Monday, January 10, 2022

QUAN ĐIỂM | CẦN LƯU Ý THÊM VỚI ĐA DẠNG SINH HỌC NƯỚC NGỌT

 

(Perspective | More Attention Needed on Freshwater Biodiversity)

 

Stefan Lovgren – Bình Yên Đông lược dịch

Circle of Blue – December 16, 2021

 


Tàu bè rẽ nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, gần Cần Thơ, Việt Nam.  Là nơi cư trú của khoảng 65 triệu người trong 4 quốc gia, hạ lưu Mekong cũng được đánh giá cao vì tính đa dạng của các chủng loại ở dưới nước.

Các chủng loại nước ngọt đang chết dần và giảm tính phong phú.  Nhưng việc tài trợ bảo tồn tập trung vào đất liền và đại dương.

Trong những năm gần đây, tôi đã viết về các vấn đề nước ngọt toàn cầu, với sự chú trọng đặc biệt đến sông Mekong ở Đông Nam Á (ĐNA).  Là một người đến với lãnh vực nghiên cứu nầy tương đối gần đây, tôi giật mình và bối rối vì tính đa dạng nước ngọt ít khi được đặt ưu tiên.

Trong các bài viết của tôi, tôi thường tổng hợp tầm quan trọng (và sự suy thoái) của các sông, hồ và đất ngập nước của chúng ta – và cá sống trong đó – vào một vài câu mở đầu:

·         Mặc dù nước ngọt chỉ chiếm dưới 1% nước chảy trên Trái đất, nó là nơi cư trú của 10% của tất cả các chủng loại được biết, gồm có 1/3 của tất cả động vật có xương sống.

·         Có nhiều loại cá nước ngọt – 18.075 và chưa hết – hơn các loại cá sống ở biển và đại dương.

·         Những dân số nước ngọt trên khắp thế giới đã giảm trung bình 84% trong 50 năm qua, gấp đôi mức của các hệ sinh thái đất hay biển.

·         Gần 1/3 chủng loại cá nước ngọt nay bị đe dọa tuyệt chủng.

 

Mặc dù sụt giảm chưa từng thấy và đang diễn ra, nghiên cứu và bảo tồn liên quan đến các hệ sinh thái nước ngọt nhận rất ít quan tâm hơn các lãnh vực đất và biển.  Một phúc trình gần đây về tài trợ môi trường của 127 hiệp hội Âu Châu cho thấy công tác nước ngọt nhận được dưới 2% của 745 triệu € (873 triệu USD) trong các trợ cấp môi trường được cấp trong năm 2018.  Công tác nước ngọt đứng thứ 2nd từ dưới lên trong số 13 chủ đề được dùng để phân phối trợ cấp.

Là một ký giả, tôi đã thắc mắc tại sao các vấn đề nước ngọt thường bị bỏ qua như thế.  Nó vô lý.  Sau rốt, nước ngọt là căn bản của sư sống trên Trái đất.  Hầu hết tất cả chúng ta sống trong các lưu vực sông.  Tôi đã nói chuyện với nhiều người khôn ngoan về sự tách rời nầy, nhưng cho đến nay tôi chỉ tìm được vài câu trả lời vừa ý.

 

Điều rõ ràng là, nếu các nhà hoạch định chánh sách hành động đối với các hệ sinh thái nước ngọt, các nhà khoa học và bảo tồn cần phải phối hợp để đưa ra một thông điệp mạnh mẽ hơn.  Tin vui là chúng ta đang thấy nhiều dấu hiệu đang xảy ra.  Vào ngày 1 tháng 12, thí dụ, các nhà nghiên cứu từ 88 tổ chức khoa học trên thế giới, được cầm đầu bởi Viện Sinh thái Nước ngọt và Thủy sản Nội địa Leibniz (IGB) ở Berlin, công bố một đề nghị trong tạp chí Ecology Letters cho một nghị trình nghiên cứu toàn cầu mới để cải thiện việc nghiên cứu đa dạng sinh học nước ngọt.

