Nguyễn Minh Quang
2 tháng 12 năm 2019
Sông Mekong ở Nongkhai,
Thái Lan cạn trơ đáy ngày 31 tháng 10 năm 2019.
[Ảnh: Suchiwa
Panya/AFP]
Phần dẫn
nhập
Trong phiên họp lần thứ 26th tại thủ
đô Phnom Penh, Cambodia vào ngày 26 tháng 11 năm 2019 vừa qua, Hội đồng Bộ
trưởng của các quốc gia thành viên trong Ủy hội Sông Mekong (Mekong River
Commission (MRC)) đã phê chuẩn chiến lược quản trị hạn hán cho 5 năm từ 2020
đến 2025, “cho phép Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam cùng với nhau chuẩn bị
và quản trị hạn hán.”
“Chiến lược tập trung vào 5 lãnh vực ưu tiên
được đánh giá là ‘kém hoạt động’ và cần được “lưu ý lập tức’ để đối phó với hạn
hán. Những lãnh vực nầy gồm có theo dõi
chỉ số hạn hán: bao gồm đất, độ ẩm, tình trạng mùa màng và lưu lượng trong mùa
khô; tiên đoán và cảnh báo sớm hạn hán; trau dồi khả năng trong việc hoạch định
và đánh giá hạn hán; các biện pháp giảm nhẹ ảnh hưởng; và hệ thống chia sẻ
thông tin.” [1]
Phiên họp Hội đồng Bộ trưởng MRC lần thứ 26th
tại Phnom Penh. [Ảnh: MRC]
Cũng trong phiên họp nầy, ông Lim Kean Hor, Bộ
trưởng Thủy lợi và Khí tượng kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Mekong của Cambodia
và đương kim Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng MRC niên khóa 2019, tuyên bố rằng:
“Khi chúng ta sang số để chuẩn bị và làm nhẹ ảnh hưởng của hạn hán, chiến lược
nầy sẽ giúp chúng ta giảm nhẹ sự tổn thương của người dân và hệ thống thủy lợi
đối với hạn hán, cải thiện khả năng thích ứng của chánh phủ, và thúc đẩy việc
chia sẻ thông tin, tiên đoán và cảnh báo sớm.”
Ông cũng cho biết thêm rằng chiến lược nầy là một phần của “các nỗ lực
đang diễn tiến của MRC để giúp các quốc gia thành viên chống chọi với hạn hán
hiện nay và trong tương lai có ảnh hưởng ở trong nước và xuyên biên giới.” [1]
Chiến lược quản trị hạn hán của MRC có thể giúp
các quốc gia thành viên đối phó với hạn hán như thế nào? Hiệu quả ra sao? Bài viết nầy có mục đích tìm hiểu thêm về
chiến lược quản trị hạn hán của MRC và đưa ra một số đề nghị để giúp cho chiến
lược có hiệu quả hơn.
Chiến
lược quản trị hạn hán của MRC
Mặc dù được phê chuẩn, chi tiết của chiến lược quản
trị hạn hán cho 5 năm từ 2020 đến 2025 không được công bố. Tuy nhiên, các chi tiết nầy có thể tìm thấy
trong một phúc trình về chiến lược quản trị hạn hán cho hạ lưu vực Mekong 2019-2023
được công bố trong năm 2018 [2]. Và đây
là căn bản cho việc thảo luận trong bài viết nầy.
Hạn hán là gì?
Theo định nghĩa của MRC, hạn hán là tình trạng
thiếu nước trong lưu vực vì ít mưa (meteorological or climate drought), lưu
lượng nước thấp (hydrological drought), đất khô (agricultural drought), sử dụng
nước (socio-economic drought), quản lý nước (water-management drought), và sử
dụng đất (land use related drought).
Những nguyên nhân gây hạn hán nầy có thể xảy ra
cùng lúc hay riêng biệt. Ảnh hưởng của
hạn hán tùy theo cường độ và thời lượng của chúng. Mặc dù có nhiều nguyên nhân, nhưng chỉ có 3
chỉ số được dùng nhiều nhất để theo dõi và phát hiện tình trạng hạn hán. Đó là chỉ số thời tiết, thủy học và nông
nghiệp.
