16/01/2019
Liên kết tiểu vùng chưa có tiền lệ,
triển khai sẽ không ít cam go vì trong thể chế hiện nay chỉ có quan hệ dọc
Trung ương - từng tỉnh, chưa có cơ chế, chính sách cho liên kết ngang (tiểu
vùng) và quan hệ Trung ương - tiểu vùng. Chưa có quy định lại cho chúng ta cơ hội
để đề xuất nội dung và cơ chế chính sách.
Vừa qua, được mời tham dự Hội thảo về
Tầm nhìn chiến lược để phát triển bền vững Tiểu vùng Duyên hải phía Đông đồng bằng
sông Cửu Long (DHPĐ) tại Bến Tre, tôi đã trao đổi với hội thảo một số nội dung.
Các vấn đề đề cập không đóng khung trong tiểu vùng này(1).
1. Về bài tham luận tóm lược báo cáo
Mekong Delta Plan (MDP) mà Chính phủ Hà Lan đã xây dựng trong hai năm 2011 -
2012, trình Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào đầu năm 2013. Bên cạnh các đóng
góp tích cực, về phương pháp luận, về các kịch bản phát triển… một nhược điểm của
MDP, như tác giả đã phản biện(2), là chưa nhìn ra biển trong phát triển mà chỉ
nhìn vào bên trong đồng bằng. Có lẽ vì vùng Zeeland của Hà Lan đã được bao đê
khá kín, cách ly Zeeland với Biển Bắc. Rất khác với ĐBSCL.
Vào thời điểm 2012, chưa có Nghị quyết
120 của Chính phủ (ban hành ngày 18.11.2017) mà một số quan điểm chỉ đạo có
liên quan trực tiếp đến Tiểu vùng DHPĐ. Đó là phải tôn trọng quy luật tự nhiên,
không can thiệp thô bạo trái với quy luật vào môi trường tự nhiên; coi nước lợ
và nước mặn cũng là tài nguyên, và phải chú trọng khai thác vùng duyên hải và cận
duyên của đồng bằng.
2. Tiến hành liên kết vùng là để phục
vụ người dân. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nằm trong Tầm
nhìn đến năm 2100 và Mục tiêu đến năm 2050 của Nghị quyết 120.
Tầm nhìn chiến lược của Tiểu vùng
DHPĐ phải quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong Tiểu
vùng. Một thể hiện tối thiểu là quan tâm đến số dân của tiểu vùng. Rất tiếc
không tìm thấy số liệu này trong các báo cáo chính thức của hội thảo.
Theo những số liệu sưu tầm được, GDP
bình quân đầu người năm của 13 tỉnh ĐBSCL so với GDP bình quân đầu người năm của
cả nước liên tục giảm từ năm 2000 đến 2011. Tình hình đối với 4 tỉnh trong Tiểu
vùng ra sao từ năm 2000 cho đến nay, so với ĐBSCL và so với cả nước? Có đang bị
tụt hậu hay không?
Để phát triển bền vững, trình độ dân
trí là một trong những yếu tố cơ bản. ĐBSCL cho đến hôm nay vẫn là một vùng
trũng về giáo dục và đào tạo. Trình độ dân trí trong Tiểu vùng ra sao? Trong một
bảng, duy nhất trong các báo cáo, có chỉ ra một khía cạnh của chất lượng nguồn
nhân lực của Tiểu vùng. Nếu đi sâu hơn, giữa đô thị và nông thôn, báo cáo sẽ thấy
khẩn thiết ra sao chất lượng của nguồn nhân lực và liên kết cần làm gì trong
lĩnh vực này.
3. Có lẽ mỗi tiểu vùng ở ĐBSCL cần tự
hỏi: Tiểu vùng mình có những đặc trưng gì làm cho nó khác biệt với các tiểu
vùng khác? Ở DHPĐ, trong các đặc trưng, có một, mà Chương trình Điều tra cơ bản
tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long đã chỉ ra: Tiểu vùng là địa bàn duy nhất ở
ĐBSCL được hình thành với những giồng cát từ 3500 năm trước cho tới hiện nay,
trong quá trình biển lùi và trầm tích từ thượng nguồn được sông Mekong tải về.
