Monday, January 28, 2019

Bắt đầu đợt xâm nhập mặn mùa khô 2018-2019



Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, độ mặn 4%o trên các sông chính hiện đã xâm nhập đến các địa bàn: xã Định Trung, huyện Bình Đại (cách cửa sông Cửa Đại 16-18km), xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm (cách cửa sông Hàm Luông 23-25km), xã Hòa Lợi, Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú (cách cửa sông Cổ Chiên khoảng 22-24km).

Độ mặn 1%o đã xâm nhập vào địa bàn các xã cách các cửa sông chính từ khoảng 37-42km, các xã Giao Hòa (Châu Thành), Phước Hiệp, Thành Thới A (Mỏ Cày Nam), Phước Long, Hưng Phong (Giồng Trôm).

Dự báo, mặn đang có xu hướng lấn sâu vào đất liền, tăng dần trong các ngày từ 18 đến 22-12-2018. Độ mặn xâm nhập sâu nhất sẽ xuất hiện trong các ngày từ 21 đến 23-12-2018. Hiện mặn còn ở mức thấp hơn so với cùng thời kỳ vào năm 2015.

Độ mặn 4%o có khả năng xâm nhập đến địa bàn các xã: Vang Quới Tây (Bình Đại), Tân Trung, Hương Mỹ, Cẩm Sơn (Mỏ Cày Nam), Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm), cách các cửa sông chính từ 28-32km.

Độ mặn 1%o có khả năng xâm nhập đến địa bàn các xã: Giao Long, Quới Sơn (Châu Thành), Định Thủy, Thành Thới B (Mỏ Cày Nam), Sơn Phú (Giồng Trôm), cách các cửa sông từ 42-44km. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn đang ở cấp độ 1.

Mùa mưa năm 2018 đã kết thúc sớm, với lượng mưa trung bình thấp hơn nhiều năm từ 10-30%, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm nhập mặn sâu và nặng nề.
UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch để các ngành chức năng và các địa phương tích cực, chủ động trong công tác phòng chống thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô 2018-2019.

Đợt xâm nhập mặn mùa khô 2018-2019 đã bắt đầu, bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo, dự báo xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động trữ nước ngọt, sử dụng tiết kiệm nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi, đắp đập tạm, bờ bao cục bộ để ngăn mặn, trữ ngọt…
Thanh Đồng
Source:

Bonus:

Độ mặn

https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%99_m%E1%BA%B7n 

Cà Mau, Nghĩ suy và Ước vọng (GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân)


(Khoa học) - "Cà Mau là mảnh đất của những bài toán khó, những bài học và của những kỷ niệm mà khi nhớ lại như tiếp thêm sức cho tôi" - GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân.

Mấy năm gần đây tôi thường dành những ngày cuối năm về thăm Cà Mau để nhìn và suy ngẫm về những đổi thay từ những gì thiên nhiên và con người đã tác động lên vùng đất trẻ này. Cà Mau đối với tôi là mảnh đất của những bài toán khó, những bài học và của những kỷ niệm mà mỗi khi nhớ lại như tiếp thêm sức cho tôi.

Kỷ niệm và những câu hỏi

Ngay sau khi Chương trình khoa học cấp nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long được thành lập, đề tài “Xây dựng bộ bản đồ biến động dòng sông và bờ biển đồng bằng sông Cửu Long” (thời kỳ 1885 – 1985) do PTS. Tô Quang Thịnh (Trung tâm Viễn Thám, Cục Đo đạc và Bản đồ nhà nước) phụ trách được triển khai ngay. Ngày nay ảnh vệ tinh nhiều, định kỳ chụp liên tục, nên việc theo dõi biến động là một nhiệm vụ không khó khăn như lúc đề tài được triển khai. 

Từ những tư liệu có được, chúng tôi thống nhất khảo sát sự biến động tại bốn thời điểm 1885, 1940, 1965 và 1985. Hai mẫu bản đồ biến động của mũi Cà Mau lần đầu tiên và trong 100 năm là những tư liệu rất quý và có ý nghĩa. Phía Tây, Mũi được bồi trong khi phía Đông bị xói lở với tốc độ tương đương. Được và Mất này dường như chưa được nhận thức đầy đủ và đúng mức (Hình 1).

Rừng ngập mặn Cà Mau và rừng tràm U Minh là hai đặc trưng của Bán đảo Cà Mau được thế giới biết đến. Vì là nơi che chở Cách mạng nên cả hai loại rừng bị tàn phá nghiêm trọng trong chiến tranh.


