Sunday, January 30, 2022

THỦY ĐIỆN: CHI PHÍ CÓ THỂ VƯỢT QUÁ LỢI ÍCH?

 (Hydropower: could the costs outweigh the benefits?)

Mark Rowe – Bình Yên Đông lược dịch

Energy – 14 January 2022

 


Đập Three Gorges (Tam Hiệp) ở Trung Hoa, chắn ngang sông Yangtze ở thị trấn Sandouping trong tỉnh Hubei (Hồ Bắc), là đập lớn nhất thế giới về công suất thiết trí. [Ảnh: Isabel Kendzior]

 

Thủy điện được xem là cần thiết nếu thế giới đạt đến 0 ròng, nhưng chi phí lớn lao đối với hệ sinh thái và cộng đồng địa phương vượt quá lợi ích?

Hầu hết ‘các giải pháp’ đối với thay đổi khí hậu có khuynh hướng phân cực ý kiến, nhưng có một vài giải pháp rất chia rẽ chẳng hạn như thủy điện.  Đối với những người ủng hộ, nó là một nguồn điện sạch, rẻ, đáng tin cậy và uyển chuyển và là một mẫu mực của quản lý nguồn nước có trách nhiệm.  Sau rốt, nhiên liệu nào có thể tái tạo nơn nước, luôn luôn được bổ sung bởi thiên nhiên?  Nhưng những người phê bình cho thấy những ảnh hưởng môi trường và xã hội tai hại rộng lớn.

Như một dòng sông uốn khúc ra biển, hướng di chuyển của thủy điện có vẻ chỉ có 1 chiều.  Sản lượng của thủy điện đã gia tăng 70% trong 2 thập niên qua.  Trong năm 2020, nó cung cấp 1/6 số điện sản xuất trên toàn cầu và là nguồn điện carbon thấp lớn nhất, nhiều hơn tất cả các nguồn tái tạo khác gộp lại.  Ở Norway, 99% điện đến từ thủy điện; ở Brazil, con số đó là 85%.  Công suất thiết trí tổng cộng toàn cầu của thủy điện là 1.307 GW trong năm 2019, với ít nhất 18 GW được thêm mỗi năm kể từ đó và tiên đoán tương tự cho năm 2022.

Thủy điện cũng có thể dành được con dấu chấp thuận từ Liên Hiệp Quốc, xem nó cần thiết để thực hiện 4 Mục tiêu Phát triển Khả chấp (Sustainable Development Goals (SDGs) (tính sẵn có và quản lý khả chấp của nguồn nước; cung cấp việc tiếp xúc với điện hiện đại, khả chấp, đáng tin cậy và vừa túi tiền; nâng cấp hạ tầng cơ sở với kỹ thuật sạch và phù hợp với môi trường; giảm phóng thích carbon trong thành phần năng lượng).  Cơ quan năng lượng Quốc tế (International Energy Agency (IEA)) cũng đồng ý, mô tả thủy điện như một “người khổng lồ bị bỏ quên’ của điện carbon thấp.  Trong một phúc trình hồi tháng 6 năm 2021, IEA cảnh báo rằng sự tăng trưởng của các nhà máy thủy điện trên toàn thế giới được xem là thấp (nhưng không đảo ngược) đáng kể trong thập niên nầy.  Đối với IEA, thủy điện là một phần để ngăn chận sự gia tăng nhiệt độ nguy hiểm và tin rằng bất cứ sự chậm  lại sẽ hủy hoại tham vọng của các quốc gia trên thế giới để đạt được phóng thích ròng 0.  IRENA, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (International Renewable Energy Agency), đã tính toán rằng công suất thủy điện hiện nay của thế giới cần tăng khoảng 60% vào năm 2050 nếu chúng ta muốn giữ cho nhiệt độ toàn cầu gia tăng dưới 2 oC.

 

Hồ Hongrin là một hồ chứa nước ở Vaud, Switzerland, được tạo nên bởi đập Hongrin, được dùng để sản xuất điện và ngừa lụt.

 

Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (International Hydropower Association (IHA)), một nhóm kỹ nghệ, nói rằng không có quốc gia nào đã đến gần việc thực hện 100% năng lượng tái tạo ngoài thủy điện trong hỗn hợp năng lượng của mình; IHA nói sử dụng thủy điện thay vì nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện đã tránh phóng thích trên 100 tỉ tấn carbon dioxide trong 50 năm qua, vượt quá việc phóng thích khí nhà kiếng (GHG) ngăn chận bởi điện nguyên tử.

Với tất cả những ưu thế nầy, tất cả được ôm chặt không chỉ bởi các nhà hoạt động hành lang mà còn bởi các cơ quan liên chánh phủ trung thành và có kiến thức, cái gì để không thích về thủy điện?

Các vấn đề của đập

Những người chỉ trích thủy điện đưa ra một số vấn đề với nguồn năng lượng tái tạo, nhiều vấn đề phát sinh từ sự kiện là kỹ thuật dựa vào vô số đập ngăn chận dòng chảy của sông.  Một phúc trình mới đây của International Rivers (IR) (Sông ngòi Quốc tế) ở Hoa Kỳ cho thấy rằng ¼ sông của thế giới nay bị khô cạn trước khi đến biển và chỉ có 59 trong số 177 sông lớn nhất trên thế giới hoàn toàn chảy tự do.  Có thể rất khó, phúc trình nhăn nhó, để đặt một khối bê tông khổng lồ vào giữa sông và tìm cách để làm cho nó ‘nhân từ với môi trường’.