Bồi, xói đường bờ của Tiểu vùng không
phải chỉ dừng lại ở các con số km, km2 mà cần được đặt trong bối cảnh biển tiến
(dâng) và trầm tích bị các đập thủy điện trên thượng nguồn giữ lại để hiểu và dự
báo. Phải chăng ĐBSCL, và trước tiên tiểu vùng DHPĐ, đang bước vào giai đoạn đầu
của một quá trình ngược lại?
4. Trong hội nhập quốc tế, các chuyên
gia khuyến cáo “Tư duy toàn cầu, hành động địa phương”. Trong liên kết tiểu
vùng, “Tầm nhìn chiến lược, hành động cụ thể” và có cơ sở khoa học.
Rất nhiều báo cáo nói đến biến đổi
khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún… Phải hiểu chúng diễn ra
như thế nào, ở đâu thì mới có thể có hành động cụ thể sát hợp. Thể hiện trên bản
đồ của tiểu vùng sẽ gợi mở nhiều điều có ích cho liên kết. Thiết nghĩ cần có một
bộ bản đồ về địa mạo thổ nhưỡng, về thủy văn, về đa dạng sinh học, về xâm nhập
mặn, về hiện trạng sử dụng đất, về giao thông thủy bộ,… được số hóa, và những kết
quả mô phỏng về xâm nhập mặn. Bộ bản đồ này là chất liệu cho tổng hợp và cho đề
xuất nội dung liên kết. Các sở, ban ngành của các tỉnh cần phối hợp để xây dựng.
5. Từ hai năm nay, vấn đề liên kết
các tiểu vùng của ĐBSCL đã được nói đến nhiều trong nhiều cuộc hội thảo và
trong các văn bản trong đó có Nghị quyết 120. Các Ban chỉ đạo, Ban điều hành được
thành lập. Tuy nhiên hiểu tại sao phải liên kết là cần nhưng chưa đủ. Nguyên tắc
của liên kết là gì? Sản phẩm của liên kết là một quy hoạch tổng thể tiểu vùng,
một đề án, một ý tưởng hay là một cái gì khác? Phương pháp luận xây dựng liên kết
cũng cần được làm rõ. Người dân tham gia như thế nào một cách thiết thực? Và
quan trọng không kém, đâu là vốn để triển khai?
Nếu không, sẽ khó có được sự đồng thuận
cao của các tỉnh trong cùng tiểu vùng, và giả sử được Thủ tướng cho phép triển
khai, liên kết các tiểu vùng ở ĐBSCL sẽ mỗi nơi làm một cách, khó có thể kết nối
lại được với nhau.
6. Nói như vậy không có nghĩa là phải
làm rõ ra tất cả các câu hỏi nói trên rồi mới triển khai liên kết, hay phải có
cơ chế, chính sách phù hợp thì mới tiến hành liên kết các tiểu vùng được.
Liên kết tiểu vùng chưa có tiền lệ,
triển khai sẽ không ít cam go vì trong thể chế hiện nay chỉ có quan hệ dọc
Trung ương - từng tỉnh, chưa có cơ chế, chính sách cho liên kết ngang (tiểu
vùng) và quan hệ Trung ương - tiểu vùng.
“Cái khó làm ló cái khôn”. Chưa có
quy định lại cho chúng ta cơ hội để đề xuất nội dung và cơ chế chính sách.
Chính vì vậy, càng cần phải làm rõ các nguyên tắc liên kết, những phối hợp cần
thiết, và đâu là các động lực của phối hợp. Trên cơ sở đó, xây dựng những nội
dung liên kết có sức thuyết phục, từ đơn giản đến phức tạp, ưu tiên chọn những
vấn đề bức bách nhất, cơ bản nhất đối với tiểu vùng và đề xuất những cơ chế
chính sách đi kèm được sự nhất trí cao của lãnh đạo các tỉnh trong tiểu vùng.
_______________
1. Hiện nay, các tỉnh, thành phố
ĐBSCL tự phân thành bốn tiểu vùng để liên kết: Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long
Xuyên, Bán đảo Cà Mau và Duyên hải phía Đông ĐBSCL.
2. Tại hội thảo lần cuối, ngày
5.12.2012, Mỹ Tho, Tiền Giang.
Nguyễn Ngọc Trân - Đại biểu Quốc hội
Khóa IX, X, XI
No comments:
Post a Comment