Sunday, March 29, 2020

LO SỢ THAY ĐỔI KHÍ HẬU MỚI, VẤN ĐỀ MEKONG CŨ


(New Climate Change Fears, Old Mekong Problems)

Luke Hunt – Bình Yên Đông lược dịch
The Diplomat – March 21, 2018

 
Bằng chứng tiếp tục chồng chất lên tương lai ảm đạm của dòng sông.

Sông Mekong, một trong những con sông dài nhất trên thế giới và phong phú về tài nguyên, đáng được quốc tế lưu ý và công nhận như là một ranh giới với các chánh phủ và nhà phát triển – xem dòng sông như một công cụ sản xuất kỹ nghệ - ở một bên và người dân sống ven sông được những nhà hoạt động môi trường ủng hộ ở bên kia.

Tương lai của Mekong sẽ được định đoạt bởi thay đổi khí hậu.  Điều nầy đã được làm nổi bật trong đợt hạn hán 2015 và 2016 khi Trung Hoa dường như là anh hùng khi loan báo sẽ xả nước từ các đập ở thượng nguồn để làm nhẹ bớt tình trạng thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Dĩ nhiên, điều đó có thể không cần thiết nếu các đập không được xây và nước được giữ lại ở thượng lưu.  [Lời người dịch: Đập thủy điện không giữ nước.  Nó trữ nước trong mùa mưa và xả nước trong mùa khô qua máy phát điện.]  Nhưng đập ở Trung Hoa và các nước láng giềng Đông Nam Á như Lào làm giảm sản lượng cá, và khí hậu đang thay đổi cũng đục khoét tương lai của dòng sông.

Một phúc trình mới đây cho thấy rằng mức độ di dân ra khỏi ĐBSCL đang gia tăng với khoảng 1,7 triệu người trong thập niên vừa qua, trên gấp 2 lần mức di dân trung bình trong cả nước Việt Nam, thay đổi cuộc sống ven bờ của con sông dài thứ 12th trên thế giới.

Các tác giả Alex Chapman và Phạm Đặng Tri Văn nói trong ấn bản The Conversation ở Australia, “Điều nầy ngụ ý rằng cái gì đó – có thể có liên quan đến khí hậu – đang diễn ra ở đây.”

Phúc trình cho biết nước mặn xâm nhập 80 km vào đất liền trong đợt hạn hán 2015/2016, tiến gần một cách nguy hiểm đến biên giới Cambodia, hủy hoại hoa màu và ruộng mía khiến người dân phải ra đi. [Lời người dịch: Trong đợt hạn hán 2015/2016, nước mặn xâm nhập vào sông Vàm Cỏ và tiến gần đến biên giới Cambodia.]

Các tác giả cũng trích dẫn một phúc trình của Lê Thị Kim Oanh và Lê Minh Trường của Đại học Văn Lang, đề nghị rằng thay đổi khí hậu là yếu tố chánh trong quyết định di cư của 14,5% số người rời khỏi ĐBSCL.

“Nếu con số nầy đúng, thay đổi khí hậu buộc 24.000 người đi khỏi khu vực mỗi năm.  Và nên biết rằng yếu tố quan trọng nhất để quyết định đi khỏi ĐBSCL là sự mong muốn thoát nghèo.  Khi thay đổi khí hậu có liên hệ phức tạp và càng ngày càng tăng với nghèo khó, 14,5% có thể là một ước tính thấp.”

Số cá thu hoạch hàng năm trong lưu vực Mekong và ĐBSCL được ước tính vào khoảng 11 tỉ USD.  Nhưng mức thu hoạch đã tụt giảm trong thập niên qua vì đánh bắt bừa bãi và sử dụng dụng cụ bất hợp pháp cộng với việc xây cất đập.

Và việc phát triển tiếp theo khó chấm dứt với các dư án do Trung Hoa tài trợ, mà theo thông tấn xã nhà nước Xinhua sẽ nâng cao “sự nối kết, quản trị nguồn nước và khả năng sản xuất kỹ nghệ.”

Trong tháng 1, Thủ tướng Trung Hoa Li Keqiang (Lý Khắc Cường) loan báo Beijing (Bắc Kinh) sẽ cung cấp trên 1 tỉ USD khoản cho vay trong khuôn khổ của Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) cho 5 quốc gia Mekong ở hạ lưu.  Khoản cho vay nầy cộng thêm với viện trợ trước đây dưới chủ đề: “Dòng sông Hòa bình và Phát triển Khả chấp của Chúng ta.”

Nhưng phát triển khả chấp là một từ ngữ đau đớn.  Trung Hoa từ lâu có nhiều vấn đề với việc quản lý môi trường ở trong nước, không kể đến thái độ của họ về mặt nầy ở nước ngoài được thấy rõ hơn qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.  Các quốc gia duyên hà dọc theo sông Mekong cũng có trách nhiệm: việc tìm kiếm năng lượng và vốn thỉnh thoảng có nghĩa là môi trường và cuộc sống của người dân phải nhượng bộ.

Bút tích đã được viết lên tường Mekong từ lâu, và chúng ta tiếp tục thấy bằng chứng mới cho thấy vấn đề chỉ tồi tệ hơn.  Có phải chúng ta bắt đầu nhận thấy một số hậu quả thảm khốc đã được tiên đoán từ lâu, có điều chắc chắn: các chánh phủ sẽ không thể đổ thừa cho việc thiếu bằng chứng hay thiếu cơ sở khoa học.


.

CÔNG TY THÁI DỰ TRÙ XÂY ĐẬP LỚN TRÊN SÔNG MEKONG Ở LÀO



(Thai Company Plans to Build Large-Scale Mekong River Mainstream Dam in Laos)

Citizen journalist – Bình Yên Đông lược dịch
BenarNews – February 21, 2020

Vị trí đập Phougnoi trong tỉnh Champasak, Lào.

Một công ty thủy điện Thái Lan có kế hoạch để xây cái có thể là đập lớn thứ 6th trên sông Mekong, một mấu chốt mới nhất trong kế hoạch đầy tham vọng của Lào để trở thành “bình điện của Đông Nam Á.”

Công ty Năng lượng và Nước Á Châu Charoen (Charoen Energy and Water Asia (CEWA)) đã đệ trình cho giới thẩm quyền Lào các kết quả nghiên cứu liên quan đến dự án đập Phougnoi trong phiên họp tại thành phố Pakse hôm 11 tháng 2.

Theo kế hoạch nầy, đập Phougnoi sẽ nằm trong tỉnh Champasak, cách Pakse 10 km (6,2 miles) về phía nam và cách đập Don Sahong mới khánh thành gần đây khoảng 100 km (62 miles) về phía bắc.

Một viên chức hành chánh của tỉnh Champasak nói với Đài Á Châu Tự do, một cơ sở anh em của BenarNews, hôm Thứ Tư, “Công ty đệ trình kết quả nghiên cứu sơ khởi và lượng định ảnh hưởng môi trường của đập được đề nghị trong phiên họp.  Hiện nay, họ chưa làm gì hết vì còn nhiều bước khác phải đi qua, nên việc xây cất sẽ không sớm xảy ra.”

Ông không biết khi nào chánh phủ Lào sẽ thông báo dự án với Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), một thủ tục cần phải theo cho dự án phát triển mới trên sông Mekong, với tiến trình tham vấn trước kéo dài 6 tháng kể cả việc lượng định ảnh hưởng đối với các quốc gia láng giềng.

Viên chức nói : “Các nghiên cứu sơ khởi [đệ trình tại phiên họp ngày 11 tháng 2] chú trọng đến ảnh hưởng tại chỗ, nhưng không có nhiều chi tiết.  Nếu [nhà phát triển và chánh phủ Lào] tiến hành dự án, họ cần nhiều chi tiết hơn về ảnh hưởng của dự án đối với người dân sống ở hạ lưu đập.”

Nghiên cứu cho thấy đập Phougnoi sẽ ảnh hưởng trên 200 ha (500 acres), 88 làng và 7 huyện.  Nặng nề nhất là làng Khon Ken, với 811 người trong 142 gia đình.  Chi phí xây cất và thỏa thuận mua bán điện chưa được công bố.

