Friday, January 18, 2019

Vùng ngọt hóa thời chưa ngăn đập



Hoàng Quân - Tuyết Nhi
Thứ Tư, 16/1/2019, 23:01

(TBKTSG Online) - Mặc dù có quá nhiều cuộc trãnh cãi của các chuyên gia, nhà quản lý, còn báo chí tốn không ít giấy mực, cuối cùng Chính phủ đã đồng ý khởi công xây dựng dự án Cái Lớn - Cái Bé. Quên cái khen chê của dự án hàng ngàn tỉ này, hãy cùng chúng tôi đi vào vùng đất “được” ảnh hưởng của đại dự án thủy lợi để hiểu hơn những gì nơi đây đang có.

Mùa nước mặn chưa về

Từ thuở xa xưa, vùng đất chín rồng đã tồn tại nhiều hệ sinh thái đặc trưng riêng biệt của nó. Ven biển dài từ Cần Giờ kéo xuống mũi Cà Mau, vòng đến Hà Tiên, Kiên Giang mặc nhiên nước mặn lợ. Di chuyển vào đất liền có khi vài ki lô mét hay hàng chục ki lô mét lại là vùng nước lợ đặc trưng, sâu chút, lại là nước ngọt quanh năm bởi do phụ thuộc từ dòng nước Mê Kông chảy ra chín nhánh sông Cửu Long rồi đổ ra biến.
Mùa mưa, nước đổ về nhiều, người dân quen gọi mùa nước ngọt. Nắng to, nước biển vào mặn dần, họ gọi mùa nước mặn. “Quê em hai mùa mưa nắng” đã gắn liền hai mùa mặn ngọt quanh năm đã đi vào thi ca từ bao năm qua.
Dạo trong vùng lõi nước ngọt mùa này, đi dọc tuyến Ngan Dừa Hồng Dân, đổ về Gò Quao Giồng Riềng, Vĩnh Hiệp, Rạch Giá không khỏi giật mình bởi vấn nạn lục bình ứ đọng. Bà con nông dân cho biết vài năm nay không hiểu sao lục bình nhiều như thế, ken đặc cả những con kênh nhỏ. Chứng kiến những chiếc võ lãi, ghe bầu chật vật di chuyển qua lớp lớp lục bình, thi thoảng tắt máy vì chân vịt bị vướng, nhiều người bất bình chửi đổng. 

Con sông lớn ở huyện An Minh, Kiên Giang cũng chịu chung số phận lục bình. Tàu thuyền qua lại rất khó khăn, thỉnh thoảng phải dững lại gỡ rác, lục bình khỏi chân vịt.
Ngay cả tại bến phà Vàm Ba Tàu nối Cà Mau và Kiên Giang, bà con phải bao giữ hàng lục bình bằng hàng rào dài hàng trăm mét. Bởi nếu không, chuyến phà sẽ không thể di chuyển vì lục bình quá nhiều. Khi hỏi sao lục bình  nhiều vậy, có ảnh hưởng làm ăn của mình không? Chị chủ con phà cười tươi: “Có gì đâu anh, lục bình nhiều vậy chứ ít hôm nữa nước mặn về tự nhiên chết sạch hết à!”.

Bến phà Vĩnh Tuy- Cầu Đỏ tại ngã Ba Tàu nối hai bờ Kiên Giang, Cà Mau dày đặt lục bình. Người dân phải bao giữ để phà và phương tiện qua lại. Họ trông chờ đến mùa nước mặn để lục bình tự hủy.

Tự nhiên! Cái lý lẽ quá ư đơn giản của người dân đã quen gọi về môi trường thiên nhiên nơi đây, nó đã gắn liền bao đời bao thế hệ. Họ không hiểu chữ “thuận thiên” trong Nghị quyết 120 của Chính phủ năm 2017 dành cho châu thổ Cửu Long là gì, người dân vẫn vô tư đối diện với quy luật thiên nhiên bao đời nay, bình thản và thân thuộc.
Cô Hương Duy, chủ nhiệm một hợp tác xã có 130 ha trồng lúa chất lượng cao Nàng Tây và Nàng Ngọc ở An Biên, Châu Thành, Kiên Giang thở dài. Hợp tác xã làm lúa từ giống F1 do Đại học Cần thơ cung cấp, mỗi năm một vụ để đất được nghỉ ngơi. Giờ nghe nói sẽ đắp đập Cái Lớn - Cái Bé giữ nước ngọt, như vậy quanh năm 130 ha đất của hợp tác xã sẽ không được “hô hấp”, các chất thải trong đất sẽ không được nước xả ra biển, vậy thì làm một vụ cũng như không”.
Anh Út, 54 tuổi ở có 10 ha đất nằm gần biển phía ngoài cầu Cái Lớn than thở: “Đất cha mẹ tui để lại, làm lúa ở đây hơn 50 năm rồi, mùa nước mặn thì nghỉ, mùa nước ngọt thì làm được hai vụ. Bây giờ đắp đập sao có nước ngọt nữa mà làm?”.
Ngồi cà phê ở ngay cửa biển Rạch Giá, thấy tôi trố mắt nhìn con cá lóc cổ tay đang táp trong mé bờ kè, anh bạn thổ địa cười bảo: “Có gì lạ đâu, nước ngọt đẩy ra biển nên cá lóc trong đồng ra tới đây sống được, nó ra ngoài biển chút nữa thì chết vì mặn nên quanh quẩn ở đây, mùa mặn cũng có cá rô biển, cá đối bơi vô tới ruộng. Tự nhiên mà!”.

