Thursday, August 30, 2018

Miền Bắc mưa rất to tiếp tục kéo dài hết 31/8, Hà Nội mưa kèm giông, tố


HOÀNG NAM | 30/08/2018 07:30 



Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 30 đến hết ngày 31/8, mưa to tập trung ở khu vực Tây Bắc, miền núi phía Bắc (70-120mm/24 giờ), riêng các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai mưa rất to (100-150mm/24 giờ).

Ngày và đêm 30/8 là cao điểm của đợt mưa lớn do ảnh hưởng của rãnh áp thấp hoạt động mạnh với vùng xoáy thấp phát triển từ tầng thấp đến 5.000m. Vùng núi Bắc Bộ và tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/24 giờ). 

Riêng khu vực Đồng bằng, Trung du Bắc Bộ và các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to (80-150mm/24 giờ).
Tỉnh đến 1 giờ ngày 30/8, lượng mưa phổ biến trong khoảng 50-100mm, có nơi cao hơn như Việt Trì (Phú Thọ) 107mm, ở Hữu Lũng (Lạng Sơn) 142mm, Cầu Sơn (Bắc Giang) 202mm, Lục Nam (Bắc Giang) 133mm Quảng Hà (Quảng Ninh) 166mm,...

Sáng 30/8, khu vực các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Hòa Bình đã có mưa to.
Lượng mưa đo được trong 2 giờ tại Than Uyên 32mm, Tân Lạc 25mm, Văn Bàn 13mm…trong sáng 30/8, các khu vực Lai Châu, Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa sẽ có mưa vừa, mưa to với lượng từ 20-40mm.

Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa đặc biệt là ở huyện Than Uyên (Lai Châu), Văn Bàn (Lào Cai), Tân Lạc (Hòa Bình), Mường Lát và Quan Hóa (Thanh Hóa). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp hai.

Ngày 30/8, phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, riêng Sơn La-Hòa Bình có mưa to đến rất to và rải rác có giông. Gió nhẹ. Trong cơn giông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.
Độ ẩm từ 75-100%. Nhiệt độ thấp nhất từ 22-25 độ C, cao nhất 26-29 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, riêng khu vực Đồng bằng và Trung du có mưa to đến rất to và rải rác có giông. Gió nhẹ.
Trong cơn giông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 72-100%. Nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C, cao nhất 27-30 độ C.

Thủ đô Hà Nội nhiều mây, có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có giông. Gió nhẹ. Trong cơn giông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 75-100%. Nhiệt độ thấp nhất từ 24-27 độ C, cao nhất 26-29 độ C.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế nhiều mây, phía Bắc (Thanh Hóa-Nghệ An) có mưa to đến rất to và rải rác có giông; phía Nam có mưa rào và giông rải rác. Trong cơn giông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.
Gió Tây Nam cấp 2-3. Độ ẩm từ 68-100%. Nhiệt độ thấp nhất từ 24-27 độ C, cao nhất 27-30 độ C, phía Nam 30-33 độ C.

Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận mây thay đổi, ngày nắng, có nơi có nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và giông vài nơi. Gió Tây Nam cấp 2-3. Độ ẩm từ 55-95%. Nhiệt độ thấp nhất từ 25-28 độ C, cao nhất 32-35 độ C, có nơi trên 35 độ C.

Khu vực Tây Nguyên mây thay đổi, có mưa rào và dông vài nơi, chiều tối có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có giông. Gió Tây Nam cấp 2-3.
Trong cơn giông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 65-98%. Nhiệt độ thấp nhất từ 21-24 độ C, cao nhất 28-31 độ C, có nơi trên 31 độ C.

Khu vực Nam Bộ mây thay đổi, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và giông vài nơi. Gió Tây Nam cấp 2-3. Độ ẩm từ 60-98%. Nhiệt độ thấp nhất từ 24-27 độ C, cao nhất 31-34 độ C.

Trên biển, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 20-23 độ vĩ Bắc. Gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình thịnh hành trên khu vực Biển Đông gây mưa rào và giông rải rác trên khắp các khu vực.

Riêng khu vực vịnh Bắc Bộ có gió Tây Nam đến Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy./.


