Monday, January 28, 2019

CÁI KHÓ CỦA DIỄN ĐÀN HỢP TÁC LANCANG MEKONG (The Trouble With the Lancang Mekong Cooperation Forum)


Shang-su Wu – Bình Yên Đông lược dịch
The Diplomat – December 19, 2018

Phiên họp Thượng đỉnh LMC lần Thứ nhất

Diễn đàn LMC phát sinh từ việc đơn phương xây đập của Trung Hoa, nhưng rốt cuộc, điều đó cũng có thể gây nguy hại cho nó.

Kể từ khi thành lập vào năm 2016, diễn đàn Hợp tác Lancang Mekong (Lancang Mekong Cooperation (LMC)) là một thành công của Trung Hoa.  Diễn đàn, bao gồm tất cả các quốc gia duyên hà, đã đạt được tiến bộ trong vài lãnh vực mà không có sự tham gia của các cường quốc ở ngoài khu vực như Nhật Bản và Hoa Kỳ.  Vì thế, LMC thường được xem như là một thách thức của Trung Hoa để thay thế các cơ chế hiện hữu của sông Mekong, và hoạt động như một phụ bản của Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative (BRI)).  Thành quả và tiềm năng của LMC có thể quy cho vài lý do, chẳng hạn như sức mạnh quốc gia của Trung Hoa và viện trợ kinh tế, nhưng chuyện đã rồi (fait accompli) về địa chánh trị đối với Mekong cũng nổi bật.
Chuyện đã rồi về địa chánh trị ám chỉ các đập của Bắc Kinh trên sông Lạn Thương (Lancang) (tên Trung Hoa của Mekong), một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia ở hạ lưu.  Mặc dù các quốc gia ngoài khu vực, với khả năng đáng kể, có thể tài trợ hay viện trợ cho việc phát triển trong khu vực, họ không thể cung cấp một giải pháp thay thế có hiệu quả nào cho nước sông được trữ bởi các đập của Trung Hoa.  Ngoài việc tham gia LMC, các quốc gia ở hạ lưu không có con đường nào khác để gia tăng lưu lượng từ Trung Hoa [Chú thích của người dịch: Điều nầy chỉ đúng trong mùa khô].  Bắc Kinh có thể sử dụng chủ quyền như một cái khiên để bác bỏ những lo ngại bên ngoài đối với việc xây đập của họ và những vấn đề liên quan đến nguồn nước của các tổ chức và kế hoạch đặt trọng tâm trên sông Mekong, cũng như của từng quốc gia duyên hà.  Sự chênh lệch tuyệt đối về khả năng quân sự giữa Trung Hoa và các quốc gia Mekong khác khiến cho các giải pháp bạo lực, thí dụ như tấn công bằng hỏa tiễn hay chất nổ, không thực tiễn.  Ngược lại, quản lý nguồn nước là nhiệm vụ chánh của LMC do Trung Hoa cầm đầu; do đó, LMC sẽ là một phương cách có hiệu quả hơn để giải quyết các vấn đề mà các diễn đàn và tổ chức Mekong không thể đối phó.

Thời điểm của việc xây đập trên sông Lạn Thương là thời biểu của chuyện đã rồi của Trung Hoa.  Bắc Kinh khởi sự xây đập vào giữa thập niên 1980s; nhịp độ tiến triển gia tốc trong thập niên 2000s, và lên cao điểm trong thập niên 2010s, với các đập khổng lồ Tiểu Loan (Xiaowan) và Nọa Trát Độ (Nuozhadu) được khánh thành vào năm 2010 và 2014.  Các đập hiện hữu đã xác nhận vai trò quyết định của Trung Hoa, nhất là trong mùa khô, đối với sông Lancang/Mekong, trong khi ảnh hưởng của các đập khác đang diễn tiến.  Mặt khác, đề nghị bán đa phương của Bangkok để loại trừ việc tham gia ngoài khu vực được Bắc Kinh chấp thuận cho kế hoạch của diễn đàn Mekong mới – LMC – vào năm 2014.

Rất khó để nhận ra LMC là một kế hoạch lâu dài hay chỉ là một ý tưởng ứng biến trong chánh sách ngoại giao tích cực của Tập Cận Bình (Xi Jinping); dù sao, nó cũng được lợi từ chuyện xây đập đã rồi.  Nếu Trung Hoa phát động LMC sớm hơn, nhất là trước năm 2010, áp lực đối với việc xây cất và điều hành các đập khổng lồ sẽ nặng nề; và tạm ngưng xây cất có thể là một điều kiện để gia nhập của một số quốc gia duyên hà như Việt Nam.  Sau khi đập hoạt động thì ngược lại: LMC có lẽ là một phương cách có hiệu quả còn lại để các quốc gia Mekong phối hợp nguồn nước với Bắc Kinh.

