Friday, January 18, 2019

SÔNG MEKONG CÓ TRỞ THÀNH MỘT BIỂN ĐÔNG MỚI CHO NHỮNG TRANH CHẤP TRONG KHU VỰC?


(Is Mekong River set to become the new South China Sea for regional disputes?)


Catherine Wong – Bình Yên Đông lược dịch

The South China Morning Post – January 2, 2018



Cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong do Bắc Kinh đề xướng nhằm làm dịu bớt sự căng thẳng do các dự án phát triển, nhưng nó chưa thuyết phục được các nhóm môi trường.

Tháng qua, ngoại trưởng của sáu quốc gia duyên hà sông Mekong đã hội họp ở miền tây nam Trung Hoa để phê chuẩn bản dự thảo kế hoạch phát triển 5 năm cho dòng sông.  Nhưng khi lãnh đạo các quốc gia chuẩn bị để hoàn tất kế hoạch tại cuộc họp sẽ được tổ chức ở Cambodia vào cuối tháng nầy, các nhóm môi trường đã bày tỏ lo ngại cho thủy lộ dài nhất Đông Nam Á.

Trong buổi họp gần đây của Chương trình Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) ở Daly, Yunnan (Vân Nam), Ngoại trưởng Wang Yi của Trung Hoa nói rằng LMC do Bắc Kinh lãnh đạo có tiềm năng thúc đẫy phát triển kinh tế của sáu quốc gia Mekong và Trung Hoa đã dự phòng để tài trợ cho hàng chục dự án dọc theo dòng sông.


Ông tham dự một cuộc họp báo cùng với Prak Sokhonn, Ngoại trưởng của Cambodia – một trong những nước ASEAN ủng hộ Trung Hoa nồng nhiệt nhất – đã cảm ơn vai trò lãnh đạo của Bắc Kinh trong LMC và mô tả mức độ tiến triển là “không tiền khoáng hậu.”

Wang không tham dự vào bất cứ thảo luận công khai nào về những mối quan tâm về môi trường liên quan đến việc phát triển dòng sông.

Bắt ngồn từ những cánh đồng tuyết ở Tibet (Tây Tạng), sông Mekong – gọi  là Lancang (Lạng Thương) ở Trung Hoa – chảy qua Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam – cả năm quốc gia đều là thành viên của LMC và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations (ASEAN)) – trước khi đổ ra Biển Đông.

Là một nguồn lợi kinh tế khổng lồ cho khu vực, sông Mekong cung cấp sự sống cho khoảng 60 triệu người ở hạ lưu vực, nơi hình thành nhiều vùng đất phì nhiêu nhất thế giới cho nông và ngư nghiệp.

Hầu hết các chuyên viên đều đồng ý rằng kiểm soát thủy lộ cũng có nghĩa là kiểm soát gần hết nền kinh tế của Đông Nam Á.  Thế nên, các quan sát viên cho rằng nó có tiềm năng để trở thành một điểm chớp lớn nhất giữa Trung Hoa và ASEAN sau Biển Đông.

Bắc Kinh thành lập LMC vào năm 2015.  Nhiều người cho nó là một đối thủ của Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), đã hiện diện dưới nhiều hình thức trong hơn 60 năm.  Thành viên của nó cũng là thành viên của LMC, ngoại trừ Trung Hoa và Miến Điện.

Trung Hoa không gia nhập MRC dù được mời, nhưng tham dự với tư cách một “đối tác đối thoại (dialogue partner)” như Miến Điện.  Điều đó có nghĩa là Trung Hoa có thể né tránh điều lệ của Ủy hội [sông Mekong] quy định rằng những đề án xây đập của các quốc gia thành viên phải được đệ trình để thảo luận.

Trong khi LMC được thiết lập để đóng vai trò của một phương tiện thông tin và diễn đàn phát triển, hiệu quả của nó vẫn còn phải được chứng minh và những lo ngại về những toan tính địa chánh trị của nó vẫn đang sôi sục.
Việc phát triển các dự án thủy điện của Trung Hoa và các quốc gia khác đã làm lu mờ tương lai của sông Mekong và những gì phụ thuộc vào nó vì việc xây dựng các đập lớn làm đảo lộn hệ sinh thái và đe dọa đời sống của hàng triệu người dân.

