Monday, April 6, 2020

Brian Eyler - Những ngày cuối cùng của Dòng MeKong vĩ đại


“Last Days of the Mighty Mekong” by Brian Eyler


Người dịch: Kiền Phước Nguyễn Tấn


Khởi công đường sắt Côn Minh-Vientiane

"I hope that the concept of connectivity has the most sticking power with readers. Connectivity is a way to think about the river as a system linked from its tributaries to its mainstream to the land surrounding it and to the ocean. With connectivity as a starting point for thinking about how to manage and conserve a river system, environmental flows come to the forefront of any discussion. Connectivity is not just a way to think about the Mekong but also a highly effective paradigm for thinking about conserving the world’s rivers regardless of their size."

Brian Eyler

CÓ MỘT NƯỚC LÀO BỊ “TRUNG QUỐC HÓA” VÀ THAM VỌNG LÀ “BÌNH ĐIỆN CỦA CHẤU Á”


Cố đô Luang Prabang của Lào ở trung tâm Bắc Lào, nằm trên một bán đảo nhỏ hợp lại bởi dòng Mekong và 1 phụ lưu tên Nam Khan.

LUANG PRABANG VÀ TRUNG QUỐC

Thành phố này được coi là di tích được bảo tồn tốt nhất châu Á và với dân số vỏn vẹn chỉ 50,000 người, Luang Prabang có dáng dấp của 1 thị trấn yên bình như đã bị (được ?) thời gian và sự hiện đại bỏ quên. Dưới bóng râm tán cọ là các ngôi chùa cổ, các dãy nhà gỗ tếch truyền thống của Lào và những khu biệt thự phong cách Pháp. Phần lớn du khách đến đây bằng thuyền từ Tam Giác Vàng, hoặc đáp xuống đường băng duy nhất ở sân bay gần đó.

Luang Prabang luôn là thiên đường của giới thực khách sành điệu tìm kiếm món bánh sừng trâu (croissant) hoàn mỹ tại Le Banneton, quán cafe nhiều năm liền nằm trong danh sách hàng quán đứng đầu châu Á. Chiều chiều, người ta lại đổ về đỉnh núi Phousy ở trung tâm thành phố để ngắm mặt trời lặn, giữa mịt mờ sương khói ven sông. Sau hơn 20 năm được UNESCO xếp hạng di tích văn hoá thế giới, Luang Prabang vẫn giữ được vẻ đẹp của 1 viên bảo ngọc dưới bóng rừng già và núi non.

Vào một ngày đầu năm 2014, khi chợ đêm chuẩn bị dọn thì một đoàn hơn 10 chiếc xe hơi chở khách du lịch bấm còi inh ỏi muốn xuyên qua chợ để đến khách sạn. Đây là điều cấm kỵ tại Luang Prabang. À, thì ra đó là đoàn khách Trung Quốc. Họ đến đây ngày càng nhiều, đi đông và còi loa inh ỏi. Chính phủ Lào, năm 2013 phải ra 1 bộ quy cách ứng xử cho khách du lịch. Và đến 2015, du khách TQ vi phạm sẽ bị ghi vào điểm ...tín dụng xã hội của cá nhân. Ngày càng nhiều các chuyến bay thẳng từ các thành phố Trung Quốc đến đây.

LÀO ĐANG BỊ "TRUNG QUỐC HÓA" QUÁ NHANH NHƯ THẾ NÀO?

Vào tháng 01/2017, thủ tướng mới lên của Lào khi đó, ông Thongloun Sisoulith đã cho khởi công xây dựng hệ thống đường sắt dài 417 cây số nối liền Côn Minh - Vientiane. Dự án này vốn đã được đề xuất bởi phía Trung Quốc từ năm 2006, chi phí tới 6,2 tỷ USD (gần pân nửa GDP của Lào năm 2016), quá cao nên Lào không đủ sức. Nay thì đường sắt xây sắp xong, có 2 cây cầu băng ngang sông Mekong, trong đó có ột cây cầu nằm trên TP Luang Prabang). Năm 2016, chính phủ Lào thỏa thuận được với TQ, bắt đầu khởi công đường sắt, chính phủ Trung Quốc đồng ý chi trả phần lớn dự án và cho Lào vay 450 triệu USD, đổi lấy 5 mỏ kali. (PS của người dịch: Các chuyên gia bình luận, đó là chi phí để thu hút Lào tham gia chương trình “Vành đai, con đường của TQ).

