Sunday, December 29, 2019

SÔNG MEKONG ĐANG CHẾT DẦN CHẾT MÒN


(Mekong River dying a slow but certain death)

Simon Roughneen – Bình Yên Đông lược dịch
Asia Times – December 6, 2019


Mực nước sông Mekong ở hạ lưu các đập Trung Hoa thường xuống thấp. 
[Ảnh: Paritta Wangkiat/AFP]

Sự gặp gỡ của hạn hán và đập thủy điện dọc theo sông Mekong đã hâm nóng những mối lo ngại về tương lai của thủy lộ dài 4.700 km, sinh kế của hàng chục triệu người ở Trung Hoa, Lào, Myanmar, Thái Lan, [Cambodia], và Việt Nam.

Con số đập ngăn chận dòng chảy của Mekong tăng nhanh, làm nhiều đoạn sông từng có nước chảy nhanh khô cạn và cả khu vực phải đối mặt với hạn hán không thể tránh, theo lời của Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), một tổ chức liên chánh phủ trong vùng nhằm mục đích cùng nhau quản lý nguồn nước của sông.

Đập Don Sahong nằm gần biên giới Lào-Cambodia ở Lào, dự án mới nhất trong hàng chục dự án đập trên sông Mekong, bắt đầu phát điện vào tháng 11.  Hầu hết số điện sẽ được xuất cảng sang Thái Lan và Cambodia.

Tháng trước, đập thủy điện Xayaburi lớn hơn nhiều có công suất 1.300 MW bắt đầu sản xuất điện ở tây bắc Lào, quốc gia sản xuất điện tự cho mình là “bình điện của Á Châu” với 35% lưu lượng của Mekong.  Số điện sản xuất phần lớn được xuất cảng sang Thái Lan.

Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, một viện nghiên cứu ở Hoa Kỳ, nói: “Việc điều hành đập Jinghong (Cảnh Hồng) ở Trung Hoa và đập Xayaburi ở Lào đích thực làm hạn hán thêm nghiêm trọng.  Hai đập nầy cùng với hơn 70 đập khác đang hoạt động ở Lào và Trung Hoa tất cả góp phần làm suy thoái tình trạng ở hạ lưu có liên hệ đến hạn hán.”

Khi các nền kinh tế của Cambodia và Việt Nam tiếp tục tăng trưởng giữa lúc kinh tế toàn cầu chậm lại ở mức 6-7% mỗi năm và cố gắng theo kịp các quốc gia lân bang giàu có hơn như Thái Lan, nhu cầu điện trong vùng vẫn tăng nhanh.

Nguồn: International Rivers

Các quốc gia trên khắp Á Châu đang xây dựng hàng chục nhà máy điện than để thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng cùng lúc gây lo ngại về ảnh hưởng thay đổi khí hậu của việc gia tăng sử dụng than đá.
Nhưng các đập thủy điện, mặc dù sạch hơn than đá, cũng đe dọa môi trường.  Và các chánh phủ trong vùng, muốn duy trì tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển, dường như vẫn tiến hành mà không đếm xỉa đến ảnh hưởng tai hại.

Pou Sothirack, cựu bộ trưởng năng lượng hiện là giám đốc Viện Hợp tác và Hòa bình Cambodia tuyên bố trong buổi hội thảo về Mekong gần đây tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, “Các nhà hoạch định chánh sách và bộ trưởng năng lượng hoàn toàn bị phát triển hạ tầng cơ sở mua chuộc.  Họ chỉ muốn có thêm năng lượng – họ bị thuyết phục bởi ý tưởng xây đập sẽ cải thiện kinh tế của nước họ.”

Eyler của Trung tâm Stimson, cũng là tác giả của quyển Những Ngày Cuối cùng của Mekong Hùng vĩ (The Last Days of the Mighty Mekong), cảnh báo rắng: “Ảnh hưởng của đập trên dòng chánh hay phụ lưu đã được tiên đoán rộng rãi từ hơn một thập niên và nay chúng bắt đầu hoành hành trong lưu vực với một trọng lực biến đổi.”

Theo International Rivers, một tổ chức phi chánh phủ, đập Xayaburi “gây nhiều tranh cãi vì những lo ngại sâu xa về ảnh hưởng của nó đối với hệ thống sông.”  Trong khi mô tả đập Don Sahong có công suất 260 MW là đe dọa “nền ngư nghiệp quan trọng của sông Mekong và sự lành mạnh sinh học của khu vực.”

Mặc dù MRC nói rằng hạn hán do “thiếu mưa trong mùa mưa” và “hiện tượng El Nino” khiến cho “nhiệt độ và độ bốc hơi cao bất thường,” những người khác hướng về con số đập không ngừng gia tăng của Trung Hoa trên thượng nguồn Mekong như là thủ phạm chánh.
Nhà máy thủy điện Jinghong trên sông Mekong trong thành phố Jinghong thuộc Khu Tự trị Xishuangbanna 
(Tây Song Bản Nạp) ở tây nam tỉnh Vân Nam, Trung Hoa. 
[Ảnh: AFP Forum]

Thitinan Pongsudhirak của Đại học Chulalongkorn tuyên bố trong cùng buổi hội thảo rằng, “Các đập của Trung Hoa đưa đến một số thách thức.  Khi nước chảy, thỉnh thoảng chúng ta có hạn hán và hình như các đập của Trung Hoa có thể kiểm soát nước chảy như thế nào và bao nhiêu xuống hạ lưu.”

Vào giữa tháng 11, MRC cho biết mực nước sông Mekong xuống đến mức thấp nhất trong vòng 60 năm; các ước tính khác cho rằng mực nước đã xuống đến mức thấp nhất trong thế kỷ.

Ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của một Mekong suy thoái có lẽ sẽ được cảm nhận ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (ĐBSCL), chén cơm của cả nước, nơi có thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô thương mãi và đô thị lớn nhất của quốc gia.

Mực nước ngọt thấp có nghĩa là độ mặn trong ĐBSCL có thể tăng cao, đe dọa việc trồng lúa và nông nghiệp, trong khi phù sa bị các đập ở thượng lưu ngăn chận.

Điều đó hầu như đã xảy ra với nhiều khúc sông ở Lào có màu xanh nước biển thay vì màu nâu đục bình thường rất nổi tiếng.

Mặc cho những lo ngại đó, Việt Nam đường như đã quay ngược sự chống đối cố hữu của mình đối với các đập trên sông Mekong bằng cách ủng hộ và tài trợ cho dự án thủy điện 1.410 MW được đề nghị nằm gần thị trấn di sản thế giới Luang Prabang ở Lào.

Tất cả hoàn toàn khác với năm 2011, khi chánh phủ Việt Nam kêu gọi ngưng xây đập Xayaburi vì lo ngại ảnh hưởng ở hạ lưu.

Ảnh hưởng tai hại ngày càng tăng đối với ĐBSCL đã khiến cho các nhóm xã hội dân sự phải lên tiếng chỉ trích việc thay đổi thái độ của chánh phủ, một sự chuyển hướng can đảm vì nhà cầm quyền cộng sản có xu hướng cầm tù kẻ chống đối.

