Saturday, March 28, 2020

Trần Dzạ Dzũng - Lẫm lúa ở miền Tây



 26/03/2020


(VNTB) – Lẫm lúa là cái thiếu lâu nay ở nhà nông miền Tây Nam bộ. Nếu có những lẫm lúa cho tử tế, thì có lẽ sẽ không xảy ra chuyện lùm xùm về ‘xuất’ hay ‘tạm dừng xuất’ trong ngành gạo hiện nay trước đại dịch toàn cầu và vấn nạn hạn mặn.
Lúa sau khi thu hoạch thì được phơi khô, giê sạch và bảo quản bằng nhiều vật dụng khác nhau như bồ lu, bồ nan, bùng binh, xe rương và cái lẫm hay còn gọi là lẫm lúa. Nhà nào có nhiều lúa để dự trữ thì phải dùng đến cái lẫm.

Chữ lẫm () là từ Hán Việt có nghĩa là kho đụn chứa lương thực. Cái lẫm chứa lúa thường chỉ có ở những nhà địa chủ lớn, một vụ thu vô 3-4 muôn lúa (3-4 ngàn giạ) trở lên mà các vật dụng như kể trên không thể chứa hết được.

Lẫm lúa nhà điền chủ
Trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh (1885 – 1958) người ta phần nào hình dung được diện mạo nông thôn miệt sông nước đồng bằng ngày trước. Lúa gạo nhiều thì phải bán,người mua lúa gạo kêu là lái lúa,bạn hàng xáo. Bạn hàng xáo đi thu mua lúa từ trong đồng trong bái, chất lên ghe chở ra chành lúa.
Xuất hiện từ “chành lúa”, chành là tiếng Tiều của người Hoa, vì người Tiều thâu mua lúa đầu tiên. Chành là cái kho chứa lúa của người mua lúa. Nếu của điền chủ thì kho kêu là “lẫm lúa”. Khắp lục tỉnh nơi nào cũng có chành lúa.
Cái lẫm thường được thiết kế trong một ngôi nhà rộng ba gian, xây dựng ở những vùng cao không bị ngập lụt. Hai gian hai bên có diện tích rộng thiết kế thành 2 cái lẫm. Gian giữa hẹp hơn là nơi người ta chuyển lúa vào hay xuất lúa ra. Gian làm lẫm ba mặt là vách tường. Còn một mặt trong nhà hoặc đóng kín bằng ván gỗ hay tường làm bằng đất, có chừa một cái cửa bề cao lên đến cây trính, bề rộng phải lớn hơn cái thúng cái khi đưa thúng đổ lúa vào. Cửa này là nơi người ta đổ lúa vào. Có những tấm ván tấn chặn ở cửa, cao khoảng 0,5m.
Khi đổ lúa vào lẫm đầy đến 0,5m, người ta tấn tấm ván khác lên trên để tiếp tục đổ lúa vào. Rồi cứ thế mà đổ cho đến tầng 3, tầng 4… đến khi nào lẫm đầy lúa thì thôi. Nơi vách gần cửa lẫm, người ta chừa một cái ngách tra vào đó bằng một cái máng xuôi miệng, một miếng gỗ đặt nơi miệng máng.
Khi lẫm đầy lúa, cần xuất lúa từ lẫm thì rút miếng ván ở miệng máng cho lúa chảy ra, lấy đủ số thì đóng miếng ván lại. Trong nền lẫm, người ta lót gạch, cho trấu vào trên lớp gạch cao khoảng vài tấc, rồi lót những tấm bồ nan cách ly giữa trấu và lúa sẽ đổ vào sau này.
Người ta đổ lúa vào lẫm, tầng 1 dưới cùng, dùng thúng lường có 2 người khiêng. Những tầng kế trên đưa lúa vào bằng thúng cái và cao hơn nữa thì bằng thúng con cho nhẹ.

Ở những vùng thường xuyên bị lũ lụt, người ta vẫn xây nhà lẫm, nhưng trong nhà làm gác lửng có độ cao quá mức ngập lụt. Trên gác lửng đó, người ta làm khung bằng cây che kín bốn bên, đổ thóc lúa vào, hay lúa ít, họ quay bồ trên sàn gác để chứa lúa. Lên xuống lẫm này bằng cái thang gỗ…
Đó là lẫm lúa thường thấy thời trước của điền chủ, hay ở nhà ông hội đồng.

Giờ gọi là ‘kho chứa thóc’