Tuesday, August 28, 2018

Xác người trong lũ và bút phê phá rừng


  • Lê Trai
  • Thứ ba, 26/06/2018
Vỏn vẹn hơn một ngày mưa lớn, từ đêm 23 đến chiều tối 24/6, đã có 14 người thiệt mạng, 11 người mất tích vì lũ quét. 4 tỉnh miền núi chia nhau con số thiệt hại hơn 110, 6 tỷ đồng. 

Lũ quét kinh hoàng cuộn qua quốc lộ 279 nối Lào Cai và Lai Châu. (Ảnh: FB)

Những xác người vùi trong bùn lũ – hình ảnh tang thương ấy đủ để nói nên mức độ thảm khốc của lũ quét kinh hoàng những ngày qua. Nơi lũ đi qua, tất cả còn lại là hỗn loạn, thảm thương. Nhưng có lẽ sẽ còn nhiều hơn nữa thiệt hại về nhân mạng và tài sản, khi hàng ngàn hecta đất rừng đã đang được lên sẵn danh mục chờ phá. Rừng đang không chỉ bị phá bởi lâm tặc. Rừng bị tàn phá triệt để, phá “bất khả xâm phạm” hơn bởi bút phê.

Xét riêng Lai Châu – tỉnh vừa có 22 người chết và mất tích, 90 tỷ bị cuốn theo lũ chỉ trong vòng hơn một ngày đêm -, trong một năm 2017, tỉnh này đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 30 dự án, trong đó có 7 dự án về thủy điện, 7 dự án về chế biến, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng. Dự án gối dự án khi trước đó, siêu dự án thủy điện Lai Châu – công trình thủy điện lớn thứ ba trên sông Đà vừa chính thức hoàn thành vào cuối năm 2016.

Dự án thủy điện Lai Châu có công suất 1.200 MW, tổng đầu tư 35.700 tỷ đồng. Về tổn thất sinh thái nhãn tiền, là 1.536,1 ha rừng bị tàn phá (trên địa bàn tỉnh Điện Biên là 22,1 ha).

Nhưng đó chưa phải tất cả. Theo Quyết định 2254 ngày 3/5/2012 – “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2015 có xét đến năm 2020” – do Bộ Công thương phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Lai Châu sẽ có thêm 62 dự án thủy điện lớn nhỏ, tổng công suất thiết kế 682,31 MW. Cần nhớ Lai Châu có đặc điểm địa hình nhiều dãy núi và cao nguyên, núi cao, dốc – trên 60% diện tích có độ cao trên 1.000 m, trên 90% diện tích có độ dốc trên 25°. Với việc chấp thuận phá rừng hàng loạt phục vụ hàng chục dự án thủy điện vừa và nhỏ, chính quyền tỉnh Lai Châu đã tự đặt một chân vào việc gián tiếp gây nên cái chết và mất tích của hàng chục người mỗi năm.

Cuối năm 2017, chính quyền tỉnh Lai Châu cho biết tổng diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng là 2.437 ha. Gần 2.500 ha rừng đã bị phá bằng chính sách khi không một dự án sử dụng đất rừng nào hỏi ý kiến người dân theo đúng nghĩa rằng người dân có thể đưa ra ý kiến bất thuận khiến dự án được điều chỉnh hoặc ngừng triển khai. Thực tế, ngay cả khi các chủ đầu tư nghiêm túc trồng lại rừng theo đúng quy định thì cũng phải mất ít nhất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nữa mới có thể tái tạo được hệ sinh thái rừng đã mất. Tái tạo rừng không phải việc trảm một cây to rồi gieo một mầm nhỏ xuống và coi như chưa có gì xảy ra.
Trên mặt đất, rừng bị phá. Dưới lòng đất, những dự án khai khoáng được cấp phép khai thác trên diện rộng phá vỡ hết các cấu trúc địa chất lâu đời. Phá rừng và khai khoáng cộng hưởng gây nên lũ quét kinh hoàng chỉ sau hơn một ngày mưa lớn.

Vẫn tại tỉnh Lai Châu, chỉ một huyện Tam Đường đã có 4 cơ sở khai thác đá được cấp phép, một bãi vàng, 7 điểm và 17 hộ khai thác cát nhỏ lẻ (con số đã tạm dừng hoạt động). Tam Đường là một trong những huyện đang tan hoang vì lũ quét từ đêm 23/6.

Tại xã Mường So, huyện Phong Thổ, 2 mỏ đá đang được khai thác với diện tích 8.000 m2. Huyện Phong Thổ là cửa ngõ lũ quét đổ về trong đêm 23.