Một ngư dân kéo lưới trên sông Mekong ở Wiang Kaen, 
tỉnh Chiang Rai giáp ranh với Lào. 
[Ảnh: Chrisophe Archambault/AFP]


Nhưng đã có nhiều phúc trình từ Việt Nam cho thấy cái gọi là “tị nạn thay đối khí hậu” để tránh tình trạng môi trường suy thoái, kể cả hạn hán dai dẳng, ở ĐBSCL và di tản vào các trung tâm đô thị.

Cambodia cũng chịu thống khổ nếu sông Mekong suy thoái và hạn hán làm gián đoạn hiện tượng nước chảy ngược vào Biển Hồ, một hồ nước ngọt lớn nhất ở Đông Nam Á, nối với sông Mekong bằng một phụ lưu.  Hiện tượng nầy đưa đến lượng cá khổng lồ đánh được từ hồ và sau đó chuyển cá, chất dinh dưỡng và phù sa lên xuống trong sông.

Eyler nói rằng: “Ảnh hưởng của nước chảy ngược và nhịp lũ năm nay đáng kinh ngạc và sẽ gây thiếu hụt lương thực nghiêm trọng vì thiếu cá,” trong khi Sothirak cảnh báo rằng việc duy trì sông Mekong rất quan trọng để “giữ vững đời sống của các quốc gia nằm dọc theo sông.”

.

KHU VỰC MEKONG ĐƯỢC LƯU Ý NHIỀU HƠN


(Mekong River region on more minds)

Thitinan Pongsudhirak – Bình Yên Đông lược dịch
Bangkok Post – 6 December 2019

Cồn cát có thể nhìn thấy ở nhiều nơi trên sông Mekong ở Nakhon Phanom 
khi mực nước xuống rất thấp. [Ảnh: Pattanapong Sripiachai]


Khi Việt Nam đang sẵn sàng để làm chủ tịch luân phiên của ASEAN [Association of Southeast Asian Nations (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ĐNA))] vào tháng 1 năm 2020, chánh sách ngoại giao ưu tiên đứng hàng thứ nhì sau Biển Đông được cho là khu vực Mekong.  Trong khi Biển Đông, nơi có trên 1/3 tàu bè trên thế giới qua lại, được xem là mối quan tâm chung của ASEAN, khu vực Mekong được giao khoán cho 5 quốc gia duyên hà ở lục địa ĐNA để đối phó với các đập thủy điện của Trung Hoa ở thượng lưu khiến cho hạn hán trở nên thường xuyên và lượng cá sụt giảm ở các cộng đồng hạ lưu, đặc biệt ở Cambodia và Việt Nam.

Nếu Việt Nam là chủ tịch của ASEAN, Mekong có thể sớm trở nên một vấn đề của ASEAN, cho phép 5 quốc gia duyên hà có thêm lực bẫy để vật lộn với sự tham lam nước đơn phương của Trung Hoa ở thượng lưu.  Lần lượt, nếu ASEAN có thể cùng tập họp phía sau Biển Đông và Sông Mekong, tổ chức khu vực với 10 thành viên có thể có thế lực hơn để thương lượng với Trung Hoa, đặc biệt nếu tranh thủ được sự tham gia của các tay chơi quan trọng khác như Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Với thế lực toàn cầu và động lực vùng đang thay đổi ở Á Châu, lục địa ĐNA giáp ranh và gần gũi với khu vực Mekong – cái có thể gọi là “lục địa Mekong” – đã trỗi dậy như một không gian khác biệt của việc phát triển kinh tế đầy hứa hẹn, chia sẻ tài nguyên, và trau dồi khả năng đòi hỏi một sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các phe có liên hệ.  Mặc dù với nguồn nước bao la và sự cần thiết để hợp tác chia sẻ tài nguyên giữa các quốc gia duyên hà, lục địa Mekong có một khuôn khổ quản trị khu vực lỏng lẻo và không có ràng buộc pháp lý, xoay quanh Đại Phân vùng Mekong (Greater Mekong Subregion (GMS)) từ đầu thập niên 1990s.

“Thế hệ thứ nhất” của sự hợp tác khu vực Mekong nầy nẫy sinh ra một số thỏa ước hợp tác, tiêu biểu là Thỏa ước Mekong (Mekong Agreement (MA)) và Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) cùng với Viện Mekong (Mekong Institute (MI)).  Mục đích chung là làm mạnh mẽ và dễ dàng cho sự phát triển và tăng trưởng khả chấp của các quốc gia lục địa Mekong, gồm có Cambodia, Trung Hoa, Lào, Myanmar, Thái Lan, và Việt Nam, mặc dù Trung Hoa và Myanmar chỉ là quan sát viên ở MRC.

Gần 3 thập niên sau, khi các nền kinh tế của lục địa ĐNA bành trướng mạnh qua mậu dịch rộng rãi, đầu tư và động lực tăng trưởng ở ASEAN, không gian Mekong trở nên hấp dẫn hơn.  Trong phạm vi của GMS bao gồm các tỉnh Yunnan (Vân Nam) và Guangxi (Quảng Tây), khu vực nầy hiện nay cung cấp một thị trường với trên 350 triệu người và một GDP trên 1.200 tỉ USD, một tiềm năng đang lên đáng kể.  Việc nối kết hạ tầng cở sở của GMS đem lại hệ thống đường sá và xa lộ, từ bắc xuống nam và từ đông sang tây, đi qua toàn thể lục địa ĐNA từ Kunming (Côn Minh) ở Yunnan đến tây nam Thái Lan và từ đông nam Myanmar đến miền trung Việt Nam.  Điều đang thiếu trong việc phát triển hạ tầng cơ sở khu vực là đường sắt.  Mặt đi xuống của việc phát triển khu vực Mekong là việc sử dụng nước không cân đối giữa các quốc gia ở thượng và hạ lưu.

Mặc dù các phương tiện của thế hệ thứ nhất từ GMS đến MA và MRC đã đóng góp rất lớn trong thời gian vừa qua, việc thay đổi địa chánh trị và phát triển kinh tế gần đây đã thách thức vai trò, ích lợi và hiệu năng của những tổ chức nầy.  Rõ ràng, cần có nhu cầu lớn hơn trong việc hợp tác khu vực để theo kịp với việc gia tăng sử dụng tài nguyên trong khu vực Mekong.

Trường hợp cá biệt, việc phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Hoa gây nguy hiểm cho các đường hướng và cơ chế mới trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực.  Quan trọng nhất trong số đó là Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)), được thành lập vào năm 2015.  Trong suốt vài năm qua, LMC đã tổ chức 2 Hội nghị Thượng đỉnh vào năm 2016 và 2018.  LMC đã được đưa ra và đẩy mạnh như phương tiện hợp tác “thế hệ thứ hai” quan trọng nhất cho lục địa Mekong.