Chiến lược quản trị hạn
hán 2019-2023
Chiến lược quản trị hạn hán 2019-2023 nhằm giúp
đỡ các quốc gia thành viên trong việc trau dồi khả năng và cung cấp kỹ thuật
mới để phát hiện và quản lý rủi ro và nguy hiểm của hạn hán trong lưu vực
Mekong cùng với việc sử dụng khả chấp nguồn nước Mekong. Chiến lược nầy tập chú vào 4 lãnh vực chánh
như sau:
1.
Đo đạc các chỉ số hạn hán
Có 3 chỉ số quan trọng
khi cứu xét ảnh hưởng và nguy cơ của hạn hán gồm có chỉ số khí tượng, chỉ số
thủy học và chỉ số nông nghiệp. Tất cả 3
chỉ số nầy phải đi cùng với nhau khi thực hiện phân tích, thiếu 1 trong 3 yếu
tố khiến kết quả không đầy đủ hay bị lạc hướng.
Chỉ số khí tượng là lượng mưa trong lưu vực. Chỉ số thủy học gồm có mực nước và lưu lượng
trong sông, nhất là trong mùa khô, lưu lượng chuyển nước và mực nước ngầm. Chỉ số nông nghiệp gồm có độ ẩm của đất và độ
mặn trong sông, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
2.
Hệ thống cảnh báo sớm hạn hán
Cảnh báo sớm hạn hán là
bước đầu tiên và thiết yếu để chuẩn bị và hoạch định hạn hán. Nó cho biết những gì sẽ xảy ra và nghiêm
trọng như thế nào và bao lâu. Dựa vào
thông tin nầy, các nhà hoạch định chánh sách có thể đưa ra những hành động tức
thời để giảm nhẹ ảnh hưởng của hạn hán và - ở địa phương – nông dân có thể sắp
xếp kế hoạch để cứu hoa màu tránh thiệt hại bằng cách chứa hay tiết kiệm
nước. Một hệ thống cảnh báo sớm hạn hán
đầy đủ gồm có a) theo dõi các chỉ số hạn hán, tối thiểu phải có các chỉ số khí
tượng, thủy học và nông nghiệp, b) tiên đoán hạn hán trước nhiều tuần và nhiều
tháng với các chỉ số hạn hán tối thiểu, và c) cảnh báo sớm tình trạng hạn hán
và phân tích chiều hướng dựa trên dữ kiện đo đạc và tiên đoán.
3.
Trau dồi khả năng
Việc quản lý hạn hán
vẫn còn mới mẻ đối với MRC vì Chương trình Quản lý Hạn hán chỉ được thành lập
và hoạt động vào năm 2012. Hơn nữa, vấn
đề tài trợ cũng làm cho các hoạt động huấn luyện chậm lại. Do đó, việc trau đồi khả năng là cần thiết và
có thể được thực hiện qua các lớp huấn luyện quốc gia và khu vực, nội trú, hội
nghị chuyên đề (seminar), họp công tác (workshop), và chuyến nghiên cứu (study
tour). Qua các lớp huấn luyện, MRC có
thể giúp học viên trau dồi khả năng về các đề tài riêng biệt cùng với thực hành
để học viên làm quen với dụng cụ và lý thuyết mới. Các phiên họp công tác hay hội thảo khu vực
hay quốc tế là phương cách hiệu quả nhất để trao đổi kinh nghiệm với chuyên
viên trong vùng và các nơi khác. Hạn hán
còn mới trong khu vực Mekong, do đó, chuyên viên MRC cần học hỏi kinh nghiệm từ
các vùng khác và chuyên viên chuyên về hệ thống cảnh báo sớm, quản lý hạn hán
và chiến lược thích ứng.
4.
Biện pháp giảm nhẹ ảnh hưởng
Giảm nhẹ ảnh hưởng của
hạn hán có lẽ là phần quan trọng nhất của chiến lược quản trị hạn hán 2019-2023. Văn phòng MRC trực tiếp hỗ trợ cho các quốc
gia thành viên trong việc phối hợp và giám sát kỹ thuật đặc biệt trong tình
hình căng thẳng của hạn hán nghiêm trọng, khô hạn kéo dài và mực nước
thấp. MRC sẽ phối hợp với các đối tác
đối thoại, đặc biệt là Trung Hoa, để kiểm soát chế độ dòng chảy ở thượng lưu. Hoạt động hàng ngày của các đập thủy điện
cũng rất quan trọng để theo dõi sự thay đổi lưu lượng của sông Mekong và để
tiên đoán chiều hướng trong thời gian sắp tới.