 

Nghị trình liệt kê 15 ưu tiên cần thiết, được chia thành 5 loại gồm có hạ tầng cơ sở dữ kiện, theo dõi, sinh thái, quản lý và sinh thái xã hội.  Các tác giả kêu gọi cộng tác nhiều hơn giữa các nhà nghiên cứu, sử dụng kỹ thuật tốt hơn, và bao gồm kiến thức của người bản xứ về các hệ thống nước ngọt, cũng như liên lạc với các nhà khoa học công dân.  Trên hết, Sonja Jähnig, một nhà sinh thái ở dưới nước của IGB, nói: “hồ, sông, ao và đất ngập nước phải được các nhà hoạch định chánh sách và các tổ chức tài trợ công nhận thẳng thừng là nơi cư trú và hệ sinh thái quan trọng với quyền hạn của chúng, và trong việc quản lý và các chương trình phục hồi.”

 

Điểm sau là điểm quan trọng để bảo vệ sông, từ lâu đã được xem như một phần của việc bảo vệ đất.  Bảo vệ đất và anh sẽ bảo vệ sông chảy qua nó, ý nghĩ có từ lâu, mặc dù bằng chứng rỏ ràng cho thấy rằng đường lối như thế thường không có tác dụng.  Chúng ta biết rằng sông cần được sự bảo vệ của nó, và chúng ta cũng biết chúng ta sẽ cần một đường lối nhiều tầng nếu chúng ta muốn giữ cho sông lành mạnh và chảy tự do.  Không có một giải pháp kỳ diệu và đơn giản.

 

Nghị trình mới đi theo một bài viết khoa học quan trọng được công bố trên BioScience hồi năm ngoái, trong đó, các nhà khoa học của World Wildlife Fund (WWF), IUCN, Conservation International, và các tổ chức khác phác họa Kế hoạch Phục hồi Khẩn cấp có 6 điểm để đảo ngược mất mát đa dạng sinh học nước ngọt.  Bài viết đó nhấn mạnh một danh sách dài cho các hành động ưu tiên, chẳng hạn như cải thiện phẩm chất nước, phục hồi nơi cư trú cần thiết, quản lý việc khai thác các tài nguyên của hệ sinh thái nước ngọt, kiểm soát các chủng loại ngoại lai, và phục hồi sự nối kết sông.

 

Những sáng kiến nầy được thiết kế đặc biệt để nâng cao và củng cố các chỉ số và mục tiêu nước ngọt cho Hiệp ước Đa dạng Sinh học và các Mục tiêu Phát triển Khả chấp.  Các khoa học gia nhấn mạnh tầm quan trọng của các thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu mới quan tâm nhiều đến việc bảo vệ và phục hồi các sông, hồ và đất ngập nước trên thế giới cũng như rừng và đại dương.

 

Trong lúc đó, là một ký giả, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ những câu chuyện nước ngọt và cá vẫn không được báo cáo một cách đáng thương.  Tôi đặc biệt muốn đưa ra những câu chuyện của lạc quan và giải pháp.  Tôi biết chúng ở đó.  Năm ngoái, tôi đã tường trình một số, từ việc phá đập và bảo vệ pháp lý cho sông đến chiến dịch để biến sông Vjosa ở Albania thành công viên sông hoang dã đầu tiên.

 

Đầu tháng nầy, tôi ở Cambodia nơi tôi đi thăm hồ Tonle Sap, hồ lớn nhất ở ĐNA và nền thủy sản nội địa lớn nhất thế giới.  Trong 3 năm qua, mực nước trong Tonle Sap đã xuống đến mức thấp kỷ lục, và thủy sản đã tụt dốc.  Để đáp ứng, một số cộng đồng ở hồ đã quyết định thiết lập các khu bảo tồn nơi việc thu hoạch cá bị cấm.

 

Tính cho đến nay, những dấu hiệu có vẻ hứa hẹn.

 

Stefan Lovgren viết về các vấn đề cá và nước ngọt cho National Geographics và các tạp chí khác.  Ông làm việc với dự án nghiên cứu “Wonders of the Mekong” được USAID tài trợ, và đồng tác giả với Zeb Hogan của quyển sách sắp phát hành “Chasing Giants: The Search for the World’s Largest Freshwater Fish (Đuổi theo Cá Khổng lồ: Đi tìm Cá Nước ngọt Lớn nhất Thế giới).”

No comments:

Post a Comment