Wednesday, August 1, 2018

Thủy điện 'băm nát' các dòng sông miền tây xứ Nghệ

01/08/2018

Không phải khi dự án thủy điện XePian - XeNamnoy gây thảm họa ở Lào vấn đề thủy điện ở Nghệ An mới được đề cập. Vấn đề này đã nóng lên từ nhiều năm qua khi các nhà máy thủy điện “băm nát” các dòng dòng sông ở miền Tây xứ Nghệ.

“Băm nát” các dòng sông, “thôn tính” nhiều bản làng

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 47 dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch, với tổng công suất 1.407,1MW. Trong đó có 8 dự án lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ có tổng công suất 1.011MW; 24 dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công thương với tổng công suất 291,8MW; 15 dự án thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Nghệ An, tổng công suất 102,8MW.


Thủy điện mọc lên như nấm...
 
Tuy nhiên, tính toán thấy hiệu quả thấp, mới đây UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Công thương loại khỏi quy hoạch 15 dự án thủy điện với tổng công suất 46,15MW. Như vậy, tính đến nay, toàn tỉnh còn 32 dự án với tổng công suất 1.359,9MW.

Trong số này có 15 dự án đã vận hành phát điện với tổng công suất 855,5 MW; 9 dự án đang thi công với tổng công suất 101,4MW; 5 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai với tổng công suất 327MW, trong đó dự án thủy điện Mỹ Lý, Nậm Mô 1 đang chờ hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Lào; 3 dự án với tổng công suất là 67 MW đã có trong quy hoạch được phê duyệt nhưng chưa có chủ trương đầu tư.

Theo thống kê của Sở Công thương Nghệ An, huyện Quế Phong có tới 11 dự án (7 dự án đang xây dựng), Kỳ Sơn có 8 dự án, Tương Dương có 6 dự án, Con Cuông và Quỳ Châu mỗi huyện có 2 dự án. 3 dự án thủy điện phải di dời người dân với số lượng lớn, đó là Bản Vẽ (3.002 hộ), Hủa Na (1.362 hộ) và Khe Bố (585 hộ).

Với số lượng nhà máy thủy điện được bố trí xây dựng dày đặc trên các hệ thống sông, nhiều dòng sông ở Nghệ An đang bị “băm nát”, dòng chảy bị biến đổi. Trong khi, vùng hạ lưu trơ đáy thì vùng thượng lưu các nhà máy thủy điện, nước dâng lên khiến nhiều diện tích rừng bị ngập sâu dưới nước, nhà cửa, ruộng vườn sạt lở. Nhiều bản làng của đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An phải di dời TĐC kéo theo sự mai một về văn hóa, tinh thần.

...Băm nát các dòng sông ở miền Tây xứ Nghệ
 
Người dân ở những huyện có số lượng nhà máy thủy điện lớn như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong... phải gánh chịu nhiều hệ lụy. Một điều khá trùng lặp là, ở những nơi xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, những vùng TĐC thường xuất hiện nhiều tệ nạn như ma túy, mại dâm, AIDS.  

Nóng từ thôn đến tỉnh

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, cử tri các địa phương phản ánh về những hệ lụy và yêu cầu ngừng việc cấp phép xây dựng các nhà máy thủy điện. Chính quyền các địa phương cũng bức xúc khi mà các dự án thủy điện liên tục được cấp phép khiến đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế của địa phương có nhiều xáo trộn. Nhiều đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An cũng đã lên tiếng yêu cầu giám sát chặt chẽ công tác triển khai thực hiện các dự án thủy điện, khắc phục những tồn tại trong công tác đền bù, GPMB, TĐC.

Hạ tầng các khu TĐC không đáp ứng nguyện vọng của người dân
 
Sáng 21/6/2018, tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Con Cuông, trước những thắc mắc của người dân xã Châu Khê về những vướng mắc trong cấp GCN sở hữu đất; chế độ đền bù, cũng như phương án di dời từ dự án thủy điện Chi Khê, ông Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An khóa XVII cũng cho rằng, đây là thực trạng nhức nhối. Tiếp thu kiến nghị chính đáng của cử tri, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu hứa sẽ chất vấn các bộ, ngành liên quan trên nghị trường trong các kỳ họp tới. 

Chiều 18/7/2018, diễn ra phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Nhiều đại biểu đã đề nghị dừng ngay các dự án thủy điện.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phát biểu: “Tôi cho anh em lực lượng công an tiến hành điều tra và có một bản kiến nghị rất dài với Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Thế nhưng, sau 3 năm số lượng nhà máy thủy điện không giảm mà còn tiếp tục tăng thêm 5 nhà máy”.
Ông Cầu không phủ nhận những hiệu quả kinh tế xã hội của nhà máy thủy điện mang lại, nhưng những hệ lụy nhà máy để lại cũng rất lớn: “Cấp ủy chính quyền, cán bộ, người dân ở các huyện miền núi không mặn mà về dự án thủy điện. Dân mất đất mất nhà, ô nhiễm môi trường, tái định cư vô cùng vất vả và hệ lụy của nó để lại rất lâu dài. Tôi đề nghị các đồng chí các huyện miền núi có ý kiến chung để trình lên UBND tỉnh. Riêng tôi kiến nghị hội đồng nên có chuyên đề giám sát tối cao về vấn đề xây dựng nhà máy thủy điện để chúng ta có sự chỉ đạo kịp thời nếu không sẽ để lại hậu quả hết sức nặng nề”.

Đại biểu Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho biết: “Rất nhiều ý kiến cho rằng, thủy điện đang làm cho cuộc sống của người dân nghèo đi, chứ không phải làm giàu cho người dân. Đây là vấn đề đáng quan tâm trong việc xem xét các dự án thủy điện. Ở địa phương, các hội nghị tiếp xúc cử tri có đến 80% ý kiến kiến nghị của cử tri liên quan đến các vấn đề thủy điện. Hàng năm, qua tiếp nhận và giải quyết đơn thư có đến 2/3 đơn thư của công dân liên quan đến các dự án thủy điện”.

Còn đại biểu Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn hiện có đến 10 dự án thủy điện, trong đó có 3 dự án đã đi vào hoạt động. Việc thi công và đưa vào hoạt động các dự án thủy điện trên địa bàn đã làm hủy diệt nguồn thủy sinh trên sông Nậm Nơn, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều hộ dân.

Việc xây dựng các nhà máy thủy điện khiến nhiều hộ dân dọc các sông bị sạt lở, nguy cơ lũ ống, lũ quét
 
Hiện nay, để triển khai dự án thủy điện xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn) phải di dời gần 500 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu, trong khi đó đất TĐC không có, việc di dân đang đặt ra nhiều nguy cơ mất an toàn. Vì thủy điện, việc quy hoạch, xây dựng một số công trình phúc lợi như trường học ở các địa phương phải tạm dừng, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh và người dân. Đại biểu Hoàng đề nghị tỉnh cần dừng triển khai 2 dự án thủy điện trên địa bàn Kỳ Sơn, gồm thủy điện Nậm Mô I và thủy điện Mỹ Lý.
Tại kỳ họp này, một số đại biểu chất vấn Sở Công thương về việc 3 dự án thủy điện phải di dời người dân với số lượng lớn, đó là Bản Vẽ (3.002 hộ), Hủa Na (1.362 hộ) và Khe Bố (585 hộ) có đến 25 tồn tại vướng mắc. Liệu các vướng mắc đó có được giải quyết đúng cam kết không?
Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công thương Nghệ An đã trả lời không thỏa đáng khiến nhiều đại biểu băn khoăn lo lắng.

VĂN DŨNG

Source:





No comments:

Post a Comment