Đại diện CEWA cho biết công ty đã hoàn tất phần thiết kế và nghiên cứu sơ khởi về ảnh hưởng môi trường và xã hội của dự án.

Cư dân nói rằng họ rất lo ngại về ảnh hưởng có thể xảy ra.

Một người dân của huyện Champasak thắc mắc: “Tại sao chánh phủ Lào xây quá nhiều đập?  Chúng ta đã có quá nhiều.  Nếu chúng ta xây thêm, hạn hán sẽ nghiêm trọng hơn và mực nước sông Mekong sẽ xuống thấp hơn.”

Một xả trưởng của huyện Sanasomboun, một vùng bị ảnh hưởng nặng nhất, cho biết không ai trong làng biết gì về dự án.

Những người có liên hệ thúc giục Lào chia sẻ thêm thông tin

Trong lúc đó, ở đập Xayaburi ở bắc Lào, bắt đầu hoạt động thương mại trong tháng 10, viên chức chánh phủ và những người có liên hệ đi thăm các cơ sở hôm Thứ Năm và khuyến cáo nhà phát triển đập chia sẻ dữ kiện về hoạt động của nhà máy với các quốc gia Mekong ở hạ lưu.

Phái đoàn 50 người đi thăm Xayaburi gồm có đại diện NGO, các nhà nghiên cứu, phóng viên và chuyên viên của Văn phòng MRC.

Theo một phúc trình được đăng tải trên trang mạng của MRC, chuyến viếng thăm gồm có phần trình bày của nhà phát triển đập về thiết kế của nhà máy điện, đi thăm các máng cá, cửa xả nước, và quan sát mực nước ở thượng và hạ lưu đập.
Anoulak Kittikhoun, Phụ trách Chiến lược và Hợp tác của Văn phòng MRC và là trưởng đoàn, nói: “Chúng tôi muốn chuyến viếng thăm tự nó nói lên tình trạng hạn hán và mực nước thấp trong sông Mekong.  Chúng tôi muốn những người có liên hệ nhìn thấy con đập và cách vận hành tận mắt và đặt câu hỏi trực tiếp với nhà phát triển để họ có thể đánh giá khách quan.”

Các quan khách nói họ cảm ơn sự cởi mở của nhà phát triển, nhưng họ hy vọng rằng công ty sẽ chia sẻ với Văn phòng MRC các dữ kiện điều hành bao gồm lưu lượng, vận chuyển của phù sa và sự di chuyển của cá.

Nguyễn Nhân Quảng, đại diện NGO Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Quản trị Nguồn Nước Kết hợp (Centre for Promotion of Integrated Water Resources Management), nói: “Dữ kiện quan sát và tin tức về phù sa và sự di chuyển của cá ở thượng và hạ lưu đập cùng với sản lượng điện phải được chia sẻ.  Chia sẻ tin tức nầy rõ ràng và kịp lúc có thể giúp cho người dân và giới thẩm quyền liên hệ chuẩn bị tốt hơn.”

Knut Sierotzki, cố vấn kỹ thuật người Finland (Phần Lan) cho công ty điện Xayaburi cố gắng xoa dịu mối lo ngại về việc trữ nước.  Sierotzki nói: “Không có chuyện trữ nước – cái gì chảy sẽ chảy qua đập.  Chế độ dòng chảy của sông không thay đổi.  Lượng nước chảy đến đập được liên tục xả xuống hạ lưu qua các turbines hay cửa xả nước.”

Ông cũng nói rằng lưu lượng trong mùa khô [năm nay] cao hơn lưu lượng trong mùa khô 2003-2004 khoảng 50% với lưu lượng chảy qua đập thay đổi từ 800 đến 1.000 m3/sec.

Nhưng Patchara Jaturakumol của Đại học Kasetsart ở Thái Lan nói những gì Sierotzki cho biết cho thấy lý do tại sao cần phải chia sẻ dữ kiện.  Nếu nhà phát triển không công bố dữ kiện, dữ kiện có thể “tự nói lên.”

Lào đã xây hàng chục đập thủy điện trên sông Mekong và các phụ lưu, hy vọng xuất cảng điện sang các nước khác ở trong vùng.  Nhiều đập khác sẽ được xây trong những năm sắp đến.

Vì chánh phủ Lào xem việc sản xuất điện như một cách để thúc đẩy kinh tế quốc gia, các dự án gây nhiều tranh cãi vì ảnh hưởng môi trường, di dời làng mạc, và các thỏa thuận tài chánh đáng nghi ngờ.



.

Saturday, March 28, 2020

Trần Dzạ Dzũng - Lẫm lúa ở miền Tây



 26/03/2020


(VNTB) – Lẫm lúa là cái thiếu lâu nay ở nhà nông miền Tây Nam bộ. Nếu có những lẫm lúa cho tử tế, thì có lẽ sẽ không xảy ra chuyện lùm xùm về ‘xuất’ hay ‘tạm dừng xuất’ trong ngành gạo hiện nay trước đại dịch toàn cầu và vấn nạn hạn mặn.
Lúa sau khi thu hoạch thì được phơi khô, giê sạch và bảo quản bằng nhiều vật dụng khác nhau như bồ lu, bồ nan, bùng binh, xe rương và cái lẫm hay còn gọi là lẫm lúa. Nhà nào có nhiều lúa để dự trữ thì phải dùng đến cái lẫm.

Chữ lẫm () là từ Hán Việt có nghĩa là kho đụn chứa lương thực. Cái lẫm chứa lúa thường chỉ có ở những nhà địa chủ lớn, một vụ thu vô 3-4 muôn lúa (3-4 ngàn giạ) trở lên mà các vật dụng như kể trên không thể chứa hết được.

Lẫm lúa nhà điền chủ
Trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh (1885 – 1958) người ta phần nào hình dung được diện mạo nông thôn miệt sông nước đồng bằng ngày trước. Lúa gạo nhiều thì phải bán,người mua lúa gạo kêu là lái lúa,bạn hàng xáo. Bạn hàng xáo đi thu mua lúa từ trong đồng trong bái, chất lên ghe chở ra chành lúa.
Xuất hiện từ “chành lúa”, chành là tiếng Tiều của người Hoa, vì người Tiều thâu mua lúa đầu tiên. Chành là cái kho chứa lúa của người mua lúa. Nếu của điền chủ thì kho kêu là “lẫm lúa”. Khắp lục tỉnh nơi nào cũng có chành lúa.
Cái lẫm thường được thiết kế trong một ngôi nhà rộng ba gian, xây dựng ở những vùng cao không bị ngập lụt. Hai gian hai bên có diện tích rộng thiết kế thành 2 cái lẫm. Gian giữa hẹp hơn là nơi người ta chuyển lúa vào hay xuất lúa ra. Gian làm lẫm ba mặt là vách tường. Còn một mặt trong nhà hoặc đóng kín bằng ván gỗ hay tường làm bằng đất, có chừa một cái cửa bề cao lên đến cây trính, bề rộng phải lớn hơn cái thúng cái khi đưa thúng đổ lúa vào. Cửa này là nơi người ta đổ lúa vào. Có những tấm ván tấn chặn ở cửa, cao khoảng 0,5m.
Khi đổ lúa vào lẫm đầy đến 0,5m, người ta tấn tấm ván khác lên trên để tiếp tục đổ lúa vào. Rồi cứ thế mà đổ cho đến tầng 3, tầng 4… đến khi nào lẫm đầy lúa thì thôi. Nơi vách gần cửa lẫm, người ta chừa một cái ngách tra vào đó bằng một cái máng xuôi miệng, một miếng gỗ đặt nơi miệng máng.
Khi lẫm đầy lúa, cần xuất lúa từ lẫm thì rút miếng ván ở miệng máng cho lúa chảy ra, lấy đủ số thì đóng miếng ván lại. Trong nền lẫm, người ta lót gạch, cho trấu vào trên lớp gạch cao khoảng vài tấc, rồi lót những tấm bồ nan cách ly giữa trấu và lúa sẽ đổ vào sau này.
Người ta đổ lúa vào lẫm, tầng 1 dưới cùng, dùng thúng lường có 2 người khiêng. Những tầng kế trên đưa lúa vào bằng thúng cái và cao hơn nữa thì bằng thúng con cho nhẹ.

