Sunday, April 12, 2020

NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI NỔI CÓ KHẢ NĂNG ĐỂ CỨU NGUY CHO SÔNG MEKONG VÀ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG HAY KHÔNG?



 Nguyễn Minh Quang
10 tháng 4 năm 2020

Nhà máy năng lượng mặt trời nổi lớn nhất thế giới ở Trung Hoa (1) 


Phần dẫn nhập

Đặt các tấm quang điện trên mặt nước, thay vì trên mặt đất, không phải là một khái niệm mới mẽ.  Nó đã được thực hiện nhiều năm nay ở nhiều nơi trên thế giới, với một nhà máy năng lượng mặt trời nổi lớn nhất từ trước cho đến nay bắt đầu hoạt động từ tháng 5 năm 2017.  Nhà máy nầy được công ty Sungrow của Trung Hoa xây dựng trên mặt hồ nước của một mỏ than cũ ở Huainan (Hoài Nam), tỉnh Anhui (An Huy), với công suất 40 MW [1].

Khái niệm nầy được gợi ý cho hồ chứa nước của đập Nam Ngum để thay thế thủy điện sông Mekong ở Lào [2] và hồ Tonle Sap ở Cambodia để cứu nguy Mekong [3].  Tuy nhiên, ý kiến nầy không được sự quan tâm của dư luận cho đến khi Đài Á Châu Tự do (Radia Free Asia (RFA)) phát thanh cuộc phỏng vấn với Kỹ sư (KS) Phạm Phan Long, người đưa ra ý kiến nầy, vào ngày 13 tháng 3 năm 2020 [4].  Có lẽ nhờ đề cập đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cuộc phỏng vấn rất được chú ý, đặc biệt là ở trong nước, và được trích đăng trên nhiều tờ báo [5-7].

Nhưng năng lượng mặt trời nổi có khả năng để cứu nguy cho sông Mekong và ĐBSCL hay không?  Bài viết nầy sẽ tìm hiểu để trả lời câu hỏi nầy.

Lịch sử của năng lượng mặt trời nổi

Năng lượng mặt trời nổi được đăng ký đầu tiên ở Italy trong tháng 2 năm 2008 [8].  Đến năm 2016, có khoảng 70 nhà máy năng lượng mặt trời nổi được xây dựng với tổng công suất thiết trí 211 MW, thay đổi từ 706 KW đến 20 MW.  Nhật Bản là quốc gia hàng đầu, chiếm 71% tổng công suất thiết trí.  Nam Triều Tiên đứng hàng thứ hai với 10% số nhà máy hàng đầu của thế giới.  Số nhà máy còn lại nằm trong các quốc gia Trung Hoa, Anh, Đài Loan và Belgium.  Trong 3 năm qua, có trên 100 nhà máy bắt đầu hoạt động.  Vào tháng 6 năm 2017, Ciel & Terre, một công ty chuyên về năng lượng mặt trời nổi của Pháp, bắt đầu xây một nhà máy năng lượng mặt trời nổi có công suất 70 MW trong tỉnh Anhui, Trung Hoa cho Tập đoàn Bảo vệ Môi trường và Bảo tồn Năng lượng Trung Hoa (China Energy Conservation and Environmental Protection Group (CECEP)) được dự kiến hoạt động trong năm 2018 [9].   

Khuyết điểm của năng lượng mặt trời nổi

Mặc dù có vài ưu điểm so với năng lượng mặt trời trên mặt đất như không làm thất thoát đất có giá trị, tấm quang điện cho hiệu suất cao hơn, và làm giảm mức bốc hơi và rong tảo; nó lại tốn kém hơn vì cần có các dụng cụ đặc biệt và kiến thức chuyên môn và chỉ thích hợp cho các công ty tiện ích, các cộng đồng và khu đô thị lớn [10].

Ngoài các khuyết điểm nêu trên, năng lượng mặt trời nổi còn vấp phải những khuyết điểm chung của năng lượng tái tạo.  Khuyết điểm lớn nhất là không ổn định mà thay đổi theo thời tiết, công suất của năng lượng mặt trời là số 0 vào ban đêm và gần số 0 trong những ngày nhiều mây hay nhiều mưa.  Khuyết điểm thứ hai là có hiệu suất rất thấp, thường không quá 20%. [11]  Một khuyết điểm khác cũng không kém phần quan trọng, đó là không thể kiểm soát công suất theo ý muốn như năng lượng hóa thạch.