Phúc trình kêu gọi các công ty xây đập lớn nhất trên thế giới có những bước cấp bách để đối phó với qui mô và tính nghiêm trọng của các ảnh hưởng đa dạng sinh học đã xảy ra.  Nghiên cứu nhấn mạnh đến dấu chân của 2 nhà xây đập lớn nhất trên thế giới, PowerChina và China Three Gorges, và các chi nhánh của họ, chiếm trên ½ thị trường xây cất thủy điện toàn cầu.  Phúc trình cũng kết luận rằng các nhà xây cất đập thiếu định nghĩa rõ ràng của các chánh sách ‘không làm (no-go)’ để loại trừ các dự án có vấn đề, mang lại thiệt hại không thể đảo ngược đối với một số nơi nhạy cảm sinh thái nhất và các chủng loại hiếm nhất.

Theo Đất ngập nước Quốc tế (Wetlands International), các đập được khuyến cáo kém, các hệ thống thủy nông và các dự án phát triển khác bơm hay lấy nước, thay đổi khối lượng, vận tốc và phẩm chất của nước chảy qua các hệ sinh thái và làm đứt đoạn và mất sông, hồ và đồng lụt.  Những thay đổi như thế đã có những hậu quả thảm khốc ở thượng và hạ lưu.  Thuốc trừ sâu, PCBs và cả thủy ngân có thể giữ lại trong các hồ chứa nước và tích lũy với nồng độ cao trước khi chuyển cho cá, rồi có thể được tiêu thụ bởi thú ăn thịt hay con người, cũng như ảnh hưởng nguồn nước của làng mạc ven sông.

IR cũng đưa ra các ảnh hưởng xã hội: các đập đã dời cư 80 triệu người và ảnh hưởng tai hại đến 479 triệu người khác sống ở hạ lưu, đại đa số là người bản xứ.

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP

LÀM SÁNG TỎ BÍ MẬT TRONG VIỆC XOAY CHIỀU CỦA LÀO TỪ TÁI TẠO SANG THAN ĐÁ ĐỂ CUNG CẤP CHO BÌNH ĐIỆN CỦA ĐÔNG NAM Á

 (Unraveling the Mystery of Laos U-Turn from Renewables to Coal to Power the Battery of Southeast Asia)

Kannikar Petchkaew – Bình Yên Đông lược dịch

Mekong Eye – 18 January 2022

 

Pak Beng, Lào. [Ảnh: Parker Hilton]

 

Sau nhiều năm thủy điện nâng cao tham vọng thành công của Lào để trở thành một quốc gia xuất cảng điện then chốt trong khu vực, thị trường xuất cảng năng lượng của Lào đã xoay chiều ngạc nhiên… đến than đá.

Theo phân tích quốc tế mới nhất từ Carbon Tracker đến Bloomberg, carbon đang chết.  Thế mà ở Lào, việc sản xuất năng lượng carbon đi từ 0 đến ½ năng lượng do quốc gia sản xuất trong 5 năm.

Phân tích dữ kiện của chánh phủ, y tế và kỹ nghệ trên khắp khu vực thăm dò các sức mạnh kinh tế, môi trường và địa chánh trị đang thúc đẩy đầu tư trong một nguồn điện đang chết và các hậu quả tiềm tàng của việc chuyển từ tái tạo.

Như hầu hết tin tức về Lào, không có việc tiết lộ đầy đủ và những câu hỏi khổng lồ vẫn thuộc về các diễn viên riêng biệt thụ hưởng từ than đá và liệu nó đe dọa sự trổi dậy dần dần của Lào từ vô cùng nghèo khó.  Giải thích nầy gồm có:

·                    Những sức mạnh ở phía sau việc xoay chiều tăng tốc đến than đá

·                    Các động cơ ở phía sau việc chuyển từ thủy điện

·                    Hậu quả y tế và môi trường của việc ôm chặt than đá

·                    Rủi ro kinh tế của thị trường đầu tư than đá đang chết

·                    Tương lai của bình điện của Đông Nam Á (ĐNA)

 

Các láng giềng mạnh đầu tư mờ ám vào than đá thường chi phối chánh sách năng lượng

Theo các báo cáo của truyền thông, trong năm rồi, một thỏa thuận mới trị giá 2 tỉ USD sẽ cho phép một công ty Trung Hoa quản lý đại đa số lưới điện của Lào trong 25 năm sắp tới, một sự bành trướng nhiều thập niên của đầu tư ngoại quốc thúc đẩy nhiều dự án năng lượng khổng lồ nhưng không được biết rõ.

Bị áp đảo bởi khoản nợ ngoại quốc lên đến 12,6 tỉ USD, hay khoảng 65% tổng sản lượng quốc gia, Lào không ở trong tư thế mạnh để tái kiểm soát việc điều hành năng lượng của mình.

Trung Hoa, có tài chánh, khả năng kỹ thuật và nhân sự để điều hành nó, sẽ tiếp tục ảnh hưởng loại năng lượng nào được tài trợ trong quốc gia.

Chuyển nhượng điện than tính cho đến nay được công nhận là kinh doanh từ Trung Hoa, Việt Nam, Singapore và Lào.  Thái độ thù địch toàn cầu đối với các nhà máy than đá mới khiến cho việc xác định các dự án than đá mới khó khăn hơn thường lệ và đòi hỏi sục sạo các báo cáo truyền thông để có tin tức.  Nhưng có một điều rõ ràng: con số đang leo lên.