Ở những vùng thường xuyên bị lũ lụt, người ta vẫn xây nhà lẫm, nhưng trong nhà làm gác lửng có độ cao quá mức ngập lụt. Trên gác lửng đó, người ta làm khung bằng cây che kín bốn bên, đổ thóc lúa vào, hay lúa ít, họ quay bồ trên sàn gác để chứa lúa. Lên xuống lẫm này bằng cái thang gỗ…
Đó là lẫm lúa thường thấy thời trước của điền chủ, hay ở nhà ông hội đồng.

Giờ gọi là ‘kho chứa thóc’

Việt Nam hiện nay thì có hẳn bộ quy chuẩn về ‘lẫm lúa’ với tên gọi trên văn bản là ‘kho chứa thóc’ – dân miền Nam gọi gọn là ‘kho lúa’. Bộ quy chuẩn này nằm ở Thông tư 12/2013/TT-BNNPTNT do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng ký ban hành 06-02-2013.
Khác lẫm lúa ngày xưa, ‘kho chứa thóc’ theo quy chuẩn còn buộc phải có các thiết bị như máy sấy thóc có khả năng xử lý được độ ẩm của thóc đạt yêu cầu kỹ thuật, công suất sấy đáp ứng được năng lực của kho chứa.
Các dạng máy sấy gồm: Máy sấy dạng tháp; Hệ thống (cụm) máy sấy tầng sôi kết hợp với sấy tháp; Máy sấy vỉ ngang; Thiết bị vận chuyển phục vụ xuất, nhập kho; Thiết bị xử lý những sự cố bất lợi trong quá trình bảo quản; Thiết bị đo lường kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu yêu cầu kỹ thuật; Hệ thống chiếu sáng…
Bộ quy chuẩn cũng đề cập đến kho silo. Theo đó kho silo có thân kho hình trụ (hoặc hình hộp) đáy dạng hình chóp hoặc đáy phẳng với cơ cấu tháo liệu, đường kính từ 6 m đến 20 m, chiều cao từ 10 m đến 30 m, có nắp kín và các cửa thông hơi. Vật liệu làm silo là bê tông, kim loại, hoặc tôn tráng kẽm; Số lượng silo tối thiểu là hai chiếc, đảm bảo đảo trộn nguyên liệu trong quá trình bảo quản…
Giải pháp chọn lựa phổ biến ở nước nông nghiệp là xây dựng silo. Đây là một kết cấu bằng thép hay bê tông được xây dựng để bảo quản nông sản dạng hạt rời, được trang bị hệ thống kiểm định chất lượng lúa đầu vào, thiết bị làm sạch và sấy khô. Hệ thống nộp lúa vào và tháo lúa ra bằng cơ giới, trang bị hệ thống tự động theo dõi, điều tiết nhiệt độ và làm mát trong quá trình bảo quản, nhờ vậy có thể bảo quản lúa thời gian hơn một năm phù hợp với diễn biến lúa gạo trên thị trường. Nhờ có thể xây dựng theo chiều cao, silo ít tốn kém mặt bằng, chứa được khối lượng lớn. Nhờ được bảo quản tốt nên trong quá trình xay xát hạt gạo đạt chất lượng cao và ổn định.
Ở miền Nam trước 1975, tư liệu về nông nghiệp cho biết đã có một số các cụm silo, như ở Cao Lãnh (48.000 tấn), Trà Nóc (10.000 tấn), Bình Chánh (12.000 tấn), nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên sau 1975 không được sử dụng đúng công năng, hoặc bỏ trống.

Thị phần còn ‘trắng’ của ngành logistics Việt Nam?

Khi có hệ thống tổng kho, nếu giá lúa thấp, nông dân không bán và mang lúa gạo đến ký gửi ở tổng kho của Nhà nước. Khi nhận được đơn xác nhận ký gửi hàng hóa từ Nhà nước, nông dân có thể đến ngân hàng vay một khoản tín dụng tương đương với giá trị lúa đã ký gửi trong tổng kho. Số tiền vay này có thể dùng trang trải trong cuộc sống hàng ngày, mua sắm vật tư chuẩn bị cho vụ mùa mới. Giá cả luôn được điều chỉnh theo quan hệ cung cầu.
Khi nguồn cung giảm, giá sẽ tăng, khi đạt được mức giá mong đợi, nông dân bán lúa (gạo) ra và giải chấp vốn vay ở ngân hàng. Với mô hình này, nông dân sẽ có mức lời mong đợi, không phải bán tháo hàng hóa khi giá ở mức thấp. Hệ thống tổng kho không phải là nơi giữ hàng hóa miễn phí cho nông dân, doanh nghiệp mà đây còn là một ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận.
Ông Đoàn Đình Hoàng, giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, nhận định với nguồn lực trong tay, Nhà nước có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống tổng kho, và tổ chức đấu thầu cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia khai thác.
Ví dụ một hệ thống tổng kho vùng có năng lực lưu trữ 1 triệu tấn hàng hóa sẽ được chia thành bốn hệ thống kho phụ, mỗi kho có sức chứa 250.000 tấn sẽ được chia nhỏ ra cho các đơn vị khai thác. Nhà nước cần đưa ra giá sàn với mức phí hợp lý mà nông dân và doanh nghiệp đều có khả năng ký gửi hàng hóa, và đặt ra thời hạn thu hồi vốn cho các hệ thống kho này.
Nếu có hệ thống tổng kho, người nông dân sẽ ít lệ thuộc vào thương lái hơn, hàng hóa không đi qua nhiều khâu trung gian. Ví dụ hệ thống tổng kho ở khu vực phía Nam có thể đặt ở Long An, Cần Thơ, Bạc Liêu và An Giang. Nông dân ở đây có thể đưa sản phẩm của mình đến kho gần nhất để ký gửi hàng hóa…

Rồi mùa dịch cũng đi qua

Những lo lắng về biến động của mùa dịch đến từ con virus corona rồi cũng sẽ đến hồi kết thúc. Mùa mưa đến, vậy là miền Tây vừa giải hạn mặn, vừa no nước để làm những vụ mùa.
Câu chuyện về một hệ thống tổng kho lúa gạo cho đồng bằng sông Cửu Long được nhiều lần xới đi xới lại ở các hội nghị, hội thảo từ thập niên 80 ở thế kỷ trước, cho tới tận hôm nay, có lẽ lại chìm vào lãng quên; hay ít ra là cũng tiếp tục bị ‘bỏ quên’ trong năm 2021, khi đây là năm bộn bề công việc nhân sự cho nhiệm kỳ mới của đảng chính trị và của cả quốc hội và chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên trong góc nhìn khác, một nhà báo chuyên trách về logistics ở miền Tây Nam bộ nói rằng cần coi lại chuyện thủ tục cho vay và lãi vay ngân hàng ở nông thôn. Nông dân thường không đủ vốn liếng để làm các vụ lúa tiếp theo, nếu như vì tình thế nào đó mà họ buộc phải ‘ký gửi’ lúa vào ‘lẫm lúa’ để chờ giá. Nên nhớ ‘lẫm lúa’ là dành cho điền chủ, cho ông bà hội đồng giàu có tiền muôn, bạc vạn.


