Wednesday, May 29, 2019

Chỉ sau một tiếng ùm, hàng ngàn ha đất vườn máu thịt biến mất dưới nước sông


An Nhiên

2019-05-28

Ông Ba Sổ bên căn nhà và vườn mà một phần lớn đã bị chìm xuống sông
  Hoàng Lâm

Ông Ba Sổ không ngờ có một ngày mình trở thành người nổi tiếng nhất cồn Tân Bắc.
Ông cũng hoàn toàn chẳng thể ngờ nổi, ở tuổi tám mươi ba, sau gần một thế kỷ sinh sống trọn vẹn trên cồn, ông và người vợ đã bảy mươi chín tuổi sắp phải tay trắng ra đi. Bởi vì hầu như toàn bộ gia sản, đất đai của họ đều đã sụp xuống dưới lòng sông Tiền.
Ông Ba Sổ tên trong giấy tờ là Dương Văn Sổ, nhà cặp bờ sông Tiền, trên cồn Tân Bắc (cồn Dơi) thuộc ấp Tân Bắc, xã Tân Phú, huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre. Chỉ là một ông lão nông dân vô cùng bình thường, nhưng mấy năm nay, chỉ vừa bước chân vào cồn Tân Bắc hỏi ông Ba Sổ thì hầu như ai cũng à lên: “Là ông già mất hết đất đó hả?”

Ghe hút cát lậu đậu đông không thua chợ nổi Cái Răng
Cách đây chục năm, nhà ông khá lắm, vườn cây trái rợp kín bảy công đất.  Nhưng từ hồi bị nạn “cát tặc” tới giờ, vườn và đất lần lần sụp xuống sông sạch sẽ. Ông bà chỉ còn một thẻo mỏng dánh vài mét kẹp giữa bờ bao trong, và lòng sông.
Trên cái thẻo đất đó, hai vợ chồng già đã dỡ nhà, dời nhà vô tới ba lần, cuối cùng đành chịu náu lại trong ngôi nhà tạm bợ nhỏ xíu. Bên này một bộ ngựa gỗ, trên mắc cái võng cũ mèm đòng đưa là nơi ông ngủ. Bên kia, chiếc giường gỗ to rộng chân quỳ đóng theo kiểu xưa, một đầu giường đóng dính cả chiếc tủ khá lớn, dấu vết còn sót lại của một thời rủng rỉnh ăn nên làm ra. Những chiếc chân quỳ kiểu cách giờ đứng chơ chỏng, tương phản đến đáng thương trên nền đất nện đen đủi lam nham.


Ngay sau tấm nilon này là bờ bao, cũng đường đi của người dân dọc cồn. Thêm ba bước chân là vô tới nhà. Bà Ba đêm nào cũng thắp nhang cầu xin đất đừng lở nữa để hai vợ chồng già còn chỗ sống. Photo: RFA

Nhờ ơn đội quân hút cát khổng lồ hoành hành trên sông Tiền, cồn lở dữ dội. Tiền bạc từ huê lợi thửa vườn của vợ chồng ông Ba đổi thành đá tảng đổ xuống chân bờ bao hết. Một chỉ vàng lúc đó giá bốn, năm trăm ngàn đồng, ông Ba sang tận Đồng Tâm (Tiền Giang) mua tổng cộng tới 25 triệu tiền đá tảng, đổ xuống chân bờ bao để kè bờ. Nhưng bó tay!

Đây là căn nhà thứ 3 mà ông Ba Sổ dựng lại vì sạt lở. Nhiều ngôi nhà trong cồn cũng không tô tường, để tạm bợ như thế này, vì không biết bao giờ thì đất lại lở nữa.
Hoàng Lâm

Không chỉ hút cát giữa lòng sông, đội quân hút cát mò vào tận mép cồn, ngang nhiên neo ghe vô những gốc bần lớn mọc cách bờ bao có vài mét rồi cứ thế hút tận lực.
“Ghe với xà lan cát hàng trăm chiếc, đậu đen sông, (đông đúc) không khác gì cái chợ nổi Cái Răng”-anh Trần Hoàng Quân kể- “Tới nỗi có cả xuồng bơi ra bán cháo vịt cháo gà, cà phê sữa đá (cho người trên ghe hút cát), đủ hết”.

Chỉ chục năm, nó hút bứt cái cồn
Từ ba năm nay, anh Quân giữ “chức” tổ phó tổ Nhân dân tự quản chống tội phạm khai thác cát sông trái phép số 2 ấp Tân Bắc. Anh lấy vợ là dân cồn này. Siêng năng, chịu khó, hai vợ chồng lần lần tạo lập cơ nghiệp gồm hơn 3 mẫu vườn trong cồn và một vựa trái cây ngoài lộ lớn, chỉ cách vài cây số.
Giống như hầu hết người dân mé trên cồn, toàn bộ đất vườn của anh Quân đều nằm cặp sông Cái (nhánh sông Tiền Giang chảy qua vùng này-bên kia là sông Hàm Luông). Hưởng no nê dòng nước ngọt vô tận và phù sa bồi đắp mỗi năm cùng mưa thuận gió hòa, đất vườn mang lại huê lợi dồi dào. Một công (1.000 m2) sầu riêng, nếu trúng mùa có thể thu trên 200 triệu. Trừ hết công thuê người làm, phân bón, thuốc trừ sâu… khoảng 20-30 triệu, ít nhứt chủ vườn bỏ túi được 150 triệu đồng/năm. Nhà nào tự làm, không thuê nhân công thì còn lời nhiều hơn.
Trên chiếc cồn nổi dài theo sông Tiền này, dân tuyệt đại đa số sống bằng nghề vườn, từ cả trăm năm nay.

Ông Sáu Đen, thành viên trong Tổ tự quản số 1.
Đất cồn rất màu mỡ, trồng cây gì cũng tươi tốt
Hoàng Lâm

Bởi vậy, khi những khu vườn đã cho cây trái hàng chục năm nay bắt đầu theo nhau lở ùm ùm xuống sông, đe dọa trực tiếp đến kế sinh nhai, anh Quân cũng như tất cả dân cồn xắn tay bắt đầu cuộc chiến ngoan cường chống lại lũ hút cát trộm.
Người dân cồn Tân Bắc kể, trước đây nhiều năm, mé bờ bên Bến Tre bồi rất mạnh. Đất vườn của dân còn kéo dài ra 30 m-50 m ra mặt sông hiện tại, rồi mới đến bờ bao cũ. Ngoài bờ là bãi lục bình dày bít. Tiếp đó là bãi bồi kéo dài từ mỏm Hàm Luông xuống gần như suốt dọc cồn, rộng vài chục mét. Bần, ô rô, cóc kèn, mái dầm, dứa dại… mọc dày đặc “bịt bùng tới nỗi tàu Mỹ bắn từ ngoài sông vô cũng không lọt qua được”-ông Sáu Đen kể. Ngày ngày người dân vẫn lội ra đó bắt rùa, rắn, cua đinh.
-Vậy mà chỉ chục năm, “nó” hút bứt cái cồn. Bứt luôn cái đê bao ngoài. Nhà nước phải lăn đê vô trong. Một lần lăn một lần dân mất đất. Cái đê này lăn ba lần rồi. Cô hỏi mí (mép) cồn ngày xưa hả? Đứng trên này chỉ đâu có tới. Phải bơi xuồng ra mới chỉ tới lận-ông Ba Sổ lệu đệu đi ra sát mí sông, giơ tay chỉ.
Mới tháng 3 mà nắng gay gắt như lửa. Trong nắng quái, mặt sông Tiền càng mênh mang. Ở vài khúc sông, những thân dừa khoảng 20 năm ngã ngang ngoài mặt nước tít xa vẫn còn đánh dấu nơi đó từng là đất, là vườn.

Sông Tiền (Hoàng Lâm)

Kéo dài từ mỏm Hàm Luông đến cuối cồn Dơi, một cảnh tượng chung đáng sợ: những ngôi nhà đổ sập, bốn bức tường gạch đỏ hay sơn xanh vỡ nát nằm thoi loi giữa nước sâu. Những cánh cửa vẫn đóng chặt nhưng không còn được che chở cho mái ấm nào nữa.
Người dân làm đủ cách để giữ chân bờ bao: xây gạch, xây bê tông, đóng cừ tràm, cừ bằng thân dừa gie ngang ra sông để làm yếu dòng chảy, tấn hàng ngàn bao cát, nuôi lục bình, trồng bần… Vô ích! Phía nhà ông Sáu Lai, hàng mít trên bờ bao vẫn đeo bầy trái nặng trĩu nhưng một nửa bộ rễ phơi trọn ra ngoài vì bị bóc sạch lớp đất. Chỉ vài tuần lễ nữa thôi, với sóng đánh ngày đêm vào bờ đất thịt mềm không còn bất cứ thứ gì che chắn, tất cả những hàng mít, hàng dừa sống sót này cũng sẽ nối tiếp nhau ngã ùm xuống sông hết.
Gần mỏm Hàm Luông, bờ bao bê tông vỡ chìm xuống sông hàng mảng lớn. Ao nuôi cá của hộ nào đó đã bị bể. Những nhà kho lớn của các công ty nuôi cá giờ gần như nằm ngay mép nước.
Đang là mùa khô, nhưng đó đây những chiếc xáng cạp đã gừ gừ móc đất lên đắp cho cao những bờ bao riêng của từng hộ dân. Đến mùa mưa, đất đã đủ cứng lại, may mắn thì chống được sức nước cả trên cao đổ xuống, dưới sông tràn lên.
Nhưng đó chỉ là may mắn thôi. Không ai dám đoán được ngày nào những chiếc lưỡi của dòng sông sẽ thản nhiên liếm nốt lớp đất đai, vườn tược, nhà cửa còn lại.