Tám năm sau ngày đất nước thống nhất, rừng ngập mặn gần như đã hồi sinh để rồi sau đó biến mất dần. Nguyên nhân từ đâu, tôi vẫn tự hỏi. Đây là bài toán đặt ra cho khoa học nhưng trước tiên là của quản lý nhà nước (Hình 2).

Ảnh vệ tinh vùng rừng tràm U Minh vào mùa khô tại thời điểm các năm 1973, 1979, 2003 và 2017 cho thấy diện tích rừng tràm thu hẹp lại rất rõ, trong khi diện tích canh tác lúa trên đất rừng tràm liên tục được mở rộng. Những thay đổi này và những trận cháy rừng tràm lớn tiêu hủy hàng trăm ha, làm mỏng tầng than bùn, có nơi gần chạm đáy, liên quan mật thiết với nhau. Một lần nữa cần có câu trả lời về nguyên nhân, và trách nhiệm. (Hình 3).




Đồng bằng sông Cửu Long là một châu thổ, cao trình mặt đất rất thấp, độ dốc không đáng kể trên toàn đồng bằng. Triều truyền rất sâu vào nội đồng, nhất là vào mùa kiệt, khác với các châu thổ khác trong cả nước. Cà Mau còn là nơi giao thoa giữa hai chế độ triều Biển Đông và Biển Tây và dòng chảy sông Hậu. CT 60-02 và 60-B luôn nhấn mạnh điều này, cần nhớ khi quy hoạch khai thác đồng bằng.  

Mặn và ngọt cùng tồn tại và được người dân Cà Mau khai thác một cách hài hòa theo mùa. Vậy thì “mâu thuẫn mặn – ngọt” bắt nguồn từ đâu? Tại Đầm Dơi, Cái Nước, đã có lúc người dân ra sức đấp đập ngăn mặn để mở rộng diện tích và tăng vụ lúa. Nhưng sau đó cũng chính người dân ở đó lại phá đập do chính mình đã xây để lấy nước mặn nuôi tôm. Nguyên nhân từ đâu? Không làm rõ nguyên nhân mà giải quyết “mâu thuẫn mặn – ngọt” bằng công trình để “ngăn mặn”, “kiểm soát mặn” phải được cân nhắc. Nhiều công trình không bao lâu sau khi xây bị treo vì vô hiệu. Còn châu thổ thì ngày càng bị bao ví, cách biệt và đối đầu với biển.
Một buổi tối năm 1989, tại nhà khách Quân khu 9 (Cần Thơ), Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt triệu tập Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Công Tạn và tôi (1) để nghe ý kiến về đề án Ngọt hóa Bán đảo Cà Mau. Chủ trương ngọt hóa được nhất trí cao. Ý kiến còn khác nhau là khả năng ngọt hóa tới đâu, bước đi và tác động đến môi trường ra sao.
Tôi đã trình bày nhiều tình huống tùy theo số và vị trí các cống được xây dựng và vận hành, được mô phỏng bằng mô hình số. Tôi đã kiến nghị nên ngọt hóa có lộ trình, bắt đầu từ phía Quản lộ Phụng Hiệp đi dần xuống phía Cà Mau, vì còn tùy thuộc vào khả năng tiếp ngọt và cần theo dõi bước chuyển hóa của môi trường từ mặn sang lợ và ngọt. Bước đi còn cần thiết vì sự hoàn tất tất cả các cống và âu thuyền cùng với sự vận hành đồng bộ của các công trình này là điều kiện bắt buộc để mặn không đánh vu hồi và ăn ruỗng vùng ngọt hóa.
Thủ tướng đã lắng nghe và yêu cầu tôi chiếu lại các mô phỏng. Dự án Ngọt hóa Bán đảo Cà Mau chỉ thành công một nửa về phía sông Hậu, chưa bao giờ được đánh giá, đối với tôi vừa là kỷ niệm vừa là bài học. Một bài học đã trả giá rất đắt, vẫn còn nguyên tính thời sự: tiếng nói phản biện khoa học và sức nặng của guồng máy.