Gần đây hơn, Thái lan vừa hồi sinh Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (Ayeyawady-Chao Praya-Mekong Economic Cooperation Strategy (ACMECS)), được phát động đầu tiên trong năm 2003, gồm có tất cả các quốc gia lục địa ĐNA nhưng không có Trung Hoa.  ACMECS được chú ý nhiều hơn vì nó cung cấp một giải pháp thay thế cho LMC của Trung Hoa.

Mặt khác, LMC, được sự ủng hộ của Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative (BRI)) của Trung Hoa, với viễn kiến Hành lang Kinh tế Bán đảo Trung Hoa-Đông Dương-Trung Hoa (China-Indo-China Peninsula Economic Corridor (CICPEC)).  Việc phát triển đường sắt của nước nầy đang diễn ra ở Lào, nối Kunming với Vientiane (Vạn Tượng) trên bờ sông Mekong.  Một tuyến đường sắt từ Vientiane qua Thái lan về phía nam đến Malaysia và Singapore nằm trong kế hoạch hạ tầng cơ sở của BRI.  Kết quả là lục địa Mekong đã trở thành một bức tranh ghép hình (jigsaw) cho việc sử dụng nguồn tài nguyên chung và phát triển hạ tầng cơ sở.  Cái gì có thể là khuôn khổ luật lệ, mẫu mực, và quản trị để hình thành giai đoạn tiếp theo của sự hợp tác khu vực giữa các phe có liên hệ vẫn còn trong vòng tranh cãi.  Và sự tương hợp giữa các khuôn khổ hợp tác như MRC và LMC cũng như thế.

Về phần mình, với tư cách chủ tịch ASEAN, Việt Nam chọn chủ đề “ASEAN gắn liền và phản ứng (cohesive and responsive ASEAN).”  Nền tảng của chủ đề là 5 ưu tiên góp phần vào hòa bình và ổn định trong khu vực, khuyến khích nối kết khu vực và ý thức cá biệt và cộng đồng của ASEAN, khuyến khích đối tác với bên ngoài cho hòa bình và phát triển khả chấp, và trau dồi khả năng để thích ứng.  Thêm vào đó, Việt Nam cũng trở thành hội viên thường trực của  Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong năm 2020, một năm quan trọng đối với một quốc gia đầy hứa hẹn, đánh dấu kỷ niệm năm thứ 25th gia nhập vào ASEAN.

Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ chủ tịch Thái Lan trong năm nay và thành tựu quan trọng của nước nầy trong việc tiến tới Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ-Thái Bình Dương (ASEAN Outlook on the Indo-Pacific (AOIP)), một tài liệu dài 5 trang đề cập và thông qua giữa chiến lược Tự do và Rộng mở Ấn Độ-Thái Bình Dương( Free and Open Indo-Pacific (FOIP)) do Hoa Kỳ dẫn đầu và BRI của Trung Hoa.  Với AOIP làm nền tảng để tiến đến quan hệ với 2 siêu cường đang ganh đua với nhau, Việt nam có thể tập chú nhiều hơn vào các ưu tiên tức thời.  Nếu Việt Nam có thể nâng các vấn đề của Mekong lên cùng với Biển Đông vì lực bẫy nặng nề của Trung Hoa từ các đập ở thượng lưu, đó sẽ là một thành tựu không chỉ cho Việt Nam mà còn cho toàn thể lục địa Mekong ở phía nam Trung Hoa.

Sơ lược về tác giả
Thitinan Pongsudhirak: Tác giả là phó giáo sư và giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế, Khoa Khoa học Chánh trị, Đại học Chulalongkorn với trên 25 năm giảng dạy.  Ông tốt nghiệp MA về Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp ở Trường John Hopkins và PhD về Kinh tế ở Trường London, nơi ông đoạt giải nhất về luận án tiến sĩ ở Anh vào năm 2002.


.

Wednesday, December 25, 2019

CÓ PHẢI VIỆT NAM VỪA TÀN PHÁ MEKONG?


(Did Vietnam Just Doom the Mekong?)
Tom Fawthrop – Bình Yên Đông lược dịch
The Diplomat – November 26, 2019

Dân làng Thái cầm biểu ngữ phản đối việc xây đập trên sông Mekong trong một cuộc tuần hành bên ngoài công ty xây dựng ở Bangkok, Thái Lan ngày 24 tháng 4 năm 2012. [Ảnh: Apichart Weerawong/AP]

Quyết định mới đây của công ty dầu khí Việt Nam, Petrovietnam, để đầu tư vào một đập thủy điện khổng lồ nằm gần Khu Di sản Thế giới ở Luang Prabang, Lào, đã làm cho nhiều chuyên viên về Mekong, các nhóm xã hội dân sự và một số viên chức chánh phủ ở Hà Nội bối rối và mất tinh thần.

Chuỗi dự án đập trên hạ lưu Mekong ở Lào đã châm ngòi cho những lo ngại lớn lao của Việt Nam, với vùng đồng bằng rất dễ bị tổn thương vì ảnh hưởng tai hại của đập ở hạ lưu. Trong năm 2011, cựu thủ tướng Việt Nam công khai kêu gọi ngưng tất cả việc xây cất đập Xayaburi. Việt Nam cũng kêu gọi Lào xét lại tất cả các đập tiếp theo.

Nhưng ngày nay, chánh phủ Việt Nam đã đổi bên và cùng đi với các nhà phát triển đập qua việc hỗ trợ cho đập lớn nhất chưa từng có ở hạ lưu Mekong – đập Luang Prabang với công suất 1,410 MW.

Tiến sĩ (TS) Lê Anh Tuấn, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Thay đổi Khí hậu của Đại học Cần Thơ, nói với The Diplomat: “Tôi rất thất vọng về chuyện nầy.” Ông cho biết chánh phủ vừa công bố Nghị quyết 120 để củng cố kế hoạch phát triển khả chấp cho đồng bằng của Hà Nội. Nghị quyết tập trung nỗ lực để đối phó với đe dọa kép từ thủy điện ở thượng lưu và thay đổi khí hậu.

Trong một thông cáo báo chí trong tháng qua, các nhà hoạt động môi trường Việt Nam cho biết, “Đã chịu ảnh hưởng của các đập Mekong ở thượng lưu, thật là vô lý để Việt Nam hợp sức để xây đập. Nếu Việt Nam tham gia vào việc xây cất đập Luang Prabang, nó cũng góp phần ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hệ thống Sông ngòi Việt Nam đề nghị Tổ hợp Dầu Khí Việt Nam (PV Power) và giới thẩm quyền nên xét lại việc đầu tư vào Dự án Thủy điện Luang Prabang ở Lào.”

Đập Luang Prabang là đập thủy điện thứ 5 mà Lào đệ trình lên Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) để tham vấn trước với 3 quốc gia thành viên khác (Cambodia, Thái Lan và Việt Nam).

Bốn dự án đập trước đã bị Việt Nam chỉ trích kịch liệt với lý do ngăn chận phù sa mầu mỡ chảy đến hệ sinh thái mong manh của ĐBSCL. 18 triệu người Việt Nam dựa vào đồng bằng, chén cơm của quốc gia, để sinh tồn.