Bể bờ bao thì dân trong cồn chết hết
Ông Hai Nhỏ, hàng xóm ông Ba Sổ kể: mới cách đây mấy năm, tính từ bờ bao vô, vườn ông Ba Sổ có một liếp dừa, một liếp nhãn long, một liếp nhãn quế, tiếp đến một liếp dừa nữa mới vô thấu nhà. Mỗi liếp chừng 6 m bề ngang, kéo dài hết 150m chiều rộng đất. Giờ mất sạch. Lòng sông khúc này đã ăn sâu vô tới hơn 20 m.
Dòng nước cứ gặm lem lém chân đê. Chỉ cách ba tuần, chúng tôi quay lại cồn, những bựng đất còn nguyên cỏ cao tới bụng người đã tuột xuống lòng sông. Mặt đê bao chỉ còn một lối nhỏ xíu, dân phải dắt xe đạp qua chứ không dám chạy.

Suốt dọc từ mỏm Hàm Luông dài dài dọc cồn, những ngôi nhà tan nát như thế này
Hoàng Lâm

Ngôi nhà của ông Ba đã lùi hết đất. Không còn chỗ, bàn thờ thiên phải dựng ngay sát bờ bao, ngay dưới lối chân người đi, xe chạy. Sợ bụi đất xổ xuống bàn thờ, ông bà căng tấm nilon cũ che vòng. Nhưng dù hai ông bà chủ già vẫn cố gắng giữ sạch sẽ và tươm tất nhất có thể, dù những bông hoa đỏ thắm mang tên Hạnh phúc vẫn luôn cắm đầy chiếc bình nhỏ trên bàn thờ, vẫn không giấu nổi sự rệu rã đến đáng thương của quang cảnh.
Trụi lủi, không còn bãi bồi hay vườn tược che chắn, bây giờ khi nước lớn, tầm mắt từ ngoài sông có thể xồng xộc phóng thẳng đến tận bàn thờ tổ tiên, đến tận giường ngủ. Đêm xuống, ngọn đèn vàng mờ mờ dưới cái chái nhà thấp trĩu không mang cho người ta sự yên lòng như vẫn thường thấy, mà chỉ càng trĩu nặng thêm nỗi bất lực và cô độc.
Từ nhà ông Ba, bờ cồn sạt lở nặng nhất kéo dài xuống cả ngàn mét. Vì từ mé này, cồn Tân Bắc hơi cong ngang ra mặt sông. Người dân giải thích do quá nhiều cát đáy sông bị lấy mất, tạo thành những lòng chảo sâu bên dưới nên đất phải từ chỗ cao hơn trụt xuống bù lại, khiến bờ bao cồn không còn chân đứng nữa. Địa hình lòng sông biến dạng quá lớn cũng khiến dòng chảy thay đổi. Mùa nước đổ, dòng nước xói thẳng vào phần đất cồn cong ra này.
-Đêm nằm nghe đất lở ùm ùm xuống sông. Dân cồn này không dám ăn, không dám ngủ-chị Năm Dánh nói.

Hết đất, không còn sức khỏe, không còn vốn liếng, hai vợ chồng ông Ba Sổ sống qua ngày bằng trồng chuối trên gần một công đất còn lại. Hoàng Lâm

Tổng cộng có đến 13 hộ dân mất đất nặng nề: ông Ba Sổ mất khoảng 6 công; anh Sáu Đen, ông Tư Dần, ông Năm Dánh, bà Hai Bé, anh Út Nhỏ, ông Sáu Lai, ông Năm Lai... mỗi người đều mất từ một tới hơn 3 công… Đất cồn này màu mỡ hơn nhiều chỗ khác. Mỗi công đất mới trồng chôm chôm, giá khoảng 300-400 triệu đồng. Vườn sầu riêng đắt hơn nhiều, tới năm, sáu trăm triệu/công. Còn vườn ở mé sát lộ, không bị sạt lở có giá tới cả tỷ; tỷ ba, tỷ tư/công.
“Nhưng mấy năm nay hổng ai hỏi mua nữa”-ông Chín kể. Ông có vườn ở mé trong của cồn, không bị sạt lở.
“Nhưng mà bể bờ bao thì ở sâu như tui cũng chết, dân trong cồn chết hết, cây trái chết hết”-ông nói thêm.

Những miền đất thịt ngã xuống sông
Đêm 10/3, vừa phờ phạc trở về sau một ngày trời giang nắng lặn lội hết trong vườn lại ra sông, có một anh thanh niên lượn sát chiếc xe máy tới bên anh đạo diễn của chúng tôi, nói em chờ anh chị ở đây lâu lắm rồi. Rồi em dúi vào một chiếc phong bì mỏng.
Chúng tôi không biết phải làm gì. Mười mấy năm qua, đã có hàng ngàn bài báo điều tra, phỏng vấn, phân tích đủ kiểu về hiện trạng khai thác cát tận diệt + khai thác lậu cộng với việc ngăn dòng thủy điện trên sông Mê Kông đã khiến mỗi năm thêm 500 ha đất của người dân Đồng bằng sông Cửu Long mất hút xuống sông.
Được biết từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh Bến Tre đã phát hiện, bắt giữ hơn 650 phương tiện khai thác cát trái phép, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước; xử phạt gần 5,5 tỷ đồng.
Nhưng, số tiền phạt trên chỉ là hạt cát so với lợi nhuận khổng lồ mà lũ hút cát lậu thu được. Mỗi đêm hút khoảng 3-5 chuyến, một xà lan thu lời cả trăm triệu đồng. Lợi nhuận choáng óc như thế, chỉ bằng vài biện pháp xua đuổi, “tự quản” của người dân làm sao có thể chấm dứt?
Ngoài ra, về an ninh, không thể tiếp tục để người dân mạo hiểm trực diện với những kẻ liều lĩnh và cố tình vi phạm pháp luật.

 Hình minh họa: Đất cồn 
Hoàng Lâm

Mười mấy năm nay, hàng trăm ngàn ha đất thịt của Đồng bằng đã thành đáy sông theo đà hút cát lậu hung hãn.
Đất thịt có nghĩa là đất trồng trọt tốt. Nhưng ở một nghĩa khác, nó chính là máu thịt của nhiều đời người nối nhau vun bồi nên vườn tược xanh tươi, làm nên danh tiếng miệt vườn Nam Bộ.
Nhưng, những máu thịt trải hàng trăm năm đó đang ngày ngày biến mất tăm dưới hàng chục sải nước sông.

An Nhiên

Source:
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/thousands-of-land-swallowed-by-river-05282019122413.html?fbclid=IwAR2qtda6YWoyEsu5zhXmneTz8rolCy3O_-tk4-JNbu-jovpAhgpg125hYlo


Thursday, May 2, 2019

DÙNG NƯỚC BIỂN ĐỂ “CỨU” ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG THOÁT NGẬP?


Nguyễn Minh Quang

15 tháng 4 năm 2019

Ngập nước ở thành phố Cần Thơ [Ảnh: Vietnamnet]

PHẦN DẪN NHẬP

“Dùng nước biển ‘cứu’ ĐBSCL [Đồng bằng sông Cửu Long] thoát ngập” là tựa đề của một bài báo đăng trên tờ Thanh Niên [1] để trình bày một giải pháp nhằm mục đích ngăn chận hiện tượng sụt lún mặt đất ở ĐBSCL, mà theo kết quả nghiên cứu gần đây của trường Đại học Utrecht ở Hòa Lan, là do việc khai thác nước ngầm quá mức trong vài thập niên vừa qua [2], khiến ĐBSCL có thể chìm xuống biển vào năm 2100 [3].  Giải pháp nầy do Giáo sư Tiến sĩ (GS TS) Nguyễn Văn Đạt, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh (Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, Sài Gòn trước năm 1975), đề nghị.  Tại sao nước biển có thể dùng để cứu ĐBSCL thoát ngập?  Giải pháp do GS TS Nguyễn Văn Đạt đề nghị có khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế hay không?  Bài viết nầy có mục đích trả lời hai câu hỏi vừa nêu và đề nghị các biện pháp giúp ngăn chận sự sụt lún của ĐBSCL mà không cần phải dùng đến nước biển.