Pianporn Deetes, Điều hợp viên Thái Lan của nhóm môi trường International Rivers, nói: “Đối với các cộng đồng ở hạ lưu, đập ở thượng nguồn thay đổi hoàn toàn chu kỳ hạn-lũ tự nhiên của sông và ngăn chận phù sa gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái.  Ảnh hưởng đối với mực nước và ngư nghiệp đã được ghi nhận dọc theo biên giới Thái Lan và Lào.”

Kể từ khi khánh thành đập đầu tiên – đập Manwan (Mạn Loan) - trên dòng chánh Mekong, Trung Hoa đã xây thêm 7 đập thủy điện và có hơn 20 đập khác - ở Yunnan (Vân Nam), Tibet và Qinghai – đang được phát triển hay dự trù, Deetes cho biết.

Các chuyên viên môi trường nói rằng tình trạng thiếu tham khảo với láng giềng ở hạ lưu và tình trạng thiếu đánh giá ảnh hưởng của đập đối với dòng sông và người dân đã làm cho việc phát triển trong khu vực thêm phức tạp.

Trong khi LMC ít được giới truyền thông quốc tế chú ý, Bắc Kinh âm thầm thúc đẩy nghị trình của mình qua diễn đàn và tự nhận rằng đây là một trong những cách tốt nhất để tăng cường mối liên hệ với ASEAN.

Milton Osborn, nguyên là một nhà ngoại giao Úc và là một chuyên viên về Đông Nam Á, cho biết: “Việc thiết lập LMC của Trung Hoa phản ánh một sự thừa nhận muộn màng rằng những chánh sách mà Trung Hoa theo đuổi trong quan hệ với sông Mekong/Lancang rất ít chú trọng đến quyền lợi của các quốc gia ở hạ lưu mà con sông chảy qua sau khi rời Vân Nam.”

Trong hai năm sau khi LMC được thành lập, Trung Hoa đã tổ chức 3 cuộc họp cấp ngoại trưởng và dành hàng ti USD để trợ giúp cho 45 dự án trong cơ chế, từ các trung tâm nghiên cứu tài nguyên nước cho đến việc hợp tác trong các dự án nối kết (connectivity), khả năng kỹ nghệ, thương mại qua biên giới, nông nghiệp và giãm nghèo.

Được khuyến khích bởi nhu cầu điện năng ngày càng tăng trong vùng, một vài quốc gia dọc theo sông đã sẵn lòng nối gót Trung Hoa.

Thí dụ như Lào, một quốc gia nghèo và không có bờ biển, đang đẩy mạnh kế hoạch cho con đập thứ ba trên dòng chánh Mekong mặc dù có sự chống đối của nước láng giềng Việt Nam ở hạ lưu và của MRC sau khi nước nầy đưa ra mục tiêu trở thành “bình điện của Đông Nam Á” qua việc xuất cảng thủy điện.

Deetes cho biết: “Các công ty Trung Hoa đang đầu tư trực tiếp vào hơn sáu đập trên dòng chánh Mekong trong hạ lưu vực, kể cả Don Sahong và Pak Beng ở Lào.  Việc phát triển các đập nầy không dựa theo chuẩn mực quốc tế để cứu xét, và tránh hay giãm thiểu ảnh hưởng xã hội và môi trường.”