Không kể các điểm khai thác vàng, đá vôi, cát, sỏi, chì kẽm… đã đang được tỉnh cho khai thác, cuối năm 2015, mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) – mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam được Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép cho Công ty CP đất hiếm Lai Châu (VIMICO) thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiến hành khai thác. Mỏ có diện tích gần 133 ha, tổng trữ lượng trên 11,3 triệu tấn. Dự kiến khai thác trong 30 năm, với công suất khai thác 10.000 tấn/năm.

Chúng tôi mong muốn thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng, các trung tâm thương mại, thủy điện, khai thác đất hiếm…”, Chủ tịch UBND Lai Châu Đỗ Ngọc An cho biết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu ngày 23/4/2016. Dường như cả chính quyền tỉnh Lai Châu lẫn lãnh đạo Bộ TN-MT đều bỏ qua bài học nhãn tiền từ Trung Quốc. 

Trung Quốc là nước khai thác đất hiếm nhiều nhất, với sản lượng 120.000 tấn mỗi năm, chiếm 97% thế giới. Sông Hoàng Hà – nguồn nước cung cấp cho hơn 150 triệu dân bị biến thành dòng sông độc bởi chất thải từ mỏ khai thác đất hiếm. Tại tỉnh Quảng Đông, cánh đồng lúa và suối, kênh… bị hủy hoại bởi nguồn axít cực mạnh rò rỉ từ những khu khai thác đất hiếm gần đó. Dân số từ 2.000 người giảm xuống còn vài trăm người do bệnh tiêu chảy, loãng xương, tim phổi.

Báo cáo tổng kết năm 2017 của tỉnh cho hay sau 13 đợt mưa lũ, 15 người chết, 801 ngôi nhà ở bị ảnh hưởng, nhiều diện tích cây trồng và các công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch bị hư hỏng,… tổng thiệt hại ước tính trên 241 tỷ đồng.

Số tiền ngân sách trên thu về từ những dự án coi rẻ tính mạng người dân. Nhưng càng bởi vì là tiền ngân sách, nên mạng người năm này qua năm khác tiếp tục bị thờ ơ. Những “cơn lũ” giấy phép hợp thức hóa phá rừng chưa bao giờ thôi được ký duyệt.

Gỗ rừng chảy về, chảy thẳng vào nhà quan. Tháng 9/2017, căn nhà 80 m3 gỗ của Chi cục trưởng kiểm lâm Quảng Trị – ông Khổng Trung bị phát hiện. Những loại gỗ quý nhóm một như hương, gõ cho đến nhóm bảy, tám như xoan đều có mặt. Cùng thời gian, căn nhà toàn gỗ quý của nguyên chủ tịch UBND huyện Ea Súp, Đắk Lắk Trần Ngọc Quang được nêu tên. Nhà rộng 12 m, sâu 8 m, có 17 cột, cột lớn cao 5 m, đường kính 36 cm, cột nhỏ cao 3,8 m, đường kính 22 cm; bộ bàn ghế gỗ quá lớn bày trong nhà nói giá 1 tỷ đồng, không ai tin. Còn căn nhà gỗ quý cặp Tỉnh lộ 943, do con gái ông Vương Bình Thạnh – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đứng tên – căn nhà 2 tầng, diện tích mặt sàn gần 600 m2, tổng diện tích mặt sàn gần 1.200 m2, thiết kế hoàn toàn gỗ với chạm trổ tinh xảo. Giá thi công theo hợp đồng khoảng 8,3 tỷ đồng, chưa tính giá trị đất và đồ nội thất bằng gỗ.

Cũng không chỉ nhà quan. Ham muốn những món đồ gỗ đẹp đẽ và bằng gỗ xịn để chứng minh nhà có của vẫn tồn tại trong tư duy của nhiều người. Chẳng phải đại gia, mua đồ cũng nhất định phải là gỗ thịt. Người viết từng được mời ăn một bữa cỗ khao làng vì gia chủ vừa “tậu” một bộ bàn ghế cùng bộ tranh tứ quý bằng gỗ từng, thớ cuộn tròn, thơm phức, trị giá 48 triệu đồng. Một gia đình làng mới điển hình, vợ “đi công ty”, chồng chạy rạp đám hiếu, hỷ.

