SGGP Thứ Hai,
12/6/2017
Nguồn nước từ
sông Mê Công đột ngột giảm lưu lượng về hạ nguồn đã gây ra liên tiếp khô hạn ở
ĐBSCL, tác động đến sinh kế của hàng triệu người dân trong vùng.
Tháng 6-2017, mưa
liên tục đã làm nhiều vùng đất ở ĐBSCL hạ nhiệt. Những dự báo đầu tiên từ Trung
tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho thấy, mùa lũ năm nay có thể cao
hơn chút ít so với vài năm gần đây. Đây như một tia hy vọng nhỏ để vựa lúa tăng
cường tích nước…
Cơ hội trữ nước
tăng trở lại
Theo Trung tâm Dự
báo khí tượng thủy văn Trung ương, mùa khô 2016-2017, tổng lượng dòng chảy sông
Mê Công về khu vực ĐBSCL ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ
35% - 80% và cao hơn mùa khô năm 2015-2016 từ 25% - 60%.
Mực nước tại đầu
nguồn sông Cửu Long luôn ở mức cao hơn TBNN, hiện tại mực nước tại Tân Châu,
Châu Đốc ở mức 1,4 - 1,5m, cao hơn TBNN từ 0,45 - 0,55m.
Dự báo, mùa lũ
2017 ở thượng nguồn sông Mê Công khả năng đến sớm hơn (lũ sớm) so với TBNN. Đến
cuối tháng 7-2017, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc có
khả năng ở mức 2,5 - 3,0m, nguy cơ xảy ra ngập lụt ở huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng
(Long An) và một số vùng ven sông, ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp.
Đây được xem là
cơ hội để ĐBSCL tích nước trong bối cảnh nguồn nước sông Mê Công ngày càng biến
động do các nước thượng nguồn khai thác quá mức từ các đập thủy điện, chuyển nước
phục vụ tưới tiêu…
Sản xuất lúa ở ĐBSCL cần nguồn nước ngọt dồi dào. Ảnh: CAO
PHONG
Câu chuyện nguồn
nước từ sông Mê Công đột ngột giảm lưu lượng về hạ nguồn đã gây ra liên tiếp
khô hạn ở ĐBSCL, tác động đến sinh kế của hàng triệu người dân trong vùng.
Từ người nông dân
đến các nhà khoa học đều lo lắng về sự phát triển của vựa lúa miền Tây. Vùng hạ
lưu ĐBSCL không chỉ đối diện với nhiều rủi ro từ các đập thủy điện, mà việc các
nước đầu nguồn chuyển bơm nước trên dòng chính sông Mê Công cũng tạo ra nhiều
thách thức cho sản xuất ở hạ lưu.
Theo chuyên gia
quản lý lưu vực sông Nguyễn Nhân Quảng, hiện Thái Lan đã dự định có thêm 990 dự
án ở vùng Đông Bắc, chủ yếu là chuyển/bơm nước từ sông Mê Công.
Tại Campuchia,
chiến lược trồng lúa xuất khẩu của nước này đang cơi nới. Tuy nhiên, do việc tưới
vẫn chủ yếu nhờ trời, Campuchia đang đầu tư và hợp tác với nước ngoài xây dựng
các hệ thống đầu mối và kênh mương, đa số thuộc lưu vực Mê Công và chủ yếu đầu
tư đến từ Trung Quốc.
Diện tích tưới hiện
tại là 504.245ha, đến năm 2030 sẽ mở rộng thêm 772.499ha. Tại Lào, diện tích tưới
chủ yếu là các dải đất hẹp nằm dọc các dòng nhánh và các cánh đồng ngập lũ cạnh
dòng chính Mê Công.
Diện tích đất tưới
là 166.476ha, song theo kịch bản phát triển đến năm 2030 sẽ mở rộng thêm
213.062ha và dự kiến các dự án tưới mới cho 238.617ha.
Khi các nước thượng
nguồn mở rộng tận thu nguồn nước sẽ tạo ra thách thức rất lớn cho ĐBSCL. Nước
ngọt đang thực sự là một tài nguyên quý giá như “vàng trắng” để ĐBSC phục vụ
cho sinh hoạt con người, sản xuất lương thực, tự nhiên, nước cho công nghiệp và
sử dụng khác… Chính vì vậy, mà ĐBSCL cần chủ động tận dụng tích trữ nguồn nước
để điều tiết hợp lý trong mùa khô.
Xem nguồn nước là
“hàng hóa” để kêu gọi đầu tư
Có thể nói sự
phát triển của sản xuất nông nghiệp ĐBSCL luôn gắn liền với các chính sách đầu
tư từ thủy lợi. Xây dựng hệ thống thủy lợi ĐBSCL có thể chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1976 - 1986, nghiên cứu thăm dò tìm giải pháp gắn với quan điểm: Thủy
lợi là biện pháp hàng đầu để phát triển nông nghiệp.
Giai đoạn 1986 -
1996, tập trung sản xuất lương thực bằng các giải pháp thủy lợi. Mở rộng diện
tích khai hoang Đồng Tháp Mười - Tứ giác Long Xuyên, phá thế lúa nổi thành vùng
sản xuất 2 vụ ổn định; tăng diện tích gieo sạ đông xuân - hè thu ở vùng
giữa; đầu tư ổn định vụ mùa - vùng ven biển rửa mặn, xổ phèn (ngọt hóa Gò
Công).
Giai đoạn 1996 -
2016, đa dạng hóa nông nghiệp, “sống chung với lũ” và ngọt hóa Bán đảo Cà Mau…
Thời kỳ này công tác thủy lợi phải phục vụ nhiều mục tiêu hơn. Từ năm 2016,
khâu thủy lợi trong vùng đang mở rộng theo xu hướng thích ứng với biến đổi khí
hậu.
Và giờ thêm một
“gọng kẹp” từ nguy cơ thiếu nước ngọt từ sông Mê Công, vựa lúa ĐBSCL. Điểm yếu
của thủy lợi nội đồng trong vùng là thiếu các hệ thống hỗ trợ như trạm
bơm, kênh dẫn chưa được khép kín nên còn bị động trong ứng phó. Trước tình thế
đó, các nhà khoa học nhấn mạnh đến việc xem xét giải pháp trữ nước chủ động, tiết
kiệm nước.
Ông Nguyễn Văn Đồng,
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Chúng tôi đang tận dụng triệt để
các nhánh sông chính để trữ nước. Khi hạn, mặn đến, nguồn nước trữ này sẽ cung
cấp chính cho nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Các nhà khoa học
cho rằng, ĐBSCL không nên chủ quan, bởi tác động của thủy điện vẫn có khả năng
làm tăng lũ chồng lũ, lũ lớn cường suất cao. Cần kiện toàn chiến lược “chung sống
với lũ một cách chủ động”.
Đồng thời, đẩy
nhanh đầu tư khép kín đồng bộ hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo điều tiết kịp thời.
“Chung sống với mặn” một cách bền vững, coi nguồn mặn là tài nguyên, chuyển đổi
canh tác phù hợp với các điều kiện của từng vùng, trong đó có đầu tư căn cơ cho
sinh kế người dân sống vùng mặn.
Đã đến lúc xem nước
là nguồn “hàng hóa” để đầu tư và quản lý chuyên nghiệp. Trong đó, cần nghiên cứu
huy động cả nguồn lực tư nhân đầu tư vào thủy lợi, từng bước hiện đại hóa công
tác vận hành và quản lý các hệ thống khai thác nguồn nước gắn với hiện đại hóa
hệ thống thủy lợi lớn.
CAO PHONG
No comments:
Post a Comment