Việt Nam hiện nay thì có hẳn bộ quy chuẩn về ‘lẫm lúa’ với tên gọi trên văn bản là ‘kho chứa thóc’ – dân miền Nam gọi gọn là ‘kho lúa’. Bộ quy chuẩn này nằm ở Thông tư 12/2013/TT-BNNPTNT do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng ký ban hành 06-02-2013.
Khác lẫm lúa ngày xưa, ‘kho chứa thóc’ theo quy chuẩn còn buộc phải có các thiết bị như máy sấy thóc có khả năng xử lý được độ ẩm của thóc đạt yêu cầu kỹ thuật, công suất sấy đáp ứng được năng lực của kho chứa.
Các dạng máy sấy gồm: Máy sấy dạng tháp; Hệ thống (cụm) máy sấy tầng sôi kết hợp với sấy tháp; Máy sấy vỉ ngang; Thiết bị vận chuyển phục vụ xuất, nhập kho; Thiết bị xử lý những sự cố bất lợi trong quá trình bảo quản; Thiết bị đo lường kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu yêu cầu kỹ thuật; Hệ thống chiếu sáng…
Bộ quy chuẩn cũng đề cập đến kho silo. Theo đó kho silo có thân kho hình trụ (hoặc hình hộp) đáy dạng hình chóp hoặc đáy phẳng với cơ cấu tháo liệu, đường kính từ 6 m đến 20 m, chiều cao từ 10 m đến 30 m, có nắp kín và các cửa thông hơi. Vật liệu làm silo là bê tông, kim loại, hoặc tôn tráng kẽm; Số lượng silo tối thiểu là hai chiếc, đảm bảo đảo trộn nguyên liệu trong quá trình bảo quản…
Giải pháp chọn lựa phổ biến ở nước nông nghiệp là xây dựng silo. Đây là một kết cấu bằng thép hay bê tông được xây dựng để bảo quản nông sản dạng hạt rời, được trang bị hệ thống kiểm định chất lượng lúa đầu vào, thiết bị làm sạch và sấy khô. Hệ thống nộp lúa vào và tháo lúa ra bằng cơ giới, trang bị hệ thống tự động theo dõi, điều tiết nhiệt độ và làm mát trong quá trình bảo quản, nhờ vậy có thể bảo quản lúa thời gian hơn một năm phù hợp với diễn biến lúa gạo trên thị trường. Nhờ có thể xây dựng theo chiều cao, silo ít tốn kém mặt bằng, chứa được khối lượng lớn. Nhờ được bảo quản tốt nên trong quá trình xay xát hạt gạo đạt chất lượng cao và ổn định.
Ở miền Nam trước 1975, tư liệu về nông nghiệp cho biết đã có một số các cụm silo, như ở Cao Lãnh (48.000 tấn), Trà Nóc (10.000 tấn), Bình Chánh (12.000 tấn), nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên sau 1975 không được sử dụng đúng công năng, hoặc bỏ trống.

Thị phần còn ‘trắng’ của ngành logistics Việt Nam?

Khi có hệ thống tổng kho, nếu giá lúa thấp, nông dân không bán và mang lúa gạo đến ký gửi ở tổng kho của Nhà nước. Khi nhận được đơn xác nhận ký gửi hàng hóa từ Nhà nước, nông dân có thể đến ngân hàng vay một khoản tín dụng tương đương với giá trị lúa đã ký gửi trong tổng kho. Số tiền vay này có thể dùng trang trải trong cuộc sống hàng ngày, mua sắm vật tư chuẩn bị cho vụ mùa mới. Giá cả luôn được điều chỉnh theo quan hệ cung cầu.
Khi nguồn cung giảm, giá sẽ tăng, khi đạt được mức giá mong đợi, nông dân bán lúa (gạo) ra và giải chấp vốn vay ở ngân hàng. Với mô hình này, nông dân sẽ có mức lời mong đợi, không phải bán tháo hàng hóa khi giá ở mức thấp. Hệ thống tổng kho không phải là nơi giữ hàng hóa miễn phí cho nông dân, doanh nghiệp mà đây còn là một ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận.
Ông Đoàn Đình Hoàng, giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, nhận định với nguồn lực trong tay, Nhà nước có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống tổng kho, và tổ chức đấu thầu cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia khai thác.
Ví dụ một hệ thống tổng kho vùng có năng lực lưu trữ 1 triệu tấn hàng hóa sẽ được chia thành bốn hệ thống kho phụ, mỗi kho có sức chứa 250.000 tấn sẽ được chia nhỏ ra cho các đơn vị khai thác. Nhà nước cần đưa ra giá sàn với mức phí hợp lý mà nông dân và doanh nghiệp đều có khả năng ký gửi hàng hóa, và đặt ra thời hạn thu hồi vốn cho các hệ thống kho này.
Nếu có hệ thống tổng kho, người nông dân sẽ ít lệ thuộc vào thương lái hơn, hàng hóa không đi qua nhiều khâu trung gian. Ví dụ hệ thống tổng kho ở khu vực phía Nam có thể đặt ở Long An, Cần Thơ, Bạc Liêu và An Giang. Nông dân ở đây có thể đưa sản phẩm của mình đến kho gần nhất để ký gửi hàng hóa…

Rồi mùa dịch cũng đi qua

Những lo lắng về biến động của mùa dịch đến từ con virus corona rồi cũng sẽ đến hồi kết thúc. Mùa mưa đến, vậy là miền Tây vừa giải hạn mặn, vừa no nước để làm những vụ mùa.
Câu chuyện về một hệ thống tổng kho lúa gạo cho đồng bằng sông Cửu Long được nhiều lần xới đi xới lại ở các hội nghị, hội thảo từ thập niên 80 ở thế kỷ trước, cho tới tận hôm nay, có lẽ lại chìm vào lãng quên; hay ít ra là cũng tiếp tục bị ‘bỏ quên’ trong năm 2021, khi đây là năm bộn bề công việc nhân sự cho nhiệm kỳ mới của đảng chính trị và của cả quốc hội và chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên trong góc nhìn khác, một nhà báo chuyên trách về logistics ở miền Tây Nam bộ nói rằng cần coi lại chuyện thủ tục cho vay và lãi vay ngân hàng ở nông thôn. Nông dân thường không đủ vốn liếng để làm các vụ lúa tiếp theo, nếu như vì tình thế nào đó mà họ buộc phải ‘ký gửi’ lúa vào ‘lẫm lúa’ để chờ giá. Nên nhớ ‘lẫm lúa’ là dành cho điền chủ, cho ông bà hội đồng giàu có tiền muôn, bạc vạn.


No comments:

Post a Comment