Chiều nay, sau hơn một ngày mưa lớn, hồ thủy điện Lai Châu mở cửa xả lũ với lưu lượng khoảng 8.000 m3/s. Một cách tuần tự, sau phá rừng, khoét mỏ, thì đương nhiên là xả lũ khi nước lớn tràn về. Nó trở thành tác nhân thứ ba gây nên cái chết của nhiều người. Nhà cửa, tài sản, thú nuôi,… cứ theo nước mà trôi đi.

Lạ lùng thay, gánh nặng ngân sách đang được chia đều cho dân bằng thuế, phí, giá. Hệ lụy môi sinh cũng chia đều cho dân, bằng mạng người, bằng tài sản. Nhưng còn cái gọi là lèo lái sự phát triển thì đang chia đều cho ai? Mối nguy không chỉ dừng ở mức cảnh báo, chúng đã hiện hữu hàng năm, và ngày càng thảm khốc, tang thương. Nhưng những dự án, bản quy hoạch vẫn hiên ngang được cấp phép, thông qua, từ tỉnh, bộ, tới chính phủ.
Sự suy yếu của quốc gia bởi thế không phải vì hết đường cải sửa, mà là vì lòng người không muốn đổi thay.

Lê Trai

Source:

Lũ đầu nguồn lên nhanh, nước đã tràn qua đập tràn Tha La, Trà Sư

LĐO | 27/08/2018 | 10:30

 

Đập Trà Sư thời điểm xả lũ. Ảnh: Lục Tùng

Sáng nay 27.8, nước lũ nội đồng tứ giác Long Xuyên lên nhanh, mực nước đã tràn qua đập Tha La và Trà Sư (huyện Tịnh Biên, An Giang).

Nước lũ tràn qua đập Trà Sư. Ảnh: LT

Theo ghi nhận tại hiện trường, cao trình mực nước thượng lưu của hai đập đã vượt đỉnh đập khoảng 0,10m nên nước chảy tràn qua với lưu tốc khá cao.

Mực nước thực đo tại vùng thượng nguồn thân đập Trà Sư. Ảnh: LT

Các ngành chức năng tỉnh An Giang đã đến hiện trường thị sát và bày tỏ quan ngại, nhưng vẫn chưa thể ra lệnh xả đập (thực tế thân đập là caosu dầy 3cm) vì còn chờ ý kiến đồng thuận từ cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang.
Cận cảnh nước chảy tràn qua đập. Ảnh: LT 

Một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp An Giang cho biết, dự kiến ban đầu ngày 3.9 sẽ chính thức vận hành xả đập. Tuy nhiên do diện tích lúa hè thu trong vùng tứ giác Long Xuyên (gồm An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang) còn nhiều, nhất là Kiên Giang nên An Giang và Kiên Giang đang thảo luận thời điểm thích hợp và hài hòa nhất.

Lũ vùng nội đồng tứ giác Long Xuyên đang lên nhanh. Ảnh: Lục Tùng. 

Đây là hiện tượng khá lạ, bởi theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn An Giang, hiện mực nước lũ trên 2 sông chính của vùng đầu nguồn sông Cửu Long là Tiền Giang (tại Tân Châu) và sông Hậu (tại Châu Đốc) vẫn còn thấp hơn mức báo động II khoảng 0,10m, trong khi đó mực nước nội đồng vùng Tứ giác Long Xuyên lại lên nhanh.
Tính đến sáng nay, mực nước trên kênh Vĩnh Tế tại Xuân Tô (Tịnh Biên) đã vượt mức báo động II. Vì vậy mà nước lũ đã tràn qua 2 đập Tha La và Trà Sư.

Cận cảnh đập cao su Trà Sư. Ảnh: Lục Tùng

Được biết Tha La và Trà Sư là công trình đập bằng caosu đầu tiên ở Việt Nam, cao trình đỉnh là 3,80m. Chiều dài thân đập lần lượt của Trà Sư và Tha La là 90m và 72m. Đập có nhiệm vụ ngăn lũ đầu vụ và cuối vụ nhằm kiểm soát mực nước lũ vùng đầu nguồn tứ giác Long Xuyên. 

Đập Trà Sư thời điểm xả lũ. Ảnh: Lục Tùng

Khi áp lực nước phía thượng nguồn vượt đỉnh, sẽ điều hành xả lũ để bảo vệ thân đập.

Lục Tùng