SỤT LÚN MẶT ĐẤT DO KHAI THÁC NƯỚC NGẦM

Hình 1: Sụt lún mặt đất ở thung lũng San Joaquin, California [4]

Hiện tượng sụt lún mặt đất do khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát xảy ra từ thành thị đến nông thôn ở nhiều nơi trên thế giới: thí dụ như ở thung lũng San Joaquin, California; thành phố Long Beach, California; thành phố News Orleans, Louisiana; thành phố Mexico, Mexico; thành phố Jakarta, Indonesia và thành phố Bangkok, Thái Lan.  Nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là thung lũng San Joaquin (xem Hình 1) với bức ảnh chụp cây cột đèn đánh dấu cao độ của mặt đất trong các năm 1925, 1955 và 1977 [4,5].

Nước ngầm là nước nằm trong khoảng trống (pore spaces) giữa các hạt sạn hoặc cát ở trong lòng đất.  Nước nằm trong các lớp sạn hoặc cát, che phủ bên trên lẫn bên dưới bởi các lớp cát mịn hoặc đất sét, được gọi là tầng nước ngầm kín (unconfined aquifer) và thường có áp suất rất cao.  Nếu tầng nước ngầm không có lớp che phủ bên trên, nó được gọi là tầng nước ngầm hở (unconfined aquifer) và chịu áp suất của khí quyển cộng với cột nước ở bên trên.

Hình 2: Lớp cát mịn hay đất sét bị nén khiến mặt đất sụt lún [Ảnh: USGS]

Ngoài sạn và cát, các tầng nước ngầm còn có những lớp cát mịn hoặc đất sét nằm ở giữa và chúng chính là nguyên nhân khiến cho mặt đất bị sụt lún khi các tầng nước ngầm bị khai thác quá mức.  Những lớp cát mịn và đất sét được cấu tạo bởi các hạt dài và dẹp, được sắp xếp một cách “lộn xộn” khi lắng đọng nên còn nhiều khoảng trống để chứa nước (xem Hình 2).  Khi nước được bơm ra khỏi các tầng nước ngầm, áp suất của tầng nước ngầm kín hoặc cột nước bên trên tầng nước ngầm hở sẽ giảm, các lớp cát mịn hoặc đất sét bị nén xuống vì các hạt sắp xếp lại một cách “có lớp lang” khiến cho mặt đất bị sụt lún [6].  Sự sụt lún mặt đất do khai thác nước ngầm quá mức thì vĩnh viễn và không thể đảo ngược, cao độ mặt đất không thể phục hồi như xưa cho dù các tầng nước ngầm có được làm đầy trở lại [5].  Cho đến nay, giải pháp có hiệu quả duy nhất có thể ngăn chận hiện tượng sụt lún mặt đất do khai thác nước ngầm là giảm việc khai thác [4].

DÙNG NƯỚC BIỂN CỨU ĐBSCL THOÁT NGẬP

Để cứu ĐBSCL thoát ngập, đúng ra là ngăn chận hiện tượng sụt lún mặt đất do khai thác nước ngầm gây ra, GS TS Nguyễn Văn Đạt đã đề xuất hai giải pháp “rất mới” [?], đó là tận dụng nguồn nước biển để làm đầy các kho nước ngầm tự nhiên (trả nước biển cho các tầng ngầm) và ngọt hóa nước biển để làm nguồn nước thay thế cho nước ngầm.

Giải pháp 1: Trả nước biển cho các tầng ngầm

Hình 3: Trả nước biển cho tầng nước ngầm [1]

Các tầng nước ngầm đầy nước, dù là nước mặn cũng sẽ là chỗ dựa cơ học vững chắc chống sụt lún mặt đất do sức nặng của các công trình đô thị nằm trên đó gây ra.  Do đó, ĐBSCL có thể tận dụng nguồn nước biển dồi dào để làm đầy các tầng ngầm, hồi sinh các con sông cổ đã bị khai thác quá nhiều qua 2 con đường: dẫn nước theo phương ngang và phương đứng [Xem Hình 3].  Cụ thể, ở phương thẳng đứng, nước biển sẽ được chặn lại bởi hệ thống đê biển bằng bê tông than xỉ có xử lý, sau đó dẫn tự nhiên qua một mạng lưới các đường ống composit hoặc nhựa mềm (độ dài khoảng 60-150 m tùy độ sâu của tầng ngầm, được nối từ nhiều đoạn), chạy thẳng xuống tầng ngầm.  Theo phương ngang, lắp đặt những tấm lưới hình chữ nhật 100x200 mm, cách nhau 200 mm ngăn mặn, độ dài trùng độ sâu trong nước. Nước biển vào sẽ gặp lưới chặn lại, ngấm dần xuống tầng nước ngầm.” [1]

GS TS Nguyễn Văn Đạt đánh giá:  Rõ ràng hai giải pháp thu nước biển theo phương đứng và ngang cùng chảy vào tầng ngầm là khá quan trọng, không những giảm thiểu tốc độ xâm nhập mặn mà còn giảm cả chiều sâu vào đất liền của nó. Đương nhiên độ sụt lún sẽ giảm theo."

Giải pháp trả nước biển lại cho các tầng nước ngầm của GS TS Nguyễn Văn Đạt không khả thi về mặt kỹ thuật vì các điều kiện địa chất và địa thủy học ở ĐBSCL.  Thứ nhất, các tầng nước ngầm được khai thác thường là các tầng nước ngầm kín ở rất sâu, có áp suất nước rất cao, và được che phủ bởi các lớp đất sét rất dày; do đó, nước biển ở trên mặt đất không thể tự chảy hay ngấm xuống các tầng nước ngầm ở dưới sâu mà phải dùng bơm có công suất cao để đẩy nước biển xuống các tầng nước ngầm.  Thứ nhì, dùng nước biển trả cho các tầng nước ngầm sẽ làm nhiễm mặn và giúp cho nước mặn xâm nhập sâu hơn vào các tầng nước ngầm nầy.

Giải pháp 2: Ngọt hóa nước biển

“Ngoài con đường dẫn nước biển chảy vào các tầng ngầm, GS Nguyễn Văn Đạt hiến kế còn con đường thứ 2 ‘cứu’ ĐBSCL thoát khỏi ngập lụt, đó là ngọt hóa nước biển.  Theo ông, lưu lượng khai thác nước ngầm ngày càng tăng cao là do ô nhiễm nguồn nước, cạn kiệt nguồn nước, khiến người dân không đủ lượng nước ngọt cần thiết để phục vụ sinh hoạt, canh tác.  Nếu có thể áp dụng các biện pháp ngọt hóa nước biển đủ cung cấp cho người dân thì sẽ chẳng còn ai khai thác nước ngầm nữa.  ‘Nguồn nước biển sau khi được ngọt hóa sẽ được dẫn vào hệ thống sông ngòi khắp ĐBSCL, vừa cung cấp cho người dân sinh hoạt, phục vụ canh tác, vừa có thể cung ứng thêm sản phẩm cho ngành du lịch khi có thêm các du thuyền được trang bị tiện nghi phục vụ du lịch sinh thái.’" [1]

Lý thuyết là như thế.  Nhưng thực hành là một chuyện khác, vì GS TS Nguyễn Văn Đạt không cho biết “ngọt hóa nước biển” bằng cách nào và ngọt hóa bao nhiêu để “dẫn vào hệ thống sông ngòi khắp ĐBSCL.”

Hiện nay, kỹ thuật để “ngọt hóa nước biển” thông dụng nhất trên thế giới là kỹ thuật thẩm thấu ngược (reverse osmosis), trong đó áp suất được dùng để đẩy chất lỏng qua một màn bán thấm (semipermeable membrane) theo hướng ngược lại với hiện tượng thẩm thấu tự nhiên (chất lỏng di chuyển từ nơi có nồng độ thấp đến nơi có nồng độ cao).  Kết quả là chất hòa tan (muối) bị giữ lại bên phía có nồng độ cao và chất lỏng nguyên chất (nước) di chuyển qua phía có nồng độ thấp ở bên kia màn bán thấm (Hình 4).

Hình 4: Thẩm thấu và thẩm thấu ngược [Ảnh: www.kandrwaterservice.com]

Nếu dùng kỹ thuật thẩm thấu ngược, giải pháp “ngọt hóa nước biển” có lẽ không khả thi về mặt kinh tế vì chi phí xây cất và điều hành một nhà máy lọc nước biển bằng kỹ thuật thẩm thấu ngược rất cao.  Thí dụ như nhà máy lọc nước biển có công suất 50 triệu gallons/ngày (190.000 m3/ngày) ở thành phố Carlsbad, California, hoàn tất vào tháng 12 năm 2015 với chi phí tổng cộng khoảng 1 tỉ USD (Hình 5).  Giá thành của nước thành phẩm thay đổi từ 1,63 đến 1,83 USD/m3 (2.014 đến 2.257 USD/acre-foot) theo thời giá năm 2012 [7].  Để so sánh, giá thành của nước mặt trong hồ chứa thay đổi từ 0,82 đến 0,85 USD/m3 (1.014 đến 1.057 USD/acre-foot) [8] và giá thành trung bình của việc khai thác nước ngầm là 0,02 USD/m3 [9].