Suy nghĩ từ hiểm hoạ hạn hán và nhiễm mặn tại Đồng Bằng Sông Cửu Long



27/03/2020

Dự báo Mekong: trận hạn hán và nhiễm mặn 2020 sẽ trầm trọng hơn năm 2016. Mekong Delta barbecue / ĐBSCL bị nướng do khô hạn. [tranh biếm hoạ của Babui, tặng Ngô Thế Vinh]

Thấy Gì Trong Xu Hướng Giáo Dục Của Việt Nam?
Trần An-Bee

Đồng Bằng Sông Cửu Long ở Việt Nam là một vùng đất vốn nổi tiếng trù phú nhất khu vực Đông Nam Á, nơi đây vốn cũng rất dồi dào về sản lượng lúa và là địa điểm du lịch thu hút khách tại quốc nội cũng như du khách ngoại quốc. Tuy vậy, những ngày vừa qua, tên của vùng đất này được nhắc đến nhiều trên các mặt báo, các cơ quan truyền thông và mạng xã hội, và nó được nhắc đến không vì những nét đặc biệt trên, mà như tiếng gào xé, kêu cứu thật bi ai. Vì đâu nên nỗi?
Gõ vào Google, những từ ngữ như: Đồng Bằng sông Cửu Long bị bức tử; Hiểm hoạ hạn hán; Sự cạn kiệt tài nguyên; và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt v.v là những cụm từ khiến ai đọc cũng thấy xé lòng. Không ai nói ra nhưng trong tâm khảm mỗi người đã thấy có cả sự bất lực vì không biết phải nói thế nào, nói với ai, kêu cầu ai vào lúc này, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang là nỗi quan tâm lo ngại của mọi người, mọi nhà và trên toàn thế giới.
Dưới cái nhìn của một nhà giáo, người đã làm việc ở cả hai đất nước, Việt Nam và Úc, tôi thấy thật băn khoăn, lo lắng và cả thao thức cho một sự biến đổi từ bên trong của hệ thống giáo dục, chứ không phải chỉ là sự thay đổi bề mặt của vấn đề Đồng Bằng Sông Cửu Long bị bức tử.
Tôi cùng các đồng nghiệp tại Úc xây dựng kế hoạch giảng dạy cho đề tài tìm hiểu về nước Úc và các nước láng giềng. Đặc biệt khi trực tiếp xây dựng kế hoạch giảng dạy cho Tuần Lễ Châu Á – cụ thể là nước Việt Nam, tôi thấy mình thực sự ngạc nhiên, lúng túng và cả có chút thất vọng về chính mình và về những dữ liệu tôi tìm kiếm được cho đề tài này. Tôi ngạc nhiên vì thực sự kiến thức của học trò từ Mẫu giáo đến lớp 6 của trường tôi về các nước khác tương đối dồi dào, nhưng các em chỉ rất mơ hồ về Việt Nam hoặc chỉ biết đến nó như một địa điểm du lịch rẻ tiền với những món ăn ngon. Tôi lúng túng vì khi tự mình phải nói về các mảng đề tài liên quan đến Việt Nam mà mình lại có quá ít tài liệu mang tính chính xác, khách quan và phù hợp lứa tuổi. Thật buồn!
Khi học về các đề tài như thế này, trong suốt 10 tuần lễ của một kỳ học, các em sẽ học về mối liên hệ về địa lý giữa nước Úc và nước bạn ở Châu Á. Các em sẽ được tìm hiểu về đất nước, văn hoá đó để có khái niệm, kiến thức và kỹ năng liên quan đến các môn văn học, toán học, khoa học, lịch sử, nghệ thuật, ngôn ngữ, và giao thương.
Một ví dụ điển hình về các em Lớp 4 khi học về Việt Nam trong Tuần Lễ Châu Á (nói đúng hơn là cả một kỳ học). Các em tìm hiểu về địa lý của Việt Nam và khoảng cách địa lý này là bao xa giữa Úc và Việt Nam. Bên cạnh đó còn có những nước nào có thể được gọi là láng giềng xa và láng giềng gần. Các em đưa kiến thức này vào môn toán, học đo toạ độ trên quả địa cầu, khoảng cách này được tính trong việc di chuyển bằng tàu, và bằng máy bay sẽ xa như thế nào. Kết hợp với các bạn Lớp 5, các em tính thêm chi phí liên quan đến việc di chuyển, tìm hiểu thêm các chi tiết liên quan đến các ngành nghề kinh doanh, và giữa hai nước có kết nối gì trong việc trao đổi thương mại và văn hoá. Tìm hiểu xem các điểm tương đồng và không tương đồng trong văn hoá và ngôn ngữ giao tiếp. Nghiên cứu thêm những điạ điểm du lịch và cách mà các công ty du lịch liên kết với nhau để thu hút du khách. Vấn đề du lịch có ảnh hưởng như thế nào đến học hành, đến kinh tế, và môi trường. Đồng thời các em cũng học cách viết văn để thuyết phục người khác v.v Cuối kỳ, các em có một ngày báo cáo kết quả tìm hiểu của mình bằng việc tổ chức sự kiện thông qua các công ty du lịch. Mỗi nhóm sẽ là một công ty, giới thiệu và quảng bá về đất nước bạn một cách thu hút nhất để có thể có nhiều khách đăng ký tour. Sau bài báo cáo của các em, phụ huynh và thầy cô, cùng các bạn ở các lớp khác học được bao nhiêu là điều mới lạ. Nhiều phụ huynh Việt Nam nhận xét, nhờ các em mà nay bản thân họ mới biết thêm những đặc điểm liên quan đến địa lý và lịch sử của nơi mình sinh ra và lớn lên.

Chính việc tìm hiểu này giúp các em ngay từ nhỏ đã ý thức được phương diện địa lý của đất nước và của vùng lãnh thổ mà các em đang ở. Các em cũng dần ý thức được về những vấn đề địa lý, khí hậu, môi trường có liên quan và ảnh hưởng thế nào trong vấn đề giao thương trong khu vực. Những gì làm hôm nay có ảnh hưởng gì đến mai sau. Từ lý thuyết đến thực hành, các em được hướng dẫn để biết mình có thể làm gì với nguồn tài nguyên mà đất nước mình đang có để kết nối với các nước và văn hoá bạn. Từ những kiến thức mang tính trừu tượng, vĩ mô, các em học được cách trao đổi, thảo luận và vui chơi qua các trò chơi, các em nhớ lâu, nhớ sâu và biết phân tích vấn đề một cách hợp lý. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến địa lý và môi trường, các em thường có những sáng kiến rất thiết thực để trong khả năng của mình, các em có thể giúp thay đổi một điều gì đó hoặc làm cho nó tích cực hơn. Những nhận xét và ý kiến của các em đôi khi còn mộc mạc, đơn sơ nhưng đều luôn cho thấy ý thức và trách nhiệm xét trên phương diện mình không chỉ là công dân của nước Úc mà còn là công dân toàn cầu nữa.

Nhìn về Việt Nam, chương trình dạy và học còn mang tính riêng lẻ, giáo điều và rất thiếu chiều sâu. Các bộ môn vẫn chỉ được dạy như những bộ môn riêng biệt và thiếu hẳn tính thực hành, ứng dụng. Thậm chí, tuần qua, khi tôi hỏi một số các bạn nhỏ của mình ở Việt Nam, từ lớp 2 đến lớp 10, về cách vẽ bản đồ Việt Nam và Việt Nam nằm kề những nước nào, chúng nhìn tôi lạ lẫm vì chẳng hiểu tôi đang hỏi gì. Đó là các bạn nhỏ này đang học tại những trường mang tên “chuẩn quốc gia”. Tôi hỏi các bạn, trường của con có thư viện không? – Dạ có, nhưng cả học kỳ nay thư viện không mở cửa. Đứa khác lại nói: - trường con có thư viện, tụi con chỉ được phép vào thư viện khi có cô quản thư ở đó, và tụi con vào, đọc sách để giáo viên điểm danh có đọc sách rồi thôi. Tôi lại hỏi, con có biết Đồng Bằng Sông Cửu Long ở đâu không? Ở đó đang bị nhiễm mặn. Các cháu nói: - Dạ tụi con đâu bao giờ nghe thâỳ cô nói về những chuyện đó. Rồi các cháu cho biết, phòng vi tính và phòng khoa học có đủ máy tính nhưng luôn “được” khoá kín, chùm mền, đợi khi có thanh tra đến mới mở ra mà thôi. Tôi nghe mà thấy mắt mình cay xè.