Theo PGS TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, việc khi đi vào hoạt động, đập Cái Lớn - Cái Bé sẽ làm cho cả một vùng rộng lớn ở Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu trở thành một cái ao tù khổng lồ, đất không được xả nghỉ thanh lọc, thậm chí úng ngập, nạn lục bình sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều. Điều này đi ngược với quy luật thuận thiên của thiên nhiên, hậu quả rất lớn. Trái với chiến lược phát triển theo hướng thuận thiên của Chính phủ.

Công trình ngọt hóa làm khó người dân

Chật vật mãi, chúng tôi mới tìm được tới chính xác vị trí của âu thuyền Tắc Thủ ở xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau. Kể cả nhiều lần dò hỏi người dân nơi đây thì người biết người không. Công trình hiện đại trị giá hơn 80 tỉ đồng thời điểm những năm 1990, được xem là chốt chặn ngăn mặn từ biển Đông, bảo vệ 200.000 ha đất ngọt hóa bán đảo Cà Mau. Thế nhưng, chỉ đến năm 2000, trồng lúa không xong, Chính phủ cho phép nuôi trồng thủy sản.

Ảnh chụp toàn cảnh Âu thuyền Tắc Thủ thời điểm “phải” giữ ngọt tháng 1-2019.

Âu thuyền trăm tỉ đã bị bỏ hoang phế trở thành vật cản cho tàu thuyền trên sông. Mà khổ cái, nó lại nằm ở vị trí đắc địa ở ngã ba Sông Trẹm, Cái Tàu và Sông Đốc, nên giờ trông cảnh hoang tàn, người dân không khỏi xót xa khi hàng trăm tỉ đồng của nhà nước “đổ sông đổ biển”.
Âu thuyền Tắc Thủ nằm ở ngã ba Sông Trẹm, Cái Tàu và Sông Đốc thuộc xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, Cà Mau, có tổng vốn đầu tư xây dựng gần 80 tỉ đồng. Âu thuyền hình chữ U, dài 206 m, rộng 14m. xây dựng từ những năm 1990 cho chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau. Hiện nay, trở thành chướng ngại vật cho các phương tiện đường thủy.
Chung số phận với nó, cống Cà Mau nằm trên sông Phụng Hiệp đoạn qua phường 5, thành phố Cà Mau cũng chịu chung số phận. Xưa kia con kênh Phụng Hiệp dẫn nước ngọt về, là tuyến giao thông đường thủy huyết mạch vận tải hàng hóa nối liền Cà Mau, Cần Thơ, TPHCM. Tuy nhiên, khi cống Cà Mau ra đời cùng với âu thuyền Tắc Thủ, ghe tàu lớn không đi được. Nước ứ động hôi thối đã "giết chết" con kênh Phụng Hiệp đầy ắp tôm cá nước ngọt lợ: cá đối, cá lóc, cá rô.... Bởi vậy, chỉ đóng cống được mấy năm, cống đã bị bỏ hoang không ai trông nom, trở thành vật cản khổng lồ ngăn tàu thuyền qua lại.
Một lão nông 62 tuổi nói: “ Chú sống từ nhỏ ở đây nhưng giờ giăng 2 tay lưới mà có hai con cá chốt. Hồi trước khi có cống này tôm cá “dữ trời lắm”, giăng một tay lưới ăn không hết. Mà cống có ngăn mặn gì đâu, chỉ được ít năm đầu. Có nó, cả con sông thúi rùm vì ứ đong, tôm cá nào sống nổi, có cái cống nước không chảy được, cả chợ Cà Mau bị ô nhiễm nặng, mà tàu ghe đâu đi qua đây được đâu, chỉ có ghe bạn hàng nhỏ thôi. May mà xả cống này được chục năm, con kênh mới hồi sinh đó chú”.


Một người dân sống hơn 50 năm ở gần cống Cà Mau than thở: "Trước khi có cống tàu ghe qua lại dễ, tôm cá dữ trời lắm. Bây giờ bỏ cống cả chục năm mà dòng sông chưa được hồi sinh hẳn, kiếm cá ăn rất khó khăn".
Anh L, chủ một doanh nghiệp xây dựng  hàng nhất nhì Cà Mau thở dài, để tránh cái cống Cà Mau, xà lan chở vật liệu của anh về phải đi vòng ra sông lớn. Bình quân, mỗi tấn doanh nghiệp anh phải chịu thêm 30.000 đồng. Anh và các đồng nghiệp ao ước, một ngày nào đó cái cống Cà Mau ngáng đường làm ăn của người dân bỗng “bốc hơi”.
Nhưng lạ thay, đâu đó ngay trong vùng ngọt hóa này, còn đó những cái cống lớn ngăn mặn trị giá bạc tỉ, ngàn tỉ đang mọc lên rất khó hiểu.

Source:

No comments:

Post a Comment