Hình 5: Nhà máy lọc nước biển ở Carlsbad, California [Ảnh: ES&E]

KHÔNG DÙNG NƯỚC BIỂN MÀ ĐBSCL VẪN THOÁT NGẬP

Như đã trình bày ở trên, mặt đất sụt lún là do việc khai thác nước ngầm quá mức.  Hiện tượng sụt lún nầy thì vĩnh viễn và không thể đảo ngược vì cao độ của mặt đất không thể phục hồi như xưa cho dù các tầng nước ngầm có được làm đầy trở lại.  Giải pháp có hiệu quả duy nhất có thể ngăn chận mặt đất tiếp tục sụt lún là giảm việc khai thác nước ngầm.

Điểm then chốt ở đây là phải giảm việc khai thác nước ngầm như thế nào để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển, vì nước ngầm là một nguồn tài nguyên quan trọng và đáng kể của ĐBSCL.  Tùy theo điều kiện thủy học tự nhiên của từng vùng, việc khai thác nước ngầm ở ĐBSCL có thể được ấn định như sau:

1.      Nước ngầm không được khai thác để canh tác lúa trong toàn thể ĐBSCL.
2.      Ở vùng không bị nước mặn xâm nhập, việc khai thác nước ngầm phải được giới hạn tối đa.  Tận dụng nguồn nước mặt để cung cấp nước gia dụng và canh tác.
3.      Ở vùng bị nước mặn xâm nhập theo mùa, tận dụng nguồn nước mặt trong mùa mưa.  Chỉ sử dụng nước ngầm để cung cấp nước gia dụng và canh tác hoa màu cần ít nước trong mùa khô.
4.      Ở vùng bị nước mặn xâm nhập quanh năm, chỉ khai thác nước ngầm để cung cấp nước gia dụng cho các thành phố và đô thị.
5.      Thiết lập một hệ thống quan trắc để theo dõi tình trạng sụt lún và mức độ khai thác nước ngầm trong toàn thể ĐBSCL.

PHẦN KẾT LUẬN

Trong tháng 3 vừa qua, tờ Thanh Niên ở trong nước có đăng một bài báo trình bày một giải pháp của GS TS Nguyễn Văn Đạt - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh - để “cứu” ĐBSCL thoát ngập, vì theo kết quả nghiên cứu gần đây của trường Đại học Utrecht ở Hòa Lan, ĐBSCL có thể sụt lún và chìm xuống biển vào năm 2100 do việc khai thác nước ngầm quá mức trong vài thập niên vừa qua.

GS TS Nguyễn Văn Đạt đã đề xuất hai giải pháp mà ông cho là rất mới: đó là tận dụng nguồn nước biển để làm đầy các kho nước ngầm tự nhiên (trả nước biển cho các tầng ngầm) và ngọt hóa nước biển để làm nguồn nước thay thế cho nước ngầm.  Giải pháp trả nước biển lại cho các tầng nước ngầm không khả thi về mặt kỹ thuật vì nước biển ở trên mặt đất không thể tự chảy hay ngấm xuống các tầng nước ngầm ở dưới sâu.  Hơn nữa, việc dùng nước biển trả cho các tầng nước ngầm sẽ làm nhiễm mặn và giúp cho nước mặn xâm nhập sâu hơn vào các tầng nước ngầm nầy.  Còn giải pháp ngọt hóa nước biển cũng không khả thi về mặt kinh tế vì giá thành rất cao nếu dùng kỹ thuật thẩm thấu ngược đang thông dụng hiện nay.

Giải pháp có hiệu quả duy nhất có thể ngăn chận mặt đất tiếp tục sụt lún là giảm việc khai thác nước ngầm.  Điểm then chốt ở đây là phải giảm việc khai thác nước ngầm như thế nào để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển vì nước ngầm là một nguồn tài nguyên quan trọng và đáng kể của ĐBSCL.  Trước hết, không được khai thác nước ngầm để trồng lúa.  Tùy theo điều kiện thủy học tự nhiên của từng vùng, việc khai thác nước ngầm ở ĐBSCL có thể được giới hạn tối đa để cung cấp nước gia dụng và canh tác hoa màu cần ít nước cho các vùng bị nước mặn xâm nhập trong mùa khô và chỉ được dùng để cung cấp nước gia dụng cho các vùng bị nước mặn xâm nhập quanh năm.  Một hệ thống quan trắc cần được thiết lập để theo dõi tình trạng sụt lún và mức độ khai thác nước ngầm để tối ưu hóa việc khai thác nước ngầm trong toàn thể ĐBSCL.

Sơ lược về tác giả

Tác giả nguyên là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của tiểu bang Florida và California.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972.  Trưởng ty Kế hoạch, Ủy ban Quốc gia Thủy lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn đến tháng 4 năm 1975.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh (1983) và Cao học Thủy lợi (1985) tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ.  Chuyên viên Thủy học (Hydrlogist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989.  Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát Trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles.  Về hưu từ năm 2016.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]       Hà Mai. 26 tháng 3 năm 2019. “Dùng nước biển ‘cứu’ ĐBSCL thoát ngập.”  Thanh Niên. https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/dung-nuoc-bien-cuu-dbscl-thoat-ngap-1064457.html
[2]       Minderhoud, P.S.J. et al. April 2018. “The relation between land use and subsidence in the Vietnamese Mekong Delta.” Science of the Total Environment. 634:715-726. https://www.researchgate.net/publication/324504841_The_relation_between_land_use_and_subsidence_in_the_Vietnamese_Mekong_delta
[3]       David Boyle. 17 tháng 2 năm 2019. “Nghiên cứu: Đến năm 2100 đồng bằng sông Cửu Long có thể chìm dưới nước.”  VOA.  https://www.voatiengviet.com/a/nghien-cuu-den-nam-2100-dong-bang-song-cuu-long-co-the-chim-duoi-nuoc/4790006.html
[4]       Wikipedia. Accessed April 14, 2019. “Groundwater-related subsidence.” Wikipedia. https://en.wikipedia.org/wiki/Groundwater-related_subsidence
[5]       Leake, S.A. December 9, 2016. “Land Subsidence from Ground-Water Pumping.” U.S. Geological Survey. https://geochange.er.usgs.gov/sw/changes/anthropogenic/subside/
[6]       USGS. October 16, 2017. “Land Subsidence: Cause & Effect. California Water Science Center. https://ca.water.usgs.gov/land_subsidence/california-subsidence-cause-effect.html
[7]       San Diego County Water Authority. July 2015. “Seawater Desalination/ The Carlsbad Desalination Project.”  San Diego County Water Authority. https://web.archive.org/web/20150722044401/http://www.sdcwa.org/sites/default/files/desal-carlsbad-fs-single_1.pdf
[8]       Wikipedia. 28 February 2019. “Claude ‘Bud’ Lewis Carlsbad Desalination Plant.” Wikipedia. https://en.wikipedia.org/wiki/Claude_%22Bud%22_Lewis_Carlsbad_Desalination_Plant
[9]       Dennis Wichelns. 2010. Agricultural Water Pricing: United States. Organisation for Economic Co-operation and Development (OECD). http://www.oecd.org/unitedstates/45016437.pdf


Wednesday, May 1, 2019

Vật lộn với nắng hạn



24/04/2019
Đang vào cao điểm mùa khô, thời tiết ở Cà Mau rất oi bức, nắng hạn gay gắt khiến kênh mương bị khô, việc trồng trọt gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước tưới. Độ mặn liên tục tăng, người nuôi tôm lo sợ dịch bệnh bùng phát. Hàng chục ngàn ha rừng có nguy cơ cháy cao.

Kiểm tra hệ thống máy bơm nước, sẵn sàng ứng phó với cháy rừng

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau thông tin: “Những ngày qua, nắng nóng gay gắt khiến cho mực nước tại các lâm phần rừng tràm bị khô hạn nhanh chóng, là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ cháy rừng. Toàn tỉnh có hơn 15.000ha rừng có nguy cơ cháy ở cấp nguy hiểm, khoảng 19.000ha diện tích cảnh báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm”.
Ghi nhận của PV, ý thức chấp hành trong việc phòng chống cháy rừng của người dân rất cao. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm địa phương đã phối hợp với các đơn vị quản lý bảo vệ rừng vận động, tuyên truyền người dân thực hiện tốt việc đốt rác, đốt đồng. Công tác ứng trực, sẵn sàng chiến đấu tại các vọng gác, chòi canh được thực hiện rất nghiêm túc, khẩn trương.