Vấn đề là trong chương trình giáo dục của Việt Nam, chúng ta đang dạy gì và xây dựng ý thức chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường như thế nào đối với thế hệ tương lai. Thông tin thì tràn ngập, nhưng chúng ta còn quá nhiều những lỗ hổng trong việc làm thế nào để đưa tri thức, thông tin đến với học trò, tuỳ theo lứa tuổi một cách hợp lý.
Vấn đề Đồng Bằng Sông Cửu Long chỉ là một trong vô vàn vấn nạn về địa lý, kinh tế, giáo dục và môi trường đã không được cập nhật và phổ biến trong chương trình giáo dục của mọi cấp học. Học trò nhỏ thiếu kiến thức, thiếu thông tin và không có khả năng phân tích vấn đề. Người lớn cũng có rất nhiều người mơ hồ trong việc nhận ra có một vấn đề nghiêm trọng không kém Covid-19 đang xảy ra ở đất nước mình. Họ không biết, không quan tâm hay còn là không thể lý giải được nạn hạn hán này có ảnh hưởng gì đến họ, đến gia đình và đất nước hay không.
Giáo dục đạo đức, giáo dục công dân là giáo dục về chính những bài học cụ thể này. Vậy nhưng còn thiếu rất nhiều những người có chuyên môn đưa các vấn đề này vào việc viết sách cho lứa tuổi thiếu nhi, cho học sinh trung học và chuyển dịch sang các ngôn ngữ khác, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và hội nhập văn hoá, phát triển giáo dục và kinh tế vừa mang tính đặc trưng mà không thiếu tính phổ quát trong xã hội ngày nay.
Cần lắm thay và cũng cấp thiết lắm thay!

Source:


.

Vũ Kim Hạnh - Chưa “Mất an ninh”, miền Tây đã ùn ứ lúa gạo, nông dân khổ…


FB Vũ Kim Hạnh
28-3-2020

Cảnh thu mua lúa trên kênh Xà No, Hậu Giang ngày 24/3 nay không còn nữa.
Ảnh: internet

10g sáng hôm nay, bài báo của vnexpress.net vừa được post lên. Thực tế (thấy trước) này không hề do tôi “tưởng tượng”. Sau stt tôi vừa viết sáng nay, tôi nhận hàng loạt inbox. “Chị đói thì ăn tiền hay ăn gạo?”, “Đừng xúi dại, dich bệnh thế, chị bỏ tiền vào nồi nấu à?”, “Chị chưa biết nạn đói 1945 nên cứ chém gió thế”. “Mạnh vì gạo, bao vì tiền chị biết không, kho phải đầy gạo, mới yên tâm”. Tôi thấy cãi cũng vô ích. Chỉ mong họ hiểu một thực tế đau lòng đang diễn ra ở miền Tây. Khổ cho nông dân rồi, thấy không, phản ứng rất nhanh của thị trường, bây giờ, ai chịu khổ cho nông dân đây? Vừa ăn cơm xong, tôi xin tóm lược nhanh bài báo.

CÁC ÔNG CHÍNH QUYỀN TỈNH, GIÁM ĐỐC CÁC SỞ NÔNG NGHIỆP SAO CHƯA KÊU?
Hàng trăm nghìn tấn lúa của nông dân các tỉnh miền Tây khả năng bí đầu ra khi mấy hôm nay thương lái tạm ngưng mua. Giá sẽ rớt mạnh nếu không được xuất khẩu. Và vụ hè thu, nhiều diện tích ruộng sẽ bỏ trống. Lão nông Lê Văn Lam, 69 tuổi, 50 năm làm ruộng ở Tân Hồng, Đồng Tháp cho biết, vụ Đông Xuân nông dân làm giống chất lượng cao (lúa thơm) đạt năng suất trên 7 tấn mỗi ha. Giá lúa đang nhích lên… Ông cho biết mấy ngày qua do thông tin chưa rõ ràng liên quan việc tạm ngưng xuất khẩu gạo, giá lúa bất ngờ giảm 300-500 đồng một kg và rồi không có người mua. “Cái đà này, vụ Hè Thu tới tôi có thể bỏ trống 30 ha đất”, ông nói.
Nông dân tỉnh Đồng Tháp hiện thu hoạch hơn 97% trong tổng diện tích 200.000 ha, năng suất bình quân 7,1 tấn mỗi ha và “với tình hình này, 40.000 ha lúa Đông Xuân sẽ thu hoạch tiếp trong tháng 4 sẽ bí đầu ra hoặc giá rớt thấp”, ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp nói. Mỗi năm, Đồng Tháp sản xuất 3,5 triệu tấn nên nhu cầu xuất khẩu gạo rất lớn.
Ông Nguyễn văn Tâm, GĐ Sở Nông nghiệp Kiên Giang cho biết, miền Tây hiện dư thừa lúa gạo. Tình hình nông dân không bán lúa được, lúa bị rớt giá chắc chắn khiến hè thu sẽ còn khó hơn nữa…

GẠO ĐANG THỪA, SAO CỨ LO CHẾT ĐÓI?

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết, với hơn 1,5 triệu ha vụ Đông Xuân này, miền Tây thu được khoảng 11 triệu tấn lúa, tương đương 5,3 – 5,5 triệu tấn gạo. “Giải pháp hài hòa nhất hiện nay là chỉ dự trữ 1,5 triệu tấn gạo, 4 triệu tấn còn lại xuất khẩu để nông dân được hưởng lợi”. Vì sao xuất “liều” vậy? Trời, phải biết thực tế sản xuất. Vì 3 tháng nữa lại có lúa hè thu rồi.
Mỗi năm Việt Nam sản xuất 40-43 triệu tấn lúa, tức hơn 20 triệu tấn gạo và lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 6-7 triệu tấn, 90% nguồn gạo xuất khẩu là từ ĐBSCL. Nhưng nói rõ, mình không đấu tranh cho xuất hay không xuất cụ thể, chỉ muốn ai nấy hiểu thực tế sản xuất đồng bằng và nghe nông dân nói. Còn với đồng bằng, định hướng đúng đã thành văn bản: Chuyển hướng “Thuận thiên”, thích ứng biến đổi khí hậu là quan điểm đúng, chứ không thể ích kỷ buộc nông dân miền Tây gánh mãi cái gánh “An ninh lương thực” cho cả nước (mà thực sự họ gánh tốt và gạo không thiếu) trong khi đất đai miền Tây đang chết dần chết mòn, con người thì thu nhập kém, khó khăn, nghèo khổ.



Vũ Kim Hạnh - Ông Covid lật nhào ông "Thuận Thiên"

Vũ Kim Hạnh
28/03/2020

Ảnh: XK gạo. CT Cỏ May chuẩn bị xuất 4 cont dạng ủy thác đi Úc, giờ hồi hộp chờ

Mấy hôm nay, tôi gặp không ít doanh nghiệp, cả họp qua mạng. Khi nói về vấn đề xuất khẩu gạo, hầu hết đều bày tỏ ngạc nhiên. Họ hỏi một câu giống nhau: Ủa, nghe nói dừng, rồi đề xuất không dừng, rồi cho xuất từng phần, thì đã nghe ý nông dân chưa, và tính sao với nông dân? Lẽ tự nhiên là phải tính cho xong chuyện mua, hay bù hay đền hay ít nhất cứu trợ nông dân tiền lãi nợ ngân hàng, tiền mua vật tư (ứng trước, trả sau) chứ? Nếu chưa tính được, đâu thể muốn dừng là dừng, bởi đâu phải sập trời hay ban bố tình trang chiến tranh, rồi họ sống sao, họ còn làm nông tiếp được không?