Nhiều đồng nghiệp của tôi cho rằng giờ đây Lào bị Trung Quốc hoá quá nhanh, đặc biệt với dự án đường sắt này. Hơn 50,000 nhân công Trung Quốc đã đến Lào để tiến hành xây dựng; con số đáng kể so với dân số chỉ 7 triệu người của nước này. Ở nhiều thành phố phía Bắc Lào, nhân công Trung Quốc chiếm đến 10-20% tổng dân số. Người Trung Quốc đến Lào không chỉ để xây dựng mà còn để sinh sống: họ đã phá rất nhiều rừng, lập nhiều đồn điền để trồng chuối, dưa hấu và sắn, gửi nông sản về TQ. Nhân sự Trung Quốc đến Lào được phân bổ về các mỏ khoáng sản và hơn 40 dự án đập thuỷ điện do nước này đầu tư ở phía Bắc Vientiane. Năm 2017, khi được hỏi, kỹ sư trưởng quản lý 7 đập thuỷ điện ở sông Nam Ou, 1 phụ lưu quan trọng của Mekong, cho biết công nhân Trung Quốc chăm chỉ hơn, và lương thấp hơn người bản địa.

Điều không thể tránh khỏi chính là sự hoà nhập để đồng hoá người Lào của Trung Quốc. Giờ đây, nhiều nhóm việc làm đều được giao cho người Trung Quốc, từ cơ khí điện máy đến dịch vụ. Không ít người Trung Quốc, ở các thị trấn như Luang Namtha, Huayxai, và Luang Prabang đều đã sống lâu năm ở Lào, lấy vợ, sinh con và lập nghiệp luôn.

LÀO VỚI LỊCH SỬ CHIA NĂM XẺ BẢY

Với sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, chúng ta cần nhìn lại lịch sử lập quốc của Lào. Từ xa xưa, Lào gắn bó với 2 nước Thái Lan và Việt Nam, 2 nước láng giềng. Các tỉnh trung Lào mọc lên đầy rẫy các đặc khu kinh tế của Thái. Còn cao nguyên Bolaven ở Nam Lào thì có nhiều đồn điền cà phê của Việt Nam. Ở Atteupeu, thủ phủ Nam Lào, có nhiều hàng quán của người Việt.

Lịch sử ngày nay của Lào thường được kể về sự thành lập của vương quốc Lan Xang từ thế kỷ 14, bởi đại đế (great king) Fa Ngum, người đã thống nhất Bắc Lào và đặt thủ đô tại Luang Prabang. Ông cũng là người mang Phật giáo Nam Tông (Theravada Buddhism), đặt làm nền móng cho bản sắc văn hoá nước này. Trai qua hơn 2 thế kỷ thịnh vượng, thì đến thế kỷ 16, dưới áp lực xâm lược của Myanmar, vương triều Lan Xang phải dời thủ đô về Vientiane. Đến thế kỷ 17 thì vương quốc này bị chia làm 3 phần: Luang Prabang phía Bắc, Vientiane ở trung tâm và Champasak ở miền Nam (2 tỉnh này về sau bị đế chế Xiêm La thôn tính luôn). Người Pháp đô hộ Lào từ 1860 đến 1953 và giai đoạn này bị xem là những năm tháng đáng quên (period of ignorance) do người Lào lúc đó được coi là nô lệ, mất đi bản sắc dân tộc. Người Lào cũng giành được độc lập năm 1975.

Người Pháp khi đặt chân đến đây đã chia Việt Nam làm 3 kỳ và biến Lào thành vùng đệm, cản sự bành trướng của người Anh từ Myanmar tràn qua. Logic của họ là Lào khi đó đã thần phục triều đình Huế → triều đình Huế thần phục người Pháp → Lào phải thần phục người Pháp. Người Pháp với ý đồ chính trị theo logic này, đã thuê các chuyên gia bản đồ vẽ lại phạm vi quyền lực Pháp Đông Dương, bao gồm diện tích triều đình Huế và các “chư hầu” liên quan. Kết quả là bản đồ này bao trùm toàn bộ lãnh thổ Lào ở phía Đông Mekong, vùng Isaan và cao nguyên Khorat. (Và để đáp trả, người Thái thuê phe người Anh vẽ bản đồ trùm lên toàn bộ khu vực Mekong ở đây, tính luôn Lào và trải dài tới các dãy núi An Nam).

(Note của người dịch: Người Pháp giải quyết tranh chấp bằng cách đem thuỷ quân chặn ngay sông Chao Phraya ở Bangkok, cắt con đường thông thương của người Xiêm. Thế là người Xiêm phải đồng ý giao lại toàn bộ lãnh thổ phía Đông Mekong cho người Pháp).

Trong 5 thập kỷ tiếp theo, để củng cố sức ảnh hưởng, người Pháp đã cho viết lại lịch sử nước này. Giờ đây, lịch sử Lào ghi nhận công lao to lớn của quốc vuong Fa Ngum, người được coi là đã thống nhất toàn cõi Lào. Người Pháp cũng áp đặt rằng sự sụp đổ của vương quốc Lan Xang là do đấu đá nội bộ chứ không phải do ảnh hưởng bên ngoài.

