Wednesday, August 8, 2018

Thủy điện Yên Bái tầng tầng lớp lớp, 'sang tên' cho nhau loằng ngoằng

7/8/2018


Làm nhà máy thủy điện đầu tư lớn nhưng lãi cũng rất lớn nên người ta mới đổ xô đi làm thủy điện. Một chủ dự án thủy điện không giấu diếm: Sau khi nhà máy thủy điện hoàn thành, nước cứ chảy qua tuốc-bin, tức là tiền đã chui vào túi tôi...
Trước sự tàn phá của các nhà máy thủy điện, khiến nhiều cử tri phản ánh lên các đoàn đại biểu Quốc hội phản đối Bộ Công Thương và các tỉnh cấp phép xây dựng thủy điện tràn lan, phá vỡ môi sinh môi trường, gây lũ lụt và hạn hán… Ngày 23/11/2012 Quốc hội ban hành Nghị quyết 40/2012/QH13 yêu cầu Bộ Công Thương rà soát tổng thể quy hoạch thủy điện. Sau khi rà soát tỉnh Yên Bái đã loại bỏ 41 dự án thủy điện…
 
Trăm nẻo đường xin làm thủy điện

Khoảng năm 2007 - 2009, một người bạn của tôi dưới Hà Nội sau khi đi lao động xuất khẩu ở Nga kiếm được chút vốn muốn làm một cái nhà máy thủy điện, nhờ tôi nói với vị lãnh đạo một tỉnh xin làm dự án thủy điện X, công suất 20 - 25MW chứ không muốn làm cái dự án thủy điện Y chỉ có 10 - 13MW. Tôi hẹn mãi mới gặp được vị lãnh đạo đó, khi tôi chuyển lời đề nghị của người bạn tôi, vị lãnh đạo kia nói ngay: Anh bảo với ông bạn của anh, có làm thì làm không thì thôi. Cái dự án nhà máy thủy điện X đã có người nhận rồi, chẳng ai xa lạ, người ấy là con lãnh đạo tỉnh này mới chuyển lên Trung ương mấy năm nay…

Theo dõi dự án nhà máy thủy điện X, mấy năm sau thì triển khai, nhưng không phải của con vị lãnh đạo tỉnh đã chuyển lên Trung ương mà của người khác. Trao đổi với một số người làm thủy điện, họ mỉm cười bảo tôi: Những người có máu mặt mới xin được dự án thủy điện, có người xin rồi thì “sang tên” cho người khác. Chuyện này dài và loằng ngoằng lắm, chủ dự án phải chạy từ Bộ Công thương tới địa phương không dễ đâu. Nói chung chỉ những người làm dự án thủy điện mới biết…


Bãi sỏi thải của nhà máy thủy điện Văn Chấn khiến người dân bức xúc

Cuối năm 2017, một người bạn làm báo nhờ tôi xem mấy tỉnh miền núi phía Bắc còn chỗ nào làm nhà máy thủy điện mách anh ấy với. Anh ta cho biết người bạn của anh làm ăn ở Nam Phi có hơn ngàn tỷ muốn về nước xây dựng thủy điện. Tôi có cuộc trao đổi với mấy vị GĐ sở Công thương, tất cả đều lắc đầu: Chịu! Tất cả các dự án thủy điện được chấp thuận của Bộ Công thương đều đã có chủ cả rồi. Còn mấy cái lập dự án xong, chưa triển khai xây dựng, bạn anh muốn làm chỉ có cách thương thảo với các chủ dự án mua lại thôi…
Tôi hỏi một vị giám đốc: Nếu mua lại dự án thì giá bao nhiêu? Đáp: Cũng tùy từng dự án, dự án thủy điện công suất nhỏ thì đôi ba tỷ, lớn thì chục tỷ trở lên. Thỏa thuận của hai bên, chúng tôi không nắm được…

Nhà máy thủy điện Văn Chấn

Nhà máy thủy điện Huội Quảng (Lai Châu)

Làm nhà máy thủy điện đầu tư lớn nhưng lãi cũng rất lớn nên người ta mới đổ xô đi làm thủy điện. Một chủ dự án thủy điện không giấu diếm: Sau khi nhà máy thủy điện hoàn thành, nước cứ chảy qua tuốc-bin, tức là tiền đã chui vào túi tôi. Các thiết bị máy móc thủy điện ít hỏng, công nhân vận hành chỉ mấy người thôi nên chi phí ít, lãi ở chỗ đó. Trên dòng suối có nhiều bậc thang thủy điện thì càng tốt, bởi nhà máy phía trên dự trữ nước cho nhà máy phía dưới…
 
Thiên la địa võng thủy điện

Theo quy hoạch thủy điện, tỉnh Yên Bái có 93 dự án thủy điện, với tổng công suất 300MW. Tại Quyết định số 3454/QĐ-BCN ngày 18/10/2005 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), trên dòng Nậm Kim, huyện Mù Cang Chải cho phép xây dựng mà chúng tôi đếm vội có 18 công trình, công suất từ 1 đến 15MW. Suối Nậm Đông, huyện Trạm Tấu có 3 nhà máy thủy điện, ngòi Thia có 6 nhà máy thủy điện công suất từ 20 - 50MW, ngòi Hút 5 nhà máy thủy điện công suất từ 1 - 13MW… Không một con suối nào có năng lượng ở Yên Bái mà không quy hoạch nhà máy thủy điện. Thủy điện dày đặc, tầng tầng lớp lớp như thiên la địa võng, các nhà máy thủy điện đã bóp nghẹt các con sông con suối, bủa vây các cánh đồng gây ra lũ ống, lũ quét và hạn hán mà chúng tôi đã phản ánh trong bài “Thủy điện - Những quả 'bom nước' treo trên núi cao”.

Ngòi Thia cõng trên lưng 6 nhà máy thủy điện

Ngòi Thia cạn kiệt do các nhà máy thủy điện chặn dòng

Trước kiến nghị của các cử tri với Quốc hội, ngày 11/3/2014 sau khi tiến hành rà soát Bộ Công thương đã có văn bản 1833/BCT-TCNL loại ra khỏi quy hoạch 41 dự án thủy điện của tỉnh Yên Bái, có công suất từ 0,11 - 2MW, tổng công suất 27,38MW.

Tuy nhiên, sau đó Bộ Công thương lại tiếp tục bổ sung vào quy hoạch thủy điện tỉnh Yên Bái thêm 7 dự án: Thào Sa Chải, Sài Lương, Thác Bà 2, Nha Tràng, Ma Lừ Thàng, Hạnh Phúc, Chống Khua.

Tỉnh Yên Bái hiện có 18 nhà máy thủy điện đã hoàn thành đi vào phát điện, tổng công suất 419,4MW, tổng sản lượng điện hàng năm bình quân đạt 1,6 tỷ kWh, doanh thu gần 2.000 tỷ, nộp ngân sách gần 300 tỷ đồng.
Hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 35 dự án thủy điện đang nghiên cứu, khảo sát, đầu tư xây dựng, với tổng công suất thiết kế khoảng 360MW.

Ngày 20/7/2018 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái có tờ trình số 72-TTr-TU, đề nghị Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 41-NQ/TU ngày 20/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái, theo đó chỉ chấp thuận cho khảo sát nghiên cứu đầu tư các dự án thủy điện có công suất lắp máy từ 15MW trở lên.
Như vậy, tỉnh Yên Bái kiên quyết từ chối các dự án thủy điện dưới 15MW có nguy cơ tàn phá môi trường và cuộc sống của người dân.

Thái Sinh
Source:


.





No comments:

Post a Comment