Tôi nói, chuyện nhà nước, mình cũng không thể biết hết là có nghe nông dân không, tới mức nào.
Thì có anh làm công ty luật giở văn bản ra. Ngày 14/9/2019, ông Vương Đình Huệ tổng kết 2 năm xây dựng nông thôn mới, đã tái khẳng định, trong xây dựng nông thôn hiện nay, NÔNG DÂN LÀ CHỦ THỂ nhé (rõ ràng đồng bằng đang hạn, chứ đâu phải lũ mà... ông NÔNG DÂN CHỦ THỂ bị trôi đi đâu mất?
Rồi tại cuộc tổng kết 2 năm thực hiện nghị quyết 120, nghị quyết “Thuận thiên”, đại diện Bộ Nông nghiệp, thứ trường Nguyễn Hoàng Hiệp đã nói, phải XOAY TRỤC, từ trục cũ là lúa-trái cây-thủy sản sang trục hiện nay là trái cây-cá tôm rồi mới tới lúa: Từ sau năm 2020, sản xuất nông nghiệp sẽ xoay trục từ cơ cấu sản xuất là lúa - trái cây - thủy sản, sang là thủy sản - trái cây - lúa. Như vậy, lúa sẽ giảm, tăng trái cây, đặc biệt là thủy sản.
Và quan trọng nhất, Thủ tướng là người cổ vũ mạnh mẽ nhất cho chủ trương chúng: ĐBSCL PHẢI LÀM NÔNG KIỂU THUẬN THIÊN ĐỂ THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG.

Hiện nay, nhiều người lo âu nói: Quan trọng nhất là phải bảo đảm An Ninh Lương Thực. Thì xin hỏi: An ninh lương thực, tính theo bây giờ hay thời bao cấp?
Sự thật là nhiều người dân vẫn quen nếp nghĩ truyền thống về An Ninh Lương Thực. Đó là nhà nước dự trữ đủ lúa gạo, đem cất vào kho, khi toàn dân thiếu đói thì mở kho ra phát hay bán giá nhà nước.

Với thực trạng kho của VN, nhất là kho nhà nước, liệu phát gao giá bèo, bị ẩm mốc, ai ăn? Huống chi bây giờ, điều tra nhu cầu lương thực của dân thì gần 20% đang dùng sản phẩm sau gạo (thực phẩm chế biến từ gạo và các loại cây lương thực khác). Và cũng phải tính tới lực lượng dự trữ của cả trăm công ty tư nhân, chứ kho nhà nước thì bao nhiêu chứa cho đủ, và cũng không đúng cách nghĩ phù hợp thực tể thị trường hiện nay.

Vậy mà, phải chăng vì nỗi ám ảnh “Dịch bệnh, dân chết đói”, “Trung Quốc thu gom gạo hết thì dân chết đói,lúc đó, anh ăn tiền hay ăn gạo?” mà không ít người đòi "dự trữ" cho đủ lúa . Tuần trước, khi tham gia “Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, Thủ tướng tuyên bố: “Ta” đang đối diện với “thử thách lớn”, phải “nuôi ăn 104 triệu người”, do đó cần “chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hàng năm”.
An ninh lương thực cần đảm bảo, nhưng không chỉ cho vài tháng tới chạy nạn CoViD, mà là phải lo cho 5 hay 10 năm và là chiến lược lâu dài. An ninh lương thực muốn cho vững bền thì không thể cứ theo quán tính là dự trữ đủ số lượng , từ đó, phải đẩy cao sản lượng bằng việc thâm canh, dùng nhiều phân thuốc, xuất khẩu thật nhiều, năm sau cao hơn năm trước, hay tích trữ bao nhiêu trong kho với bất kể chất lượng thế nào.

Thuận thiên là đúng, phải bắt đầu coi lại sức khỏe của đất đai. Theo đó, cần phải dần dần chuyển sang hướng giảm thâm canh, tăng chất lượng, tăng giá trị, giảm phân thuốc, dưỡng sức đất đai, đảm bảo sức sản xuất lâu bền cho đất”.
Đáng lo quá khi mình nói “Thuận thiên” mà quyết giữ + tăng diện tích lúa, tăng sản lượng lúa vì nỗi lo "chết đói" siêu hình lâu đời.

V.K.H.


Chuyển nước từ miền Đông sang miền Tây để cứu ĐBSCL?



Thành Luân

ĐBSCL cần chương trình ngọt hóa đúng nghĩa. Phải tính đến chuyện chuyển nước từ miền Đông sang miền Tây bằng các đường dẫn nước…
ĐBSCL đang trải qua đợt hạn mặn được coi là gay gắt nhất trong lịch sử. Năm 2016, nước mặn lần đầu tiên tiến tới cảng Cái Cui (Cần Thơ) – cách cửa biển Trần Đề (Sóc Trăng) trên 100km, các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long nước mặn mới vào tới trung tâm tỉnh lỵ thì năm nay, tình hình trầm trọng hơn nhiều.
Hiện nước mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở khu vực ĐBSCL, nhiều tỉnh trong vùng đã phải công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn.

Theo dự báo của Bộ NN-PTNT, tình trạng hạn mặn năm 2020 sẽ khiến khoảng 130.000 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng và khoảng 150.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt tại khu vực ĐBSCL.
Thiếu nước, cách người dân vượt qua tình cảnh khốn khó hiện tại là đợi chờ nước ngọt cứu trợ hoặc phải đi mua với giá cao.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, những biện pháp này không thể giải quyết được tình hình khi độ mặn xâm nhập đã vượt mức kỷ lục năm 2016.

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN-PTNT), hiện vẫn chưa phải cao điểm của hạn năm nay, việc xây thêm cống ngăn mặn ở biển là biện pháp tốn kém nhưng không hiệu quả. Trong khi đó, lượng nước ngọt từ thượng nguồn về đến các nhánh sông Cửu Long bị đứt đoạn là do các nước phía trên thượng nguồn xây đập thủy điện gây tác động tới dòng chảy.
Điều này khiến cho nguồn nước ngọt tại khu vực ĐBSCL hiện chỉ có thể trông chờ vào lượng mưa tự nhiên. Hơn bao giờ hết, điều mà khu vực này cần là một chương trình ngọt hóa đúng nghĩa để người dân có nước sinh hoạt, hoa màu cây trái có nước tưới tiêu.

Chuyển nước từ miền Đông sang miền Tây để cứu ĐBSCL?

Một con kênh ở ĐBSCL cạn khô do hạn hán, xâm mặn. 
Ảnh: Công an TP.HCM

“Mỗi năm, cả nước cần tới hơn 500 tỷ m3 nước ngọt. Nguồn nước trong nước chỉ đáp ứng được 300 tỷ m3 tính theo lượng mưa và phân bổ trên tất cả các hồ, sông, suối của cả nước. Tuy nhiên, điểm khó khăn của khu vực ĐBSCL là nơi đây không có nhiều hồ chứa để dẫn nước về.
Vì thế, chiến lược ngọt hóa dài hạn cần phải tính đến chuyện chuyển nước từ miền Đông sang miền Tây bằng các đường dẫn nước, đồng thời phải xây dựng các hồ trữ nước ngọt đạt chuẩn. Như vậy mới là ngọt hóa đúng nghĩa”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, chiến lược ngọt hóa đã có từ năm 1996 nhưng chưa được thực hiện do quan điểm cho rằng không cần ngọt hóa, cứ để nông dân làm, lấy nước ngầm lên tưới.
Tuy nhiên, do người dân trồng trái vụ, trái loại giống và trái đất nhiều quá: đem na, sầu riêng Thái Lan về trồng trái mùa, lúa đông xuân làm vụ muộn…, lại cứ khoét nước tưới nên cây bị hai tầng: tầng trên không có nước để tưới, tầng dưới thì hút mặn lên.
Bởi vậy, cả trăm nghìn ha cây ăn trái bị ảnh hưởng không phải hoàn toàn do thiếu nước mà bị mặn hút lên, cái mặn ấy sinh do người dân hút nước nhiều quá làm tầng nước ngọt bị mất đi. Điểm này, theo GS Hồng, có lỗi của cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi, thủy văn không thông báo, tuyên truyền đầy đủ cho người dân.