Chuyện đã rồi như thế không hiếm thấy trong truyền thống ngoại giao của Trung Hoa, nhưng hầu hết các thí dụ khác, chẳng hạn như các đảo nhân tạo ở Biển Đông và Vùng Nhận dạng Phòng không (Air Defense Identification Zone (ADIZ) ở Biển Hoa Đông, nhằm mục đích củng cố vị trí chiến lược thay vì xây dựng một đề xuất đa phương như LMC.  Vì thế, LMC có thể được xem như một cuộc hôn nhân của chuyện đã rồi, kiến thức cổ truyền của Trung Hoa, và sự cam kết đang tiếp diễn của BRI.  Do đó, nguồn nước của các đập không được Bắc Kinh đơn phương dự trữ mà được biến thành “hàng hóa” cùng chia sẻ với các quốc gia Mekong khác.  Hơn nữa, Trung Hoa đã thêm nhiều dự án tạm thời (early harvest projects) vào LMC để viện trợ cho các quốc gia duyên hà khác.  Dù sao đi nữa, sử dụng chuyện đã rồi của Trung Hoa khiến cho LMC thích hợp hơn các đối tác của nó.



Thủ tướng Trung Hoa Lý Khắc Cường (Li Keqiang), ở giữa, bắt tay đối tác Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam, người thứ hai từ bên trái, thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, bên trái, thủ tướng Cambodia Hunsen, thứ hai từ bên phải, và thủ tướng Lào Thongloun Sisolith, bên phải, trước khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh LMC ở Phnom Penh, Cambodia (10 tháng 1 năm 2018) [Ảnh: AP/Heng Sinith]

Mặc dù có lợi cho Trung Hoa, chuyện đã rồi cũng phát sinh một số thách thức đối với LMC.  Về cấu trúc, Trung Hoa sẽ bị đổ lỗi cho những tai họa và các vấn đề nước dọc theo sông Mekong.  Trong quá khứ, lũ lụt và hạn hán xảy ra dọc theo sông được xem như thiên tai, nhưng nay, các đập của Trung Hoa là một cái đích thuận lợi để đổ lỗi cho các tai họa tương tự, dù đúng hay sai.  Phản ứng của LMC về việc đổ lỗi nầy sẽ rất quan trọng đối với sự tín nhiệm của Bắc Kinh, bất kể các thành viên khác, vì quan hệ giữa các thành viên được cho là bình đẳng dựa trên nguyên tắc của LMC.

Hơn nữa, Trung Hoa không còn tự do sử dụng các đập và lưu lượng như một công cụ về chánh sách.  Không có LMC, Bắc Kinh có thể đơn phương tăng hay giảm lưu lượng ở hạ lưu, khi họ muốn, để gây ảnh hưởng đến các quốc gia duyên hà còn lại, kể cả “dạy một bài học” cho các quốc gia trong vùng. [Chú thích của người dịch: Theo nguyên tắc, đập thủy điện được xây để sản xuất điện càng nhiều càng tốt.  Nếu muốn tăng lưu lượng ở hạ lưu, nước phải được xả qua đập thay vì được giữ để chạy máy phát điện; do đó, sản lượng điện sẽ bị giảm.  Nếu muốn giảm lưu lượng ở hạ lưu, phải ngưng vận hành một hay nhiều máy phát điện; do đó, sản lượng điện cũng sẽ bị giảm.  Vì thế, việc “đóng, mở” đập một cách tùy tiện có lẽ không xảy ra, ngoại trừ Trung Hoa muốn “xậy đập để ngắm” hay “ném tiền qua cửa sổ”].  Tương tự như những biện pháp trừng phạt mậu dịch đối với Nhật Bản và Philippines trong đầu thập niên 2010s, Trung Hoa có thể công khai viện dẫn những “lý do kỹ thuật” để điều chỉnh lưu lượng, hay chỉ giữ im lặng, song song với việc đòi hỏi qua những lời nói bóng gió hay qua các đường dây cá nhân.  Nhưng LMC với Trung tâm Hợp tác Nguồn nước Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Water Resources Cooperation Center (LMWRCC)) khiến cho các biện pháp nầy không thực tiễn, nếu Bắc Kinh vẫn còn muốn cho các tổ chức nầy có ý nghĩa.

Nói tóm lại, LMC sẽ kềm chế quyền tự trị hay chủ quyền của Trung Hoa trong việc quản lý các đập trên sông Lạn Thương.  Việc nhượng quyền như thế rất hiếm trong thông lệ ngoại giao của Trung Hoa (trái ngược với, thí dụ, thái độ của Trung Hoa trong việc tranh chấp lãnh thổ).  Do đó, thách thức tối hậu của LMC sẽ là phạm vi mà Bắc Kinh sẳn lòng thu hẹp theo bổn phận của nó.  Nếu LMC không thể đem đủ lợi ích để bù đắp cho việc mất mát quyền tự trị của Trung Hoa, thái độ thờ ơ hay phớt lờ của Bắc Kinh đối với chính dự án của mình sẽ rất tàn khốc.  Không có sự đóng góp của Bắc Kinh, LMC sẽ trở nên vô nghĩa đối với các đối tác duyên hà khác ở dọc theo sông Mekong.

Shang-su Wu là một nghiên cứu sinh của Regional Security Architecture Programme tại  S. Rajaratnam School of International Studies (RSIS), Nanyang Technological University  Singapore.
 


No comments:

Post a Comment