Theo dõi Năng lượng Toàn cầu đã xác định ít nhất 6 dự án than đá đã được loan báo ngoài nhà máy Hongsa hiện đang hoạt động, sẽ thêm 6.700 MW của than đá vào hỗn hợp năng lượng của Lào.  Đây là một số thí dụ chi tiết của một số nhà máy nầy từ các nguồn tin có sẵn:

·                     Vào giữa tháng 11 năm ngoái, Quốc hội Lào, Bộ trưởng Năng lượng và Hầm mỏ Daovong Phonekeo loan báo việc đến nơi của các nhà máy điện than mới với nghị viện duy nhất của quốc gia.

·                     Daovong chia sẻ chi tiết của 2 dự án than đá: nhà máy điện than 1.800 MW điều hành bởi nhóm doanh nghiệp Lào và dự án 700 MW do các nhà đầu tư Trung Hoa cầm đầu ở tỉnh Xekong phía nam, gần với Cambodia.

·                     Trong tháng 6 năm 2020, Đài Á Châu Tự do (Radio Free Asia (RFA)) trích các nguồn tin rằng một nhà máy điện than 1.000 MW khác được giao cho một chuyển nhượng trong cùng tỉnh.

·                     Trong năm 2016, 2 dự án năng lượng than đá của 1 nhà đầu tư Trung Hoa với công suất 600 MW được giao qua một chuyển nhượng 25 năm.  Theo RFA, mặc dù có tiến độ chậm, lo ngại đã gia tăng trong nhiều năm bởi chánh quyền và cư dân địa phương về ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường và người dân.

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP

Sunday, January 23, 2022

TÌNH TRẠNG DÒNG CHẢY THẤP VÀ HẠN HÁN MEKONG 2019-2021 – ĐIỀU KIỆN THỦY HỌC Ở HẠ LƯU VỰC SÔNG MEKONG

 (Mekong Low Flow and Drought Conditions in 2019-2021 – Hydrological Conditions in the Lower Mekong River Basin)

Mekong River Commission Secretariat – Bình Yên Đông lược dịch

Mekong River Commission – January 2022


TÓM LƯỢC DÀNH CHO CẤP ĐIỀU HÀNH

Bối cảnh

Lưu vực sông Mekong được chia thành Thượng Lưu vực sông Mekong (UMB) ở Trung Hoa và Myanmar, và Hạ Lưu vực sông Mekong (LMB) nằm trong lãnh thổ của các quốc gia thành viên MRC: Cambodia, Lào PDR, Thái Lan và Việt Nam.  UMB chiếm khoảng 20% diện tích lưu vực và đóng góp 64 km3 hay 13,5% Nước Chảy tràn Trung bình Hàng Năm (Mean Annual Runoff (MAR)) là 475 km3.  Thủy học của dòng chánh Mekong bị chi phối bởi thời điểm và cường độ của mưa mùa Đông Nam Á (ĐNA).  Nó tạo nên một đỉnh lũ duy nhất trong mùa mưa.  Dòng chảy thay đổi theo mùa nầy và thời điểm của nhịp lũ đầu tiên đã duy trì chức năng của hệ sinh thái tự nhiên, duy trì sinh kế và an ninh lương thực trong Lưu vực Mekong trong nhiều thế kỷ.

 

Các trạm thủy học chánh ở LMB.

Tuy nhiên, trong 3 năm qua, dòng chảy trên dòng chánh Mekong đã giảm đến mức chưa từng thấy trong hơn 60 năm.  Điều nầy đưa đến những ảnh hưởng trực tiếp đối với thủy sản và nông nghiệp và sinh kế của người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).  Tình trạng nầy kéo dài đến mùa mưa năm 2020 và 2021.  Hệ quả của dòng chảy thấp cực đoan rất lớn lao và đã được báo chí tường trình rộng rãi.  Các phúc trình và ấn bản khoa học, và các bài báo đã quy trách nhiệm đối với hạn hán chưa từng thấy, thay đổi khí hậu, một sự kiện El Nino, và ảnh hưởng của việc điều hành các hồ chức nước lớn trong UMB.  Tuy nhiên, vì Lưu vực Mekong nằm trong một vùng địa chánh trị phức tạp của thế giới, các quan điểm khác nhau có thể đóng một vai trò trong việc uốn nắn các kết quả của nghiên cứu và tường trình.  Phúc trình nầy cho thấy những động lực ở phía dưới dòng chảy thấp cực đoan và hạn hán dựa trên việc phân tích dữ kiện có sẵn.  Rồi phúc trình đề nghị các biện pháp tiềm tàng để đối phó và giảm nhẹ ảnh hưởng của hạn hán thủy học và việc trữ nước đối với người dân của Lưu vực.

