Thursday, May 26, 2016

Dự án Kênh Kra của Thái Lan- Mối quan tâm của Việt Nam ?



Thứ tư, 09 Tháng 9 2015 14:15
Do dự án Cảng Hòn Khoai của Việt Nam và Kênh Kra của Thái Lan đều gắn với Biển Đông - và những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang diễn ra ở đây- vì vậy chúng cần phải được đánh giá trong một bối cảnh rộng hơn về thiết lập trật tự khu vực mà hai cường quốc lớn nhất này đang dẫn dắt.




Việc Việt Nam quyết định xây dựng cảng nước sâu ở ngoài khơi tỉnh cực nam Cà Mau có thể là tín hiệu cho thấy Kênh Kra của Thái Lan rốt cuộc sẽ được xây dựng thành một tuyến đường vận tải hàng hải khu vực mới.
Nếu kế hoạch trên trở thành hiện thực, Kênh Kra sẽ được xây dựng qua kênh Kra Isthmus của Thái Lan, cho phép các tàu vận tải biển bỏ qua Eo biển Malacca và trung tâm hải cảng của Singapore. Ý tưởng đã có từ lâu về một kênh đào như vậy mặc dù rất thuận tiện trong việc kết nối Vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương, song lại đang vướng mắc với các vấn đề địa chính trị nhạy cảm ở khu vực. Những diễn biến mới đây cũng có thể dẫn tới những vấn đề nhạy cảm giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là sau khi truyền thông Trung Quốc hồi tháng 5 đưa tin nước này và Thái Lan đã ký một bản ghi nhớ (MoU) tại Quảng Châu, Trung Quốc, về việc xây dựng Kênh Kra với kinh phí 28 tỷ USD.
Các quan chức Trung Quốc và Thái Lan đã nhanh chóng phủ nhận thông tin này. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được những đồn đoán rằng dự án này sẽ được khôi phục. Tháng 7/2015, Việt Nam thông báo sẽ xây dựng một cảng nước sâu trị giá 2,5 tỷ USD, được gọi là Cảng Hòn Khoai, trên một hòn đảo cách bờ biển Cà Mau 17 km. Dự án đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt.
Bề ngoài, dường như không thấy rõ sự liên hệ gì giữa Cảng Hòn Khoai và Kênh Kra. Đó là bởi những tính toán về cảng này được che lấp bởi một vấn đề lớn hơn trong quyết định của Việt Nam là muốn tăng nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng trong nước.
Một bài báo trên tờ “Tạp chí Phố Wall” đã dẫn chứng Indonesia và Úc là các nhà cung cấp “hứa hẹn nhất” trong bốn nhà cung cấp than, gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, cho Việt Nam. Nằm nối giữa Vịnh Thái Lan và Biển Đông, Cảng Hòn Khoai có một vị trí thuận lợi cho các chuyến hàng từ Indonesia và Úc cập cảng. Tuy nhiên, việc xây dựng cảng này thực sự không mang ý nghĩa hoàn toàn về mặt kinh tế, trừ phi nó được bổ sung vào tuyến thương mại tiềm năng là Kênh Kra.
Đã hai lần dự án Cảng Hòn Khoai được thiết lập, và cả hai lần đều hướng tới phục vụ các loại hàng hóa khác ngoài than. Lần lập dự án mới đây là kết quả nghiên cứu khả thi được Bechtel- Công ty xây dựng và công trình dân dụng lớn nhất của Mỹ- thực hiện năm 2015 theo một thỏa thuận ký kết với Việt Nam. Dự án này sẽ xây dựng 12 cầu tàu cho cảng, một nửa trong số đó là để nhập các mặt hàng không phải than.