Mặt khác, theo quy luật sức hút giữa mặt trăng và trái đất, vào những thời kỳ khi mặt trăng gần trái đất, thủy triều sẽ dâng cao hơn, tiến sâu vào đất liền. Chúng ta phải trồng rừng ngập mặn là để cản dòng chảy tiến vào. Tuy nhiên, thời gian qua, rừng ngập mặn bị phá đi khiến nước mặn tiến sâu vào đất liền hơn.

Một điểm khác, theo GS Hồng, đây là sai lầm lớn về chiến lược thủy lợi khi bỏ đi chỗ chứa nước. Trước đây, khi có Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên chứa nước, nó đẩy nước mặn ra nên vào mùa nước mặn, ĐBSCL không gặp vấn đề gì.

Trước tình hình hạn mặn nghiêm trọng như hiện nay, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng không thể chần chừ chương trình ngọt hóa được nữa. Các nước tính ra mất cả trăm năm mới dẫn được nước, như Trung Quốc dẫn nước từ phía nam lên phía bắc, làm suốt mấy chục năm vẫn chưa xong.
“Hỗ trợ tiền, cứu trợ nước ngọt là không đủ. ĐBSCL có hàng loạt hệ thống thủy lợi lớn nhưng tỉnh nào biết tỉnh ấy, phải nối các kênh tưới nước từ tỉnh nọ sang tỉnh kia. Trong khi chờ đợi chiến lược ngọt hóa lâu dài thì phải nối bằng các công trình tạm, có thể là các đường ốp tôn để đưa nước ngọt tới cho người dân.
Muốn vậy, phải có cơ sở dữ liệu tính toán thủy văn, thổ nhưỡng chịu được mặn bao nhiêu, nguồn nước ngọt có bao nhiêu…, từ đó tính toán đường dẫn, nghiên cứu giống cây chịu mặn…
Phải có người tiên phong. Mỗi hệ thống phải có một công trình mẫu do một doanh nghiệp làm theo công nghệ 4.0 và có sự hỗ trợ của Chính phủ. Khi thử nghiệm mới có số liệu để đưa ra lời khuyên cho cả vùng đó dùng nước thế nào”, GS.TS Vũ Trọng Hồng chỉ rõ.

T.L.


Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đất và nước hòa nhau


Lê Học Lãnh Vân

Đuôi sông Cửu Long khi đổ ra biển tạo nên một vùng đất phì nhiêu bậc nhất thế giới. Nơi đó, đất và nước hòa vào nhau tạo nên môi trường cực kỳ giàu có về dinh dưỡng, dưới sông tôm cá vẫy vùng, trên bờ hạt thóc rơi xuống là thành cây lúa trĩu bông, dọc sông ven biển rừng tràm, rừng đước mênh mông… Hàng trăm năm nay, nói tới xứ sở này người ta nói tới những cánh đồng cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi do lưu dân người Việt, người Hoa Minh Hương, người Khmer… cùng nhau mở cõi để lại sự trù phú cho cháu con… Môi trường giàu có và dễ sống đó khiến tánh tình con người rộng rãi, nghĩa khí, bao dung, độ lượng. Miền Nam tiếp xúc với phương Tây rất sớm, cho nên tầng lớp trí thức nơi này hấp thu nét đẹp của văn hóa phương Tây như tính kỷ luật xã hội, tinh thần khoa học khách quan, lòng tôn trọng con người tạo nền móng cho xã hội dân chủ thực sự…

Lê Học Lãnh Vân - Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đất và nước hòa nhau

Miền Nam ngày mới mở được chia làm sáu đơn vị hành chánh nên gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh, gồm ba tỉnh Miền Đông và ba tỉnh Miền Tây. Các tỉnh này có địa giới lớn nhiều so với tỉnh bây giờ. Bài này viết về ba tỉnh Miền Tây, theo địa giới hành chánh thời đó trải dài từ bờ Nam sông Tiền chạy xuống Cà Mau, Rạch Giá. Vùng này được tưới bằng nước của đuôi sông Cửu Long, gồm sông Tiền, sông Hậu cùng vô số các con sông nhỏ, kênh, rạch tạo mạng lưới thủy chằng chịt. Đó là chưa kể các con sông nhận nước gián tiếp hay có liên hệ chặt chẽ với hệ thống này như sông Vàm Cỏ…

1) Quá khứ trù phú
Thế hệ ông nội tôi, sinh những năm cuối thế XIX đầu thế kỷ XX kể về những đàn sấu dưới sông quậy bùn, những con cọp mất dần nơi hoang dã thỉnh thoảng vô làng bắt chó. Làng mạc lúc đó hoang sơ, nóc gia rải rác, cả nhà xúm lại trên nhà sàn ban đêm ngó khe cửa thấy cọp ngồi trên sàn bên ngoài vách. Đất này sình lầy, cọp thúi móng, sáng ra chậm chậm chạy khỏi làng… Xin nói thêm, mùa nước nổi đất dọc sông Hậu thường bị ngập nên nhà thường là nhà sàn.
Thế hệ cha mẹ tôi, sinh những năm 1910 – 1920 kể về cảnh bến sông tấp nập, đò ngang đông đúc. Dinh ông chánh, như trụ sở ủy ban nhân dân ngày nay, sang trọng, văn minh, thầy thông thầy ký mặc đồ tây trắng… Dọc sông có một cái “xẹc”, tức cercle, nghĩa là một câu lạc bộ thể thao, chiều chiều giới thượng lưu ra dạo bộ hóng gió hay chơi tơ-nít… Chính cái xã hội thượng lưu này, với tiềm lực kinh tế và tri thức của nó, là nơi theo phong trào Thanh Niên Tiền Phong rất sớm và sau này giúp nhiều vào cuộc kháng chiến chống Pháp.

Lục tỉnh đất đai màu mỡ, nông nghiệp phát triển giàu có. Chủ điền lớn được xếp hạng hẳn hoi. Giàu có cấp huyện một năm thu hoạch hai ba chục ngàn giạ. Cấp tỉnh khoảng ba bốn chục ngàn giạ. Còn cấp Nam Kỳ thì năm chục ngàn giạ trở lên…
Có không ít điền chủ giàu nứt đố đổ vách do chăm chỉ tiện tặn mua đất đai, lần hồi đời con tiếp nối thành điền chủ lớn. Những chủ điền này còn gần gũi với tá điền, cả về nếp sinh hoạt lẫn tình cảm. Đất Nam Kỳ, người siêng năng chí thú dễ giàu, con người thoát dần sự bó buộc trong vòng phong kiến… Chung rượu không phải phân chia giai cấp, mà kết tình anh em. Khi thất mùa đói kém, chủ điền mở kho lẫm cho bà con tứ xứ… Miền đất mới bà con dung nhau, khách thương hồ đem nghĩa khí lang bạt khắp cõi Nam Kỳ, mỏi cánh thì dừng lại tát đìa, lùa vịt, đặt lọp, ăn ong… Tới đây thì ở lại đây, chừng nào tốt rễ xanh cây hãy về. Chim trời, cá nước, lúa đồng… thiếu ăn đâu mà sợ! Cơm chiều no bụng, họ nằm võng ư ử ngâm nga nhớ ông cha thời mở cõi. Chỉ hai ba đời trước, có xa gì đâu các tiên hiền mộ dân lập ấp, khẩn hoang, cái phảng, cái leng còn dựng góc nhà sàn!

