, nước sông chảy lại chảy ra biển, dân trong vùng gọi là nước ròng. Vùng có con nước lớn ròng ở miền Tây là vùng gần biển Đông của các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Phía vịnh Thái Lan (biển Tây) có Cà Mau, Rạch Giá, Kiên Giang. Thủy triều biển Tây thấp hơn thủy triều biển Đông.

Vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch, lưu lượng nước sông Cửu Long lớn, mùa kiệt từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau lưu lượng nước nhỏ bằng phân nửa hoặc ít hơn khi mùa mưa (Lưu lượng là thể tích nước chảy trong một giây, ở đây nói trung bình cho cả mùa). Hiểu nôm na lưu lượng là nước nhiều/ít làm dòng chảy sông mạnh/ yếu.

HỒI XƯA, mùa mưa lưu lượng nước lớn, dòng sông chảy mạnh ra biển, khi thủy triều lên nước biển đẩy ngược vào sông không được bao xa thì nước ròng lại bị đẩy ra nên mùa mưa nước sông ngọt hầu như tới sát cửa biển. Mùa kiệt thì khi thủy triều lên nước mặn đẩy vô sông xa hơn, nhưng cách biển 20km thì suốt mùa kiệt là nước lợ, dân gọi "nước pha chè", uống không ngon nhưng vẫn uống được, tắm giặt cũng được, không bị rít. Cây dừa vẫn sống khỏe, cho trái bình thường.

Khoảng 10 năm trở lại đây, do thượng nguồn sông từ Trung Quốc xuống Miến Điện, Lào, Thái lan...có nhiều đập thủy điện và do vài lý do khác nên lượng nước sông Cửu Long trong mùa kiệt ít hẳn, khiến dòng chảy sông yếu lại, khi thủy triều lên thì nước biển đẩy sâu hơn vào dòng sông, và càng cuối mùa kiệt thì nước mặn càng đẩy sâu hơn, từ mới bây giờ báo chí gọi là HẠN MẶN.

Năm 2016 là năm hạn mặn khốc liệt, nhưng năm 2020 khốc liệt hơn. Năm 2020 trên sông Hàm Luông (là một cửa của sông Tiền) nước mặn lên tới Cái Mơn (chỗ đánh dấu ngôi sao trong bản đồ) là nơi mà nước ngọt quanh năm từ hồi "mở cõi" đến nay, khiến cho cây sầu riêng, là đặc sản của vùng Cái Mơn chết sạch. Vùng Cái Mơn từ đó không còn là vùng cây trái ngọt lành nữa rồi dù không phải năm nào nước mặn cũng xâm nhập tới!

VÌ SAO "NGỌT HÓA" không hiệu quả?

Ngọt hóa là từ mới, để chỉ các dự án ngăn nước mặn vô vườn ruộng, để bảo vệ lúa và cây trồng. Dự án ngọt hóa ở vùng châu thổ Cửu Long nhiều vô kể. Dự án lớn có: "Ngọt hóa bán đảo Cà Mau", "dự án cống đập Ba Lai", "dự án ngọt hóa Gò Công". Mới nhứt có dự án "ngọt hóa vùng sông Cái Lớn Cái Bé". Các dự án này tôi sẽ nói kỹ hơn ở các bài sau. Hôm nay nói về dự án ngọt hóa Gò Công, vì hiện nay Gò Công đang bị hạn mặn khốc liệt, báo chí la làng, người vùng khác nghe tưởng cả miền Tây đang chết khô.

Vùng dự án ngọt hóa Gò Công là ngọt hóa vùng từ kinh Chợ Gạo về phía đông, bao gồm các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công và Gò Công Đông (xem bản đồ). Các kinh rạch nối ra sông Cửa Tiểu (phía dưới) và sông Vàm Cỏ (phía trên) đều xây cống đập để ngăn nước mặn vào khu vực.

Năm hạn mặn 2020 mặn xâm nhập sâu tới Cái Mơn, cách cửa biển khoảng 60 cây số. Quê nội tôi ở Hưng Nhượng Bến Tre cách biền khoàng 20 cây số (chỗ đánh dấu trái tim trên bản đồ) nước mặn không tắm giặt được. Năm nay, tới thời điểm này (20-04-2024) ở xã Hưng Nhượng quê tôi nước vẫn pha chè, còn tắm giặt được, chỉ không uống được mà thôi. Vậy mà sao năm nay vùng ngọt hóa Gò Công lại bị "hạn mặn" khốc liệt hơn năm 2020?

Nhìn vào bản đồ ta thấy những kinh rạch trong vùng ngọt hóa lấy nước ngọt từ sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Khi nước sông mặn thì đóng cống lại để ngăn mặn. Như đã nói ở phần trên, nước sông mặn theo thủy triều, khi thủy triều lên thì nước biển đẩy vào, khi triều xuống thì nước ngọt trên nguồn đẩy xuống, nước mặn lui ra chứ không phải mặn suốt ngày đêm. Vận hành cống thì canh lúc nước triền xuống mở cống cho nước ngọt vào, khi triều lên thì đóng cống cho nước mặn không xâm nhập. Một ngày có hai lần thủy triều lên xuống, mỗi lần 2 tiếng từ khi nước chảy ngược đến lúc nước chảy xuôi, tính ra là thời gian sông chảy ngược ngắn hơn khi chảy xuôi rất nhiều.

Không biết do "quan trắc" độ mặn (đo độ mặn) ở cửa cống sai hay do đóng cống trước để ngăn mặn cho chắc mà lượng nước lấy vô đồng thiếu, khiến cho cả vùng vốn dùng nước ngọt từ sông Vàm Cỏ và sông Tiền để tưới ruộng vườn mà ĐỘT NHIÊN bị ngăn dòng nước khiến cho nông dân trở tay không kịp. Đến lúc kinh rạch, vườn ruộng nội vùng bị khô nứt nẻ thì lại sinh nạn xì phèn ở ruộng và lở đất bờ kinh rạch. Lúc này canh mở đóng cống để lấy nước ngọt thì cũng đã muộn màng, vì nước đã mặn nhiều hơn (nhưng đài báo đang ca ngợi đội ngũ canh cống). Nước uống dễ tiếp tế chứ nước cho ruộng vườn thì không thể nào khắc phục kip!

Dù vì lý do gì đi nữa thì dự án ngọt hóa Gò Công đã thất bại hoàn toàn ở mùa kiệt năm nay. Ngăn mặn nhưng ngăn luôn nước ngọt thì thật là vô ích. Ở xã Hưng Nhượng (Bến Tre) quê tôi, gần biển hơn vùng Chợ Gạo, Gò Công Tây mà mùa kiệt năm nay nước mặn chưa đủ ảnh hưởng đến vườn dừa. Nước uống từ nước mưa tích trong mùa mưa cũng còn đủ. Thế nhưng thành phố Bến Tre, Châu Thành Bến Tre, những chỗ xa biển hơn quê tôi nhưng xài nước máy thì nước đều bị nhiễm mặn vì lấy nước từ sông lớn.

(Bài tôi viết từ kinh nghiệm thực tế của người dân vùng châu thổ, không phải bài nghiên cứu khoa học nên tôi không dẫn các số liệu vì sẽ rườm rà, khó nắm bắt. Nếu muốn thì bạn đọc có thể tra cứu độ xâm nhập mặn các năm 2016, 2020, 2024 để biết thêm chi tiết.)

 (CÒN TIẾP)

SOURCE:

https://phuongnguyen2010.blogspot.com/2024/04