TS Philip Hirsch, cựu giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Mekong thuộc Đại học Sydney, nhận xét rằng “việc tham gia của một công ty quốc doanh quan trọng vào việc phát triển thủy điện trên dòng chánh Mekong đánh đổ lập trường chánh thức trước đây cho rằng việc phát triển như thế gây nguy hiểm lớn lao cho hàng triệu người sinh sống, trồng trọt và đánh cá ở ĐBSCL.”

Sự lật ngược chánh sách lạ lùng nầy khiến VN Express, một tờ báo mạng, phải ví hành động nầy là “Việt Nam tự bắn vào chân mình” trong một bài báo bị gở khỏi trang mạng. Sự thay đổi để ôm chặt lấy đập Luang Prabang làm cho sự tín nhiệm ngoại giao của Hà Nội trở nên bấp bênh trong lúc con sông dài nhất Đông Nam Á (ĐNA) vẫn còn đang hồi phục sau đợt hạn hán nghiêm trọng hồi tháng 7, khiến số lượng cá tụt giảm. Mực nước sông Mekong trong mùa khô hiện nay vẫn còn thấp đáng ngại, và phải đợi đến tháng 6 năm tới mới có mưa. Tình trạng thiếu nước đã được ban bố trong nhiều tỉnh ở Cambodia và Thái Lan.

Ngoại giao đập và Địa chánh trị của Mekong

Chuyên viên thủy lợi Marc Goichot của Quỹ Hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund (WWF)) cảnh báo rằng cái giá phải trả để tiến hành đập rất cao ở cả Lào và Việt Nam.
Goichot nói, “Đập Luang Prabang sẽ có nhiều ảnh hưởng, đáng kể nhất là nhấn chìm cảnh quan đẹp lạ lùng của sông và khảm sinh thái; tái định cư các cộng đồng với văn hóa gắn liền với sinh thái của sông; và thay đổi lưu lượng và vẻ đẹp của sông sẽ làm giảm giá trị của Khu Di sản Thế giới vô giá ở Luang Prabang.” Đập khổng lồ nầy buộc 17.700 dân làng phải di tản để làm hồ chứa khổng lồ cho đập.
Vì đập Luang Prabang cũng không thể tránh gây thêm đau khổ cho 18 triệu người dân Việt Nam đang thống khổ trong ĐBSCL đang đói phù sa và sụt lún, sức mạnh bí mật nào đã khiến Hà Nội hành động ngược lại với quyền lợi của mình?

Một nguồn tin thông thạo làm việc trong lãnh vực năng lượng của Việt Nam (yêu cầu được dấu tên) giải thích với chúng tôi về lập luận của chánh phủ đối với đập Luang Prabang: “Việt Nam không có sự lựa chọn. Vâng, nó không tốt cho ĐBSCL, nhưng nếu chúng tôi không phát triển đập, Trung Hoa sẽ làm. Hoàn toàn chắc chắn! Và đó sẽ là mối đe dọa đối với chủ quyền của Việt Nam. Tất cả chỉ là địa chánh trị.”

Việt Nam từ lâu đã lo ngại sự bành trướng đều đặn các lợi ích thương mại của Trung Hoa dọc theo sông Mekong, đặc biệt là đầu tư và kế hoạch xây cất 3 đập trên hạ lưu Mekong ở Lào – Don Sahong (đang xây cất), Pak Beng và Pak Lay.

Chính mối lo sợ Trung Hoa, một quốc gia đã kiểm soát hầu hết lượng nước chảy xuống Mekong, định đớp lấy một dự án thủy điện ở hạ lưu khác đã châm ngòi cho sự đột nhập không ngờ của Việt Nam vào việc xây đập trên dòng chánh Mekong.

Viễn cảnh của một đập của Trung Hoa khác ở Luang Prabang đã khiến cho các hành lang điện lực ở Hà Nội gần như hốt hoảng. Dưới áp lực của Lào, chánh phủ Việt Nam đã ký một hợp đồng xây đập được soạn sẵn và vứt qua cửa sổ các nỗ lực ngoại giao trong suốt 19 năm để bảo vệ ĐBSCL và những cố gắng để kềm chế việc xây đập điên cuồng trên dòng chánh Mekong.

Nhiều người Việt chỉ trích sự thay đổi chánh sách nầy và nói rằng toan tính địa chánh trị có thể khiến Việt Nam phải trả giá cao bằng sự tín nhiệm quốc tế của mình. TS Tuấn của Đại học Cần Thơ than thở rằng “chánh sách trái ngược về Mekong nầy sẽ làm cho tiếng nói của Việt Nam trong ngoại giao và diễn đàn quốc tế yếu hơn.”

Chánh trị năng lượng

Bên trong nội bộ năng lượng của chánh phủ, các giới chức lập luận rằng Việt Nam “có lợi hơn nếu có thể kiểm soát lưu lượng và tai hại của đập” với công ty Petrovietnam của Việt Nam đóng vai chánh trong việc kiểm soát dòng nước chảy từ đập Luang Prabang.
Lập luận nầy bị các chuyên viên thủy lợi Mekong bác bỏ. Một nguồn tin từ Petrovietnam thừa nhận rằng, giống như bất cứ đập nào khác, “nó sẽ làm giảm phù sa và lưu lượng chảy vào ĐBSCL.”
Một mối lo ngại lớn hơn nhiều là, vào lúc đập nầy bắt đầu hoạt động vào năm 2027, lưu lượng của sông Mekong đã tụt giảm đến mức đập không còn vận hành được.

Tác giả Brian Eyler của quyển Những Ngày Cuối của Mekong Hùng vĩ (The Last Days of the Mighty Mekong), nói với The Diplomat rằng “Việt Nam nên dùng mối liên hệ kinh tế và ngoại giao với Lào để tránh các đập trên dòng chánh, chứ không phải để xây chúng.” Eyler cũng cho rằng, “Kỹ thuật thủy điện đang trở nên lỗi thời,” và tiên đoán rằng nó sẽ xảy ra “trong 5 năm hay ít hơn, trước khi hoàn tất đập Luang Prabang rất lâu.”
Các chuyên viên năng lượng hiện nay hướng đến năng lượng sạch tái tạo như là nguồn năng lượng thay thế ngày càng hiệu quả hơn thủy điện, và cả Việt Nam và Thái Lan đang gia tăng nhanh chóng vai trò của tái tạo trong năng lượng hỗn hợp của quốc gia.

TS Tuấn đã nêu vấn đề nầy với chánh phủ Việt Nam và đề nghị Hà Nội làm áp lực với Lào để đầu tư vào năng lượng sạch và ngừng xây đập trên dòng chánh Mekong.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản và chánh phủ Việt Nam, trong khi luôn luôn duy trì vẻ đoàn kết trước công chúng, thường chia rẽ sâu xa trong các vấn đề thủy lợi và mối liên hệ gần gủi lâu đời với đồng minh Lào. Những đảng viên bảo thủ lớn tuổi trong bộ chánh trị cam kết mãnh mẽ với cái còn sót lại của mối liên hệ đặc biệt với các lãnh đạo cộng sản ở Vientiane, mặc dù quốc gia không có biển nầy hoàn toàn lệ thuộc và mang ơn Trung Hoa.
Nhưng bất cứ cố gắng nào để làm Lào hài lòng bằng cách đầu tư vào việc xây đập gây khó khăn cho người dân của chính mình ở ĐBSCL đã gây nhiều tranh cãi ở trong nước và có thể đưa đến bất ổn xã hội.