Nông dân Miền Tây Nam Kỳ biết dòng chảy từng sông lớn, sông nhỏ, biết từng doi đất, từng vàm, từng khúc sông, từng cồn đất mới nổi. Mùa nước nổi cồn chìm, mùa khô cồn hiện ra cỏ phất phơ xanh. Miền Tây không phân biệt đất và nước, ranh giới đất và nước thay đổi chẳng những theo con nước lớn ròng, mà còn khác nhau trong những tháng nước nổi, nước tràn bờ, nước rút… Mỗi năm một mùa nước nổi, tháng bảy nước nhảy khỏi bờ, nước tràn trề một vài tháng trên những cánh đồng bạt ngàn cùng phẩm vật vô giá của sông Cửu Long: phù sa. Phù sa trầm tích mấy chục ngàn năm tạo nên Miền Tây, mỗi năm phù sa đem tới những cánh đồng sự màu mỡ trẻ trung… Người Miền Tây như cây đước cây bần, lấy sức sống từ đất trời sông nước… để từ đó phát triển ra bốn phương trời. Con cháu họ sau này dù thành nhà trí thức, nhà công nghệ tầm vóc quốc tế như các ông Nguyễn Duy Xuân, Phạm Hoàng Hộ… vẫn giữ trong lòng màu nước đục phù sa. Đó là nguồn gốc sâu xa của bộ sách đồ sộ và nổi tiếng Cây cỏ Miền Nam của giáo sư Phạm Hoàng Hộ, nguồn gốc của trường Đại học Cần Thơ, và xa hơn, của những thành phố Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long, Mỹ Tho… sung túc và yên bình phát triển trong tiếng vỗ ru của sông nước hiền hòa.

2) Hiện tại bấp bênh
Chín năm chống Pháp, Miền Tây có xáo trộn, cốt cách vẫn đầy. Hai mươi năm nội chiến từng ngày, vườn tược bỏ hoang, giao thông đứt đoạn, tình người Miền Tây vẫn đượm…
Sau những biến chuyển khiến lòng người chia lìa, anh em đẩy nhau vào trại cải tạo, ngăn sông cấm chợ, các cửa biển yên lành trước kia thành nơi dân chúng lũ lượt bỏ nước ra đi, Miền Tây lần hồi bắt đầu trở lại sung túc nhờ phẩm vật của sông nước: lúa, trái cây, tôm cá. Và một món quà đặc biệt: cá tra! Trong hai mươi năm, ngành kinh tế cá tra lớn mau và giúp Miền Tây trù phú, năm 2019 xuất khẩu hai tỉ đô la Mỹ! Cùng với các sản vật khác, sự giàu có của Miền Tây nói riêng, Nam Kỳ Lục Tỉnh nói chung, là sự giàu có của cả nước!

Tuy nhiên, cách đây khoảng trên chục năm bà con Miền Tây bắt đầu thấy sông nước Miền Tây đổ bệnh. Cho dù rất gần đây báo chí Việt Nam mới nói nhiều, các nhà khoa học đã gióng chuông báo động từ cuối thế kỷ trước. Với những người con Miền Tây, chỉ cần ngó màu sông sắp vào mùa nước đổ, họ biết năm nay nước đổ sớm hay trễ, phù sa ít hay nhiều. Những khuôn mặt đen sạm nắng gió vui mừng khi nước nâu đục phù sa, lo âu khi nước ít đục hơn. Mỗi năm, nước càng bớt đục, cùng lúc mặn từ cửa biển xâm nhập vào sông sâu hơn. Mấy năm lại đây, có lúc nước trong, dù chưa xanh, trong gần như sông Vàm Cỏ! Điều này cho thấy con sông không còn màu mỡ. Và muối mặn đã vào tận Cần Thơ, thủ phủ Miền Tây! Và có những nhánh sông đã qua đời!
Người dân chất phác hiện nay của chín nhánh Cửu Long có biết đâu hai mươi lăm năm trước đó, năm 1995, Việt Nam đã từ bỏ quyền phủ quyết trong Ủy hội sông Mekong! Đồng bằng sông Cửu Long không hưởng lợi gì hết từ các đập thủy điện cách nó hơn ngàn cây số, trái lại là nơi chịu thảm họa tàn phá lớn nhất, thậm chí đồng bằng có thể bị xóa sổ! Nếu không giữ quyền phủ quyết, đồng bằng sông Cửu Long lấy gì để tự vệ trước những quốc gia, những thế lực vì quyền lợi của họ mà không đếm xỉa tới quyền lợi đồng bằng sông Cửu Long?
Những người nhìn xa trông rộng đã thấy trước, từ ngày đó, nguy cơ rất lớn, lưỡi hái rất sắc, đã treo lơ lửng trên đầu người dân Lục Tỉnh! Họ đã nhìn thấy trước những con sông Miền Tây cạn nước! Xin các anh chị đọc những bài viết của bác sĩ nhà văn Ngô Thế Vinh, của những người cùng chí hướng bảo vệ sông Cửu Long và châu thổ của nó, để thấy rõ hơn điều này.
Những người thay mặt Việt Nam bỏ phiếu đồng ý bỏ quyền phủ quyết của Việt Nam là những ai? Họ có hiểu biết cặn kẽ về lịch sử địa chất hình thành nên sông Cửu Long, hiểu biết cặn kẽ về mọi nguồn lực của hệ thống sông ngòi của nó, chính là ngọn nguồn mang lợi ích tràn trề cho Miền Tây? Họ có hiểu biết về nguồn cội của cách tổ chức xã hội Miền Tây, về tâm lý học, dân tộc học Miền Tây? Họ có tấm lòng của con dân Miền Tây không?

3) Tương lai có thể thịnh vượng?
Sông Cửu Long cạn dòng đã là một Chính Đề của Miền Nam, của đất nước! Miền Nam sẽ Thịnh Vượng lâu dài hay Miền Nam sẽ nghèo đói, chậm tiến triền miên trong thảm họa?
Do tâm lý dân tộc, nhiều người Việt cho rằng Trung Quốc là nguồn gốc của Chính Đề nói trên. Thực ra thì Trung Quốc, dù là tác nhân quan trọng tàn phá lưu vực thượng nguồn, chặn lượng phù sa về hạ nguồn nhưng chưa phải là tất cả. Còn những tác nhân khác…
So sánh bản đồ vệ tinh cũng thấy trong 25 năm rừng Việt Nam, nhất là trên vùng núi Trường Sơn, bị tàn phá như thế nào. Chính Việt Nam đã đối xử như thế nào với nguồn nước của các phụ lưu xuất phát từ rặng Trường Sơn đổ vào Cửu Long?
Đồng bằng sông Cửu Long có được đầu tư bồi đắp xứng đáng với nguồn lợi sông Cửu Long mang lại? Có đủ để duy trì sự khai thác bền vững không?
Việt Nam đã có chiến lược chung cho toàn Miền Nam đối phó với tai họa đã rất gần này chưa? Đã có một qui hoạch tổng thể giúp Miền Nam ứng phó các vấn nạn và xây dựng môi trường sống vững bền cho các thế hệ sau chưa?
Có nhiều điều thực tế trả lời câu hỏi trên, trong đó hình ảnh rõ rệt nhất là 100 km đường cao tốc ở Miền Nam so với hơn 1.000 km đường cao tốc ở Miền Bắc!

Người viết bài này tin rằng với phương tiện của khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện nay, Miền Nam có những chọn lựa chiến lược khả thi cho sự phát triển lâu dài. Giải pháp cho Chính Đề không chỉ nằm trong khoa học, công nghệ, mà quan trọng hơn là nằm ở nơi cao hơn: cách tổ chức xã hội, chính trị của đất nước!
Vấn đề ở tầm vóc quốc gia, giải pháp phải ở tầm vóc quốc gia. Để có giải pháp cho Chính Đề của Miền Nam, cùng lúc phải có giải pháp cho Chính Đề của Việt Nam. Việt Nam cần một sự lãnh đạo chính đáng và xứng đáng với tầm vóc Việt Nam. Chính thị phải là một sự lãnh đạo quốc gia, một sự lãnh đạo mà tầm cao vượt khỏi tư duy vùng miền, tư duy phe phái. Sự lãnh đạo hướng về lợi ích toàn quốc gia, coi sự phát triển của bất kỳ vùng nào cũng là sự phát triển của quốc gia. Có phải một sự lãnh đạo như vậy chỉ có thể được chọn lựa bởi toàn dân qua một cuộc ứng bầu cử minh bạch và trung thực?
Chọn được sự lãnh đạo đó, có Chính Đề nào của quốc gia không thể giải quyết được, kể cả vấn đề cạn dòng sông Cửu Long?

Văn Việt