MRC sẽ cung cấp bản tin
hạn hán hàng tháng và đăng trên MRC Website để công chúng có thể theo dõi tình
hình hạn hán cập nhật trong khu vực. Các
bản tin hàng tháng nầy sau đó được cho vào văn thư lưu trữ để tham khảo trong
tương lai.
Để
giảm thiểu ảnh hưởng xuyên biên giới và cường độ của hạn hán, MRC sẽ soạn thảo
hướng dẫn để thích ứng với hạn hán sau khi thu thập dữ kiện từ các quốc gia
thành viên về chánh sách quản lý hạn hán và chiến lược giảm nhẹ ảnh hưởng, sử
dụng đất nông ngiệp và dẫn tưới, và sản lượng hoa màu các loại. Các biện pháp thích ứng được liệt kê trong
hướng dẫn sẽ được thử nghiệm qua các dự án tiên phong để xác định hiệu quả.
Nhận xét
và đề nghị
Đúng như lời tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng MRC niên khóa 2019 Lim Kean Hor trong phiên họp lần thứ 26th
tại Phnom Penh và được nhấn mạnh trong chiến lược quản trị hạn hán 2019-2023,
chiến lược quản trị hạn hán của MRC chỉ giúp cho các quốc gia thành viên giảm nhẹ
ảnh hưởng và cường độ của hạn hán chứ không phải để chống hạn hán như được giới
truyền thông thổi phồng [3,4]. Điều nầy
có nghĩa là chiến lược quản trị hạn hán của MRC chỉ giải quyết “phần ngọn” của
vấn đề hạn hán mà không đụng chạm đến “phần gốc” của nó: tình trạng thiếu nước
do hạn hán gây ra.
Để giải quyết tình trạng thiếu nước do hạn hán
gây ra, chiến lược quản trị hạn hán MRC cần có thêm chiến lược gia tăng nguồn
cung cấp nước và giảm thiểu nhu cầu sử dụng nước. Nguồn cung cấp nước có thể được gia tăng bằng
cách cải tiến các hồ chứa nước hiện có để gia tăng sức chứa dùng để chống hạn
hán, xây thêm hồ chứa mới kể cả các khu dự trữ nước trong các vùng trũng ở Đồng
Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên của ĐBSCL, mô phỏng theo các vùng bảo tồn nước
(water conservation areas) ở Everglades của tiểu bang Florida, Hoa Kỳ [5]. Một số biện pháp khác như làm mưa nhân tạo (rainmaking)
đã được áp dụng ở Thái Lan từ năm 1969 [6], nhưng hiệu quả của nó vẫn chưa chắc
chắn và còn nhiều tranh cãi; kỹ thuật lọc nước biển thành nước ngọt (desalination)
đã được áp dụng nhiều nhất ở các quốc gia Trung Đông nhưng rất tốn kém năng
lượng [7]; và nước tái chế (recycled water) từ nước thải đã thanh lọc đã được
áp dụng rộng rải ở quận hạt Los Angeles và Orange của California [8-10], nhưng
việc sử dụng bị hạn chế vì tâm lý của người tiêu thụ và luật lệ khắt khe của
tiểu bang. Cuối cùng, nước ngầm cũng có
thể gia tăng nguồn cung cấp nước trong lúc hạn hán, nhưng cũng bị giới hạn để
tránh sụt lún đất.
Nước thải, nước thải đã thanh lọc và nước tái
chế. [Ảnh: Internet]
Khu bảo tồn nước (WCA) ở Everglades, Florida.
[Ảnh: SFWMD]
Nhu cầu sử dụng nước được giảm thiểu bằng cách
thay đổi cây trồng và thời vụ để canh tác các loại hoa màu cần ít nước trong
mùa khô và giới hạn việc sử dụng nước ở đô thị.
Các biện pháp có thể áp dụng gồm việc giáo dục quần chúng tiết kiệm nước,
ấn định tiêu chuẩn dùng nước cho mỗi đầu người và tăng giá nước gia dụng.