Đây là lúc tệ hại nhất để đầu tư đập mới. Marc Goichot của WWF, một nhà nghiên cứu lão thành của Mekong, cho thấy rằng “6 trong số 13 tỉnh ở ĐBSCL vừa mới ban bố tình trạng khẩn cấp hay cách ly các dãy đất dài dọc theo sông Mekong vì sạt lở nghiêm trọng ở qui mô lớn, và nghiên cứu mới đây cũng cho biết phần lớn của ĐBSCL đang chìm xuống biển nhanh hơn dự đoán.”

Đập Luang Prabang chỉ cách Khu Di sản Thế giới 25 km và cách địa điểm du lịch nổi tiếng, động Pak Ou, 5 km. Các chuyên viên nói rằng chỉ cần một hiện tượng thời tiết cực đoan có thể gây tai nạn cho đập, và tài sản văn hóa vô giá được UNESCO công nhận, thủ đô vương quốc cỗ xưa Luang Prabang, có thể bị nhấn chìm và tàn phá.

Ngày 20 tháng 11, một trận động đất mạnh 6,1 trên Địa chấn kế Richter đã rung chuyển miền tây Lào, với tâm động đất chỉ cách Luang Prabang 155 km. Nó nhắc nhở đúng lúc một rủi ro trong nhiều rủi ro và nguy hiểm của thủy điện. Lào không được chuẩn bị để tránh vỡ đập như tai họa trong tỉnh Attapeu trong năm 2018 cho thấy.

Theo Trung tâm Stimson ở Hoa Kỳ, 8 đập đang xây hay đã hoàn tất ở Lào chỉ cách tâm động đất của trận động đất trong vòng 100 km. Với thời tiết cực đoan trở nên thông thường, đã đến lúc để CEO của MRC có trách nhiệm hành động và báo động cho các diễn đàn công cộng, không phải ngồi chờ các quốc gia thành viên thay đổi thái độ.

Tổ chức International Rivers có trụ sở ở Hoa Kỳ nghĩ rằng “Đã quá trễ để kêu gọi mạnh mẽ và rõ ràng [việc ngừng xây đập].” Maureen Harris, phối hợp viên cho khu vực Mekong, thúc giục “vì an ninh công cộng, để bảo vệ hệ sinh thái vô giá của Mekong và vì lý do kinh tế - các dự án đập đang được dự trù phải được ngưng lại và tất cả các đập mới trên dòng chánh phải được hoãn lại.”

Nhưng Việt Nam dường như đang đi ngược lại. Khủng hoảng nước phải tệ hại đến đâu trước khi các nhà hoạch định chánh sách trong khu vực thức tỉnh bởi thảm họa sinh thái do việc xây đập điên cuồng trên sông Mekong gây ra?

Sơ lược về tác giả
Tom Fawthrop là phóng viên trong vùng Mekong từ thập niên 1980s của truyền thông Anh như The Economist, The Guardian và BBC và cũng là cộng tác viên của South China Morning Post. Ông là giám đốc phim tài liệu truyền hình “Giết Mekong từng Đập (Killing the Mekong Dam by Dam).”

Tom Fawthrop – Bình Yên Đông lược dịch

The Diplomat – November 26, 2019

.



CÁC QUỐC GIA MEKONG HỨA HỢP TÁC NHƯNG KHÔNG NÓI ĐẾN NHỮNG TRANH CHẤP VỀ VIỆC XÂY ĐẬP



(Mekong Nations Promise Cooperation  But Skip
Disputes Over Damming The River)

Donald Kirk – Bình Yên Đông lược dịch
Forbes – November 28, 2019

Từ trái sang phải: Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Thái Prayuth Chan-ocha, Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Prak Sokhom của Cambodia trong Thượng đỉnh Mekong-ROK lần thứ nhất tại Busan, Nam Hàn ngày 27 tháng 11 năm 2019.


Nam Hàn ôm chặt 5 quốc gia Đông Nam Á dọc theo sông Mekong trong một kế hoạch có vẻ táo bạo để phát triển dòng sông vì lợi ích của “người dân, hòa bình và thịnh vượng”, nhưng chứa đựng nhiều nguy hiểm đang đối mặt với sự hiện hữu của nó.

Vâng, Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in tuyên bố “phát triển Mekong là phát triển Triều Tiên.”  Không, ông và các lãnh đạo của 5 quốc gia Mekong, Việt Nam, Cambodia, Thái Lan, Lào và Myanmar, chẳng nói một tiếng về các vấn đề đang đe dọa con sông hùng vĩ và hàng triệu người dựa vào đó để sinh tồn.

Trung Hoa được chú ý không những vì sự vắng mặt trong bất cứ vai trò nào ở hội nghị Busan mà còn vì sự im lặng của các quốc gia tham dự đối với Trung Hoa, với sức mạnh và uy thế ảnh hưởng đến tất cả.

Thay vào đó, Moon tìm cách kết nối lợi ích của Nam Hàn với lợi ích của Mekong bằng “Tuyên ngôn Mekong-Hàn” – ám chỉ sông Hàn ở Nam Hàn với lưu vực bao phủ hều hết lãnh thổ trước khi đổ ra bờ tây trên biên giới với Bắc Hàn.

Bản tuyên ngôn, được công bố một ngày sau khi Moon chủ tọa một “thượng đỉnh” các lãnh đạo của 10 quốc gia thành viên ASEAN, Hiệp hội các Quốc gia ĐNA (Association of Southeast Asian Nations), kêu gọi “hợp tác” trên mọi mặt từ nông nghiệp đến hạ tầng cơ sở, môi trường và an ninh.

Trong khi Moon tìm kiếm những điểm chung với 5 quốc gia Mekong, ông và các lãnh đạo khác đã không công nhận công khai, trong khung cảnh lạc quan của câu chuyện ASEAN, những ẩn ý của việc xây đập trên sông ở thượng lưu, gần khởi nguồn của nó ở Trung Hoa.

Tổng thống Moon Jae-in, người ngồi thứ hai từ trái, phát biểu trong Thượng đỉnh Mekong-ROK lần thứ nhất. [Ảnh: AP]

Một cách ngẫu nhiên, Moon và các lãnh đạo khác tham gia trong tuyên ngôn về Mekong đúng vào ngày công bố một phúc trình quan trọng tóm lược những vấn đề đang đối mặt với tất cả các quốc gia mà dòng sông chảy qua, đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong các tỉnh phía nam của Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông.

