Tuesday, December 3, 2019

SỨC MẠNH CỦA DÂN: PHONG TRÀO CHỐNG XÂY ĐẬP Ở ĐÔNG NAM Á



(People’s Power: Anti-Dam Movements in Southeast Asia)

Wora Suk – Bình Yên Đông lược dịch
The Diplomat – November 8, 2019

Chống đối xây đập ở Sarawak [Ảnh: Internet]


Các cộng đồng ở Thái Lan và nhiều nơi khác đang kết đoàn để đòi hỏi cứu xét quyền lợi của họ khi xây đập.

Trong hơn 2 thập niên, nhiều cộng đồng ở Đông Nam Á (ĐNA) đã đối mặt với những đe dọa do sự bành trướng của việc phát triển thủy điện.  Đập, nghị trình phát triển chánh yếu của chánh phủ các nước ĐNA, mang lại lợi tức to lớn và góp phần làm giảm nghèo.  Thí dụ, việc nới rộng tiêu thụ năng lượng của Thái Lan bằng cách đầu tư vào các nước láng giềng như Lào và Myanmar là một khuynh hướng được trù tính nhằm gia tăng năng lượng nhập cảng để duy trì an ninh năng lượng của Thái Lan.  Trong khi Lào được dùng như “Bình điện của Á Châu,” thủy điện chiếm ưu thế trong nghị trình phát triển quốc gia và việc bán điện cho các nước láng giềng là thảo luận chánh yếu của các nhà hoạch định chánh sách.  Myanmar đang chạy theo khuynh hướng nầy, với than đá và đập được ghi vào nghị trình phát triển quốc gia.

Trong khi nghị trình đập được các lãnh đạo và doanh nghiệp trên khắp ĐNA quảng bá như một dự án phát triển quốc gia, các tổ chức xã hội dân sự (civil society organizations (CSOs)) và cộng đồng vận động cho lập luận trái ngược đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn từ các nhà đầu tư.  Họ muốn trách nhiệm và tôn trọng nhân quyền đi cùng với việc phát triển đập.

Một buổi lễ của Cầu nguyện cho Dòng Sông ở tỉnh Loei để gây chú ý về các đập Mekong. [Ảnh: Wora Suk]

Kaeng Sue Ten và Phong trào Chống xây Đập ở Thái Lan

Liên minh và hệ thống phong trào chống xây đập trên khắp Thái Lan và ASEAN [Association of Southeast Asian Nations (Hiệp hội các Quốc gia ĐNA)] đã gia tăng.  Ở Thái Lan, phong trào của cộng đồng chống lại đập Kaeng Sue Ten ở miền bắc được biết đến nhiều nhất.  Nó được ca tụng như là một “mô hình chống xây đập thành công,” khi hàng ngàn người của cộng đồng đã trì hoãn việc xây cất đập trên sông Yron ở Kaeng Sue Ten trong hơn 30 năm.  Đây là đập bị trì hoãn lâu nhất ở ĐNA.  Có thể nói rằng việc dàn dựng đập Kaeng Sue Ten như một dự án đe dọa rừng cấm gỗ teak duy nhất ở Thái Lan giải thích phần lớn sự thành công của phong trào.  Các cộng đồng biểu hiện sự đoàn kết mạnh mẽ và tiếp tục bảo vệ rừng thiêng của họ.

Các cộng đồng làm lễ kỷ niệm lần thứ 30th của cuộc đấu tranh chống Kaeng Sue Ten vào ngày 2 tháng 11.  Lễ kỷ niệm gồm có nghi lễ cho cây, Cầu nguyện cho Dòng sông, để tôn kính và cầu nguyện thần linh, và một diễn đàn cộng đồng để chia sẻ chiến lược trên khấp hệ thống và đồng minh.  Kamnan Chum, một trong những lãnh đạo có uy tín của phong trào chống xây đập Kaeng Sue Ten phát biểu rằng “cuộc tranh đấu chống lại đập Kaeng Sue Ten của chúng tôi cho thấy sự đoàn kết và hợp nhất mạnh mẽ của cộng đồng chúng tôi để truyền lại cho thế hệ kế tiếp kho tàng đất đai và tài nguyên của chúng ta.”

Kamnan nói tiếp: “Nhà cửa của chúng ta không có nghĩa nếu không có cây cối, đất đai và tài nguyên của sông… đây là di sản của chúng tôi.”

