Nguyễn Minh Quang
1 tháng 4 năm 2020
Ruộng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cạn khô. [Ảnh: Saigoneer]
Phần dẫn nhập
Trong một bài báo được đăng trên trang mạng Đất Việt ngày 26 tháng 3 năm 2020 [1],
Giáo sư Tiến sĩ (GS TS) Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi (nay là Bộ
Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn), nói rằng: "Mỗi năm, cả nước cần tới hơn
500 tỷ m3 nước ngọt. Nguồn nước trong nước chỉ đáp ứng được 300 tỷ m3
tính theo lượng mưa và phân bổ trên tất cả các hồ, sông, suối của cả nước. Tuy
nhiên, điểm khó khăn của khu vực ĐBSCL [Đồng bằng sông Cửu Long] là nơi đây
không có nhiều hồ chứa để dẫn nước về. Vì
thế, chiến lược ngọt hóa dài hạn cần phải tính đến chuyện chuyển nước từ miền
Đông sang miền Tây bằng các đường dẫn nước, đồng thời phải xây dựng các hồ trữ
nước ngọt đạt chuẩn. Như vậy mới là ngọt
hóa đúng nghĩa" để cứu ĐBSCL.
Đề nghị chuyển nước từ miền Đông sang miền Tây của GS TS Vũ
Trọng Hồng có khả khi hay không? Bài
biết nầy sẽ tìm hiểu để trả lời câu hỏi đó.
Các dự án chuyển nước
trên thế giới
Trên thế giới, có nhiều dự án chuyển nước đại qui mô để đưa
nước từ những khu vực thừa nước đến những khu vực thiếu nước. Qui mô lớn nhất có lẽ là dự án chuyển nước nam
bắc của Trung Hoa, được GSTS Vũ Trọng Hồng đề cập đến, với mục đích chuyển hàng
năm 45 tỉ m3 nước của sông Yangtze (Trường Giang hay Dương Tử) ở
phía nam nhiều mưa lên phía bắc khô cằn và kỹ nghệ hóa bằng kinh đào có chiều
dài tổng cộng là 2.866 km [2].
Đường dẫn nước nam-bắc của Trung Hoa. [Ảnh: IC]
Ở Hoa Kỳ, tiểu bang California có Dự án Nước Tiểu bang (State
Water Project (SWP)) để chuyển hàng năm 5,2 tỉ m3 nước từ miền bắc
nhiều mưa xuống miền nam ít mưa qua kinh đào dài 1.129 km [3]. Tiểu bang California cũng có Đường dẫn nước
Sông Colorado (Colorado River Aqueduct) do Khu Thủy cục Nam California
(Metropolitan Water District of Southern California (MWD)) điều hành để chuyển
hàng năm 1,5 tỉ m3 nước từ sông Colorado về miền nam California qua
một hệ thống kinh và đường hầm dài 389 km [4].
Thành phố Los Angeles cũng có đường dẫn nước riêng, Đường Dẫn nước Los
Angeles (Los Angeles Aquedut) do Sở Điện Nước (Department of Water and Power
(DWP)) điều hành để chuyển hàng năm 0,64 tỉ m3 nước từ sông Owens
bên sườn phía đông của dãy Sierra Nevada ở miền trung California về thành phố
Los Angeles qua hệ thống kinh đào và đường hầm dài 674 km [5].
Đường dẫn nước California. [Ảnh: Wikipedia]
Đường dẫn nước Los Angeles. [Ảnh: Phys.org]
Tiểu bang Arizona có Dự án Trung tâm Arizona (Central Arizona
Project (CAP)) để chuyển hàng năm 1,8 tỉ m3 nước của sông Colorado
đến miền trung và nam Arizona qua hệ thống dẫn nước dài 538 km. Dự án Trung tâm Arizona được điều hành bởi
Khu Bảo tồn Nước Trung tâm Arizona (Central Arizona Water Conservation
District) [6]
Đường dẫn nước Arizona. [Ảnh: Pinterest]
Ở Israel (Do Thái), Hệ thống Chuyển nước Quốc gia (National
Water Carrier) đưa 0,62 tỉ m3 nước từ biển Galillee ở phía bắc về
vùng đông dân và khô cằn ở phía nam qua hệ thống dẫn nước dài 130 km. Hệ thống nầy gồm có nhiều đường ống, kinh
đào, đường hầm, hồ chứa và trạm bơm.
Việc xây dựng phải vượt qua nhiều thách thức kỹ thuật vì nó đi qua nhiều
địa hình và cao độ khác nhau. [7]
Hệ thống chuyển nước quốc gia Israel. [Ảnh: Steve Scalise]
Tính khả thi của đề
nghị chuyển nước Đông-Tây
Để cứu xét tính khả thi của đề nghị chuyển nước từ miền Đông
về miền Tây hay ĐBSCL của GS TS Vũ Trọng Hồng, chúng ta phải cứu xét đến khả
năng của các nguồn nước ở miền Đông: sông Sài Gòn, sông Bé và sông Đồng Nai.