“Đập và Thay đổi Khí hậu Giết Mekong”, chủ đề một phân tích của Yale Global, bắt đầu với điềm xấu, “Những dòng nước xoáy của Mekong hùng vĩ ngày nào, chùn lại do hạn hán và càng ngày càng tê liệt vì đập báo hiệu cho một cuộc khủng hoảng trong việc quản lý nguồn nước chưa từng thấy dọc theo con sông dài 4,900 km, sông dài nhất ĐNA.”

Phúc trình của Tom Fawthrop, giám đốc của phim tài liệu, “Giết Mekong từ Đập nầy đến Đập khác (Killing Mekong Dam by Dam),” trích dẫn Chainarong Setthachua, chuyên viên tài nguyên thiên nhiên của Đại học Mahasarakham ở Thái Lan, nói thẳng rằng, “Đây là một thảm họa sinh thái tệ hại nhất trong lịch sử của Mekong… một hồi chuông báo động vang dội cho những nhà hoạch định chánh sách và lãnh đạo trong khu vực.”

Lãnh đạo các quốc gia Mekong được biết những vấn đề, nhưng vì họ không muốn làm mất lòng Trung Hoa, ít nhất trong khung cảnh đa phương của ASEAN, nên chắc họ không nêu lên những tranh cãi chung quanh loạt đập ở Trung Hoa đang làm chậm dòng chảy của sông.  Lào, Thái Lan và Cambodia cũng xây đập ngăn chận nước chảy vào Việt Nam qua Cambodia.

Brian Eyler, tác giả của “Những Ngày Cuối cùng của Mekong Hùng vĩ (The Last Days of the Mighty Mekong),” nhận thấy việc xây tất cả các đập ở Trung Hoa và Lào là “hàng ngàn vết cắt giết chết Mekong.”

Eyler, giám đốc chương trình ĐNA của Trung tâm Stimson ở Washington, nhận thấy ảnh hưởng đối với Cambodia nghiêm trọng đặc biệt.  Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Malis Tum của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, “Số lượng cá vô cùng thấp đánh được trong năm nay có thể gây khủng hoảng lương thực lớn ở Cambodia.  Vương quốc nầy không có nhiều tài nguyên để thay thế số lượng cá bị mất bằng các nguồn chất đạm khác.  Khủng hoảng có thể kéo dài suốt mùa đông.”

Tuy nhiên, tại Thượng đỉnh ASEAN, những quan tâm như vậy không được lưu ý.  Thay vào đó, Joo Hyung-chul, một trong các cố vấn kinh tế của Tổng thống Moon, nói rằng thượng đỉnh đã “có những thành tựu vượt quá mục tiêu và kỳ vọng của chúng ta.”  Ông hứa Nam Hàn sẽ “thúc đẩy mạnh mẽ hơn để hợp tác với các quốc gia ASEAN” dựa trên “nền tảng tin cậy của họ” vào “chánh sách phía nam mới” của Nam Hàn.

Đối với Moon, Mekong đã tạo nên một cơ hội vô cùng to lớn cho các hãng kiến tạo và xây cất Nam Hàn muốn có các hợp đồng trong khu vực.  Trên căn bản đó, ông thấy “điều kỳ diệu của sông Hàn” – một từ ngữ thường được dùng để mô tả sự trỗi dậy của Nam Hàn như một cường quốc kỹ nghệ kể từ Chiến tranh Triều Tiên – như một tiền lệ cho sự phát triển “năng động” của Mekong.

Trong một cuộc gặp gỡ riêng với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Moon cũng bỏ qua những vấn đề về Mekong, với các nhánh chảy qua ĐBSCL đang khô cạn và chết dần.

Ông nói ông hy vọng “nâng cấp sự hợp tác giữa viễn kiến kỹ nghệ quốc gia của Việt Nam với Chánh sách phía Nam Mới của Nam Hàn lên qui mô khác” mà không đề cập đến Mekong, chịu đau khổ ít hơn vì sự khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên của nó.

Donald Kirk – Bình Yên Đông lược dịch


Friday, December 20, 2019

Khai thác cát quá mức đang tàn phá sông Mekong ra sao?



Beth Timmins
BBC News
19 tháng 12 2019

STEPHEN DARBY
Desert sand is too smooth and fine to bind to make concrete, 
so sand is removed from the beds of rivers, such as the Mekong

Toàn bộ hệ sinh thái của sông Mekong đang bị đe dọa, mà nguyên nhân vẫn là do nhu cầu vô độ của con người đối với cát.
Cát là một trong những tài nguyên được khai thác nhiều nhất trên Trái đất. Với ước tính có tới 50 tỉ tấn cát được khai thác trên toàn cầu mỗi năm, đây là ngành khai thác tài nguyên lớn nhất trên hành tinh.
Với sông Mekong, việc khai thác cát diễn ra nhiều ở lòng sông trên đất Campuchia và Việt Nam.
"Việc khai thác đang diễn ra với tốc độ ồ ạt, và chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi nhanh chóng diện mạo hành tinh của chúng ta," Giáo sư Stephen Darby, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về các dòng sông, tại Đại học Southampton (Anh) cho hay.
Các nghiên cứu của Giáo sư Stephen về hạ lưu sông Mekong cho thấy, trên tổng chiều dài hàng trăm cây số, lòng sông đã bị hạ thấp vài mét chỉ trong vài năm. Tất cả đều có nguyên nhân từ việc khai thác cát.
Cát là nguyên liệu thiết yếu cho rất nhiều ngành công nghiệp như mỹ phẩm, phân bón và thép và nhất là ngành sản xuất xi măng.

Trong hai thập kỷ qua, nhu cầu cát đã tăng gấp ba lần, theo số liệu Liên Hiệp Quốc, 
do sự tăng tốc trong cuộc đua xây dựng các thị trấn và thành phố mới.

Chỉ trong 4 năm từ 2011 đến 2013, lượng cát mà Trung Quốc tiêu thụ trong quá trình đô thị hoá các khu vực nông thôn ngang với tổng lượng cát Hoa Kỳ tiêu thụ trong cả thế kỷ 20.
Cát còn được sử dụng để bồi đắp và mở rộng diện tích. Chẳng như hiện giờ, Singapore đã lớn hơn 20% so với thời điểm nước này giành độc lập vào năm 1965.
"Mỗi năm chúng ta khai thác đủ cát để xây dựng một bức tường cao 35m và rộng 35m trên khắp thế giới," Pascal Peduzzi thuộc Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc nói.

Việc Trung Quốc gia tăng đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở khiến nhu cầu cát tăng cao

Không phải tất cả các loại cát đều có thể sử dụng làm nguyên vật liệu. Chẳng hạn, cát sa mạc quá mịn để có thể dùng trong đổ bê tông. Loại cát này cũng không thích hợp để sản xuất kính hoặc sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử.
Đó là lý do tại sao cát khai thác theo hình thức 'tĩnh' tại các mỏ, hoặc khai thác theo hình thức 'động' từ biển và sông, như với trường hợp sông Mekong, lại được săn lùng đến vậy.
Ông Peduzzi nói rằng, khai thác cát theo hình thức động có thể gây ra tổn hại rất lớn: "Cát là một phần của hệ sinh thái và đóng vai trò quan trọng mà nếu bị khai thác mất đi sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, gây xói mòn đất và tăng nhiễm mặn."