Chính vì lịch sử phức tạp như vậy, cho nên Lào, dù hoàn toàn đủ tư cách là 1 quốc gia độc lập, các vùng lãnh thổ lân cận nước này luôn vướng nhiều tranh cãi về chủ quyền. Từ những năm đầu thế kỷ 20, do dân số Lào ít ỏi, người Pháp đã khuyến khích người Việt Nam sang Lào sống. Để minh chứng cho điều đó, báo cáo dân số năm 1937 tại Vientiane cho thấy có 12,400 người Việt Nam và chỉ 9,570 người Lào tại thủ đô. Và người Việt Nam đã sống lâu năm ở Lào và tình bạn 2 nước đến nay vẫn tương đối vững vàng.

Bước vào thế kỷ 20, Thái Lan vẫn không ngừng tìm cách lấy lại nước Lào bị “thất lạc” (lost Laos). Vào những năm 1920, người Thái mở rộng hệ thống đường sắt lên phương Bắc, về phía Chiang Mai và cao nguyên Khorat phía Tây. Nhờ hệ thống đường sắt đó mà ảnh hưởng về kinh tế và quân sự của người Thái lên Lào mạnh mẽ hơn (khi đó để đi từ Sài Gòn đến Luang Prabang mất từ 3-4 tháng, trong khi đi từ Bangkok chỉ mất vài tuần).

Hệ thống đường sắt nối Trung Quốc và Lào, lại thể hiện tham vọng sâu xa của TQ để cũng cố quyền lực của họ tại Lào. Vì nếu thật sự chỉ muốn nối Hoa-Lào, thì có 1 tuyến đường ngắn hơn nhiều: đi thẳng qua Chiang Rai, băng qua Tam Gíac Vàng để đến Lào (ngắn hơn 300 cây số so với đường sắt hiện nay). Trung Quốc muốn kiểm soát kinh tế thương mại và các giá trị văn hoá lên vùng Bắc Lào, cắm rễ sự hiện diện tại khu vực này sâu sắc hơn.

Bản đồ đường sắt Côn Minh-Vientiane


CÁC CON ĐẬP ẢNH HƯỞNG TỚI LÀO NHƯ THẾ NÀO?

Trong những lần quay lại Lào, chúng tôi tập trung tìm hiểu về quá trình xây dựng các con đập và ảnh hưởng của chúng lên đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Đương nhiên, các công ty thầu việc xây dựng đập luôn cường điệu tính hiệu quả của quá trình tái định cư các cộng đồng sống quanh đập. Và hầu hết đều không đúng sự thật.

Vài năm trước, 1 người bạn của tôi tại Côn Minh sau khi trở về từ Bắc Lào đã cho xem những tấm hình người dân tộc thiểu số mặc trang phục sặc sỡ đứng trước con đập thuỷ điện mới xây trên sông Nam Ou. Nam Ou, dài 350 cây số, là phụ lưu dài nhất của dòng Mekong, chảy qua vùng núi rừng đá vôi, cắt ngang các tỉnh Phongsaly và Luang Prabang. Đầu nguồn Nam Ou nằm ngay biên giới với Trung Quốc. Vào thời điểm đó có rất ít thông tin về con đập này. Vì vậy tháng 02/2016, tôi đến đây. Có đi thực địa, mới thấy rõ, môi trường sống tại những khu tái định cư này đều rất tệ. Ngôi làng chúng tôi đến thăm có khoản 100 ngôi nhà lớn với gạch ngói đỏ. Vừa dừng xe, một nhóm dân làng, được dẫn đầu bởi một người phụ nữ trung niên đến phàn nàn cùng chúng tôi. Theo họ, công ty thuỷ điện hứa đền bù khoản tiền đủ để người dân sinh sống 2 năm trong quá trình tái định cư. Nhưng hiện tại họ chỉ nhận được 6 tháng tiền và công ty kia đã phủi tay đi. Với số tiền ít ỏi đó, người dân quá khổ. Đất được dùng làm khu tái định cư là đất cứng, không canh tác được. Để canh tác, họ phải đi nhiều giờ để quay lại ruộng đất tại làng cũ (khi đến nơi thì trời đã sang trưa và họ chỉ có thể làm việc vài tiếng là phải trở về nên mùa màng không được ai trông coi). Người Lào vẫn áp dụng mô hình nương rẫy; nhưng chính phủ Lào không công nhận mô hình này nên đất canh tác không nằm trong gói đền bù. Giờ đây, để canh tác, người dân nơi đây phải đi thuê ruộng của làng bên, và do không có thu nhập nên hơn một nửa dân làng đã lâm cảnh nợ nần. Nhiều người bỏ làng đi. Tỉ lệ người già chết cao hơn, trẻ em suy dinh dưỡng nhiều hơn... Với việc kiểm soát nghiêm ngặt về tuyên truyền của Lào, chúng tôi bất ngờ trước việc bà con nơi đây thoải mái nói chuyện với người lạ. Nhưng rồi mọi người chia sẻ, 18 tháng sống ở đây chẳng có nhân viên công quyền nào đến, mà chỉ có các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền mà thôi. Cuối cùng tôi hiểu rằng chính quyền địa phương đã ăn chặn tiền đền bù của họ.

