Nguồn hình ảnh, STR/AFP/Getty Images
CO2 phát thải ra trong tháng 1 đã vượt gần 70% so với cùng kỳ vào năm 2023 và tăng hơn 30% so với mức trung bình của tháng 1, tính trong 5 năm gần nhất. Ảnh: Nhà máy nhiệt điện Phả Lại tại tỉnh Hải Dương, ảnh chụp ngày 14/10/2022.
Ngày 19/3, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã trấn an các nhà đầu tư nước ngoài về nguồn cung năng lượng.
Báo Lao Động dẫn lời ông Chính: "Chúng tôi cam kết không để thiếu điện, tổng nguồn không thiếu, nhưng do điều hành không tốt nên thiếu. Các bạn yên tâm sẽ đủ điện, theo hướng tăng trưởng xanh."
Hai quan chức nước ngoài tham dự buổi gặp với ông Phạm Minh Chính nói với Reuters rằng những cam kết của Thủ tướng Việt Nam mang tính trấn an, nhưng "không rõ ràng" biện pháp nào sẽ được sử dụng để đạt được mục tiêu đó.
Văn phòng Chính phủ Việt Nam đã không phản hồi trước yêu cầu bình luận của Reuters.
Năm 2023, nắng nóng và cúp điện không chỉ ảnh hưởng đến người dân ở ba miền đất nước mà còn tác động tới các "đại bàng" FDI.
Hồi tháng 6-7/2023, việc cúp điện đột ngột ở miền Bắc như tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp có vốn FDI như Samsung, Canon, Peony... hàng triệu đô la.
Sự hiện diện của nhà máy và dây chuyền sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Foxconn, Canon... đang gia tăng áp lực cho Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn cung ứng điện liên tục trong năm nay.
Thậm chí đã có cảnh báo rằng việc mất điện có thể dẫn tới mất luôn "đại bàng" trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia phụ thuộc đáng kể vào FDI.
Năm 2023, đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào GDP Việt Nam chiếm khoảng 22%, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Samsung hiện đang là nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam và mới đây tuyên bố muốn duy trì vị thế này trong vòng 30 đến 40 năm nữa.
Theo báo Vietnamnet, ông Phạm Minh Chính đã yêu cầu dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Bình đến Hưng Yên "phải được hoàn thành, đóng điện" vào tháng 6 tới. Đường dây này đi qua các tỉnh chịu cúp điện đột ngột vào năm ngoái và hiện tượng thời tiết El Niño đang làm gia tăng rủi ro trong năm nay.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) hôm 19/3, đại diện Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) nói rằng "hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến [các doanh nghiệp Hàn Quốc] chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư".
Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) cũng cho rằng "tình trạng thiếu điện nghiêm trọng xảy ra ở khu vực phía Bắc khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc lập kế hoạch sản xuất và dự báo ngày giao hàng".
Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) trong khuôn khổ VBF đã "khuyến nghị Chính phủ (Việt Nam) xem xét điều chỉnh các Thỏa thuận mua bán điện (PPA) theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho các tổ chức đa phương và tổ chức Tài chính Phát triển cho vay các dự án lớn về Chuyển đổi Năng lượng và lĩnh vực năng lượng tái tạo," theo tường thuật của báo Nhân Dân.
Nhiệt điện than vẫn chiếm gần 50% sản lượng điện của Việt Nam, phải "gánh" cả thủy điện (xếp thứ nhì với khoảng 30%) do tình hình khô hạn khiến các đập thủy điện thiếu nước, theo số liệu thống kê hồi năm 2023.
Hồi tháng 1, thủy điện chỉ chiếm khoảng 20,5% tổng lượng điện năng vì hạn hán khiến hồ thủy điện bị thiếu nước nghiêm trọng.
Nếu trong những tháng tới, lượng mưa tăng thì lượng điện năng từ thủy điện có thể tăng đáng kể và giúp giảm lượng điện từ nhiệt điện than.
Trong khi đó, lượng điện mặt trời và điện gió chỉ chiếm 13,6% tổng lượng điện năng của Việt Nam trong năm 2023. Các nguồn điện này có thể đối mặt với những khó khăn liên quan đến những quan ngại về mức độ sinh lời do đó khó tăng tỷ trọng trong ngắn hạn.
Điều này đồng nghĩa, trong một tương lai gần, Việt Nam vẫn phải phụ thuộc rất nhiều về nhiệt điện than và có thể khiến mức khí thải CO2 tăng lên những nấc cao hơn trong vài năm tiếp theo.
Tháng 5/2023, Việt Nam đã thông qua Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việt Nam đã khẳng định sẽ không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới nào sau năm 2030 để đảm bảo giảm phát thải carbon và đạt mục tiêu cam kết tại COP 26 về trung hòa carbon, theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu hồi tháng 11/2021 mà Việt Nam cùng gần 150 nước đã ký kết.
SOURCE:
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c88420dnd9xo
No comments:
Post a Comment