Sông Sài Gòn bắt nguồn từ Lộc Ninh trong tỉnh Bình Phước,
chảy qua tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh rồi đổ vào sông Nhà
Bè ở Nhà Bè. Sông có chiều dài 256 km
với lưu lượng trung bình khoảng 54 m3/sec (1,7 tỉ m3/năm)
[8]. Nguồn nước sông Sài Gòn đã được
khai thác gần hết – sau khi hồ Dầu Tiếng, với dung tích 1,58 tỉ m3 [9],
được hoàn tất vào năm 1984, để dẫn tưới 93.000 hectares đất nông nghiệp trong
tỉnh Tây Ninh và Long An, hạn chế xâm nhập mặn, và cung cấp nước cho nhà máy
nước Hóc Môn ở thành phố Hố Chí Minh [10]; do đó, nguồn nước sông Sài Gòn không
thể dùng cho các dự án khác.
Hồ Dầu Tiếng. [Ảnh: Wikipedia]
Sông Bé bắt nguồn từ tỉnh Dak Nong và chảy qua các tỉnh Bình
Phước, Bình Dương và Đồng Nai trước khi đổ vào sông Đồng Nai ở Trị An. Sông có chiều dài 350 km với lưu lượng trung
bình khoảng 250 m3/sec (7,9 tỉ m3/năm) [11]. Nguồn nước của sông Bé cũng đã được khai thác
với nhiều đập thủy điện được xây ở thượng nguồn (Cần Đơn, Thác Mơ, Sok Phu
Miêng) và các đập dâng ở cuối nguồn (Phước Hòa, Suối Giai) để chuyển nước cho
nông nghiệp; đo đó, số lượng nước của sông Bé có thể sử dụng để chuyển về miền
Tây, nếu có, cũng rất hạn chế.
Đập thủy điện Trị An. [Ảnh: Báo Đồng Nai]
Sông Đồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên trong tỉnh Lâm
Đồng rồi chảy qua các tỉnh Dak Nong, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và thành
phố Hồ Chí Minh trước khi đổ vào sông Nhà Bè ở Nhà Bè. Sông có chiều dài 586 km [12] với lưu lượng
trung bình khoảng 613 m3/sec (19,3 tỉ m3/năm) [13]. Nguồn nước của sông Đồng Nai cũng đã được
khai thác với nhiều đập thủy điện được xây ở thượng nguồn (Đại Ninh, Đồng Nai
2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đồng Nai 5, Trị An).
Đập Trị An là đập cuối nguồn có lưu lượng chạy máy phát điện 880 m3/sec
[14]. Ngoài việc khai thác thủy điện,
nguồn nước sông Đồng Nai còn được dùng để cung cấp nước cho thành phố Biên Hòa
và nhà máy nước Thủ Đức của thành phố Hồ Chí Minh, và quan trọng hơn, ngăn chận
sự xâm nhập của nước mặn đến trạm bơm Hóa An của nhà máy nước Thủ Đức; đo đó,
số lượng nước của sông Đồng Nai có thể sử dụng để chuyển về miền Tây, nếu có,
cũng rất hạn chế.
Với diện tích đất canh tác lúa của ĐBSCL được ước tính vào
khoảng 1,7 triệu ha [15] và lượng nước cần thiết để để trồng 1 ha lúa được ước
tính khoảng 3.500 m3 [16], ĐBSCL sẽ cần khoảng 6 tỉ m3
nước để trồng một vụ lúa trong mùa khô.
Số nước nầy gần bằng số lượng nước xả xuống hạ lưu từ nhà máy thủy điện
Trị An trong 3 tháng (khoảng 6,8 tỉ m3). Vì lý do đó, việc sử dụng nước của sông Đồng
Nai, nguồn nước lớn nhất ở miền Đông, để chuyển về miền Tây không khả thi.
Phần kết luận
Trong một bài báo ở trong nước, GS TS Vũ Trọng Hồng, nguyên
Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, đề nghị chuyển nước từ miền Đông sang miền Tây bằng các
đường dẫn nước để cứu ĐBSCL. Đề nghị nầy
dựa trên các dự án chuyển nước trên thế giới để đưa nước từ nơi dư thừa đến nơi
thiếu hụt. Các dự án nầy gồm có dự án
chuyển nước nam bắc ở Trung Hoa; các dựa án nước tiểu bang California, dự án
chuyển nước sông Colorado, và dự án chuyển nước sông Owens trong tiểu bang
California và dự án chuyển nước sông Colorado trong tiểu bang Arizona ở Hoa Kỳ;
và dự án chuyển nước bắc nam ở Israel.