Ngoài việc gia tăng nguồn cung cấp nước và giảm
thiểu nhu cầu sử dụng nước, chiến lược quản trị hạn hán của MRC cũng cần có nỗ
lực để “phục hồi” các nguyên tắc của Ủy ban Quốc tế Mekong 1957, trong đó có
quyền phủ quyết của quốc gia thành viên, và điều lệ của Thông cáo chung 1975 bị
hủy bỏ khi ký kết Thỏa ước MRC 1995 và thương thảo giữa các quốc gia MRC và các
quốc gia thượng nguồn để đạt đến một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý về
việc sử dụng nguồn nước sông Mekong và có biện pháp chế tài để bảo vệ quyền lợi
của mỗi quốc gia [11].
Phần kết
luận
Qua các trận hạn hán trong khu vực, nhất là
trận hạn hán lịch sử năm 2016 đã gây thiệt hại kinh tế lên đến 1,7 tỉ USD cho
Thái Lan; làm cho 2,5 triệu dân 18 tỉnh trong số 25 tỉnh ở Cambodia lâm vào
tình trạng thiếu nước; và làm mất 200.000 tấn lúa trị giá 44,64 triệu USD ở
ĐBSCL cùng với sự xâm nhập của nước mặn lên đến 93 km trong sông Vàm Cỏ, sâu
hơn các năm trước từ 15 đến 20 km [2], MRC nhận thấy cần phải có “một chiến
lược quản trị hạn hán cho khu vực để giúp cho các quốc gia thành viên quản lý
và giảm nhẹ ảnh hưởng và cường độ qua việc hoạch định và quản trị nguồn nước để
giảm thiểu tình trạng thiếu nước trong mùa khô.” [2]
Chiến lược quản trị hạn hán được công bố vào
đầu năm 2018 và được Hội đồng Bộ trưởng MRC phê chuần tron phiên họp lần thứ 26th
tại Phnom Penh, Cambodia. Chiến lược tập
trung vào 4 lãnh vực chánh: 1) Đo đạc các chỉ số hạn hán gồm có lượng mưa trong
lưu vực; mực nước và lưu lượng trong sông, nhất là vào mùa khô, lưu lượng
chuyển nước và mực nước ngầm; và độ ẩm của đất và độ mặn trong sông; 2) Hệ
thống cảnh báo sớm để theo dõi các chỉ số hạn hán, tiên đoán trước, và cảnh báo
sớm tình trạng hạn hán; 3) Trau dồi khả năng để chuyên viên Văn phòng MRC và Ủy
ban Quốc gia Mekong làm quen với dụng cụ và lý thuyết mới và trao đổi kinh
nghiệm với chuyên viên quốc tế; và 4) Biện pháp giảm nhẹ ảnh hưởng để giúp các
quốc gia thành viên thích ứng và giảm nhẹ ảnh hưởng của hạn hán.
Chiến lược quản trị hạn hán của MRC chỉ giải
quyết “phần ngọn” của vấn đề hạn hán mà không đụng chạm đến “phần gốc” của nó:
tình trạng thiếu nước do hạn hán gây ra.
Để giải quyết tình trạng nầy, chiến lược quản trị hạn hán MRC cần có
thêm chiến lược gia tăng nguồn cung cấp nước và giảm thiểu nhu cầu sử dụng
nước. Nguồn cung cấp nước có thể được
gia tăng bằng cách cải tiến các hồ chứa nước hiện có, xây thêm hồ chứa mới kể
cả các khu bảo tồn nước ở ĐBSCL, làm mưa nhân tạo, lọc nước biển, tái chế nước
thải, và nước ngầm. Nhu cầu sử dụng nước
được giảm thiểu bằng cách thay đổi cây trồng và thời vụ và giới hạn việc sử
dụng nước ở đô thị qua việc giáo dục quần chúng, ấn định tiêu chuẩn dùng nước
và tăng giá nước.