Sông Mekong chảy qua 6 quốc gia

Hệ sinh thái sông Mekong bị ảnh hưởng
Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Ủy ban sông Mekong, cao độ lòng sông của hai nhánh chính của sông Mekong tại đồng bằng sông Cửu Long đã thấp đi tới 1,4m trong 10 năm tính từ năm 2008, còn nếu tính từ năm 1990 đến nay, cao độ này thấp hơn từ 2-3 m.
Một nghiên cứu được công bố hồi tháng trước, có tên Research in Nature, cho rằng, việc khai thác cát trên một đoạn sông dài 20 km "không bền vững" bởi lượng trầm tích từ thượng nguồn đổ về không đủ để thay thế lượng cát bị lấy đi.
Hệ sinh thái lưu vực sông Mekong bị thách thức không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Ngành nuôi trồng thuỷ sản ở hạ lưu sông Mekong vốn là nguồn cung cấp thực phẩm cho 60 triệu người.
Nhưng không chỉ thế, theo ước tính của WWF, dòng sông này còn là nơi cư ngụ của 800 loài cá, cũng như của một trong những quần thể lớn nhất còn lại của loài cá heo Irrawaddy vốn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

STEPHEN DARBY
Khai thác cát trên sông Mekong là nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở đất

Tuy nhiên, việc khai thác cát gây tranh cãi không chỉ diễn ra ở sông Mekong. Chẳng hạn, ở Kenya và Ấn Độ, đã có những cuộc đụng độ dữ dội liên quan đến khai thác loại tài nguyên này. Tính trung bình, mỗi người trên trái đất mỗi ngày sử dụng tới… 18kg cát.
Vậy phải chăng thế giới đang cạn kiệt cát? Mark Russell, Giám đốc Hiệp hội các sản phẩm khoáng sản của Anh, cho rằng vấn đề quan trọng hơn là việc tìm nguồn cát ngày càng khó hơn.
"Tuy đây là một vấn đề toàn cầu, nhưng nó lại diễn ra ở cấp độ địa phương, và đây là nguồn tài nguyên chưa được quan tâm nhiều," ông nói.
Một cách để giải quyết vấn đề là tìm cách sử dụng lượng cát dồi dào ngoài sa mạc. Các nhà khoa học từ Đại học Hoàng gia Luân Đôn đã lấy cát mịn ngoài sa mạc để tạo ra một loại vật liệu xây dựng mà họ gọi là "hữu hạn."
Loại vật liệu này có độ chắc tương đương với bê tông dân dụng, nhưng việc sản xuất ra nó chỉ thải ra một nửa lượng khí thải carbon so với bê tông và quan trọng nữa là nó có khả năng phân hủy sinh học.

Ngành thương mại trải rộng toàn cầu
Đồng thời, cũng có khuyến nghị đưa ra về hạn mức khai thác cát trên sông.
Việt Nam và Campuchia chính thức đưa ra lệnh cấm xuất khẩu cát từ sông Mekng lần lượt vào các năm 2009 và 2017.
Tuy nhiên, trên mạng internet, cát sông Mekong được rao bán với các đơn hàng từ 20 ngàn đến 200 ngàn tấn.
Rolf Aalto, Giáo sư ngành địa lý tại Đại học Exeter (Anh), cũng phát hiện ra rằng, trong khi Campuchia tuyên bố không xuất khẩu cát sông, dữ liệu của Singapore cho thấy vẫn tiếp tục nhập khẩu cát từ nước này.
Bộ Ngoại giao và Năng lượng Campuchia đã không trả lời yêu cầu bình luận của BBC.
Nhưng tình huống này minh họa những gì ông Russell mô tả là sự thiếu minh bạch trên phạm vi toàn cầu. "Nếu chúng ta thực sự không rõ chúng ta đang tiêu thụ cái gì hay nó đến từ đâu, thì việc đưa ra quyết định quản lý một cách sáng suốt là vô cùng khó khăn."

STEPHEN DARBY
Dù Việt Nam và Campuchia đã chính thức cấm xuất khẩu cát từ sông Mekong 
nhưng cát khai thác từ dòng sông này vẫn được rao bán trên internet

Giáo sư Darby cũng đồng ý rằng, chúng ta đang thiếu dữ liệu.
"Khó khăn lớn với ngành khai thác cát là không có bất kỳ hệ thống dữ liệu nào về phạm vi và mức độ của ngành thương mại này trên toàn cầu."
Ông Peduzzi nói đây chính là lý do tại sao cần có một trung tâm giám sát ở cấp độ toàn cầu.
"Hiện tại, tất cả những gì chúng ta có chỉ là ước tính chung và chúng ta cần tập trung nỗ lực của mình," ông nói.
Ngoài nghị quyết về quản trị tài nguyên khoáng sản do Liên Hiệp Quốc đưa ra hồi tháng Ba, theo đó yêu cầu các quốc gia phải giảm tác động của việc khai thác cát, ông Peduzzi cho rằng: "Chúng ta cần sử dụng tài nguyên này khôn ngoan hơn."
Ông cũng cho rằng, "Cát phải được xem là nguồn vật liệu chiến lược, chứ không chỉ là nguồn cung cấp vô tận."

Source:
https://www.bbc.com/vietnamese/business-50848404


Mekong và những dòng sông giữ nhịp khí hậu Trái Đất



Vivien CummingBBC Earth
19 tháng 12 2019

Bản quyền hình của Vivien Cumming

Làm thế nào các dòng sông chảy từ dãy núi lớn nhất thế giới có vai trò trong điều tiết khí hậu?

Vận chuyển carbon
Sông là mạch máu của Trái Đất. Chúng vận chuyển nước và chất dinh dưỡng thiết yếu để hỗ trợ các hệ sinh thái của hành tinh, bao gồm cả sự sống của con người.
Châu Á có một số con sông lớn nhất thế giới. Chúng bắt nguồn từ các dãy núi cao nhất, chảy tới những vùng ngập nước rộng lớn nơi hạ nguồn và cuối cùng đổ vào đại dương.
Giống như mạch máu, những con sông này kết nối đất đá trên núi cao với trầm tích dưới đáy đại dương và đem lại sự sống cho mọi thứ trong quãng đường đó.
Những dòng sông không chỉ mang theo nhiều chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự sinh tồn của sự sống, mà còn vận chuyển một yếu tố nắm vai trò then chốt đối với sự sống và tương lai của hành tinh chúng ta - carbon.

