(Did Vietnam Just Doom
the Mekong?)
Tom Fawthrop – Bình Yên
Đông lược dịch
The Diplomat – November 26, 2019
Dân làng Thái cầm biểu ngữ phản đối việc xây đập trên sông
Mekong trong một cuộc tuần hành bên ngoài công ty xây dựng ở Bangkok, Thái Lan
ngày 24 tháng 4 năm 2012. [Ảnh: Apichart Weerawong/AP]
Quyết định mới đây của công ty dầu khí Việt Nam,
Petrovietnam, để đầu tư vào một đập thủy điện khổng lồ nằm gần Khu Di sản Thế
giới ở Luang Prabang, Lào, đã làm cho nhiều chuyên viên về Mekong, các nhóm xã
hội dân sự và một số viên chức chánh phủ ở Hà Nội bối rối và mất tinh thần.
Chuỗi dự án đập trên hạ lưu Mekong ở Lào đã châm ngòi cho
những lo ngại lớn lao của Việt Nam, với vùng đồng bằng rất dễ bị tổn thương vì
ảnh hưởng tai hại của đập ở hạ lưu. Trong năm 2011, cựu thủ tướng Việt Nam công
khai kêu gọi ngưng tất cả việc xây cất đập Xayaburi. Việt Nam cũng kêu gọi Lào
xét lại tất cả các đập tiếp theo.
Nhưng ngày nay, chánh phủ Việt Nam đã đổi bên và cùng đi với
các nhà phát triển đập qua việc hỗ trợ cho đập lớn nhất chưa từng có ở hạ lưu
Mekong – đập Luang Prabang với công suất 1,410 MW.
Tiến sĩ (TS) Lê Anh Tuấn, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Thay
đổi Khí hậu của Đại học Cần Thơ, nói với The Diplomat: “Tôi rất thất vọng về
chuyện nầy.” Ông cho biết chánh phủ vừa công bố Nghị quyết 120 để củng cố kế
hoạch phát triển khả chấp cho đồng bằng của Hà Nội. Nghị quyết tập trung nỗ lực
để đối phó với đe dọa kép từ thủy điện ở thượng lưu và thay đổi khí hậu.
Trong một thông cáo báo chí trong tháng qua, các nhà hoạt
động môi trường Việt Nam cho biết, “Đã chịu ảnh hưởng của các đập Mekong ở
thượng lưu, thật là vô lý để Việt Nam hợp sức để xây đập. Nếu Việt Nam tham gia
vào việc xây cất đập Luang Prabang, nó cũng góp phần ảnh hưởng đến Đồng bằng
sông Cửu Long (ĐBSCL). Hệ thống Sông ngòi Việt Nam đề nghị Tổ hợp Dầu Khí Việt
Nam (PV Power) và giới thẩm quyền nên xét lại việc đầu tư vào Dự án Thủy điện
Luang Prabang ở Lào.”
Đập Luang Prabang là đập thủy điện thứ 5 mà Lào đệ trình lên
Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) để tham vấn trước với 3 quốc
gia thành viên khác (Cambodia, Thái Lan và Việt Nam).
Bốn dự án đập trước đã bị Việt Nam chỉ trích kịch liệt với lý
do ngăn chận phù sa mầu mỡ chảy đến hệ sinh thái mong manh của ĐBSCL. 18 triệu
người Việt Nam dựa vào đồng bằng, chén cơm của quốc gia, để sinh tồn.
TS Philip Hirsch, cựu giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu
Mekong thuộc Đại học Sydney, nhận xét rằng “việc tham gia của một công ty quốc
doanh quan trọng vào việc phát triển thủy điện trên dòng chánh Mekong đánh đổ
lập trường chánh thức trước đây cho rằng việc phát triển như thế gây nguy hiểm
lớn lao cho hàng triệu người sinh sống, trồng trọt và đánh cá ở ĐBSCL.”
Sự lật ngược chánh sách lạ lùng nầy khiến VN Express, một tờ
báo mạng, phải ví hành động nầy là “Việt Nam tự bắn vào chân mình” trong một
bài báo bị gở khỏi trang mạng. Sự thay đổi để ôm chặt lấy đập Luang Prabang làm
cho sự tín nhiệm ngoại giao của Hà Nội trở nên bấp bênh trong lúc con sông dài
nhất Đông Nam Á (ĐNA) vẫn còn đang hồi phục sau đợt hạn hán nghiêm trọng hồi
tháng 7, khiến số lượng cá tụt giảm. Mực nước sông Mekong trong mùa khô hiện
nay vẫn còn thấp đáng ngại, và phải đợi đến tháng 6 năm tới mới có mưa. Tình
trạng thiếu nước đã được ban bố trong nhiều tỉnh ở Cambodia và Thái Lan.
