Wednesday, May 4, 2016

TONLE SAP BIỂN HỒ... HAY TỪ BIỂN THÀNH HỒ - Phần 1: Làng nổi Kampong Chhnang


- Lymha viết riêng cho Blog Mekong-Cửu Long -
Photos by LymHa



Rời Phnom Penh ( thường gọi là Nam Vang) vào một buổi sáng tháng 4, thời tiết nóng bức. Vào năm 2013 thời tiết bình quân tại Phnom Penh ghi nhận vào tháng tư là 40.5 độ C (104.9 độ F). Thành phố nhộn nhịp chuẩn bị đón mừng năm mới, cờ xí, đèn màu giăng khắp các ngõ đường.
Phnom Penh tọa lạc ở vị trí Trung Nam Cambodia. Nơi hợp lưu của sông Tonle Sap (Biển Hồ) và sông Mekong.
Địa danh này xuất phát từ Wat Phnom Daun Penh (hay Wat Phnom, nghĩa là “Chùa trên đồi”) xây từ năm 1373 để thờ 5 pho tượng Phật.
Phnom Penh được chọn làm kinh đô của Cambodia từ thế kỷ 15 dưới triều vua Ponhea Yat Khi Angkor Thom thất trận trước cuộc xâm chiếm của Siam (Xiêm. Siam. Thái Lan ngày nay).
Theo hướng Tây Bắc trực chỉ tỉnh Kampong Chhnang. Mặt phía Tây của Tonle Sap, khỏang 40 Km cách Phnom Penh là Udong cố đô của Cambodia từ năm 1618 đến năm 1866. Năm 1866 vua Norodom cho thiên đô về Phom Penh cho tới ngày nay.
Udong ngày nay là một huyện của tỉnh Kampong Speu. 


Những di tích còn lại của cố đô Udong




Huyện Kampong Tralach là một huyện của tỉnh Kampong Chhnang, nơi có một ngôi cổ tự được xây dựng từ năm 1672.




Phía sau ngôi cổ tự này là một nhánh sông từ Tonle Sap chảy qua từ hướng Bắc-Nam




Một cảm giác rộn ràng sau dặm đường gần 100Km và nhìn thấy được dòng sông chảy từ Tonle Sap. Vì con sông nằm sau ngôi cổ tự, nên không khí thật tĩnh lặng, không nhộn nhịp ghe thuyền, người giăng câu. Một chiếc thuyền độc mộc nằm trơ trọi nơi bến đò, giữa trưa tháng  4, trời hiu nắt, bỗng nhiên một cảm giác thật cô đơn như chiếc thuyền con, từ đây mon men theo những dòng sông nhánh của Tonle Sap đi về đầu nguồn Biển Hồ.
Rời ngôi cổ tự, thẳng đường đến Kampong Chhnang, nơi có làng nổi  Kadal là điểm du lịch thu hút khách ngoại quốc đến đây bằng xe buýt hoặc bằng thuyền từ Phnom Penh.
Ngày nay nhánh sông từ Tonle Sap cạn kiệt, không thể đi bằng thuyền từ Phnom Penh tới được, làng nổi không còn là điểm hấp dẫn khách du lịch, hàng quán, chợ, nhà trọ, khách sạn chung quanh thị trấn tiêu điều...Vài đoàn du lịch đến đây với một tâm trạng chán nản nhìn dòng sông cạn, du khách lại có dịp đi bên bờ sông cạn nước để bước lên thuyền. Kampong Chhnang cách thủ đô Phnom Penh 91 Km.

Ngôi thánh đường “lẻ loi” chung quanh một đất nước với những đền, chùa…

Bến đò Kampong Chhnang với dòng sông cạn nuớc…ngày nay

Bến đò Kampong Chhnang ngày xưa

Du khách đi bộ bên bờ sông sông khô nước để lên thuyền…

Hai bên bờ sông phơi mình toàn rác….

Địa điểm du lịch ngày xưa, nay trông tiêu điều…

Xuống thuyền bằng bậc tam cấp hun hút....hết bậc tam cấp 
lại còn phải đi thêm một đọan ...trên đất của sông!






Bên kia sông “ bờ đông” căn nhà sàn trơ trọi

Làng nổi Kampong Chhnang ngày xưa


Rời Kampong Chhnang với một nỗi buồn man mác, trời hừng hực nắng. Hai bên đường là những cửa hàng bán sản phẩm gốm. Kampong Chhnang còn có nghĩa còn là  “Port Of Pottery” là một tỉnh nổi tiếng với đồ gốm đất sét. Tên của tỉnh nói lên tất cả bằng tiếng Khmer: Kampong Chhnang có nghĩa là "cảng gốm". Những người dân của tỉnh này thích tạo ra chậu, lọ và các loại khác nhau của đồ gốm khi thời gian rảnh rỗi sau mùa thu hoạch.