Một kỷ niệm khác là việc bao ví bãi bùn ở Đất Mũi để “nuôi” tôm vào những năm 1989, 1990. Một ngày đầu năm 1991, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho gọi tôi và hỏi có phải tôi đã khuyên ngăn không nên đắp đê bao ví. Tôi xác nhận, trình bày rằng cách làm này đi ngược lại quy luật sinh tồn của cây mắm, và xin chịu trách nhiệm nếu dự báo hậu quả sai. Hai năm sau, tôi nhận được văn bản chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu tỉnh Minh Hải giải tỏa bao ví. Cái ngấn trong chiều cao của rừng mắm nhìn thấy rất rõ ở bãi bùn, hậu quả của ba năm bao ví, là hình ảnh nói lên sự cần thiết cái đúng phải được bảo vệ và sẽ có tiếng nói cuối cùng!

Cà Mau, Nghĩ suy và Ước vọng  (tiếp theo)

(Khoa học) - "Cà Mau là mảnh đất của những bài toán khó, những bài học và của những kỷ niệm mà khi nhớ lại như tiếp thêm sức cho tôi" - GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Ban chỉ đạo nghiên cứu khai thác bán đảo Cà Mau đã trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 1989 một bản Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Bán đảo Cà Mau đến năm 2000. Ban chỉ đạo đã trình bản Quy hoạch tại cơ quan chức năng ở Hà Nội và đã trả lời rất nhiều câu hỏi về phương pháp luận và về hệ thống thống kê SNA (System of National Account) đã được dùng để xây dựng quy hoạch vì không giống cách từ trước tới nay vẫn làm.
Mặc dù các câu hỏi được trả lời rõ ràng, đến hôm nay, tôi chưa nhận được ý kiến về bản Quy hoạch. Chỉ được biết là năm 1993, một số chuyên gia kinh tế đã được World Bank đưa về Hà Nội để giảng về hệ thống thống kê SNA và sau đó hệ thống thống kê của Việt Nam đã được thay đổi.

Những bài toán hôm nay

Câu chuyện Cà Mau hôm nay cần được bổ sung biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún mặt đất và xói lở bờ biển về cả hai phía Đông và Tây.

Trong bối cảnh đó nên khai thác bán đảo Cà Mau như thế nào? Điểu chắc chắn đầu tiên là khoa học phải vào cuộc. Điều cần thiết thứ hai là chỉ có thể ứng phó có hiệu quả khi giữa các Bộ và giữa Trung ương với địa phương có sự phối hợp. Tại Hội nghị ngày 26/9/2016, tại Cà Mau do một Phó Thủ tướng chủ trì, tôi đã nêu lên nhận xét rằng dường như bộ máy chúng ta “thừa chồng chéo nhưng thiếu phối hợp”. Đúng một năm sau, đã diễn ra một hội nghị tại Cần Thơ, được ví như là Hội nghị Diên Hồng về ĐBSCL do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Hai tháng sau dó, ngày 17/11/2017, Nghị quyết của Chính phủ số 120/NQ-CP được ban hành (2).
Hơn một năm sau việc triển khai theo tôi không được như mong đợi (3). Thậm chí, có dự án nhiều ngàn tỷ đồng cho giai đoạn khởi đầu vẫn được một Bộ phê duyệt đầu tư cuối năm 2018, như chưa hề có Nghị quyết và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (4). Ngân sách nhà nước còn rất thiếu cho những chi tiêu cần thiết. Nhưng cái thiếu nhất ở ĐBSCL có lẽ là một nhạc trưởng đi kèm theo là một cơ chế, một kỷ luật hành chính và sự liêm chính mà Bác Hồ luôn căn dặn.

Một ngày đi dọc Biển Tây thêm một lần nữa đã xác nhận nỗ lực không mệt mỏi của tỉnh Cà Mau xây dựng các đê giảm sóng, tạo bãi nhằm tái sinh rừng ngập mặn. Những kết quả trên hiện trường được tận mắt chứng kiến và bằng flycam (mà tôi đã nhờ quay) tuy còn phải tiếp tục theo dõi, theo tôi rất đáng khích lệ.

Mỗi khi ở Tây Nguyên, ở Quảng Nam hay ở miền núi phía Bắc, phát hiện vài hecta rừng nguyên sinh bị triệt hạ, các kênh truyền thông lên tiếng báo động. Rất đúng và rất cần thiết. Về Cà mau năm nay, không ra được Hố Gùi và Cửa Bồ Đề vì có dự báo bão, chỉ tới được Rạch Gốc, tôi thấy cần phải báo động bởi lẽ ở phía Đông, như CT 60-02 đã chỉ ra, hàng năm, và từ cả trăm năm có hơn, trên đoạn bờ biển từ Hố Gùi qua Cửa Bồ Đề đến Rạch Gốc, diện tích rừng phòng hộ bị xói lở sâu hàng chục mét. Nghĩa là cả chục hecta rừng ngập mặn, thậm chí còn hơn, rừng và đất bị mất. Chúng ta chấp nhận thực tế này như một định mệnh? Bài toán xói lở bờ biển phía Tây và phía Đông Cà Mau là một đặt hàng cụ thể, thiết thực cho các viện, trường, các chương trình khoa học cấp quốc gia, cấp nhà nước đang hoạt động.