Cũng có (hiếm hoi) làng tái định may mắn hơn: Dự án đền bù cho 2,000 người dân ở đập thuỷ điện Xayaburi lại được đền bù tương xứng và đúng thời hạn. Có thể do đây là dự án trung ương, bị soi mói nhiều và chính phủ Lào luôn “khoe khoang” về thành tích này.

Ở Lào và quanh vùng Mekong, không khó để tìm thấy các dự án được đền bù tệ hại. Vào đầu những năm 2000, chính phủ Lào mở chương trình tái định cư do Liên Hiệp Quốc (UN) tài trợ để phá bỏ các khu á phiện ở cao nguyên nước này. Việc di dời cộng đồng người Hmong đang sinh sống ở đỉnh núi xuống sườn núi, do bị thiếu sinh kế, tỷ lệ tử vong của họ tăng gấp 4 so với trước đó.

Các kế hoạch tái định cư dân tộc thiểu số về đồng bằng của chính phủ Lào được xem phục vụ cho 3 mục đích: (1) giảm tỉ lệ đói nghèo bằng cách giảm thiểu các hoạt động sản xuất không đóng góp vào nền kinh tế tiền mặt (dân miền núi sống dựa trên sản vật rừng và kiếm ít tiền mặt nhưng sống rất ổn); (2) xoá bỏ các cộng đồng ngoại vi để đồng bộ văn hoá miền núi với văn hoá đồng bằng; và (3) xoá bỏ việc canh tác nương rẫy vì lo sợ ảnh hưởng đến việc quản lý đất nước. Tuy nhiên, vào 2005, 50% người Lào vẫn sống nhờ nương rẫy. Những nỗ lực tái định cư sẽ chỉ thành công nếu chính phủ có kế hoạch kiếm sống rõ ràng cho dân làng, nhưng Lào đơn giản là thiếu đất đồng bằng đủ màu mỡ để canh tác. Nên nước này lâm vào nghịch lý, như nhà địa lý học Jonathan Rigg mô tả: quốc gia ít dân nhất Châu Á mà lại thiếu đất sống. Ngoài ra, khi dân miền núi đã bị đẩy về đồng bằng, thì giờ đây, gần như toàn bộ hầm mỏ và tài nguyên gỗ nước này đều bị quản lý bởi các công ty nước ngoài. Người dân thiểu số bị buộc phải làm việc tại các đồn điền hay cho các con đập do Trung Quốc xây dựng.

Chính phủ Lào có kế hoạch xây dựng 140 con đập trải khắp lưu vực sông Mekong trong biên giới nước này. Và điều này đồng nghĩa họ đánh đổi những nguồn tài nguyên thiên nhiên cho điện năng mà các con đập mang lại. Vào thời điểm quyển sách này xuất bản đã có 50 con đập thuỷ điện đang được thi công. Tình trạng chỉ có 3 con đập được xây ở nhánh sông chính, Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng, thì tất cả các con đập khác sẽ làm ngập cao nguyên của Lào. Đối với chính phủ thì việc này tốt vì giúp đẩy dân tộc thiểu số về đồng bằng. Địa thế Lào ở trên cao, nên việc xây đập là biện pháp duy nhất để đẩy lùi kế hoạch lấn chiếm mà vẫn thoả mãn nhu cầu của các quốc gia láng giềng. Còn tái định cư chỉ ảnh hưởng tới dân tộc thiểu số nên chỉ là vấn đề không đáng kể.

Thay vì xây dựng nước mình thành thiên đường du lịch với vô vàn cảnh đẹp cùng các phế tích văn hoá. Thì hiện nay, chiến lược quốc gia của Lào là trở thành “bình ắc quy của Đông Nam Á” (battery of Southeast Asia), bán điện cho các nước láng giềng phát triển hơn khi Campuchia và Myanmar cũng sẽ xây đập để thắp sáng nông thôn của họ. Nhưng sau hơn 10 năm thực hiện, các nhà môi trường đã nêu câu hỏi, Lào có tiếp tục phớt lờ các ảnh hưởng sinh thái nghiêm trọng của việc xây đập đang xảy ra ở cả Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đây là nghịch cảnh không lối thoát của quốc gia này.

Brian Eyler

Người dịch: Kiền Phước Nguyễn Tấn
Chương 7: Có 1 hạ nguồn Mekong đầy đập thuỷ điện

(FB Vũ Kim Hạnh)


No comments:

Post a Comment