Sự căng thẳng gia tăng trong năm 2016, khi Việt Nam lâm vào tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong 90 năm, khiến cho ruộng lúa bị thiệt hại ở khắp nơi và khoảng 1,8 triệu người bị thiếu nước.
Mặc dù tình trạng hạn hán phần lớn do hiện tượng El Niño mạnh bất thường, các chuyên viên môi trường nói rằng Trung Hoa có một phần trách nhiệm vì các hồ chứa nước làm gia tăng mức bốc hơi ở thượng lưu.  Để giúp giải quyết hạn hán, Việt Nam đã yêu cầu Trung Hoa xả nước từ các đập ở thượng lưu.
Một số quan sát viên hy vọng rằng LMC có thể thực hiện được những mục đích quan trọng mà MRC không làm được, chẳng hạn như kiểm soát việc xậy đập trên dòng chánh Mekong.
Osborne cho rằng đó cũng là một phát triển tích cực cho các quốc gia hạ lưu nếu Trung Hoa đồng ý tham gia vào một thỏa ước báo cáo (notification agreement) để báo động cho các quốc gia khác khi nước được xả từ các đập, mặc dù Bắc Kinh chưa đồng ý với một hệ thống như thế.

Marc Goichot, một cố vấn của Chương trình Mekong Mở rộng (Greater Mekong Programme) của Quỹ Đời sống Thiên nhiên Thế giới (World Wildlife Fund (WWF)), nói rằng những vấn đề của MRC biện minh cho sự hiện diện của LMC.
Ông giải thích: “Vấn đề là MRC có quá nhiều hạn chế, đáng chú ý nhất là chỉ có 4 trong 6 quốc gia ký tên.  Ủy quyền của nó giới hạn trong tài nguyên nước, trong khi con sông không chỉ có nước, và các kế hoạnh kinh tế và đầu tư, và thành phần tư nhân cần phải được dự phần nhiều hơn.  Vì thế, LMC có tính bao gồm hơn trong tầm mức của nó”


Các chuyên viên khác trong vùng lập luận rằng cho dù Trung Hoa cố gắng tạo cho mình một hình ảnh của một người cung cấp rộng lượng, LMC hầu như không giúp cho các quốc gia Đông Nam Á yên tâm với những toan tính địa chánh trị của Bắc Kinh.
Elliot Brennan, một chuyên viên nghiên cứu độc lập về các vấn đề Đông Nam Á, nói rằng vấn đề Mekong có tiềm năng trở thành mối xung đột lớn nhất sau Biển Đông, và rằng Bắc Kinh xem việc kiểm soát dòng sông như một mục tiêu chiến lược.

Ông cũng nói rằng: “Sau hơn một thập niên với chánh sách ngoại giao vụng về, Bắc Kinh sau cùng đã biết cách sử dụng củ cà rốt và cây gậy ở trong vùng.  Hơn bao giờ hết, Bắc Kinh biết các quốc gia ASEAN muốn gì và tìm cách gây ảnh hưởng đến các quyết định của các nước nầy.  Nếu Bắc Kinh kiểm soát được việc phát triển sông Mekong, nó sẽ nhanh chóng trở thành một con đường giao thông cốt yếu cho sự trỗi dậy và du nhập ảnh hưởng của Trung Hoa vào ASEAN.”


Thitinan Pongsudhirak, một giảng viên về nghiên cứu quốc tế tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói rằng những chuyển động của Trung Hoa về Mekong “tương tự” như như những chiến thuật trong các tranh chấp ở Biển Đông.  LMC là một cách để chứng tỏ rằng Trung Hoa chỉ chơi theo luật lệ của họ.  Trung Hoa tạo nên một việc đã rồi qua việc xây dựng đập ở thượng lưu gây thiệt hại cho các quốc gia hạ lưu rồi dựng lên một bộ phận quản lý nhằm chối bỏ MRC.  Trung Hoa chỉ giao dịch song phương với các quốc gia Mekong để các quốc gia nầy không thể đoàn kết và đối chọi với Trung Hoa như một liên minh trong vùng.”

Brennan cho biết những thảo luận hiện nay về việc làm thế nào để bảo tồn môi trường và sự lành mạnh của hệ thống sông thì chưa đầy đủ.  Ông nói thêm: “Vì những lý do đó Trung Hoa thắng tất cả và các quốc gia ASEAN thua tất cả trong việc hợp tác khu vực sông Mekong.  Tuy nhiên, các quốc gia thành viên thích đáng của ASEAN không thể quay lưng với thực tế địa chánh trị và phải thương lượng gay go để có một sự hợp tác đúng đắn.’













No comments:

Post a Comment