Tôi đã ra cột mốc số 0 cuối năm 2017 bằng đường Hồ Chí Minh, chạy giữa rừng ngập mặn. Một năm sau trở lại, nhà dân mọc lên nhiều hơn. Các vuông tôm cũng vậy. Cuộc sống có vẻ nhộn nhịp hơn. Bắt đầu xuất hiện các quán nhậu. Tiếng xe hơi, xe gắn máy phá vỡ sự tĩnh mịch trước đây. Cái giá phải trả có phải rồi đây rừng ngập mặn hai bên đoạn QL 1A mới mở này sẽ rỗng dần bên trong, giống như rừng ngập mặn hai bên các kênh trước đây? Đâu là điểm dừng? Ai chịu trách nhiệm?

Nội dung cuối cùng cho bài viết này được dành cho giáo dục. Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau nói riêng, đã và đang là một vùng trũng về giáo dục và đào tạo. Đây là một cản trở lớn cho sự phát triển bền vững. Nguyên nhân có nhiều: giao thông, đi lại khó khăn, nhất là về mùa mưa, dân cư sống dọc theo tuyến lộ, tuyến kênh, … nhưng sâu xa là gì? Có phải là nhận thức về giáo dục khá phổ biến còn thiển cận: “học hành tốn kém bao nhiêu năm, đi làm lương không bằng ở nhà lao động”. Cứ thế khoảng cách học vấn, và từ đó sự tụt hậu so với các vùng khác ngày càng doãn ra. Phải làm gì? Chẳng lẽ hệ thống chính trị của chúng ta bó tay?
Về Cà Mau những ngày cuối năm, thấy những thành tựu, những bất cập và những câu hỏi đang chờ được trả lời không làm tôi bi quan. Ngược lại đó chính là động lực tiếp sức cho tôi bước vào năm mới với “những nghĩ suy và ước vọng về đất biển Cà Mau, thấy đất trời thêm rộng lớn” (5).

Chú thích:

(1) Lúc bấy giờ là Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học kỹ thuật nhà nước, Chủ nhiệm Chương trình 60-B, Trưởng Ban chỉ đạo Nghiên cứu khai thác Bán đảo Cà Mau.
(2) Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
(3) Nguyễn Ngọc Trân, Một năm sau Nghị quyết 120: Vấn đề và Kiến nghị, http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/mot-nam-sau-nghi-quyet-120-van-de-va-kien-nghi-3371594/
(4) Văn bản số 11482/VPCP-NN, ngày 24 tháng 11 năm 2018 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
(5) Xin được sử dụng một cụm từ trong bài Đất mũi Cà Mau, nhạc và lời của Hoàng Hiệp.
GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân - Đại biểu Quốc hội khóa IX,X,XI (Theo báo Điện tử Đại biểu Nhân dân)

Source:




CÁI KHÓ CỦA DIỄN ĐÀN HỢP TÁC LANCANG MEKONG (The Trouble With the Lancang Mekong Cooperation Forum)


Shang-su Wu – Bình Yên Đông lược dịch
The Diplomat – December 19, 2018

Phiên họp Thượng đỉnh LMC lần Thứ nhất

Diễn đàn LMC phát sinh từ việc đơn phương xây đập của Trung Hoa, nhưng rốt cuộc, điều đó cũng có thể gây nguy hại cho nó.