 

Các động lực thủy học

Nói chung, việc trữ nước gia tăng trong Lưu vực làm tăng dòng chảy trong mùa khô, giảm dòng chảy trong mùa mưa và trì hoãn nhịp lũ đầu tiên so với chế độ dòng chảy tự nhiên trong lịch sử.  Nhưng lượng mưa thay đổi và trì hoãn trong mưa mùa cũng thay đổi chế độ dòng chảy.  Chế độ dòng chảy thay đổi ảnh hưởng đến chức năng của hệ sinh thái.  Hồ Tonle Sap có tác dụng như một chỉ dấu cho sự kết hợp của những yếu tố nầy.  Khác biệt mực nước giữa hồ Tonle Sap và dòng chánh Mekong thúc đẩy dòng chảy đảo ngược hàng năm từ sông Mekong vào hồ.  Điều nầy thường đóng góp 50% của tổng số lưu lương chảy vào hồ.  Tính phong phú và đa dạng của cá trong hồ/sông Tonle Sap đã liên kết chặt chẽ với mực nước cao trong hồ.  Nhiều sinh kế dựa vào việc sản xuất cá nầy.  Nước trong hồ tháo từ từ trong mùa khô theo sau giúp giảm nước mặn xâm nhập và cung cấp nguồn nước ngọt quan trọng cho các cộng đồng ở ĐBSCL.

Việc trì hoãn và giảm dòng chảy đảo ngược vào hồ Tonle Sap gần đây có vẻ ảnh hưởng số cá đánh được và gây khó khăn cho người dân ĐBSCL, như đã được tường trình rộng rãi trong báo chí.  Hiểu và quản lý những động lực nầy sẽ quan trọng hơn vì thay đổi khí hậu và hồ chứa được xây thêm trong Lưu vực làm cho những ảnh hưởng nầy thêm tồi tệ, tích cực lẫn tiêu cực.

 

Kết quả của các nghiên cứu trước đây

Có 3 nghiên cứu/phân tích chánh về tình trạng dòng chảy thấp 2019.

1.      Nghiên cứu và dữ kiện của Eye on Earth (EoE) (April 2020) được dựa trên viễn thám để xác định mực nước trong hồ chứa nước, cũng như Chỉ số Ướt Mặt đất (Surface Wetness Index) và lượng mưa để xác định dòng chảy, được điều chỉnh theo mực nước của MRC ở Chiang Saen.  Nó được dùng để mô phỏng dòng chảy ‘tự nhiên’, được so sánh với dòng chảy thật sự ở Chiang Saen, với giả thiết là bất cứ sự thiếu hụt nào là do việc trữ nước ở UMB.

2.      Đại học Tsinghua cộng tác với Viện Nghiên cứu Thủy lợi và Thủy điện Trung Hoa (July 2020) dùng các phương pháp và dữ kiện mưa hơi khác một chút.  Chỉ số Mưa Bốc thoát Tiêu chuẩn (Standadized Precipitation Evapotranspiration Index) và Chỉ số Mưa Tiêu chuẩn (Standadized Precipitation Index) được dùng để đánh giá cường độ và phạm vi của hạn hán cho toàn Lưu vực sông Mekong.  Dòng chảy sông dựa trên mô hình thủy học THREW, và dữ kiện mưa từ việc đo đạc từ vệ tinh và trên mặt đất cho toàn Lưu vực.  Ảnh hưởng của việc trữ nước ở UMB cũng dựa vào việc xác định dòng chảy ‘tự nhiên’ trước khi trữ nước và so sánh với dòng chảy sau khi trữ nước.  Nghiên cứu nầy nhấn mạnh hạn hán như là động lực chánh.  Nó dựa trên quan sát rằng trong khi sông Lancang đóng góp đáng kể vào lưu lượng hàng năm ở Chiang Saen (64,4%), tỉ lệ nầy giảm còn 39,5% ở Nong Khai và 14,3% ở Stung Treng.  Vì thế, nó đề nghị rằng dòng chảy từ UMB không thể là động lực chánh yếu của dòng chảy rất thấp được ghi nhận ở xa về phía hạ lưu.

3.      Phân tích của MRCS (April 2020, August 2020, May 2021, June 2021) dựa trên phương pháp để khám phá (heuristic) bằng cách dùng các chỉ số mưa, dòng chảy và hạn hán.

MRCS nhấn mạnh đến cường độ bất thường của hạn hán.  Các đánh giá trước đây dùng các phương pháp và dữ kiện hơi khác một chút và có những kết quả khác nhau khó thấy về ảnh hưởng của việc trữ nước và hạn hán đối với dòng chảy.  Tuy nhiên, chúng đưa đến các kết luận khác nhau về những đóng góp tương đối của các động lực của hạn hán thủy học.

Dữ kiện và phương pháp

Nghiên cứu nầy bao gồm một phạm vi thời gian từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 12 năm 2021 (chú trọng đến các mùa mưa và khô năm 2019, 2020 và 2021) và phạm vi không gian của dữ kiện khí tượng và thủy học quan sát được trong toàn thể Lưu vực sông Mekong.

Những quan sát

Dòng chảy trong dòng chánh Mekong từ 2019 đến 2021

Dòng chảy dọc theo chiều dài của dòng chánh từ năm 2019 đến 2021 (‘những năm hạn hán’) cho thấy:

 

Dòng chảy trong dòng chánh Mekong được ấn định bởi::

·        Tổng số lượng nước trữ trong Lưu vực trong năm.

·        Tỉ số của kích thước lưu vực ở thượng lưu.

·        Tổng số nước trữ vào đầu mùa mưa

·        Thời điểm và khối lượng của mưa mùa ĐNA.

 

·              Dòng chảy vào LMB (ở Chiang Saen) trong mùa mưa trong các năm hạn hán thấp hơn trung bình từ 2008-2017.  Dòng chảy trong mùa khô thì cao hơn trung bình từ 2008-2017, ngoại trừ mùa khô 2020.  Chiều hướng nầy kéo dài dọc theo toàn thể dòng chánh Mekong.