Thêm vào đó, chiến lược quản trị hạn hán của
MRC cũng cần có nỗ lực để “phục hồi” các nguyên tắc của Ủy ban Quốc tế Mekong
1957, trong đó có quyền phủ quyết của quốc gia thành viên, và điều lệ của Thông
cáo chung 1975 bị hủy bỏ khi ký kết Thỏa ước MRC 1995 và thương thảo giữa các
quốc gia MRC và các quốc gia thượng nguồn, nhất là Trung Hoa, để đạt đến một
thỏa thuận công bình và bình đẳng trong việc sử dụng nguồn nước sông Mekong.
Sơ lược về tác giả
Tác giả nguyên là Kỹ sư Công chánh
Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của tiểu bang Florida và
California. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh
tại Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn
năm 1972. Trưởng ty Kế hoạch, Ủy ban
Quốc gia Thủy lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn đến tháng 4 năm
1975. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh (1983)
và Cao học Thủy lợi (1985) tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ. Chuyên viên Thủy học (Hydrlogist) của Sở Quản
trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989. Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát Trưởng
(Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về
thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles. Về hưu từ năm 2016.
Tài liệu
tham khảo
[1] Mekong
River Commission. 26 November 2019. “MRC
Ministerial council approves a drought management strategy, other policies,
boosting Mekong countries’ ability to prepare for future disaster.” Phnom Penh, Cambodia. http://www.mrcmekong.org/news-and-events/news/mrc-ministerial-council-approves-a-drought-management-strategy-other-policies-boosting-mekong-countries-ability-to-prepare-for-future-disaster/
[2] Drought
Management Team (DMT). 25 January 2018. Drought Management Strategy for the Lower
Mekong Basin. First Draft. Mekong
River Commission. Vientiane, Lao PDR. http://www.tnmc-is.org/wp-content/uploads/2018/03/MRC-DMS-Jan-2018-V1.2.pdf
[3] Vietnam
Up. November 27, 2019. “Vietnam joins
hands with Mekong nations to fight drought.” Vietnam Up. https://www.vietnamup.com/2019/11/vietnam-joins-hands-with-mekong-nations-to-fight-drought/
[4] Xinhua.
27 November 2019. “Mekong nations plan five-year strategy to fight
drought.” The Star Online. https://www.thestar.com.my/news/regional/2019/11/27/mekong-nations-plan-five-year-strategy-to-fight-drought
[5] Florida
Fish and Wildlife Conservation Commission.
Accessed December 2, 2019. “Everglades Water Conservations Areas.” Florida Fish and Wildlife Conservation
Commission. https://myfwc.com/fishing/freshwater/sites-forecasts/s/everglades-water-conservation-areas/
[6] Wikipedia.
15 October 2019. “Royal Rainmaking Project.”
Wikipedia. https://en.wikipedia.org/wiki/Royal_Rainmaking_Project
[7] U.S.
Geological Survey. Accessed December 2,
2019. “Desalination.” USGS. https://www.usgs.gov/special-topic/water-science-school/science/desalination?qt-science_center_objects=0#qt-science_center_objects
[8] Orange
County’s Groundwater Authority. Accessed
December 2, 2019. “Water Reuse.” Orange County Water District. Orange County, California. https://www.ocwd.com/what-we-do/water-reuse/
[9] LA
Sanitation. Accessed December 2, 2019.
“Recycled Water.” City of Los Angeles,
California. https://www.lacitysan.org/san/faces/home/portal/s-lsh-es/s-lsh-es-rw;jsessionid=sjTJORGOQEUrVVBD0oiw_8MmsS0dbA1JL2NWVgjKfCcuyuMFhsPV!-281476243!465118641?_afrLoop=16408955835324364&_afrWindowMode=0&_afrWindowId=null&_adf.ctrl-state=1daqmpdjye_1#!%40%40%3F_afrWindowId%3Dnull%26_afrLoop%3D16408955835324364%26_afrWindowMode%3D0%26_adf.ctrl-state%3D1daqmpdjye_5
[10] The
Metropolitan Water District of Southern California and the Sanitation Districts
of Los Angeles County. Accessed December
2, 2019. “Regional Recycled Water. Advanced Purification Center.” Los Angeles, California. http://www.mwdh2o.com/DocSvcsPubs/rrwp/index.html#home
[11] Nguyễn
Minh Quang, P.E. Tháng 3 năm 2016. “Tình
trạng thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long.”
Bauxite Việt Nam. http://www.boxitvn.net/bai/41526
No comments:
Post a Comment