Kể từ khi thành lập vào năm 2016, diễn đàn Hợp tác Lancang Mekong (Lancang Mekong Cooperation (LMC)) là một thành công của Trung Hoa.  Diễn đàn, bao gồm tất cả các quốc gia duyên hà, đã đạt được tiến bộ trong vài lãnh vực mà không có sự tham gia của các cường quốc ở ngoài khu vực như Nhật Bản và Hoa Kỳ.  Vì thế, LMC thường được xem như là một thách thức của Trung Hoa để thay thế các cơ chế hiện hữu của sông Mekong, và hoạt động như một phụ bản của Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative (BRI)).  Thành quả và tiềm năng của LMC có thể quy cho vài lý do, chẳng hạn như sức mạnh quốc gia của Trung Hoa và viện trợ kinh tế, nhưng chuyện đã rồi (fait accompli) về địa chánh trị đối với Mekong cũng nổi bật.
Chuyện đã rồi về địa chánh trị ám chỉ các đập của Bắc Kinh trên sông Lạn Thương (Lancang) (tên Trung Hoa của Mekong), một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia ở hạ lưu.  Mặc dù các quốc gia ngoài khu vực, với khả năng đáng kể, có thể tài trợ hay viện trợ cho việc phát triển trong khu vực, họ không thể cung cấp một giải pháp thay thế có hiệu quả nào cho nước sông được trữ bởi các đập của Trung Hoa.  Ngoài việc tham gia LMC, các quốc gia ở hạ lưu không có con đường nào khác để gia tăng lưu lượng từ Trung Hoa [Chú thích của người dịch: Điều nầy chỉ đúng trong mùa khô].  Bắc Kinh có thể sử dụng chủ quyền như một cái khiên để bác bỏ những lo ngại bên ngoài đối với việc xây đập của họ và những vấn đề liên quan đến nguồn nước của các tổ chức và kế hoạch đặt trọng tâm trên sông Mekong, cũng như của từng quốc gia duyên hà.  Sự chênh lệch tuyệt đối về khả năng quân sự giữa Trung Hoa và các quốc gia Mekong khác khiến cho các giải pháp bạo lực, thí dụ như tấn công bằng hỏa tiễn hay chất nổ, không thực tiễn.  Ngược lại, quản lý nguồn nước là nhiệm vụ chánh của LMC do Trung Hoa cầm đầu; do đó, LMC sẽ là một phương cách có hiệu quả hơn để giải quyết các vấn đề mà các diễn đàn và tổ chức Mekong không thể đối phó.

Thời điểm của việc xây đập trên sông Lạn Thương là thời biểu của chuyện đã rồi của Trung Hoa.  Bắc Kinh khởi sự xây đập vào giữa thập niên 1980s; nhịp độ tiến triển gia tốc trong thập niên 2000s, và lên cao điểm trong thập niên 2010s, với các đập khổng lồ Tiểu Loan (Xiaowan) và Nọa Trát Độ (Nuozhadu) được khánh thành vào năm 2010 và 2014.  Các đập hiện hữu đã xác nhận vai trò quyết định của Trung Hoa, nhất là trong mùa khô, đối với sông Lancang/Mekong, trong khi ảnh hưởng của các đập khác đang diễn tiến.  Mặt khác, đề nghị bán đa phương của Bangkok để loại trừ việc tham gia ngoài khu vực được Bắc Kinh chấp thuận cho kế hoạch của diễn đàn Mekong mới – LMC – vào năm 2014.

Rất khó để nhận ra LMC là một kế hoạch lâu dài hay chỉ là một ý tưởng ứng biến trong chánh sách ngoại giao tích cực của Tập Cận Bình (Xi Jinping); dù sao, nó cũng được lợi từ chuyện xây đập đã rồi.  Nếu Trung Hoa phát động LMC sớm hơn, nhất là trước năm 2010, áp lực đối với việc xây cất và điều hành các đập khổng lồ sẽ nặng nề; và tạm ngưng xây cất có thể là một điều kiện để gia nhập của một số quốc gia duyên hà như Việt Nam.  Sau khi đập hoạt động thì ngược lại: LMC có lẽ là một phương cách có hiệu quả còn lại để các quốc gia Mekong phối hợp nguồn nước với Bắc Kinh.

Chuyện đã rồi như thế không hiếm thấy trong truyền thống ngoại giao của Trung Hoa, nhưng hầu hết các thí dụ khác, chẳng hạn như các đảo nhân tạo ở Biển Đông và Vùng Nhận dạng Phòng không (Air Defense Identification Zone (ADIZ) ở Biển Hoa Đông, nhằm mục đích củng cố vị trí chiến lược thay vì xây dựng một đề xuất đa phương như LMC.  Vì thế, LMC có thể được xem như một cuộc hôn nhân của chuyện đã rồi, kiến thức cổ truyền của Trung Hoa, và sự cam kết đang tiếp diễn của BRI.  Do đó, nguồn nước của các đập không được Bắc Kinh đơn phương dự trữ mà được biến thành “hàng hóa” cùng chia sẻ với các quốc gia Mekong khác.  Hơn nữa, Trung Hoa đã thêm nhiều dự án tạm thời (early harvest projects) vào LMC để viện trợ cho các quốc gia duyên hà khác.  Dù sao đi nữa, sử dụng chuyện đã rồi của Trung Hoa khiến cho LMC thích hợp hơn các đối tác của nó.