·              Trong mùa mưa, tổng số lưu lượng thiếu hụt (sự khác biệt giữa khối lượng dài hạn và hiện tại) trong mùa mưa gia tăng ở hạ lưu.

·              Đỉnh lũ trong mùa mưa ngắn trong tất cả 3 năm hạn hán ở các vị trí xa hơn về phía hạ lưu – giảm từ 5 tháng (từ tháng 6 đến tháng 10) xuống còn 4 tháng (từ tháng 7 đến tháng 10).

·              Trong khi 2019 có dòng chảy trong mùa khô cao hơn trung bình, chiều hướng là lưu lượng trong mùa khô thấp hơn trung bình trong năm 2020 và đến mức độ nào đó trong 2021.

Ảnh hưởng của dòng chảy ngược vào hồ Tonle Sap

Thời điểm và khối lượng của dòng chảy ngược được ấn định bởi:

·                    Mực nước khác nhau giữa hồ và dòng chánh Mekong.

·                    Thời gian của sự khác biệt nầy.

·                    Lượng mưa và chảy tràn từ lưu vực hồ/sông Tonle Sap.

·                    Nạo vét và các yếu tố khác ảnh hưởng đến hình thái lòng lạch.

Quan sát mực nước ở Phnom Penh và trong hồ Tonle Sap cho thấy:

·                    Dòng chảy ngược trong các năm hạn hán bị trì hoãn và giảm khối lượng.

·                    Mực nước của hồ trong năm 2019, 2020 và 2021 thấp nhất kỷ lục.

·                    Khối lượng hồ giảm có lẽ là động lực chánh yếu ở phía sau số cá đánh được thấp và các vấn đề do người dân ở ĐBSCL báo cáo.

·                    Khối lượng chảy ngược năm 2019 gần bằng trị số trung bình từ 2008-2021.

·                    Tổng số dòng chảy ngược trong năm 2020 và 2021 là 58% và 51% của khối lượng chảy ngược trung bình từ 2008-2021 và là thấp nhất và thấp thứ nhì kể từ năm 2008.

Những thay đổi trong việc trữ nước

Mặc dù rất khó để đi đến những kết luận vững chắc mà không có tất cả dữ kiện lưu lượng chảy vào và chảy ra và các tính toán cân bằng cho tất cả các hồ chứa nước chánh, những kết luận sau đây có thể rút ra với dữ kiện có sẵn:

 

Các yếu tố ảnh hưởng thay đổi trong việc trữ nước là:

·                    Sự khác biệt giữa lượng nước chảy vào và chảy ra (kể cả mất mát do bốc hơi).

·                    Lưu lượng chảy vào ảnh hưởng bởi nước mưa chảy tràn ở thượng lưu vực, cũng như việc điều hành của hồ chứa ở thượng lưu.

·                    Lưu lượng chảy ra ảnh hưởng bởi nhu cầu điện và các điều khoản trong Thỏa thuận Mua Điện, cũng như chảy tràn hay xả nước xuống hạ lưu.

·                    Nhà điều hành giữ lại nước để tối thiểu hóa rủi ro của việc sản xuất trong những tháng tới.

 

·              Tổng số nước ‘được giữ lại’ trong 2 hồ chứa nước lớn nhất ở UMB trong năm 2019 thì ít hơn năm 2018, 2020 và 2021.  Điều nầy có lẽ do mưa ít hơn trung bình rất nhiều vào đầu mùa mưa.

·              Điều nầy không trữ tất cả lưu lượng chảy vào trong mùa mưa 2019, vì phải sản xuất điện.

·              Ảnh hưởng của trữ nước thấp hơn vào cuối năm 2019 chuyển sang mùa khô 2020 (người điều hành nên cẩn thận khi xả thêm nước trong khi đối mặt với việc lặp lại có thể của mùa mưa 2019).

·              Đóng góp trong mùa khô từ việc trữ nước trong năm 2020 thấp hơn năm 2019 là một kết quả.  Điều nầy được phản ánh trong dòng chảy trong mùa khô 2020 thấp hơn trung bình khác thường.

·              Vào cuối năm 2020, tổng số trữ nước trong Lưu vực gần mức bình thường, và trong năm 2021 đóng góp mùa khô vào dòng chảy trong dòng chánh thì bình thường hơn.

·              Xả nước bù trừ để sửa chữa thời điểm của đảo ngược dòng chảy phải bắt đầu trong tháng 6, khi số nước trữ ở mức thấp nhất.  Điều nầy sẽ tạo rủi ro lớn cho việc sản xuất điện.

·              Xả nước bù trừ để sửa chữa khối lượng của đảo ngược dòng chảy phải tồn tại hơn trong tháng 8 khi số nước trữ gần đến mức đầy và trong những năm UMB có lượng mưa nhiều.

Mưa bất thường

Những kết luận sau đây có thể rút ra từ dữ kiện chỉ số mưa và hạn hán:

 

Các yếu tố ảnh hưởng thay đổi lượng mưa là:

·                 Thay đổi khí hậu.

·                 Thời điểm của điểm khởi đầu và chấm dứt của mưa mùa.

·                 Hiện tượng El Nino – La Nina.

·              Lượng mưa trong năm 2018 cao hơn trung bình từ tháng 1 đến tháng 8.  Tổng số lượng mưa trên LMB tụt xuống thấp hơn trung bình trong cuối mùa mưa, từ tháng 9 đến tháng 12.