Tại xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, các kênh mương phục vụ cho SX nông nghiệp đã khô cạn, gây khó khăn cho việc tưới tiêu. Đây là vùng chuyên canh hoa màu trọng điểm của TP Cà Mau. Tuy nhiên, gần một tháng nay việc SX của nông dân gặp không ít khó khăn. Sản lượng rau màu cung ứng ra thị trường giảm đáng kể.

Trạm vận hành nước tưới ở xã Lý Văn Lâm đã ngưng hoạt động

Ông Nguyễn Văn Xê, nông dân ngụ ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, than: “Tôi có hơn 1 công đất trồng bồn bồn, cuộc sống của gia đình chủ yếu nhờ vào nguồn thu nhập từ loại rau này. Tuy nhiên, nguồn nước dưới kênh mương đã khô cạn, nên gặp khó trong việc lấy nước tưới. Vì thế, sản lượng thu hoạch giảm. Nếu cứ đà này, vài ngày tới toàn bộ diện tích bồn bồn sẽ bị khô hạn”.
Ông Xê còn nói, nếu bơm nước sạch xuống ruộng thì chi phí rất tốn kém và khi thu hoạch bồn bồn sẽ không cho lợi nhuận. “Nước bây giờ cũng 5.000 - 6.000 đồng/m3. Nếu bơm vào ruộng cứu cây trồng thì sẽ không có lợi nhuận đâu. Nước sạch bây giờ được dùng rất hạn chế, nếu bơm xuống ruộng thì nguy cơ thiếu nước rất cao, ảnh hưởng đến các hộ khác nữa”, ông Xê lo lắng.

Còn ông Hồ Văn Khởi, người trồng màu ngụ ấp Ông Muộn, cũng âu lo: “Gia đình có khoảng 0,5 công đất dùng để trồng rau màu, tháng này nắng quá, rau chậm lớn, kênh mương thì khô cạn nên phải sử dụng nước sinh hoạt để tưới. Bình thường chỉ tưới 2 buổi/ngày, nay phải tăng 3 - 4 buổi/ngày”.

Ông Trần Quyết Toán, PCT UBND xã Lý Văn Lâm cho biết: “Nắng hạn diễn ra gay gắt, khiến việc trồng trọt của nông dân trên địa bàn xã gặp khó khăn, năng suất, sản lượng rau màu giảm sút so với thời điểm trước”.

Tại huyện Cái Nước, những ngày qua, người nuôi tôm quảng canh lo lắng vì nắng hạn. Độ mặn liên tục tăng lên từng ngày, tôm chết rải rác ở nhiều nơi. Anh Nguyễn Quốc Hưng, ngụ xã Phú Hưng cho biết: “Nắng nóng khiến năng suất tôm nuôi đạt thấp. Những lúc đi tuần vuông, tôi còn phát hiện tôm chết do nhiễm bệnh đốm trắng, hoại tử gan, tụy”.

Tương tự, anh Trần Quốc Toản, ngụ xã Hưng Mỹ cũng âu lo: “Thời tiết thế này con gì chịu nổi, nếu không chủ động phòng tránh thì mức độ thiệt hại sẽ rất lớn. Gần một tháng trước, tôi đã mua rơm cuộn từ huyện Trần Văn Thời về thả dưới ao để làm mát nguồn nước và có nơi trú ẩn cho con tôm, nhưng vẫn thấy lo. Hôm qua, tôi phát hiện vài con tôm, cua bị chết”.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành nông nghiệp huyện Cái Nước khuyến cáo người dân không nên thả giống, nếu đã lỡ nuôi thì nên kiểm tra thường xuyên, đồng thời tăng cường khoáng chất, vi sinh cho môi trường nuôi để tôm nuôi thích nghi với độ mặn.
Kỹ sư Phạm Văn Phấn khuyến cáo, để những vụ nuôi thành công, bà con cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong suốt quá trình nuôi, từ khâu cải tạo ao, sử dụng con giống sạch bệnh đến việc quản lý môi trường.

Rơm cuộn được chọn làm giải pháp cứu tôm mùa nắng nóng

Theo anh Phấn, nếu người nuôi phát hiện tôm trong vuông có dấu hiệu bất thường hoặc chết phải báo ngay với cơ quan chức năng của địa phương hoặc cán bộ thú y cơ sở để xác định bệnh và có biện pháp xử lý thích hợp kịp thời. Đồng thời, thông báo cho các hộ nuôi xung quanh biết để chủ động phòng bệnh. Tuyệt đối không được xả nước từ ao nuôi tôm bệnh ra môi trường bên ngoài khi chưa được xử lý bằng Chlorine để tiêu diệt mầm bệnh và chỉ xả nước ra bên ngoài sau ít nhất 15 ngày xử lý hóa chất.
“Bà con cần tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung thường xuyên Vitamin C, khoáng chất, chất tăng cường miễn dịch vào thức ăn. Tuyệt đối không dùng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm vì sẽ gây ra hiện tượng kháng thuốc và không đảm bảo an toàn thực phẩm”, anh Phấn nói.
TRẦN DUY


Thắc mắc tên gọi một số địa danh Sài Gòn


Bởi Brown Sugar
4 April, 2018

Có nhiều nơi ở miền Nam mình đã đi qua, đã ở đó, đã nghe nói tới hoặc đã đọc được ở đâu đó… riết rồi những địa danh đó trở thành quen thuộc; nhưng chắc ít khi mình có dịp tìm hiểu tại sao nó có tên như vậy?


Bài viết này được hình thành theo các tài liệu từ một số sách cũ của các học giả miền Nam: Vương Hồng Sển, Sơn Nam và cuốn Nguồn Gốc Địa Danh Nam Bộ của Bùi Đức Tịnh, với mục đích chia sẻ những hiểu biết của các tiền bối về tên gọi một số địa phương trên quê hương mình.

Xin mời các bạn cùng tham khảo và đóng góp ý kiến từ các nguồn tài liệu khác – để đề tài này được đầy đủ và phong phú hơn.

Đất Nam Việt mà trước đây người ta còn gọi là Nam Kỳ, người Tây Phương khi đặt chân lên xứ mình hồi thế kỷ 16, 17 đã gọi bằng tên Cochinchine hay Đằng Trong.

Người ta cũng gọi xứ này là Đồng Nai (đồng có nhiều nai), Lộc Dã, Lộc Đồng (cùng một nghĩa) hoặc Nông Nại, là nơi mà người Việt mình đặt chân lần đầu tiên năm 1623.

Đồng Nai: Sử chép rằng Chúa Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), đã gả Công chúa Ngọc Vạn, lệnh ái thứ 2, cho vua Cao Miên Chei Chetta II (1618-1626) từ Xiêm trở về lên ngôi báu và đóng đô tại Oulong. Nhờ sự giao hiếu ấy vua Cao Miên mới cho phép người Việt di dân vào Nam Bộ. Chúng ta đã đặt đầu cầu tại Mô Xoài (gò trồng xoài), gần Bà Rịa đúng vào năm 1623 (theo Claude Madrolle -Indochine du Sud, Paris 1926).

Cũng trong năm này một phái đoàn ngoại giao đã được cử sang Oulong để thương thuyết sự nhượng lại Sở Thuế quan Saigon. Về sau đến đời vua Réam Thip Dei Chan (1642-1659), em vua trước, vị hoàng hậu Việt Nam nói trên đã xin vua Cao Miên cho phép người Việt được quyền khai thác xứ Biên Hòa năm 1638.

Sở dĩ vua Cao Miên đã giao hảo với nước ta và tự ý nhân nhượng một phần nào, là vì muốn cậy thế lực của triều đình Huế để chế ngự ảnh hưởng của người Xiêm. Như vậy chúng ta đã đến sinh cơ, lập nghiệp, khai khẩn đất đai Nam Bộ là do sự thỏa thuận hoàn toàn của đôi bên, chứ tuyệt nhiên không phải là một sự xâm nhập. Lại nữa nhờ uy thế của chúng ta mà Cao Miên đã đối phó hiệu quả với những tham vọng của nước Xiêm và bảo toàn được nền độc lập của mình.

Nói tóm lại sự hiện diện của chúng ta từ hơn 800 năm nay tại Nam bộ rất là hợp tình, hợp lý và hợp pháp. Nói một cách khác công cuộc Nam tiến của tổ tiên ta là một sự kiện lịch sử bất di bất dịch,nó hiển nhiên cũng như cuộc Tây tiến của người Âu Châu tại Mỹ Quốc và cuộc Đông tiến của người Anh tai Úc Châu.

Con sông Đồng Nai đã đưa ta đến tỉnh Biên Hòa (hòa bình ở biên cương), một trấn đã được sáp nhập vào nước ta năm 1653. Khoảng đất này xưa được gọi là Đông Phố đúng ra là Giãn Phố vì hai chữ Đông và Giãn viết theo chữ Hán hơi giống nhau. Về sau nơi này đã được triều đình Huế giao cho bọn người Trung Hoa gốc Quảng Tây di cư theo hai tướng Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình đến khai khẩn và lập nghiệp năm 1679 tại Cù lao Phố, sau khi nhà Minh bị nhà Thanh lật đổ.