Bản quyền hình của Vivien Cumming

Tiến sĩ Edward Tipper của Đại học Cambridge làm việc trên những con sông lớn nhất châu Á để tìm hiểu cách thức và nơi chốn carbon được chuyển đến.
"Các hệ thống sông lớn ở những vùng nhiệt đới như Nam Á là điểm nóng về phong hóa do tác động của khí hậu gió mùa và các dãy núi cao, và do đó chúng là các khu vực chuyển carbon chính từ khí quyển và lục địa ra đại dương."
"Các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng việc chuyển đổi carbon này là không đơn giản như trước đây chúng ta từng nghĩ, và nhiều thứ diễn ra trong quá trình dòng chảy đi từ núi cao đổ ra biển có thể dẫn tới việc giải phóng carbon dioxide trở lại vào khí quyển," Tipper nói.
Tipper và các đồng nghiệp của ông nghiên cứu việc chuyển vận carbon ở các con sông của châu Á bằng cách thu thập mẫu từ các con sông lớn nhất, bao gồm sông Hằng, Salween, Irrawaddy và Mekong.
"Khi dòng chảy đạt đỉnh, mỗi giây sông Mekong vận chuyển lượng carbon tương đương với lượng carbon được giải phóng khi lái xe hơi gia đình cỡ trung bình trên đoạn đường 10.000 km. Hiểu được quá trình chuyển carbon là hết sức quan trọng để hiểu khí hậu trong tương lai."


Bản quyền hình của Vivien Cumming
Tipper và đồng nghiệp thu thập mẫu phẩm từ Sông Koshi ở Nepal


Carbon có mặt ở khắp mọi nơi. Hiểu được cách thức nó di chuyển và cách thức nó phát thải hay lưu trữ trong cấu trúc Trái Đất bản thân nó là một lĩnh vực khoa học phức tạp.
Carbon bắt đầu hành trình xuôi dòng khi mưa axit tự nhiên (có chứa carbon dioxide hòa tan trong khí quyển) hòa tan các khoáng chất trong đá.
Điều này trung hòa axit và biến đổi carbon dioxide thành bicarbonate trong nước và sau đó chảy vào các dòng sông của chúng ta.
Bicarbonate có thể tồn tại trong nước hàng ngàn năm - thực tế là nó có mặt trong mỗi chai nước khoáng, bạn sẽ thấy ở mặt sau chai nước nó được liệt kê trên tấm nhãn ghi thành phần.
Loại CO2 ra khỏi khí quyển
Quá trình phong hóa hóa học này là một trong những cách chính mà carbon dioxide bị loại ra khỏi bầu khí quyển ở mức độ các nhà khoa học Trái Đất gọi là quy mô thời gian dài.
Carbon được các con sông vận chuyển đến các đại dương. Một khi đến được đại dương, nó sẽ được tích trữ tự nhiên trong các trầm tích dưới đáy biển sâu trong hàng triệu năm.

Bản quyền hình của Vivien Cumming

Để giảm thiểu tác động đến khí hậu, chúng ta cần biết có bao nhiêu carbon ra được đại dương và vì vậy chúng ta cần phải hiểu điều gì xảy ra với chúng khi còn ở trên sông.
Khi carbon di chuyển xuôi theo dòng sông, các quá trình khác nhau có thể ảnh hưởng đến việc liệu nó sẽ tiếp tục xuôi dòng hay sẽ được thải vào khí quyển.
Tipper nói rằng hệ thống tự nhiên ở những dòng sông này đang ở điểm đảo chiều.
"Việc xây dựng đập ồ ạt đang diễn ra trên khắp khu vực, điều này sẽ dẫn đến những thay đổi đột biến trong cách thức nước và trầm tích chảy xuôi dòng."
"Điều này đến lượt nó sẽ có tác động sâu sắc đến người dân sống ở hạ lưu. Đây là cơ hội cuối cùng để chúng ta có thể chụp được bức ảnh ghi lại khoảnh khắc những con sông này ở trạng thái ít nhiều còn tự nhiên, trước khi chúng biến đổi hoàn toàn do tác động của các hoạt động xây dựng của con người."

Bản quyền hình của Vivien Cumming

Giáo sư Robert Hilton từ Đại học Durham làm việc để hiểu rõ hơn về phản hồi giữa quá trình chuyển giao carbon và khí hậu, và qua đó làm rõ các chu trình trên bề mặt Trái Đất có thể làm giảm bớt (hoặc tăng cường) biến đổi khí hậu.
"Thông qua các dự án nghiên cứu như thế, chúng ta có thể sử dụng các dòng sông để hiểu rõ hơn về cách các cảnh quan môi trường giúp tuần hoàn khí carbon do con người thải ra như thế nào."
"Điều quan trọng là chúng ta phải tìm hiểu xem những thay đổi cơ chế khí hậu và sông ngòi có dẫn đến việc các dòng sông trở thành phát thải carbon dioxide hay không, bởi điều này sẽ dẫn đến tình trạng Trái Đất ấm nóng lên rõ rệt hơn."

Bản quyền hình của Vivien Cumming

Khí hậu Trái Đất đang thay đổi do có sự dao động lớn trong chu trình carbon mà nguyên nhân là tăng lượng khí thải carbon dioxide từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Tất cả chúng ta đều biết về sự hấp thụ carbon dioxide của cây cối trong quá trình quang hợp, nhưng liệu chúng ta có biết về hoạt động các dòng sông?
Các con sông không chỉ cung cấp dưỡng chất cho nông nghiệp và nước để chúng ta uống, mà chúng còn đem đến một trong những cách chính để điều tiết khí hậu.
Thay đổi nguyên tắc hoạt động và chu trình của các dòng sông có thể có tác động sâu sắc đến cách chúng vận chuyển carbon.
Cho dù chúng ta sống ở nơi nào đi nữa, tất cả chúng ta đều sống ở hạ nguồn.

Source:
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Earth.



BONUS:

Mekong, dòng sông của 60 triệu người

“Sông Mekong, một trong những dòng sông dài nhất thế giới, đem lại thực phẩm, nước dùng và sự sống cho khoảng 60 triệu người dân ở sáu quốc gia khác nhau. Trong hầu hết chiều dài sông, dòng nước chảy qua các vùng khí hậu nhiệt đới, qua những nơi như Việt Nam hay Thái Lan.
Người Tây Tạng biết rằng nơi bắt nguồn 'thật sự' về mặt địa lý của sông Mekong nằm xa hơn nữa, trên các băng sơn ở những ngọn núi nhô lên trên cao nguyên. Trong nhiều năm, các nhà thám hiểm đã tìm cách xác định chính xác cội nguồn dòng sông.
Hồi đầu Thế kỷ 19, các nhà thám hiểm người Pháp tuyên bố đã tìm ra. Một người Pháp khác, Michael Peissel, nói đã phát hiện ra một điểm khác vào khoảng giữa thập niên 1990, cũng là lúc các nhóm người Nhật nỗ lực đi tìm.
Năm 1999, các nhóm Trung Quốc xác định được nguồn gốc con sông ở nơi còn cao hơn nữa, ở Núi Cát Phủ (Jifu Mountain). 
Kết quả mới nhất được các nhà thám hiểm Pieter Neele và Luciano Lepre đưa ra là vào năm 2014. Họ mô tả về một nơi bắt nguồn mới: một dòng suối chảy ra từ một băng sơn ở độ cao 5.374 mét, trên một ngọn núi vô danh ngay bên cạnh Núi Cát Phủ.

READ MORE:



.