·              Trong mùa mưa 2019, lượng mưa ở UMB được xem là thấp hơn bình thường đến bình thường, vì thế việc trữ nước giảm được ghi nhận trong năm đó.

·              Trong tháng 6 và 7, lượng mưa trong năm 2019 thấp hơn bình thường ở LMB.  Tuy nhiên, lượng mưa cao hơn bình thường trong tháng 8 năm 2019 giải thích đỉnh lũ ngắn ở Nong Khai và các trạm ở hạ lưu trong tháng 9 năm 2019.

·              Năm 2020 là năm khô nhất của thời kỳ.  Trong mỗi tháng của 2020, ngoại trừ tháng 10, lượng mưa thấp hơn bình thường.  Bản đồ mưa khác thường 2020 cho thấy điều nầy lan tràn trên khắp LMB.

·              Trong năm 2021, mưa trên LMB cho thấy ảnh hưởng của mưa mùa trễ.  Thay đổi khí hậu và sự kiện El Nino có lẽ đóng góp vào mưa mùa trì hoãn và giảm.

 

Lượng mưa trong Lưu vực Mekong.

 

Kết luận

Phúc trình nầy rút ra những kết luận chung như sau:

·              Tổng số nước trữ ở UMB trong năm 2019 thấp hơn vì lượng mưa trên UMB thấp hơn bình thường trong mùa mưa.  Điều nầy mang qua mùa khô 2020, khi nước được xả ít hơn.  Điều nầy khiến cho sự đóng góp từ UMB thấp hơn bình thường trong mùa mưa 2019, và mùa khô 2020.

·              Ngoài năm 2019, thể thức và khối lượng nước được trữ ở UMB giống nhau kể từ năm 2015.  Tuy nhiên, dòng chảy thấp cực đoan ở LMB do lượng mưa thấp hơn bình thường ở UMB chỉ thấy ở LMB trong các năm hạn hán từ 2019-2021.

·              Ở Chiang Saen, tổng số khác biệt trong khối lượng của dòng chảy trong mùa mưa năm 2019, 2020 và 2021 – so với trung bình là -28,50 km3, -21,38 km3, và -19,73 km3, theo thứ tự.  Ở Stung Treng, những khác biệt nầy là -90,80 km3, -99,63 km3, và 68,46 km3, theo thứ tự.

·              Lượng mưa trên LMB vào ½ đầu mùa mưa (tháng 6 đến tháng 8) thấp hơn kể từ 2019, nhất là lượng mưa thấp trong năm 2020.  Tuy nhiên, vào cuối mùa mưa (tháng 9 đến tháng 10) có lượng mưa cao hơn bình thường và mưa rãi rác, phản ánh mưa mùa trễ.

·              Điều nầy khiến cho dòng chảy đảo ngược vào hồ Tonle Sap bắt đầu trễ hơn và kéo dài hơn, với khối lượng chảy ngược chung và mực nước của hồ cho năm 2020 và 2021 thấp nhất kỷ lục.

Dòng chảy ở LMB được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, được chống đỡ bởi các đặc tính chảy tràn-mưa, và bao nhiêu lượng chảy tràn đó được được giữ lại trong mùa mưa và xả ra trong mùa khô.  Việc trữ nước có các ảnh hưởng từ tích cực đến tai hại đến các hoạt động kinh tế, sinh kế và chức năng sinh thái, ngoài việc thay đổi chế độ dòng chảy.  Nhưng vì mục đích của phúc trình nầy, các kết luận sau đây có thể được rút ra trong 2 bảng sau đây.  Bảng thừ nhất trình bày sự khác biệt trong dòng chảy tích lũy trong mùa mưa và khô, đối với dòng chảy tích lũy trung bình từ 2008 đến 2017.  Bảng thứ nhì trình bày điều nầy bằng phần trăm.

 


Bảng 1. Sự khác biệt giữa dòng chảy tích lũy và dòng chảy trung bình ở LMB

Bảng 2. Sự khác biệt % giữa dòng chảy tích lũy và dòng chảy trung bình ở LMB

 

·              Hình thức chung của dòng chảy trong mùa khô cao hơn và dòng chảy trong mùa mưa thấp hơn vẫn đúng đối với đường lối khám phá là nước được trữ trong mùa mưa và xả ra trong mùa khô.

·              Dòng chảy trong mùa mưa vào LMB ở Chiang Saen thì luôn luôn thấp hơn trong ‘các năm hạn hán’ từ 2019 đến 2021.  Điều nầy rất đúng cho mùa mưa 2019, có dòng chảy tích lũy chỉ có 46% mức trung bình.

·              Hạn hán nghiêm trọng trên UMB trong mùa mưa 2019 có nghĩa là nước được trữ ít hơn, và điều nầy giảm việc xả nước để sản xuất điện và 2 hồ chứa nước lớn nhất không đạt đến mức đầy.  Điều nầy làm giảm lưu lượng chảy vào LMB trong năm 2020.

·              Lượng mưa tích lũy tổng cộng trên LMB thấp hơn đáng kể trong các năm hạn hán, và mưa đã trễ vài tháng.

·              Điều nầy trì hoãn việc khởi đầu đảo ngược dòng chảy vào hồ Tonle Sap, giảm tổng số khối lượng dòng chảy đảo ngược, và kéo dài thời gian nước chảy ngược.

