Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khảo sát
công trình đập tạm trên sông Ba Lai
(huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).
Courtesy of TTXVN
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn
quốc gia cho biết khô hạn, xâm nhập mặn không chỉ xảy ra ở khu vực vùng Đồng
Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) mà khu vực Trung Bộ trong các tháng tiếp theo của
mùa khô năm 2020 cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Cụ thể, Phó giám đốc Trung tâm dự
báo khí tượng thủy văn quốc gia Vũ Đức Long ngày 9/3 cho biết từ tháng 3-5,
tình trạng khô hạn thiếu nước có khả năng xảy ra tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh
Thuận, Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Từ tháng 6-8, tình
trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven
biển Trung Bộ và diễn ra gay gắt hơn mùa khô năm 2019.
Ông Long cũng cho rằng, lưu lượng
dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến thấp hơn
trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 40-80%. Một số sông thiếu hụt trên 80%; dung
tích các hồ thủy lợi từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế thiếu hụt từ 10-30%; các
hồ từ Đà Nẵng đến Bình Thuận thiếu hụt từ 11-47%; các hồ ở khu vực Tây Nguyên
thiếu hụt từ 2-10% so với dung tích thiết kế.
Đối phó tình hình hạn mặn đang hoành
hành tại các tỉnh ĐBSCL, ngày 8/3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm
việc với lãnh đạo 5 tỉnh ĐBSCL gồm Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang và
Cà Mau.
Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch Bến Tre,
tỉnh đang bị thiệt hại nặng nề nhất do hạn, mặn xâm nhập cho biết hầu hết ngành
công nghiệp chế biến trong tỉnh đều sử dụng nước ngọt cho sản xuất, do đó hiện
tượng xâm nhập mặn đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất. Nếu hạn mặn tiếp
tục kéo dài, có thể nhiều nhà máy trên địa bàn tỉnh có nguy cơ ngừng sản xuất.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo
các tỉnh về những khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt của người dân khi hạn,
mặn xâm nhập cao, Thủ tướng đã đồng ý hỗ trợ khoảng 70 tỷ đồng/ mỗi tỉnh
từ ngân sách Trung ương cho 5 tỉnh ĐBSCL để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống,
khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn.
.
No comments:
Post a Comment