Miền trên Biên Hòa thì có Hố Nai (hố sập nai), Trảng Bom (trảng là một đồi bằng phẳng và rộng rải có trồng nhiều cây chum-bao-hom đọc trạnh thành bom, sinh ra một thứ dầu gọi là chaulmougra, dùng để trị phong hủi. Phía dưới là nhà thương điên Nguyễn Văn Hoài, một nhà bác học đã quả quyết với chúng tôi rằng trong một đời người, số giờ mà chúng ta điên cuồng cộng lại ít nhất cũng được vài năm!

Biên Hòa là quê hương của Đỗ Thành Nhân, một trong Gia định Tam hùng. Hai người kia là Võ Tánh quê ở Gò Công và Nguyễn Huỳnh Đức quê ở Tân An. Biên Hòa là xứ bưởi bòng ngon ngọt có tiếng nên mới có câu ca dao:
Trang BomThủy để ngư, thiên biên nhạn
Cao khả xạ hề, đê khả điếu,
Chỉ kích nhơn tâm bất khả phòng
E sau lòng lại đổi lòng,
Nhiều tay tham bưởi chê bòng lắm anh

Chúng ta đi ngang qua trước ngọn núi Châu Thới, cao 65m trên có ngôi chùa Hội Sơn, được trùng tu vào đầu thế kỷ thứ 19, nhờ công đức sư Khải Long:
Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,
Nghiêng chùa Châu Thới mới sai lời nguyền!

Rồi đến Thủ Đức với những hồ bơi nước suối, và những gói nem ngon lành. Thủ nhắc lại ngày xưa có những chức quan văn như thủ bạ, thủ hô lo về việc thuế má và nhơn thế bộ. Do đó mà có những địa danh như Thủ Thiêm, Thủ Thừa, Thủ Ngữ v.v.. để nhắc lại tên mấy ông thủ bạ và thủ hộ ngày trước. Miền Thủ Đức lại nhắc cho ta hai câu đối “tréo dò”
Xứ Thủ Đức năm canh thức đủ
Kẻ cơ thần trở lại Cần Thơ

Có lẽ vì năm canh thức đủ mà có kẻ than thân trách phận tự mình sánh với cái nem Thủ Đức lột trần:
Người ta năm chị bảy em
Tôi đây như thể chiếc nem lột trần

Phía tay mặt là Gò Vấp, xưa kia là một ngọn đồi trồng cây vấp. Thứ cây này xưa kia được coi như thần mộc, yểm hộ cho dân tộc Chàm. Dã sử thuật lại rằng vào đời vua Chiêm cuối cùng là Pô Romé (1627-1651), vua này muốn vừa ý một ái phi người Việt đã ra lệnh đốn cây Kraik (vấp) cổ thụ rợp bóng nơi vườn ngự uyển. Hơn một trăm thị vệ lực lưỡng không sao hạ nổi vì vết rìu mỗi lần bổ xong thì khép lại ngay. Nhà vua tức giận cầm lấy rìu hạ xuống một nhát, tức thời một tiếng rên rỉ vang lên và cây gục xuống giữa một vũng máu. Và cũng từ đó vận khí nước Chiêm suy dần cho đến ngày tàn tạ.

Bây giờ ta vào thành phố Saigon, nơi mà 300 năm về trước (1674) tiền đạo quân ta lần đầu tiên đã đặt chân tới,mang theo khẩu hiệu: “Tĩnh vi nông, động vi binh”. Quân ta không phải tư động mà đến, chính là do lời yêu cầu khẩn thiết của nhà đương cuộc hồi bấy giờ. Họ khai khẩn đất đai với sức dẻo dai sẵn có, đào sông ngòi trong vùng đất thấp và đây đó khắp nơi, xây dựng thành trì kiên cố.

Một trong những công tác quân sự ấy do tướng Nguyễn Đức Đàm xây năm 1772, rồi đến thành trì Phan An xây năm 1790, kế đến là thành Gia Định xây năm 1836. Những thành ấy xây đắp với mấy vạn nhân công và bao nhiêu tài trí như đã ghi trong câu ngạn ngữ:
Dân đất Bắc
Đắp thành Nam:
Đông đã là đông!
Sầu Tây vòi vọi!

Chúng ta đang ở trung tâm thành phố Saigon (sài là củi, gòn là bông gòn) chuyển sang chữ nho thành Sài-Côn là củi gòn, vì chữ nôm gòn viết là Côn, như Ông Trịnh Hoài Đức (1765-1825) đã ghi trong tác phẩn Gia Định Thống Chí mà hiện nay chúng còn một bản dịch ra pháp văn của ông Gabriel Aubaret.

Theo một số người khác thì Saigon có lẽ do chữ Đê Ngạn đọc thành Tai Ngon hay Thay gon theo giọng Quảng Đông hay Tingan theo giọng Triều Châu, dùng để chỉ thành phố do người Tàu lập nên năm 1778 sau khi họ phải rời bỏ Biên hòa vì chiến sự giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, để nhờ sự bảo hộ của quân đội chúa Nguyễn đóng tại Bến Nghé.

Nguyên ủy xa hơn cả có lẽ là sự chuyển âm của một danh xưng tối cổ Preikor, có nghĩa là rừng gòn, một loại cây hiện nay còn trồng ở Thủ Đô.

Theo Ông Verdeille thì Saigon có thể là hai chữ nho: Tây Cống đọc chạnh ra, tên này ám chỉ rằng thành phố là phần đất xưa kia đã được các vị vua phía Tây cống hiến cho ta. Ta nên lưu ý rằng tên Siagon chỉ được dùng trong các văn kiện của Pháp kể từ 1784 trở đi mà thôi.
Còn danh xưng của Chợ lớn mà người Tây đọc liền lại là Cholon, nó chỉ ngôi chợ xưa kia nằm trên địa điểm hiện tại của Sở Bưu điện Chợ lớn kéo dài tới tận Đại Thế Giới cũ. Chợ này lập song song với chợ nhỏ hiện nay còn tồn tại với tên chợ Thiếc ở phía trường đua Phú Thọ. Về sau Chợ lớn được dời tới Chợ lớn mới do nhà đại phú Quách Đàm xây tặng, tượng họ Quách vẫn còn ở giữa đỉnh chợ Bình Tây

Sự biến đổi địa âm dạng của địa danh Saigon đã tùy sự hiện diện liên tiếp của những người quốc tịch khác nhau như Preikor (rừng gòn), Tai- Ngon hay Thầy gòn của người Trung Hoa mà ta đọc là Đê-ngan, người phương tây dùng chữ la mã ghi là Saigon từ năm 1784.

Hồi xưa tên Saigon chỉ áp dụng cho khu vực Chợ lớn hiện thời, còn chính Saigon bây giờ thì khi ấy là Bến Nghé (theo Trịnh Hoài Đức, theo các nhà hàng hải Âu Mỹ, theo bản đồ do ông Trần Văn Học vẽ ngày mùng 4 tháng chạp năm Gia Long thứ 14 (1815) ghi trên vùng Chợ lớn hiện tại chỗ nhà thương Chợ Rẫy ba chữ Saigon xứ, khoảng gần Cây Mai và Phước Lâm. Khu Saigon cao, nằm phía Đồn Đất tức là cái đồn thâu hẹp năm 1836 sau khi Lê Văn Khôi nổi loạn, chắc đã có người ở từ thời thượng cổ, chứng cớ là những khí giới và đồ dùng bằng đá mài tìm thấy khi đào móng nhà thờ Đức Bà. Khu thấp thường gọi là Bến Nghé hay bến Thành.

Bến Thành là cái tên ở gần hào thành Gia Định, nguyên trước có cái rạch nối liền hào thành với sông Bến Nghé và có cái chợ gọi là chợ Bền Thành. Cái rạch ấy về sau lấp đi thành Đại lộ Nguyễn Huệ và đến bây giờ có câu ca dao như sau:
Chợ Bến Thành đèn xanh đèn đỏ,
Anh nhìn cho tỏ thấy rõ đèn màu;
Lấy em anh đâu kể sang giàu,
Rau dưa mắm muối có nơi nào hơn em!

Bến Nghé theo Trịnh Hoài Đức là cái bến uống nước của trâu con, do một tên rất cũ là Kompong Krabey (bến trâu) đã được Việt hóa. Nhưng ông Đốc phủ Trần Quang Tuất (1765-1825) cho rằng nơi đây có lắm con cá sấu chúng thường kêu nghé nên gọi là Bến Nghé- Trịnh hoài Đức dịch là “Ngưu-tân” Bến Nghé là cái bến sông Saigon có tên là sông Bến Nghé, cũng có tên là Tân Bình Giang hay là Đức Giang lấy nguồn ở Ban Bót (theo gia-định thống chí). Còn cái rạch Bến nghé nối dài bởi kinh Tàu hủ (Arroyo chinois) ngày xưa có tên là Bình Dương và chỗ nó chảy ra giáp sông Bến Nghé gọi là Vàm Bến Nghé. Bến Nghé tức là Saigon và khi ta nói Đồng Nai-Bến Nghé tức là nói đến Nam Bộ vậy.