·              Điều nầy có vẻ làm giảm tính phong phú và sinh khối của cá trong hồ/sông Tonle Sap và tạo nên khó khăn cho sinh kế của người dân trong năm khô tiếp theo.  Phạm vi và tính nghiêm trọng của ảnh hưởng cần thu thập thêm dữ kiện và nghiên cứu.

Hơn nữa, …

·              Mặc dù 2 hồ chứa nước lớn nhất ở UMB bắt đầu hoạt động trong năm 2010 (Xiaowan (Tiểu Loan)) và 2014 (Nuozhadu (Nọa Trát Độ)), dòng chảy trong LMB chỉ đạt đến mức thấp cực đoan từ năm 2019 đến 2021.  Điều nầy cho thấy rằng lượng mưa thấp nhất là động lực chánh của dòng chảy thấp trong những năm đó.

·              Sức nặng thêm cho lượng mưa thấp đến từ quan sát rằng ‘thiếu hụt’ trong dòng chảy gia tăng ở hạ lưu, và dòng chảy giảm ở Chiang Saen là 31% của Stung Treng.

·              Thể thức của lượng mưa ở LMB trong những năm hạn hán có thể được liên kết với sự kiện El Nino cũng như thay đổi khí hậu, làm nổi bật sự cần thiết của các mô hình/công cụ quản lý điều hành đi tới trước.

·              Các cơ hội để quản lý tích cực dòng chảy sử dụng số nước trữ hiện nay thì hạn chế.  Nhưng nó có thể thực hiện được bằng cách điều chỉnh dòng chảy dùng tất cả lượng nước được trữ hiện nay.

·              Bất cứ mô hình nào để hỗ trợ việc điều hành nầy phải cân bằng rủi ro của sản xuất thủy điện với lợi ích về thời điểm và khối lượng của dòng chảy đảo ngược vào hồ Tonle Sap.

·              Khi mùa mưa tiến triễn, bất định lớn hơn sẽ xuất hiện đối với rủi ro sản xuất năng lượng (sẽ có bất định lớn hơn đối với lượng mưa trong mùa mưa và vì thế mức trữ nước vào cuối mùa mưa).

·              Các chọn lựa quản lý hạn hán khác như hoạch định phân phối nước trong trường hợp hạn hán cũng nên được thăm dò.

Quản lý dòng chảy và hạn hán trong Thỏa ước Mekong 1995

Nguyên tắc cơ bản ở phía sau Điều 5 (Sử dụng Công bằng và Hợp lý), Điều 6 (Duy trì Dòng chảy trên Dòng chánh) và Điều 26 (Các Quy định Sử dụng Nước và Chuyển Nước Liên Lưu vực) của Thỏa ước Mekong 1995 là, trong mùa mưa, có đủ nước để thỏa mãn nhu cầu của tất cả các quốc gia thành viên MRC.  Nhưng trong mùa khô, việc lấy nước (hay chuyển nước) ở thượng lưu có thể gây thiệt hại cho việc sử dụng ở hạ lưu.  Các quốc gia thành viên MRC, nhấn mạnh nguyên tắc chủ quyền lãnh thổ, cũng muốn tối thiểu hóa nhu cầu can thiệp của MRC trong việc quản lý phần Lưu vực của họ.  Hậu quả của điều nầy là ‘những quy định’ khác nhau được áp dụng cho mùa mưa và mùa khô.

Quản lý hạn hán được ấn định bởi Điều 5 và 6 của Thỏa ước, trong khi Điều 26 cung cấp để phát triển ‘Quy định để Sử dụng Nước và Chuyển Nước Liên Lưu vực’, sẽ tạo ảnh hưởng cho các Điều nầy.  Duy trì dòng chảy trên dòng chánh trong Điều 6 có ý định là một tiến trình năng động để chia sẻ nước dư thừa được ấn định bởi các tiên đoán dòng chảy.  Trong tình trạng hiện nay, điều nầy có nghĩa là ấn định số nước trữ hiện có đối với và trên nhu cầu trong mùa khô sắp đến.  Điều 5 cung cấp để gia tăng mức tham gia ấn định bởi các yếu tố thủy học (phụ lưu và dòng chánh), thời gian (mùa mưa và khô) và địa lý (chuyển nước bên trong và liên lưu vực).  Viêc điều hành quản lý hạn hán sẽ được phác họa trong các thông báo hay được xem là các điều kiện như một phần của các tiến trình thông báo trước hay thỏa thuận.  Tuy nhiên, việc thực hiện hiện nay của Thủ tục Thông báo, Tham vấn Trước và Thỏa thuận (Procedures for Notification, Prior Consultation and Agreement (PNPCA)) và Thủ tục Duy trì Dòng chảy trên Dòng chánh (Procedures for Maintenance of Flows on the Mainstream (PMFM)) chú trọng nhiều hơn đến tiến trình theo dõi và báo cáo thay vì quản lý.  Điều nầy có vẻ phản ánh một mức tham gia mà các quốc gia thành viên hiện đang hài lòng.

Tuy nhiên, Tuyên cáo Siem Reap 2018, Chiến lược Phát triển Lưu vực 2021-2030, và Kế hoạch Chiến lược MRC 2021-2025 tất cả công nhận sự cần thiết của một đường lối quản lý điều hành tích cực hơn đối với hạn hán và lũ lụt.