Ngoại giao đập và Địa chánh trị của Mekong
Chuyên viên thủy lợi Marc Goichot của Quỹ Hoang dã Thế giới
(World Wildlife Fund (WWF)) cảnh báo rằng cái giá phải trả để tiến hành đập rất
cao ở cả Lào và Việt Nam.
Goichot nói, “Đập Luang Prabang sẽ có nhiều ảnh hưởng, đáng
kể nhất là nhấn chìm cảnh quan đẹp lạ lùng của sông và khảm sinh thái; tái định
cư các cộng đồng với văn hóa gắn liền với sinh thái của sông; và thay đổi lưu
lượng và vẻ đẹp của sông sẽ làm giảm giá trị của Khu Di sản Thế giới vô giá ở
Luang Prabang.” Đập khổng lồ nầy buộc 17.700 dân làng phải di tản để làm hồ
chứa khổng lồ cho đập.
Vì đập Luang Prabang cũng không thể tránh gây thêm đau khổ
cho 18 triệu người dân Việt Nam đang thống khổ trong ĐBSCL đang đói phù sa và
sụt lún, sức mạnh bí mật nào đã khiến Hà Nội hành động ngược lại với quyền lợi
của mình?
Một nguồn tin thông thạo làm việc trong lãnh vực năng lượng
của Việt Nam (yêu cầu được dấu tên) giải thích với chúng tôi về lập luận của
chánh phủ đối với đập Luang Prabang: “Việt Nam không có sự lựa chọn. Vâng, nó
không tốt cho ĐBSCL, nhưng nếu chúng tôi không phát triển đập, Trung Hoa sẽ
làm. Hoàn toàn chắc chắn! Và đó sẽ là mối đe dọa đối với chủ quyền của Việt
Nam. Tất cả chỉ là địa chánh trị.”
Việt Nam từ lâu đã lo ngại sự bành trướng đều đặn các lợi ích
thương mại của Trung Hoa dọc theo sông Mekong, đặc biệt là đầu tư và kế hoạch
xây cất 3 đập trên hạ lưu Mekong ở Lào – Don Sahong (đang xây cất), Pak Beng và
Pak Lay.
Chính mối lo sợ Trung Hoa, một quốc gia đã kiểm soát hầu hết
lượng nước chảy xuống Mekong, định đớp lấy một dự án thủy điện ở hạ lưu khác đã
châm ngòi cho sự đột nhập không ngờ của Việt Nam vào việc xây đập trên dòng
chánh Mekong.
Viễn cảnh của một đập của Trung Hoa khác ở Luang Prabang đã
khiến cho các hành lang điện lực ở Hà Nội gần như hốt hoảng. Dưới áp lực của
Lào, chánh phủ Việt Nam đã ký một hợp đồng xây đập được soạn sẵn và vứt qua cửa
sổ các nỗ lực ngoại giao trong suốt 19 năm để bảo vệ ĐBSCL và những cố gắng để
kềm chế việc xây đập điên cuồng trên dòng chánh Mekong.
Nhiều người Việt chỉ trích sự thay đổi chánh sách nầy và nói
rằng toan tính địa chánh trị có thể khiến Việt Nam phải trả giá cao bằng sự tín
nhiệm quốc tế của mình. TS Tuấn của Đại học Cần Thơ than thở rằng “chánh sách
trái ngược về Mekong nầy sẽ làm cho tiếng nói của Việt Nam trong ngoại giao và
diễn đàn quốc tế yếu hơn.”
Chánh trị năng lượng
Bên trong nội bộ năng lượng của chánh phủ, các giới chức lập
luận rằng Việt Nam “có lợi hơn nếu có thể kiểm soát lưu lượng và tai hại của
đập” với công ty Petrovietnam của Việt Nam đóng vai chánh trong việc kiểm soát
dòng nước chảy từ đập Luang Prabang.
Lập luận nầy bị các chuyên viên thủy lợi Mekong bác bỏ. Một
nguồn tin từ Petrovietnam thừa nhận rằng, giống như bất cứ đập nào khác, “nó sẽ
làm giảm phù sa và lưu lượng chảy vào ĐBSCL.”
Một mối lo ngại lớn hơn nhiều là, vào lúc đập nầy bắt đầu
hoạt động vào năm 2027, lưu lượng của sông Mekong đã tụt giảm đến mức đập không
còn vận hành được.
Tác giả Brian Eyler của quyển Những Ngày Cuối của Mekong Hùng
vĩ (The Last Days of the Mighty Mekong), nói với The Diplomat rằng “Việt Nam
nên dùng mối liên hệ kinh tế và ngoại giao với Lào để tránh các đập trên dòng
chánh, chứ không phải để xây chúng.” Eyler cũng cho rằng, “Kỹ thuật thủy điện
đang trở nên lỗi thời,” và tiên đoán rằng nó sẽ xảy ra “trong 5 năm hay ít hơn,
trước khi hoàn tất đập Luang Prabang rất lâu.”