Lần lập dự án trước do Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Công ty N&M Commodities đóng tại Úc thực hiện, gồm có 24 cầu tàu và một nửa là dành cho than. Những cầu còn lại sẽ phục vụ việc vận chuyển các hàng hóa cồng kềnh, các công-ten-nơ, xăng, khí hóa lỏng và các tàu RORO dùng để chuyên chở các hàng hóa có bánh- các mặt hàng sẽ đi qua Kênh Kra và đến từ những nơi xa như Trung Đông và châu Âu.
Nếu dự án với Bechtel được thông qua, Cảng Hòn Khoai sẽ gắn các lợi ích thương mại của Mỹ vào đúng tâm điểm bức tranh địa- kinh tế mới được định hình bởi quyền năng đang thay đổi của Kênh Kra. Ngoài Bechtel mang dấu ấn Mỹ, có thông tin cho biết 85% chi phí xây dựng Cảng Hòn Khoai sẽ do Ngân hàng Xuất- Nhập khẩu Mỹ cung cấp. Vai trò của Bechtel và Ngân hàng Xuất- Nhập khẩu Mỹ chắc chắn cho thấy những động thái chiến lược của Mỹ để đảm bảo rằng nước này không đứng ngoài kiến trúc kinh tế châu Á mà Trung Quốc đang tạo dựng.
Kênh Kra sẽ không chỉ biến Thái Lan thành trung tâm hàng hải khu vực có thể đánh bại các trung tâm hải cảng Singapore và Malaysia dọc Eo biển Malacca, mà còn là huyết mạch quan trọng trong "Con đường Tơ lụa trên biển" của Trung Quốc, hiện là một phần kế hoạch “Một Vành đai, Một Con đường” của nước này. Sự can dự của Trung Quốc chắc chắn sẽ xuất hiện qua việc Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) mới thành lập- để cung cấp tài chính cho các dự án hạ tầng quy mô lớn- gây ảnh hưởng tới dự án đặc biệt này. Các diễn đàn theo chủ nghĩa dân tộc trong các cộng đồng mạng thực sự có ảnh hưởng của Trung Quốc như Tiexue Luntan (Diễn đàn Máu và Sắt) đang kêu gọi AIIB tiếp sức cho giấc mơ đã có từ lâu của Thái Lan về việc xây dựng một Kênh Kra.
Suy cho cùng, mối liên hệ giữa dự án Kênh Kra và Cảng Hòn Khoai sẽ đơn thuần chỉ là sự đồn đoán nếu không có thực tế là truyền thông Việt Nam đã đăng trên trang nhất thông tin về dự án xây cảng này đúng vào lúc diễn ra cuộc họp liên chính phủ lần thứ ba giữa Việt Nam và Thái Lan tại Bangkok hồi tháng 7 vừa qua. Đáng chú ý, kết quả các cuộc đàm phán mới nhất giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha là một tuyên bố nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng giải pháp hòa bình tuân thủ theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, và thúc đẩy đối thoại và tham vấn để đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông. Dự án Kênh Kra của Thái Lan và Cảng Hòn Khoai của Việt Nam hiện đều nằm trong cuộc cạnh tranh ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc đối với các dự án hợp tác kinh tế trong khuôn khổ ASEAN trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách giành vai trò lãnh đạo khu vực- ít nhất là về kinh tế- còn Mỹ đang “tái cân bằng” với châu Á để duy trì ảnh hưởng của mình. Do cả hai dự án đều gắn với Biển Đông- và những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang diễn ra ở đây- Kênh Kra và Cảng Hòn Khoai cần phải được đánh giá trong một bối cảnh rộng hơn về thiết lập trật tự khu vực mà hai cường quốc lớn nhất này đang dẫn dắt.

Theo RSIS
Văn Cường (gt)


Thailand’s Kra Canal: Is Vietnam Angling In?
By Graham Ong-Web


Dự án Kênh Kra của Thái Lan- Mối quan tâm của Việt Nam ?
https://drive.google.com/file/d/0B7vxHAQlq7jzYWkxT0YwemZySDIzOXQwRG1oRnc1SnpTSVA0/view?usp=sharing 
 

No comments:

Post a Comment