Khả năng thay thế thủy điện trên sông Mekong

Theo đề án của KS Phạm Phan Long, một nhà máy điện mặt trời nổi có công suất thiết trí 11.400 MW sẽ được xây trên mặt hồ Nam Ngum [2], “đủ để thay thế cho các đập thủy điện Pak Beng, Pak Lay và cả Luang Prabang” ở Lào.  Các đập thủy điện nầy có công suất thiết trí tổng cộng là 3.432 MW với sản lượng điện hàng năm được ước tính là 15.598 GWh [12].  Tuy nhiên, nếu hiệu suất tối ưu của năng lượng mặt trời là 20% được áp dụng, công suất thực sự của nhà máy điện mặt trời nổi trên hồ Nam Ngum do KS Phạm Phan Long đề nghị chỉ còn 2.280 MW, thấp hơn công suất tổng cộng của các đập thủy điện Pak Beng, Pak Lay và Luang Prabang.  Vì thế, năng lượng mặt trời nổi không có khả năng để thay thế cho thủy điện trên dòng chánh Mekong ở Lào.

Về đề án năng lượng mặt trời nổi trên hồ Tonle Sap, KS Phạm Phan Long đề nghị một nhà máy điện mặt trời nổi có công suất thiết trí 28.400 MW để thay thế cho đập thủy điện Stung Treng (980 MW) và Sambor (2.600 MW) trên dòng chánh Mekong ở Cambodia [3].  Tuy nhiên, KS Phạm Phan Long không cho biết nhà máy điện mặt trời nổi trên hồ Tonle Sap sẽ chiếm bao nhiêu diện tích.  Nếu dựa theo diện tích của nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất trên thế giới hiện nay ở Huainan (Hoài Nam), Trung Hoa, có công suất 40 MW và chiếm 0,8 km2 [1], diện tích của nhà máy điện mặt trời nổi trên hồ Tonle Sap do KS Phạm Phan Long đề nghị có thể chiếm một diện tích lên đến 560 km2.  Với diện tích bao la như thế, việc vận hành và bảo trì chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn và tốn kém và ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của nhà máy.  Mặc dù nhà máy điện mặt trời nổi trên hồ Tonle Sap có đủ công suất để thay thế cho đập Stung Treng và Sambor, tính khả thi của nó vẫn còn nhiều nghi vấn.

Khả năng cứu nguy ĐBSCL

Khi được đài RFA hỏi liệu ĐBSCL có được “giải cứu” qua các dự án “năng lượng mặt trời nổi” hay không, KS Phạm Phan Long cho biết, nếu các chánh phủ Lào và Cambodia hợp tác và từ bỏ tất cả các đập thủy điện dự tính trên sông Mekong, thì châu thổ Tonle Sap và ĐBSCL sẽ được giải cứu mà không cho biết giải cứu như thế nào, ngoại việc “hù dọa” rằng “… vựa lúa và ao cá của dân tộc đã lâm nguy nay trở thành vùng đất đói phù sa thừa phèn, thiếu nước sạch, thừa nước bẩn, thiếu nước ngọt thừa nước mặn, sụt lún dần” [4].

Nhưng các đập thủy điện trên dòng chánh Mekong không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu nước sạch, xâm nhập của nước mặn và sụt lún hay sạt lở đất ở ĐBSCL.  Đây là những vấn đề cục bộ của ĐBSCL vì không thể kiểm soát lượng nước thải đổ thẳng ra sông rạch, không duy trì lưu lượng thích hợp để ngăn chận nước biển xâm nhập, và khai thác cát và nước ngầm bừa bãi.  Các đập trên dòng chánh Mekong là loại đập dòng chảy (run-of-the-river), chỉ dùng dòng chảy tự nhiên của sông ở vị trí đập chứ không có hồ chứa nước.  Tất cả sổ nước chảy đến đập đều được xả ngay xuống hạ lưu qua các máy phát điện hay cửa xả lũ; do đó, các đập nầy có ảnh hưởng không đáng kể, hay có rất ít ảnh hưởng, đến tình trạng thủy học và phù sa chảy vào ĐBSCL.