Thủ tướng Trung Hoa Lý Khắc Cường (Li Keqiang), ở giữa, bắt tay đối tác Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam, người thứ hai từ bên trái, thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, bên trái, thủ tướng Cambodia Hunsen, thứ hai từ bên phải, và thủ tướng Lào Thongloun Sisolith, bên phải, trước khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh LMC ở Phnom Penh, Cambodia (10 tháng 1 năm 2018) [Ảnh: AP/Heng Sinith]

Mặc dù có lợi cho Trung Hoa, chuyện đã rồi cũng phát sinh một số thách thức đối với LMC.  Về cấu trúc, Trung Hoa sẽ bị đổ lỗi cho những tai họa và các vấn đề nước dọc theo sông Mekong.  Trong quá khứ, lũ lụt và hạn hán xảy ra dọc theo sông được xem như thiên tai, nhưng nay, các đập của Trung Hoa là một cái đích thuận lợi để đổ lỗi cho các tai họa tương tự, dù đúng hay sai.  Phản ứng của LMC về việc đổ lỗi nầy sẽ rất quan trọng đối với sự tín nhiệm của Bắc Kinh, bất kể các thành viên khác, vì quan hệ giữa các thành viên được cho là bình đẳng dựa trên nguyên tắc của LMC.

Hơn nữa, Trung Hoa không còn tự do sử dụng các đập và lưu lượng như một công cụ về chánh sách.  Không có LMC, Bắc Kinh có thể đơn phương tăng hay giảm lưu lượng ở hạ lưu, khi họ muốn, để gây ảnh hưởng đến các quốc gia duyên hà còn lại, kể cả “dạy một bài học” cho các quốc gia trong vùng. [Chú thích của người dịch: Theo nguyên tắc, đập thủy điện được xây để sản xuất điện càng nhiều càng tốt.  Nếu muốn tăng lưu lượng ở hạ lưu, nước phải được xả qua đập thay vì được giữ để chạy máy phát điện; do đó, sản lượng điện sẽ bị giảm.  Nếu muốn giảm lưu lượng ở hạ lưu, phải ngưng vận hành một hay nhiều máy phát điện; do đó, sản lượng điện cũng sẽ bị giảm.  Vì thế, việc “đóng, mở” đập một cách tùy tiện có lẽ không xảy ra, ngoại trừ Trung Hoa muốn “xậy đập để ngắm” hay “ném tiền qua cửa sổ”].  Tương tự như những biện pháp trừng phạt mậu dịch đối với Nhật Bản và Philippines trong đầu thập niên 2010s, Trung Hoa có thể công khai viện dẫn những “lý do kỹ thuật” để điều chỉnh lưu lượng, hay chỉ giữ im lặng, song song với việc đòi hỏi qua những lời nói bóng gió hay qua các đường dây cá nhân.  Nhưng LMC với Trung tâm Hợp tác Nguồn nước Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Water Resources Cooperation Center (LMWRCC)) khiến cho các biện pháp nầy không thực tiễn, nếu Bắc Kinh vẫn còn muốn cho các tổ chức nầy có ý nghĩa.

Nói tóm lại, LMC sẽ kềm chế quyền tự trị hay chủ quyền của Trung Hoa trong việc quản lý các đập trên sông Lạn Thương.  Việc nhượng quyền như thế rất hiếm trong thông lệ ngoại giao của Trung Hoa (trái ngược với, thí dụ, thái độ của Trung Hoa trong việc tranh chấp lãnh thổ).  Do đó, thách thức tối hậu của LMC sẽ là phạm vi mà Bắc Kinh sẳn lòng thu hẹp theo bổn phận của nó.  Nếu LMC không thể đem đủ lợi ích để bù đắp cho việc mất mát quyền tự trị của Trung Hoa, thái độ thờ ơ hay phớt lờ của Bắc Kinh đối với chính dự án của mình sẽ rất tàn khốc.  Không có sự đóng góp của Bắc Kinh, LMC sẽ trở nên vô nghĩa đối với các đối tác duyên hà khác ở dọc theo sông Mekong.

Shang-su Wu là một nghiên cứu sinh của Regional Security Architecture Programme tại  S. Rajaratnam School of International Studies (RSIS), Nanyang Technological University  Singapore.