Có sự hiểu biết đúng

Các kết luận chỉ có thể được rút ra với sự hiểu biết tình trạng thủy học trên toàn thể Lưu vực Mekong trong một thời gian thích hợp.  Hai hồ chứa nước lớn nhất ở UMB (Xiaowan và Nuozhadu) giữ dòng chảy trong mùa mưa, đó là điều chúng được xây để làm.  Trong năm 2019, trữ nước ròng trong mùa mưa thấp hơn bình thường, có lẽ do lưu lượng chảy vào giảm vì tình trạng hạn hán.  Việc trữ nước ở UMB rõ ràng có một ảnh hưởng đối với dòng chảy trên dòng chánh Mekong ở LMB.  Tuy nhiên, có bằng chứng từ các phân tích trong phúc trình nầy, rằng lượng mưa thấp trên LMB là động lực chánh của dòng chảy thấp trong dòng chánh Mekong ở hạ lưu Nong Khai, và dòng chảy ngược vào hồ Tonle Sap giảm và đến chậm trong 3 năm qua (2019-2021).

Tuy nhiên, việc sử dụng quan trọng và thích đáng hơn, phù hợp với nguyên tắc phát triển công bằng và hợp lý được ghi trong Thỏa ước Mekong 1995 và Quy ước Liên Hiệp Quốc 1997 về việc Sử dụng các Thủy lộ Chung Ngoài Thủy vận (1997 UN Convention on the Non-navigational use of Shared Watercourses), là liệu và làm thế nào các quốc gia duyên hà, bao gồm các quốc gia ở thượng lưu, có thể hành động tiên liệu và hợp tác trong 3 năm qua, nhất là dưới ánh sáng của hạn hán nghiêm trọng ở LMB.

Các đề nghị

Các đề nghị sau đây được đưa ra:

1.      Một câu trả lời chắc chắn hơn với câu hỏi về tỉ lệ của dòng chảy được giữ lại trong các hồ chứa đối với lưu lượng chảy vào bị giảm do ‘hạn hán’ hay lưu lượng chảy vào gia tăng do ‘lũ lụt’ đáng tin cậy nhất dựa trên mô phỏng cân bằng nước trong mỗi hồ chứa, đòi hỏi dữ kiện mà MRC hay các nghiên cứu trước đây chưa có.

2.      Một ‘mô hình điều hành’ cho toàn thể Lưu vực sông Mekong cần được xây dựng.  Mô hình nầy sẽ bao gồm việc điều hành quản lý và trữ nước:

a.                  Được cập nhật gần tức thời bằng cách dùng tin tức về việc trữ nước hoạt động trên toàn Lưu vực.

b.                  Các chọn lựa hiện nay và phân tích để xác định ảnh hưởng của việc xả nước đối với thời điểm và khối lượng của dòng chảy đảo ngược cho phần còn lại của mùa mưa và tiên đoán lượng mưa/nước chảy trản theo mùa trên khắp Lưu vực.

c.                  Phác họa các rủi ro đối với việc sản xuất năng lượng dựa trên các chọn lựa được thử trong điểm (b).

d.                  Dựa trên nước xả từ hạ tầng cơ sở ở mỗi hồ chứa nước được gồm trong mô hình, thí dụ, có thể được dùng để xả nước bù trừ hay không?

3.      Các chọn lựa để xây thêm hồ chứa nước, điều hành chủ yếu để nâng cao an ninh nước, nên được thăm dò theo đường lối của Chiến lược Phát triển Luu vực 2021-2030.  Điều nầy nên đề cập đến:

a.                  Xác định các vị trí thích hợp và khối lượng nước có thể được trữ.

b.                  Ảnh hưởng tai hại tiềm tàng đối với việc định cư, vận chuyển phù sa và các hệ sinh thái ở dưới nước.

c.                  Dàn xếp tổ chức đòi hỏi cho một cơ quan phối hợp dự án.

4.      Vì các hậu quả của dòng chảy thấp và theo như đề nghị tại Phiên họp Đối tác Phát triển của MRC lần thứ 25th với Trung Hoa và Myanmar về hợp tác trong tương lai, một cơ chế nâng cao hay thông báo hỗn hợp nên được thành lập càng sớm càng tốt.  Điều nầy sẽ thông tin đến tất cả các quốc gia Mekong về tình trạng lũ lụt và hạn hán mới phát sinh, để làm dễ dàng việc đối phó khẩn cấp.

5.      Chiến lược Phát triển Lưu vực 2021-2030 đưa ra một cách rõ ràng tầm quan trọng của việc chia sẻ tin tức được nâng cao và quản lý điều hành có phối hợp các hồ chứa nước và đập thủy điện, nhất là để quản lý dòng chảy xuyên biên giới, và tình trạng khẩn cấp.  Nhắm vào mục đích nầy, rất cần các đường lối hợp tác tiên liệu hơn, lãnh đạo dũng cảm hơn và hành động tập thể từ tất cả các quốc gia thành viên MRC cũng như Trung Hoa trên khắp Lưu vực Lancang-Mekong.

Các đề nghị trên đây sẽ được thăm dò, thảo luận và làm việc thêm với các quốc gia thành viên MRC, Trung Hoa và Trung tâm Nước LMC, công tác đang diễn tiến chẳng hạn như Nghiên cứu Hỗn hợp về Tình trạng Thủy học Thay đổi và Chiến lược Thích ứng cũng như Quy hoạch Khu vực Tiên liệu.