Kaeng Sue Ten là một mô hình thành công nổi tiếng khắp Thái Lan và ĐNA.  Phong trào Kaeng Sue Ten liên kết với các hệ thống khác nơi mà trách nhiệm, doanh nghiệp và nhân quyền là nền tảng.  Các nhà hoạt động đòi hỏi trách nhiệm từ các nhà đầu tư và tài trợ cho đập (như Ngân hàng Thế giới lúc trước) cũng như trách nhiệm của các nhà đầu tư ngoại quốc trong vùng (như các nhà phát triển Thái và Trung Hoa).  Hệ thống Kaeng Sue Ten cho thấy sự liên kết chặt chẽ của tiến bộ về nhân quyền với phát triển và quyền hạn của cộng đồng.

Phong trào Kaeng Sue Ten làm lễ kỷ niệm lần thứ 30th

Vào cuối tháng 10, các cộng đồng, CSOs, và giới khoa bảng sẽ tụ tập trên bờ sông Mekong ở tỉnh Loei, Thái Lan để làm lễ Cầu nguyện cho Dòng Sông và cúng thần bảo vệ sông.  Thần linh Naga được khấn vái để ban phước lành và che chở.  Các cộng đồng chia sẻ hy vọng, lòng biết ơn, và sự đau đớn – một ngày trước khi đập Xayaburi bắt đầu hoạt động ở Lào, phía bên kia sông Mekong.  Đập được tài trợ bởi một nhà đầu tư Thái và trên 95% số điện sẽ được xuất cảng sang Thái Lan.  Chánh phủ Thái biện hộ cho dự án nhằm đẩy mạnh việc nhập cảng điện vào Thái lan để duy trì an ninh năng lượng.

Hàng ngàn người trong các cộng đồng Mekong sẽ bị ảnh hưởng của đập Xayaburi, nếu nó được xây.  Việc xây đập vẫn tiến hành trong khi các đơn kiện của các cộng đồng Mekong bị ảnh hưởng còn nằm ở tòa hành chánh Thái Lan.  Các đơn kiện lập luận rằng ảnh hưởng xuyên biên giới chẳng hạn như ngập lụt bất thường và lưu lượng dao động sẽ làm xáo trộn cuộc sống dọc theo sông Mekong, ở cả hai bên biên giới Lào-Thái.  Con sông là biên giới của nhiều quốc gia và khu hành chánh.

Hệ thống Người Thái ở 8 tỉnh dọc theo sông Mekong tổ chức Cầu nguyện cho Dòng Sông và Diễn đàn Công cộng ở tỉnh Loei để gây sự chú ý đến vấn đề đập Xayaburi.  Đập được gọi là đập dòng chảy (run-of-river dam), nhưng trong khi xây cất và thử nghiệm, các cộng đồng Mekong đã nhận thấy đập làm cho lưu lượng dao động.

Đập Xayaburi được liệt kê như là một phần của nghị trình phát triển quốc gia Thái Lan.  Các nhà đầu tư Thái tài trợ đập ở các nước láng giềng để nhập cảng điện.  Tuy nhiên, Hệ thống Người Thái thắc mắc về việc bành trướng năng lượng và gia tăng nhập cảng.  Tại sao các nhà đầu tư Thái đổ tiền vào đập ở các nước láng giềng trong khi dự trữ năng lượng của Thái Lan cao gấp 3 lần tiêu chuẩn của thế giới?  Tại sao cần phải gia tăng nhập cảng điện trong khi các kế hoạch và chánh sách về năng lượng có thể được thực hiện và năng lượng thay thế cũng có thể có hiệu quả?

Phong trào chống xây đập dọc theo 8 tỉnh Mekong ở Thái Lan gồm có các cộng đồng Mekong từ tỉnh Chiang Rai ở bắc và đông bắc Thái Lan (bao gồm các tỉnh Nakhon Phanom, Loei, Ubon Ratchathani và các nơi khác).  Phong trào sử dụng nhiều chiến lược chống đối đối với đập Xayaburi: tranh luận và làm chứng về ảnh hưởng, vận động truyền thông, nghiên cứu cộng đồng và tài liệu, và kiện tụng để bảo vệ quyền đối với tài nguyên của sông và cuộc sống của họ.  Phong trào cho thấy một sự liên kết chặt chẽ giữa việc huy động ở địa phương trong việc đáp ứng với nghị trình phát triển năng lượng quốc gia và vận động xuyên biên giới đòi hỏi các nhà đầu tư Thái phải có trách nhiệm lớn hơn và các nền kinh tế chánh trị trong khu vực ASEAN.