Phía đông Saigon có một cái kênh gọi là rạch Thị Nghè hay là rạch Bà Nghè. Bà tên là Nguyễn Thị Canh, con gái thống suất Nguyễn Cửu Văn tức Văn Trường Hầu, đẹp duyên với một ông nghè. Để cho chồng bà tiện đường qua rạch hàng ngày vào làm trong thành, bà cho dựng một chiếc cầu mà dân sự có thể dùng được. Để tỏ lòng nhớ ơn một bậc nữ lưu, họ đã gọi cầu ấy là cầu Bà Nghè. Đến khi Tây đến đánh thành Saigon, pháo hạm Avalanche tiến vào rạch này đầu tiên nên họ mới gọi là Arroyo de l’Avalanche.

Trên rạch Bến Nghé hồi xưa có nhiều chiếc cầu ván dựng tạm cho người qua lại. Chiếc cầu nổi tiếng hơn cả là cầu Ông Lãnh, được xây nhờ công ông Lãnh binh, thời tả quân Lê Văn Duyệt. Còn những chiếc cầu khác là Cầu Muối, Cầu Khóm (thơm), Cầu Kho và Cầu học (giếng học). 

Về các công sự thì có:

Dinh Norodom khởi công ngày chủ nhật 23/2/1868 với sự tham dự dông đảo của dân chúng. Thủy sư Đô Đốc De La Grandìère với sự hiện diện của kiến trúc sư Hermitte từ HongKong tới, đã đặt viên đá đầu tiên vuông vức mỗi bề nửa mét,trong đó đựng một hộp chì chứa nhũng đồng tiền vàng và bạc dập hình vua Napoléon III. Đức Giám mục Miche, cai quản địa phận,với một số đông con chiên, đã ban phép lành và đọc một diễn văn lời lẽ cao quý đã làm cử tọa đặc biệt chú ý. Công cuộc xây cất trên một khoảng đất rộng 14 mẫu tây đã phải dùng tới hai triệu viên gạch,và cái móng dày tới 3,5m tốn mất 2.436 thước khối đá xanh Biên Hòa. Công tác đã hoàn thành năm 1875 và người đầu tiên đến ở trong dinh đó là Thủy sư Đô Đốc Roze. Sau 84 năm Pháp thuộc, ngày 7/9/1954 Đại tướng Ely, Cao ủy Pháp đã trả dinh thự này cho Chính phủ Việt Nam thời bấy giờ.

Tòa Đô Sảnh (1901-1908) trên có một gác chuông do họa sĩ Ruffier trang trí mặt tiền
Viện Bảo Tàng Quốc Gia xây năm 1927, khánh thành ngày 1/1/1929, bị vụ nổ nhà thuốc súng làm hư hại ngày 8/3/1946 và được hoàn lại chính phủ Việt Nam ngày 19/9/1951 thu thập tới 4.000 cổ vật đã kê thành mục lục và trình bày trong 14 gian phòng.

Vườn Cầm Thảo (Sở Thú) tương tự với rừng Vincennes ở Pháp, được lập năm 1864. Sau khi đã san bằng,việc đứa thú tới nhốt nơi đó hoàn tất năm 1865. Ngày 28/3/1865 nhà thực vật học Pierre đảm nhiệm việc điều khiển vườn Cầm Thảo Saigon và ngày nay nhiều giống cây ở xứ ta còn mang tên nhà bác học ấy.

Đây đó ta còn gặp một số địa danh nguồn gốc Tây Phương như: Ba-Son (Arsenal) trong có một bến sửa tàu (bassin de radoub) xây bằng ximăng cốt sắt từ năm 1858, và bến tàu nổi được hạ thủy tháng giêng năm 1866. Chữ Ba-Son do chữ Bassin mà ra.

Tao Đàn Vườn Bờ Rô (do chữ Jardin des Beaux Jeux) hay là vườn Ông Thượng, xưa kia là hoa viên của Tổng Trấn Lê Văn Duyệt, nay là vườn Tao Đàn.

Dakao là biến danh của Đất Mộ (đất của lăng)

Lăng-tô là biến danh của Tân Thuận, tên một làng mà dân Saigon thường đến hóng mát (pointe des flaneurs).

Bây giờ chúng ta rời Saigon xuống đò Thủ-Thiêm qua bên kia sông xem địa phận mà chính phủ đang trù định một chương trình kiến thiết rộng lớn,để biến nơi này thành một khu vực nguy nga tráng lệ.
Con đò Thủ-Thiêm ngày xưa đã hấp dẫn một số đông những chàng trai trẻ:
Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.

nhưng một ngày kia chàng trai phải ra đi trong khói lửa chiến tranh,đến khi trở về thì than ôi:
Ngày đi trăm hoa hẹn hò,
Ngày về vắng bóng con đò Thủ Thiêm!

Từ Thủ-Thiêm chúng ta thẳng tiến đến một nơi gọi là Nhà Bè hay là Ngã Ba Sông Nhà Bè, nơi mà con sông Đồng Nai gặp con sông Saigon cũng gọi là sông Bến Nghé. Ngày xưa ở chỗ ấy ông Thủ khoa Hườn có lập nhà bè để bố thí lúa gạo cho những kẻ lỡ đường và ngày nay còn vọng lại mấy câu hò tình tứ của cô lái miền quê:
Nhà Bè nước chảy chia hai:
Ai về Gia định Đồng Nai thì về!

Rời Nhà Bè, chúng ta trở lại Saigon để đi về miền Bà Chiểu, một vùng ngoại ô trù mật ở phía đông, chúng ta phải đi qua một cái cầu gọi là Cầu Bông, vì xưa kia ở gần đó Tả Quân Lê Văn Duyệt có lập vườn hoa rất ngoạn mục. Bà Chiểu tỉnh lỵ  Gia định, nổi tiếng về lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt (1764-1832), một vĩ nhân được người Việt và người Tàu tôn thờ như một vị thần thánh.

Theo Trương Vĩnh Ký thì Bà Chiểu là một trong 5 bà vợ của ông Lãnh Binh đã xây cái cầu  ông Lãnh. Theo phương pháp kinh tế tự túc mà các cụ ngày xưa thường áp dụng, ông đã lập ra 5 cái chợ, giao cho mỗi bà cai quản một cái: Bà Rịa (Phước Lễ), Bà Chỉểu (Gia-Định), Bà Hom (Phước Lâm), Bà Quẹo (phía Quán Tre) và Bà Điểm (phía Thụân Kiều). Riêng chợ Bà Điểm gần làng Tân Thới quê hương của Cụ Đồ Chiểu, tác giả Lục Vân Tiên, thi phẩm đầu giường của đồng bào Nam bộ là nơi bán trầu ngon có tiếng ở Miền Nam. Món trầu là đầu câu chuyện, cho nên bao nhiêu chuyện,hay dở gì cũng do miếng trầu trao cho nhau mà sinh ra cả :
Trồng trầu trồng lộn dây tiêu
Con theo hát bội mẹ liều con hư!

Từ Bà Chiểu chúng ta trở lại Saigon để rẽ về Phú Nhuận, qua Cầu Kiệu hay là Cầu Xóm Kiệu là nơi xưa kia trồng rất nhiều hành kiệu. Phú Nhuận (giàu sang và thuần nhã) là nơi còn nhiều cổ tích như : Lăng Đô-đốc Võ Di Nguy, mất tại cửa bể Thị Nại năm 1801. Lăng Trương Tấn Bửu và lăng Võ Quốc Công tức là hậu quân Vũ Tính, nơi đây vua Gia-Long có cho trồng 4 cây thông đưa từ Huế vào để tỏ lòng mến tiếc. Võ Tánh là một trong Gia-Định tam hùng mà dân chúng nhắc tới trong những điệu hò giao duyên.

Theo thường lệ :
Người con gái lên tiếng trước:
Nghe anh làu thông lịch sử,
Em xin hỏi thử đất Nam-Trung:
Hỏi ai Gia-Định tam hùng,
Mà ai trọn nghĩa thủy chung một lòng?

Người con trai liền đáp lại:
Ông Tánh, Ông Nhân cùng Ông Huỳnh Đức,
Ba Ông hết sức phò nước một lòng

Nổi danh Gia-Định tam 
hùng:
Trọn nghĩa thủy chung có Ông Võ Tánh,
Tài cao sức mạnh, trọn nghĩa quyên sinh,
Bước lên lầu bát giác thiêu mình như không!