Phần kết luận

Trong thời gian gần đây, dư luận chú ý đến cuộc phỏng vấn KS Phạm Phan Long được phát thanh trên đài RFA và trích đăng trên nhiều tờ báo ở trong nước.  Trong cuộc phỏng vấn, KS Phạm Phan Long cho biết ông đã nghiên cứu kỹ thuật và kinh tế về tính khả thi của 2 đề án điện mặt trời nổi trên hồ Nam Ngum ở Lào (11.400 MW) và hồ Tonle Sap ở Cambodia (28.400 MW) để thay thế cho các đập thủy điện trên dòng chánh hạ lưu Mekong và giải cứu châu thổ Tonle Sap và ĐBSCL.

Nhưng đề án điện mặt trời nổi do KS Phạm Phan Long đề nghị trên hồ Nam Ngum thì quá nhỏ nên không đủ công suất để thay thế cho tất cả các đập thủy điện trên dòng chánh Mekong ở Lào.  Ngược lại, đề án điện mặt trời nổi được đề nghị  trên hồ Tonle Sap ở Cambodia thì quá rộng lớn, có thể chiếm 1 diện tích lên đến 560 km2, nên tính khả thi kinh tế của nó vẫn còn trong vòng nghi vấn.  Ngoài ra, và có lẽ quan trọng hơn, đề án mặt trời nổi còn vấp phải những khuyết điểm chung của năng lượng tái tạo như không ổn định mà thay đổi theo thời tiết, hiệu suất thấp, và không thể kiểm soát theo ý muốn.

Qua các phân tích đó, chúng ta có thể kết luận rằng năng lượng mặt trời nổi trên hồ Nam Ngum và Tonle Sap không thể - và không cần thiết để - cứu nguy cho sông Mekong và ĐBSCL.

Tài liệu tham khảo

[1]       Planete Energies. No date. “Huainan: Largest Floating Solar Farm in the World.”  Planete Energies. https://www.planete-energies.com/en/medias/close/huainan-largest-floating-solar-farm-world
[2]       Long P. Pham, P.E..  November 1, 2019. “Can Nam Ngum solar replace Mekong hydro in Laos?”  PV-Magazinehttps://www.pv-magazine.com/2019/11/01/can-nam-ngum-solar-replace-mekong-hydro-in-laos/
[3]       Long P. Pham, P.E.. December 3, 2019. “How solar could save the Mekong.”  PV-Magazine.  https://www.pv-magazine.com/2019/12/03/how-solar-could-save-the-mekong/
[4]       RFA. March 13, 2020.  “’Năng lượng mặt trời nổi’ cứu nguy cho sông Mekong và đồng bằng sông Cửu Long.”  RFA. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/floating-solar-with-storage-could-rescue-the-mekong-river-n-delta-03132020102654.html
[5]       RFA. 14 tháng 3 năm 2020.  “Năng lượng mặt trời nổi cứu nguy cho sông Mekong và đồng bằng sông Cửu Long.”  Tiếng Dânhttps://baotiengdan.com/2020/03/14/nang-luong-mat-troi-noi-cuu-nguy-cho-song-mekong-va-dong-bang-song-cuu-long/
[6]       RFA. Không có ngày.  “Năng lượng mặt trời nổi cứu nguy cho sông Mekong và đồng bằng sông Cửu Long.”  Văn Việt. https://vandoanviet.blogspot.com/2020/03/nang-luong-mat-troi-noi-cuu-nguy-cho.html
[7]       RFA.  March 14, 2020. “Năng lượng mặt trời nổi cứu nguy cho sông Mekong và đồng bằng sông Cửu Long.”  Đất Việt. https://www.datviet.com/nang-luong-mat-troi-noi-cuu-nguy-cho-song-mekong-va-dong-bang-song-cuu-long/
[8]       Wikipedia. 27 December 2019.  “Floating solar.”  Wikipedia. https://en.wikipedia.org/wiki/Floating_solar
[9]       Solarplaza. April 19, 2018.  “Top 70 floating solar PV plants.”  Solar Asset Managementhttps://asia.solar-asset.management/news/top-70-floating-solar-pv-plants/
[10]     Kerry Thoubboron.  November 17, 2018.  “Floating solar: what you need to know.”  Energysagehttps://news.energysage.com/floating-solar-what-you-need-to-know/
[11]     Nadia Osman. May 19, 2015. “Top 7 Disadvantages of Solar Energy.”  UnderstandSolarhttps://understandsolar.com/advantages-vs-disadvantages-solar-power/
[12]     Wikipedia. 19 January 2020.  “Hydropower in the Mekong River Basin.”  Wikipediahttps://en.wikipedia.org/wiki/Hydropower_in_the_Mekong_River_Basin



No comments:

Post a Comment