Wednesday, May 1, 2019

Vật lộn với nắng hạn



24/04/2019
Đang vào cao điểm mùa khô, thời tiết ở Cà Mau rất oi bức, nắng hạn gay gắt khiến kênh mương bị khô, việc trồng trọt gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước tưới. Độ mặn liên tục tăng, người nuôi tôm lo sợ dịch bệnh bùng phát. Hàng chục ngàn ha rừng có nguy cơ cháy cao.

Kiểm tra hệ thống máy bơm nước, sẵn sàng ứng phó với cháy rừng

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau thông tin: “Những ngày qua, nắng nóng gay gắt khiến cho mực nước tại các lâm phần rừng tràm bị khô hạn nhanh chóng, là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ cháy rừng. Toàn tỉnh có hơn 15.000ha rừng có nguy cơ cháy ở cấp nguy hiểm, khoảng 19.000ha diện tích cảnh báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm”.
Ghi nhận của PV, ý thức chấp hành trong việc phòng chống cháy rừng của người dân rất cao. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm địa phương đã phối hợp với các đơn vị quản lý bảo vệ rừng vận động, tuyên truyền người dân thực hiện tốt việc đốt rác, đốt đồng. Công tác ứng trực, sẵn sàng chiến đấu tại các vọng gác, chòi canh được thực hiện rất nghiêm túc, khẩn trương.

Tại xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, các kênh mương phục vụ cho SX nông nghiệp đã khô cạn, gây khó khăn cho việc tưới tiêu. Đây là vùng chuyên canh hoa màu trọng điểm của TP Cà Mau. Tuy nhiên, gần một tháng nay việc SX của nông dân gặp không ít khó khăn. Sản lượng rau màu cung ứng ra thị trường giảm đáng kể.

Trạm vận hành nước tưới ở xã Lý Văn Lâm đã ngưng hoạt động

Ông Nguyễn Văn Xê, nông dân ngụ ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, than: “Tôi có hơn 1 công đất trồng bồn bồn, cuộc sống của gia đình chủ yếu nhờ vào nguồn thu nhập từ loại rau này. Tuy nhiên, nguồn nước dưới kênh mương đã khô cạn, nên gặp khó trong việc lấy nước tưới. Vì thế, sản lượng thu hoạch giảm. Nếu cứ đà này, vài ngày tới toàn bộ diện tích bồn bồn sẽ bị khô hạn”.
Ông Xê còn nói, nếu bơm nước sạch xuống ruộng thì chi phí rất tốn kém và khi thu hoạch bồn bồn sẽ không cho lợi nhuận. “Nước bây giờ cũng 5.000 - 6.000 đồng/m3. Nếu bơm vào ruộng cứu cây trồng thì sẽ không có lợi nhuận đâu. Nước sạch bây giờ được dùng rất hạn chế, nếu bơm xuống ruộng thì nguy cơ thiếu nước rất cao, ảnh hưởng đến các hộ khác nữa”, ông Xê lo lắng.

Còn ông Hồ Văn Khởi, người trồng màu ngụ ấp Ông Muộn, cũng âu lo: “Gia đình có khoảng 0,5 công đất dùng để trồng rau màu, tháng này nắng quá, rau chậm lớn, kênh mương thì khô cạn nên phải sử dụng nước sinh hoạt để tưới. Bình thường chỉ tưới 2 buổi/ngày, nay phải tăng 3 - 4 buổi/ngày”.

Ông Trần Quyết Toán, PCT UBND xã Lý Văn Lâm cho biết: “Nắng hạn diễn ra gay gắt, khiến việc trồng trọt của nông dân trên địa bàn xã gặp khó khăn, năng suất, sản lượng rau màu giảm sút so với thời điểm trước”.

Tại huyện Cái Nước, những ngày qua, người nuôi tôm quảng canh lo lắng vì nắng hạn. Độ mặn liên tục tăng lên từng ngày, tôm chết rải rác ở nhiều nơi. Anh Nguyễn Quốc Hưng, ngụ xã Phú Hưng cho biết: “Nắng nóng khiến năng suất tôm nuôi đạt thấp. Những lúc đi tuần vuông, tôi còn phát hiện tôm chết do nhiễm bệnh đốm trắng, hoại tử gan, tụy”.

Tương tự, anh Trần Quốc Toản, ngụ xã Hưng Mỹ cũng âu lo: “Thời tiết thế này con gì chịu nổi, nếu không chủ động phòng tránh thì mức độ thiệt hại sẽ rất lớn. Gần một tháng trước, tôi đã mua rơm cuộn từ huyện Trần Văn Thời về thả dưới ao để làm mát nguồn nước và có nơi trú ẩn cho con tôm, nhưng vẫn thấy lo. Hôm qua, tôi phát hiện vài con tôm, cua bị chết”.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành nông nghiệp huyện Cái Nước khuyến cáo người dân không nên thả giống, nếu đã lỡ nuôi thì nên kiểm tra thường xuyên, đồng thời tăng cường khoáng chất, vi sinh cho môi trường nuôi để tôm nuôi thích nghi với độ mặn.
Kỹ sư Phạm Văn Phấn khuyến cáo, để những vụ nuôi thành công, bà con cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong suốt quá trình nuôi, từ khâu cải tạo ao, sử dụng con giống sạch bệnh đến việc quản lý môi trường.

Rơm cuộn được chọn làm giải pháp cứu tôm mùa nắng nóng

Theo anh Phấn, nếu người nuôi phát hiện tôm trong vuông có dấu hiệu bất thường hoặc chết phải báo ngay với cơ quan chức năng của địa phương hoặc cán bộ thú y cơ sở để xác định bệnh và có biện pháp xử lý thích hợp kịp thời. Đồng thời, thông báo cho các hộ nuôi xung quanh biết để chủ động phòng bệnh. Tuyệt đối không được xả nước từ ao nuôi tôm bệnh ra môi trường bên ngoài khi chưa được xử lý bằng Chlorine để tiêu diệt mầm bệnh và chỉ xả nước ra bên ngoài sau ít nhất 15 ngày xử lý hóa chất.
“Bà con cần tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung thường xuyên Vitamin C, khoáng chất, chất tăng cường miễn dịch vào thức ăn. Tuyệt đối không dùng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm vì sẽ gây ra hiện tượng kháng thuốc và không đảm bảo an toàn thực phẩm”, anh Phấn nói.
TRẦN DUY


No comments:

Post a Comment