Kampong Channang là một tỉnh nhỏ, 91 km (57 dặm) từ Phnom Penh. Đó là đồng bằng phù sa của miền Trung Campuchia và là đường thoát nước của Tonle Sap, là một hợp lưu với sông Mê Kông từ hợp lưu này, sông Mekong xuôi Nam trở thành sông Mẹ Cửu Long khi dòng chảy đi vào lãnh thổ của Việt Nam.
Kampong Chhnang nhiều thế kỷ trước là một thành phố ven biển trên các tuyến đường giữa Trung Quốc và Ấn Độ; do trầm tích từ sông Cửu Long, đường bờ biển di chuyển xa hơn ra biển. Khi sông Tonle Sap thay đổi dòng chảy của mình, thành phố bị mất nguồn nước chính của nó và do đó bị bỏ hoang, dân di chuyển đến một thành phố được gọi là Kampong Tralach.

 




Bamboo train và những cánh đồng khô bạt ngàn...
Đường quốc lộ số 5, từ Kampong Chhnang đến Battambang tương đối tốt, đường tráng nhựa hai bên đường nhà cửa và các “xóm nhà” nhỏ tuy đơn sơ không sầm uất nhưng cũng không tẻ lạt, thỉnh thoảng có những xóm nhà treo trước cửa những con khô đủ loại, từ khô cá lóc, khô mặn…có cả lạp xưởng, tất cả là những loại cá từ Tonle Sap.





Trên đường hướng về thành phố Battambang, người tài xế hỏi tôi có muốn ghé thăm ngôi làng có “Bamboo Train” không - tiếng Cambodia gọi là “Norry”. Tôi hỏi xa không, ông trả  lời là từ đường vào làng chừng 2-3 Km ... thì đi vào coi cho biết. Xe đi vào một ngõ rẽ và tiếp tục đến nơi có “trạm xe lửa được gọi là Bamboo Train”. Tôi có ý định là đi xe này để xem hai bên đường rầy xe lửa, những cánh đồng lúa của Cambodia, nơi đã đoạt danh hiệu gạo ngon nhất của thế giới liên tiếp 3 năm liền, nhất là của tỉnh Battambang vào mùa khô này thì như thế nào, nên tôi cũng háo hức muốn đi cho biết. O-Dambong cách Battambang chừng 4Km.
"...For the third straight year, the World Rice Conference has voted Cambodian rice as the world’s best. This year Cambodia shares the award with Thailand.
Cambodia produced just one percent of the world’s rice in 2012. It is trying to increase that amount. The award may help..."

Tạm dịch:
Đây là năm thứ ba, Hội lúa gạo thế giới đã bình chọn gạo Campuchia là gạo ngon nhất thế giới. Năm nay Campuchia chia sẻ giải thưởng này với Thái Lan.
Campuchia sản xuất chỉ là một phần trăm lượng gạo của thế giới vào năm 2012. Họ đang cố gắng để gia tăng số lượng. Giải thưởng này có thể hổ trợ cho ý định của họ.

Làng nhỏ nơi có đoạn xe Norry. Điểm xuất phát để đi đến một làng nhỏ cách đây chừng 20 Km.

Một chiếc máy nổ được gắn lên một chiếc khung làm đơn giản bằng tre và chạy bằng V-Belt



 Đây là vùng lúa gạo của Cambodia


Đã lâu không thấy cây gòn…

 

Hai bên đường xe lửa, ruộng đồng tuy khô nhưng đất không nứt nẻ..

Làng cuối đường - Bamboo Train sẽ quay trở lại


Cuối đường cách điểm xuất phát chừng 15 Km. Một làng nhỏ .

Trong những năm 1920, người Pháp bắt đầu xây dựng  đường xe lửa chạy 400 Miles (khoảng 640 Km) qua Campuchia trong hai phần chính: phần đầu tiên từ biên giới Thái Lan, qua Battambang, đến Phnom Penh; phần thứ hai từ Phnom Penh đến thành phố biển Sihanoukville ở phía nam. Các đường sắt rộng mét và được đưa vào sử dụng.


Những năm sau khi chế độ thực dân Pháp, kết thúc vào năm 1953, đường sắt bị hư hại không sử dụng được và người tự chế ra những chiếc xe Bambbo Train để di chuyển và chuyên chở hàng hóa ở những đoạn giao thông ngắn.

Hôm nay ( 30 tháng 4 năm 2016) khi tôi ngồi viết “ký sự” này, thì tin tức từ AFP cho biết: Chiếc tàu hỏa duy nhất chở hành khách của Campuchia hôm nay được khánh thành bởi Thủ tướng Hun Sen sau khi nằm ụ nhiều thập niên qua.

Chuyến đi đầu tiên của con tàu từ Phnom Penh tới cảng Sihanoukville dài 270 cây số sẽ phục vhành khách đi và về trong hai ngày Thứ Sáu và Chúa Nhật.

Thủ tướng Hun Sen người nắm quyền trong hơn ba thập niên đã chào đón hành khách địa phương và trò chuyện với các nhà sư mặc áo choàng màu cam trên chuyến xe đầu tiên này.

Campuchia có hơn 600 km đường sắt kéo dài từ biên giới phía bắc với Thái Lan xuống bờ biển phía nam, nhưng trong nhiều thập niên chiến tranh đã để lại một mạng lưới đường sắt hư hỏng không ai tu bổ.



Rời O-Dambong khi hoàng hôn xuống thẳng đường để đến Battambang.


No comments:

Post a Comment