Có 3 nguồn nước đáng kể ở miền Đông có thể dùng để chuyển
nước về miền Tây, đó là sông Sài Gòn, sông Bé, và sông Đồng Nai. Tất cả các nguồn nước nầy đều đã được khai
thác để sản xuất thủy điện, cung cấp nước canh tác, và cung cấp nước uống, quan
trọng nhất là thành phố Biên Hòa và Hồ Chí Minh. Dựa trên đặc tính thủy học của các nguồn nước
và nhu cầu nước để trồng một vụ lúa trong mùa khô, chúng ta nhận thấy rằng việc
chuyển nước từ miền Đông về miền Tây để cứu ĐBSCL là không khả thi.
Sơ lược về tác giả
Tác giả nguyên là Kỹ sư Công chánh
Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của tiểu bang Florida và
California. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh
tại Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm
1972. Trưởng ty Kế hoạch, Ủy ban Quốc
gia Thủy lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn đến tháng 4 năm 1975. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh (1983) và Cao học
Thủy lợi (1985) tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ.
Chuyên viên Thủy học (Hydrlogist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward
County, Florida đến năm 1989. Từ năm
1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát Trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson
Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập
năm 1957 ở Los Angeles. Về hưu từ năm
2016.
Tài liệu tham khảo
[1] Thành
Luân. 26 tháng 3 năm 2020. “Chuyển nước từ miền Đông sang miền Tây để
cứu ĐBSCL”. Đất Việt. https://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/chuyen-nuoc-tu-mien-dong-sang-mien-tay-de-cuu-dbscl-3399158/?fbclid=IwAR3_XZ6UPAzg8P0TYEtzL41HRXEqoDleIzfyKerBBGDtItWvdmdwLxWxsRM
[2] Nguyễn
Minh Quang. Tháng 1 năm 2020. “Dự án
chuyển nước nam-bắc của Trung Hoa có ảnh hưởng đến Mekong hay không?” Mekong-Củu
Long blogspot. https://mekong-cuulong.blogspot.com/2020/02/du-chuyen-nuoc-nam-bac-cua-trung-hoa-co.html
[3] Wikipedia. 25 March 2020. “California State Water Project.” Wikipedia. https://en.wikipedia.org/wiki/California_State_Water_Project
[4] Wikipedia.
8 March 2020. “Colorado River Aqueduct.”
Wikipedia. https://en.wikipedia.org/wiki/Colorado_River_Aqueduct
[5] Wikipedia. 19 March 2020. “Los Angeles Aqueduct.” Wikipedia. https://en.wikipedia.org/wiki/Los_Angeles_Aqueduct
[6] CAP-Arizona
Central Project. No date. “Background & History” Arizona
Central Project. https://www.cap-az.com/about-us/background
[7] Wikipedia. 25 September 2019. “National Water Carrier of
Israel.” Wikipedia. https://en.wikipedia.org/wiki/National_Water_Carrier_of_Israel
[8] Wikipedia.
20 tháng 3 năm 2020. “Sông Sài Gòn.” Wikipedia. https://vi.wikipedia.org/wiki/Sông_Sài_Gòn
[9] Wikipedia.
16 tháng 3 năm 2020. “Hồ Dầu
Tiếng.” Wikipedia. https://vi.wikipedia.org/wiki/Hồ_Dầu_Tiếng
[10] VNTrip.vn. 8 tháng 5 năm 2018. “Ghé thăm hồ Dầu Tiếng –
hồ nhân tạo ‘lớn nhất’ Việt Nam.” VNTrip.vn. https://www.vntrip.vn/cam-nang/ho-dau-tieng-tay-ninh-67540
[11] Wikipedia. 14 tháng 2 năm 2020. “Sông Bé.”
Wikipedia. https://vi.wikipedia.org/wiki/Sông_Bé
[12] Wikipedia. 13 tháng 3 năm 2020. “Sông Đồng Nai.” Wikipedia. https://vi.wikipedia.org/wiki/Sông_Đồng_Nai
[13] Julien
Nemery, et al. 2018. “Water, sediment and nutrients fluxes in the
Saigon Dong Nai Rivers (Vietnam).” I.S. Rivers. https://www.graie.org/ISRivers/docs/papers/2018/1P116-112NEM.pdf
[14] Wikipedia. 1 tháng 12 năm 2019. “Nhà máy thủy điện Trị
An.” Wikipedia. https://vi.wikipedia.org/wiki/Nhà_máy_thủy_điện_Trị_An
[15] Cao
Phong. 18 tháng 3 năm 2016. “Tính toán việc trồng lúa ở ĐBSCL.” Sài Gòn
Giải Phóng. https://www.sggp.org.vn/tinh-toan-viec-trong-lua-o-dbscl-255058.html
[16] Igor
Kossov. 26 January 2016. “Mekong diversion under way in
Thailand.” Phnom Penh Post. https://www.phnompenhpost.com/national/mekong-diversion-under-way-thailand
No comments:
Post a Comment