Các Phong trào Chống Xây Đập Xuyên Biên giới ở ĐNA

Liên minh Quan sát Nghĩa vụ Đặc quyền Ngoại giao (Extraterritorial Obligation Watch Coalition (ETO Watch)) đã theo dõi ảnh hưởng của đầu tư Thái ở ngoại quốc trong các lãnh vực khai thác than đá và thủy điện.  Liên minh đòi hỏi các nhà đầu tư Thái trong trường hợp Xayaburi phải có trách nhiệm lớn hơn.  Quan trọng hơn hết, các cộng đồng bị ảnh hưởng phải được bồi thường.  Vì Thái Lan không có cơ chế để theo dõi và kiểm soát các nhà đầu tư Thái ở ngoại quốc, liên minh yêu cầu chánh phủ Thái biểu lộ bổn phận của mình trong việc bảo vệ các cộng đồng bị ảnh hưởng của đập Xayaburi.  Quyền được sống và được đền bù phải được tôn trọng.

ETO Watch đã chứng minh qua nhiều tài liệu, nghiên cứu, dự án tìm hiểu và điều tra rằng hầu hết đập thủy điện ở Lào được sở hữu và đầu tư bởi các nhà đầu tư Thái.  Trong khi đập được tiến hành mà không có bồi thường thiệt hại cho các cộng đồng bị ảnh hưởng, ETO Watch yêu cầu các nhà đầu tư Thái trong dự án Xayaburi nên chịu trách nhiệm của mình theo thông lệ quốc tế bằng cách bồi thường cho các cộng đồng bị ảnh hưởng.  Quan trọng hơn, cộng tác với các cộng đồng và tham gia vào tiến trình tham vấn công khai rất cần thiết cùng với soạn thảo kế hoạch bồi thường công nhận quyền bồi thường và mức độ của ảnh hưởng xuyên biên giới.  Những đòi hỏi tương tự cũng là trọng tâm hoạt động của ETO Watch chống lại việc xây đập trên khắp Mekong.

Xayaburi không chỉ là đập duy nhất; đập Luang Prabang và Pak Beng cũng đang được dự trù trên sông Mekong ở Lào.  ETO Watch hỗ trợ các cộng đồng dọc theo sông Mekong để họ cho biết tiếng nói, quan tâm và ảnh hưởng do việc xây cất và điều hành đập gây ra.  Các nhà đầu tư phải cứu xét quyền của cộng đồng được bồi thường và bảo đảm việc tham gia của cộng đồng trong suốt tiến trình quy hoạch và ra quyết định.

ETO Watch đang vận động các cơ quan hữu trách trong chánh phủ Thái Lan để soạn thảo một cơ chế theo dõi và kiểm soát các nhà đầu tư Thái ở ngoại quốc.  Trọng tâm của chiến lược vận động là thiết lập quyền của cộng đồng đối với đất đai, tài nguyên thiên nhiên, và cuộc sống dễ chịu và liên kết chủ nghĩa môi trường với nhân quyền.  Qua những mối quan tâm về môi trường và nhân quyền, phong trào đã vận động thành công một nghị trình nhân quyền và thách thức nghị trình phát triển năng lượng quốc gia của Thái Lan và trách nhiệm xuyên biên giới của việc đầu tư ở ngoại quốc.  Liên minh tìm cách nâng cao đạo đức doanh nghiệp của các nhà đầu tư Thái ở ngoại quốc bằng cách bảo đảm rằng nhân quyền được cứu xét kỹ lưỡng và quyền của cộng đồng được bồi thường được tôn trọng.

Từ Kaeng Sue Ten đến các phong trào chống xây đập Mekong và phong trào xuyên biên giới ở ASEAN, các phong trào cho thấy rằng sự huy động ở địa phương tác động mạnh mẽ lên nhân quyền và nghị trình phát triển và rằng chúng ta phải đặt chúng vào trọng tâm của các nền kinh tế chánh trị quốc gia và khu vực.  Sự trỗi dậy của các phong trào và liên minh chống xây đập cho thấy lập trường mạnh mẽ của cộng đồng rằng đập sẽ hủy hoại cuộc sống của họ và môi trường.  Cái giá của đập không chỉ là cái giá môi trường mà cũng là sự mất mát cuộc sống, mất mát an ninh lương thực, và mất mát văn hóa và nguồn cội.  Kháng cự việc xây đập trên khắp ĐNA cho thấy những mất mát của họ không thể hàn gắn.

Wora Suk là Quản trị viên Chiến dịch Mekong của Earthrights International Asia và thành viên của Liên minh ETO Watch.

Wora Suk – Bình Yên Đông lược dịch

.



No comments:

Post a Comment