Về phía Tân Sơn hòa có Lăng Cha Cả là một cổ tích kiến trúc Việt Nam xưa nhất ở vùng Saigon. Nơi đây mai táng Đức Giám Mục Bá-Đa-Lộc, mất tại cửa Thị Nại năm 1799.

Rời khỏi ngoại ô Saigon chúng ta thuê một chiếc thuyền con về vùng Lái Thiêu (tức là ông Lái gốm họ Huỳnh đã thiêu nhà vì say rượu) để thăm vườn trái :
Ghe anh Nhỏ mũi tráng lường
Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em

Nơi đây quy tụ rất nhiều trái ngon đặc biệt như : dâu da, thơm, bòn bon, mít tố nữ, măng cụt và nhất là sầu riêng (durian) là giống cây từ Mã Lai đưa vào Cây Sầu riêng thân cao lá ít, trái có gai bén nhọn kinh khủng, cho nên trời chỉ cho phép nó rụng khi đêm khuya thanh vắng mà thôi! Đồng bào Nam-bộ liệt nó vào hàng đầu trong các loài trái, vì nó có đủ năm mùi hương vị đặc biệt như quả lê Trung hoa. Những người xa lạ phải chịu nhẫn nại một thời gian mới thông cảm và khi đã thông cảm rồi thì thèm muốn như mê say, chỉ trừ anh học trò thi rớt:
Có anh thi rớt trở về
Bà con đón hỏi nhiều bề khó khăn
Sầu riêng anh chẳng buồn ăn,
Bòn bon, tố nữ anh quăng cùng đường!

Tại vùng Lái Thiêu, có một ngôi nhà thờ cổ kính xây từ thế kỷ XVIII trên ngọn đồi xinh tươi, chung quanh có nhiều lò gốm, lò sành và một trường dạy học cho trẻ em câm điếc với một phương pháp riêng biệt.

Đến Búng chúng ta không quên đi thăm chùa Phước Long ở vùng An Sơn, có ông huề thượng thâm nho, thường ra nhiều câu đối bí hiểm cho những khách nhàn du :
Rượu áp sanh (absinthe) say chí tử

Có người đã đối lại như sau:
Bóng măng cụt mát nằm dài
Trong chùa ông huề thượng có ghi hai câu:
Cúng bình hoa, tụng pháp hoa, hoa khai kiến Phật.
Dâng nải quả, tu chánh quả, quả mãn thông Thần
(sưu tầm bài viết của ông Tân Việt Điêu trong Văn hóa nguyệt san số 33 năm 1958)
Tên gọi Saigon từ đâu?

Đây là một đề tài được các nhà nghiên cứu, học giả, Tây lẫn Ta, tốn rất nhiều thì giờ và công sức. Cho đến nay thì có khoảng 5 giả thuyết về xuất xứ của chữ Sài Gòn, trong đó có 3 thuộc loại quan trọng hơn. 

Xin ghi lại 3 thuyết quan trọng hơn dưới đây:

Sài Gòn từ Thầy Ngòn (Đề Ngạn), Xi- Coón (Tây Cống): Đây là thuyết được đưa ra bởi 2 tay thực dân Pháp là Aubaret và Francis Garnier (người bị giặc Cờ Đen phục kích chết ). Theo Aubaret, Histoire et description de la Basse-Cochinchine và Garnier, Cholen, thì người Tàu ở miền Nam, sau khi bị Tây Sơn tàn sát, đã lập nên thành phố Chợ Lớn vào năm 1778 và đặt tên cho thành phố đó là Tai-ngon hay Ti-ngan. Sau dó, người Việt bắt chước gọi theo và phát âm thành Sài Gòn.

Thuyết này được hai học giả là Vương Hồng Sển và Thái Văn Kiểm đồng ý. Quả thật, trên phương diện ngữ âm, thì Thầy Ngòn, Xi Coón, rất giống Sài Gòn! Tuy nhiên, theo lịch sử thì không phải.
Tại sao?  Vì lịch sử chứng minh rằng Saigon có trước, rồi người Tàu mới đọc theo và đọc trại ra thành Thầy Ngòn, Xi Coọn.

Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, năm 1674 Thống Suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vở “Luỹ Sài Gòn”(theo Hán-Việt viết là “Sài Côn”).  Đây là lần đầu tiên chữ Sài Gòn xuất hiện trong tài liệu sử sách Việt Nam . Vì thiếu chữ viết nên chữ Hán “Côn” được dùng thế cho “Gòn”. Nếu đọc theo Nôm là “Gòn”, còn không biết đó là Nôm mà đọc theo chữ Hán thì là “Côn”.

Như vậy, ngay từ năm 1674 đã có địa danh Saigon!  Thì làm gì phải đợi đến 1778 khi người Tàu ở Cù Lao Phố bị Tây Sơn tiêu diệt rồi chạy xuống lập nên Thầy Ngòn tức Đề Ngạn, hay Xi Coón tức Tây Cổng.

Sài Gòn từ Củi Gòn, Cây Gòn, Prey Kor. Thuyết này được Petrus Trương Vĩnh Ký đưa ra dựa theo sự “nghe nói” như sau:
“Sài là mượn tiếng viết theo chữ Hán có nghĩa là củi gỗ; Gòn là tiếng Nam chỉ bông gòn . Người ta nói rằng tên đó phát sinh bởi sự kiện nhiều cây bông gòn do người Cao Miên đã trồng chung quanh đồn đất xưa của họ, mà dấu vết nay vẫn còn ở chùa Cây Mai và các vùng lân cận”.

Không biết tại sao mà sau này Louis Malleret và Vương Hồng Sển lại quả quyết thuyết này là “của” Trương Vĩnh Ký ,  mặc dù ngay sau đoạn này, TVK lại viết tiếp “Theo ý tôi, hình như tên đó là của người Cao Miên đặt cho xứ này, rồi sau đem làm tên gọi thành phố. Tôi chưa tìm ra được nguồn gốc đích thực của tên đó”.

Tương tự, có nhiều thuyết phụ theo nói rằng Sàigòn từ “Cây Gòn” (Kai Gon) hay “Rừng Gòn” (Prey Kor) mà ra. Nói chung, các thuyết này đều dựa trên một đặc điểm chính: cây bông gòn.

Nhưng thuyết này phần lớn đã bị bác bỏ vì lý do đơn giản là không ai tìm được dấu tích của một thứ “rừng gòn” ở vùng Sàigòn, hay sự đắc dụng của củi gòn ở miền Nam, kể cả nhà bác học Trương Vĩnh Ký . Ngay vào thời của Trương Vĩnh Ký (1885) tức khoảng hơn 100 năm sau mà đã không còn dấu tích rõ ràng của thứ rừng này, mặc dù lúc đó Sàigòn không có phát triển hay thay đổi gì cho lắm. Cay gonNgay cả khi Louis Malleret khảo nghiệm lại, hình như cũng không có dấu vết gì của một rừng gòn ở Sàigòn.

Sài Gòn từ Prei Nokor: Đây là thuyết mà thoạt đầu khó có thể chấp nhận nhứt (về ngữ âm), nhưng hiện nay được coi như là “most likely”.

Chính Petrus Trương Vĩnh Ký là người đưa ra thuyết này Trong Tiểu Giáo Trình Địa Lý Nam Kỳ, ông đã công bố 1 danh sách đôi chiếu 187 địa danh Việt Miên ở Nam Kỳ, như Cần Giờ là Kanco, Gò Vấp là Kompăp, Cần Giuộc là Kantuọc và Sài Gòn là Prei Nokọr

Trước nhất, theo sử Cao Miên được dịch lại bởi Louis Malleret, vào năm 1623, một sứ thần của chúa Nguyễn đem quốc thư tới vua Cao Miên và ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor (Saigon) và Kras Krabei của Cao Miên để đặt phòng thu thuế.

Năm 1747, theo danh mục các họ đạo trong Histoire de la Mission Cochinchine, có ghi Rai Gon Thong (Sài Gòn Thượng) và Rai Gon Hạ (Sài Gòn Hạ).

Đó là theo sử sách, còn theo tiếng nói thì Prei Nokor (hay Brai Nagara theo tiếng Phạn mà người Miên mượn), có nghĩa là “thị trấn ở trong rừng”, Prei hay Brai là rừng, Nokor hay Nagara là thị trấn. Đây là vùng mà chúa Nguyễn đã mượn làm nơi thu thuế như đã nói ở trên.
Theo tiến trình của ngôn ngữ, Prei hay Brai biến thành RAI, thành”Sài”, Nokor bị bỏ “no” thành “kor”, và từ “kor” thành “Gòn”. Từ Prei Nokor …mà thành SàiGòn thì thật là …dễ sợ !
Còn sở dĩ có Saigon viết dính nhau là do các giáo sĩ Tây phương đã bỏ mất dấu và gắn liền nhau khi in. Sau khi chiếm nước ta, để khỏi đọc “sai” ra “sê” theo giọng Pháp nên Saigon được viết với hai dấu chấm trên chữ i.

HỒ ĐÌNH VŨ/ 8Saigon