Các chuyên viên năng lượng hiện nay hướng đến năng lượng sạch
tái tạo như là nguồn năng lượng thay thế ngày càng hiệu quả hơn thủy điện, và
cả Việt Nam và Thái Lan đang gia tăng nhanh chóng vai trò của tái tạo trong
năng lượng hỗn hợp của quốc gia.
TS Tuấn đã nêu vấn đề nầy với chánh phủ Việt Nam và đề nghị
Hà Nội làm áp lực với Lào để đầu tư vào năng lượng sạch và ngừng xây đập trên
dòng chánh Mekong.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản và chánh phủ Việt Nam, trong khi luôn
luôn duy trì vẻ đoàn kết trước công chúng, thường chia rẽ sâu xa trong các vấn
đề thủy lợi và mối liên hệ gần gủi lâu đời với đồng minh Lào. Những đảng viên
bảo thủ lớn tuổi trong bộ chánh trị cam kết mãnh mẽ với cái còn sót lại của mối
liên hệ đặc biệt với các lãnh đạo cộng sản ở Vientiane, mặc dù quốc gia không
có biển nầy hoàn toàn lệ thuộc và mang ơn Trung Hoa.
Nhưng bất cứ cố gắng nào để làm Lào hài lòng bằng cách đầu tư
vào việc xây đập gây khó khăn cho người dân của chính mình ở ĐBSCL đã gây nhiều
tranh cãi ở trong nước và có thể đưa đến bất ổn xã hội.
Đây là lúc tệ hại nhất để đầu tư đập mới. Marc Goichot của WWF,
một nhà nghiên cứu lão thành của Mekong, cho thấy rằng “6 trong số 13 tỉnh ở
ĐBSCL vừa mới ban bố tình trạng khẩn cấp hay cách ly các dãy đất dài dọc theo
sông Mekong vì sạt lở nghiêm trọng ở qui mô lớn, và nghiên cứu mới đây cũng cho
biết phần lớn của ĐBSCL đang chìm xuống biển nhanh hơn dự đoán.”
Đập Luang Prabang chỉ cách Khu Di sản Thế giới 25 km và cách
địa điểm du lịch nổi tiếng, động Pak Ou, 5 km. Các chuyên viên nói rằng chỉ cần
một hiện tượng thời tiết cực đoan có thể gây tai nạn cho đập, và tài sản văn
hóa vô giá được UNESCO công nhận, thủ đô vương quốc cỗ xưa Luang Prabang, có
thể bị nhấn chìm và tàn phá.
Ngày 20 tháng 11, một trận động đất mạnh 6,1 trên Địa chấn kế
Richter đã rung chuyển miền tây Lào, với tâm động đất chỉ cách Luang Prabang 155
km. Nó nhắc nhở đúng lúc một rủi ro trong nhiều rủi ro và nguy hiểm của thủy
điện. Lào không được chuẩn bị để tránh vỡ đập như tai họa trong tỉnh Attapeu
trong năm 2018 cho thấy.
Theo Trung tâm Stimson ở Hoa Kỳ, 8 đập đang xây hay đã hoàn
tất ở Lào chỉ cách tâm động đất của trận động đất trong vòng 100 km. Với thời
tiết cực đoan trở nên thông thường, đã đến lúc để CEO của MRC có trách nhiệm
hành động và báo động cho các diễn đàn công cộng, không phải ngồi chờ các quốc
gia thành viên thay đổi thái độ.
Tổ chức International Rivers có trụ sở ở Hoa Kỳ nghĩ rằng “Đã
quá trễ để kêu gọi mạnh mẽ và rõ ràng [việc ngừng xây đập].” Maureen Harris,
phối hợp viên cho khu vực Mekong, thúc giục “vì an ninh công cộng, để bảo vệ hệ
sinh thái vô giá của Mekong và vì lý do kinh tế - các dự án đập đang được dự
trù phải được ngưng lại và tất cả các đập mới trên dòng chánh phải được hoãn
lại.”
Nhưng Việt Nam dường như đang đi ngược lại. Khủng hoảng nước
phải tệ hại đến đâu trước khi các nhà hoạch định chánh sách trong khu vực thức
tỉnh bởi thảm họa sinh thái do việc xây đập điên cuồng trên sông Mekong gây ra?
Sơ lược về tác giả
Tom Fawthrop là phóng viên trong vùng Mekong từ thập niên
1980s của truyền thông Anh như The Economist, The Guardian và BBC và cũng là
cộng tác viên của South China Morning Post. Ông là giám đốc phim tài liệu
truyền hình “Giết Mekong từng Đập (Killing the Mekong Dam by Dam).”
Tom Fawthrop – Bình Yên Đông lược dịch
The Diplomat – November 26, 2019
.
No comments:
Post a Comment