Kính Hòa
2017-06-30
Ngày 27 tháng
sáu, 2017, một cuộc hội thảo khoa học về đồng bằng sông Cửu Long được Đại học
An Giang tổ chức. Tại hội thảo này các nhà khoa học đưa ra dự báo hạn hán trầm
trọng tại vùng đất này trong những năm tới.
Ngoài ra nguy cơ
sụt lún cũng được nêu lên.
Thiếu nước
Sau buổi hội thảo,
một diễn giả là Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí
hậu, thuộc Đại học Cần Thơ cho chúng tôi biết, rằng thực ra tình trạng khô hạn
tại đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra từ lâu, và ảnh hưởng lên đến 7, 8 trăm
ngàn hectare đất canh tác. Tác hại đã tăng lên rất nhiều trong đợt khô hạn
2015-2016 mà Tiến sĩ Tuấn cho là một trận khô hạn lịch sử. Ông tiếp lời:
“Tình trạng này
có thể tiếp tục kéo dài cho đến năm sau, khi mà điều kiện bất lợi do biến đổi
khí hậu hay nguồn nước trong mùa khô trên thượng nguồn bị chia sẻ nhiều, một phần
do thủy điện, một phần do các quốc gia như Lào, Thái Lan, Cam Pu Chia, Trung Quốc,
chuyển nước qua các vùng khác để canh tác nông nghiệp. Nguy cơ thiếu nước và
xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ gia tăng.”
Đồng bằng sông Cửu
Long rộng khoảng 30 ngàn cây số vuông, do sông Cửu Long, có tên quốc tế là
Mekong, bồi đắp nên, và là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất Việt Nam. Với chiều
dài hơn 4000 cây số chảy qua nhiều quốc gia, trong thời gian gần đây con sông
này bị các quốc gia thượng nguồn ngăn dòng xây đập để khai thác thủy điện như
Trung Quốc và Lào.
Theo thông tin từ
các nhà khoa học trong cuộc hội thảo, có một nghịch lý trong nền nông nghiệp tại
đồng bằng sông Cửu Long, đó là việc canh tác cây lúa nước, vốn cần rất nhiều nước
vào mùa khô, kéo dài tới sáu tháng tại đây.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn
đề nghị rằng nên thay cây lúa nước bằng các loại hoa màu khác trong mùa khô, tại
các vùng ven biển thiếu nước, cũng như trong nội địa. Nhưng điều đó sẽ gặp
không ít khó khăn.
“Chuyển đổi đó
cũng ảnh hưởng đến khả năng đầu tư, khi trồng màu thì đầu tư công sức kỹ thuật
nhiều hơn trồng lúa. Cái thứ hai là nông dân gặp khó khăn ở thị trường tiêu thụ.
Khi mình mở rộng trồng màu nhiều quá mà không bán được, thì nó hư hỏng rất
nhanh, trong khi cây lúa thì khi không bán được thì người nông dân vẫn trữ được.”
Cũng liên quan đến
hạn hán và nguồn nước bị giảm tại đồng bằng sông Cửu Long, là vấn đề cung cấp
nước sinh hoạt cho 18 triệu người sống tại vùng này (theo số liệu của báo Tuổi
trẻ đưa ra vào năm 2016). Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nếu nhìn tổng thể cả năm
thì có thể nói đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nước bề mặt, nhưng do khí hậu
chỉ có hai mùa mưa nắng đối nghịch, cho nên nước sinh hoạt thiếu trong mùa khô.
Điều này dẫn đến việc khai thác nước ngầm quá mức cho sinh hoạt, dẫn đến sụt
lún và các tầng nước ngầm chứa nước ngọt ven biển bị xâm nhập mặn.
“Trong tương lai,
trong điều kiện khô hạn như vậy, mấy nước ở thượng nguồn lại lấy nước canh tác,
làm cho vùng đồng bằng thiếu nước thêm nữa, ngoài chuyện lượng nước, còn một vấn
đề nữa là chất lượng nước bị suy giảm, do sự phát triển dân số, sản xuất, các
hoạt động công nghiệp, làm cho nguồn nước đã ít mà còn bị ô nhiễm, bị xâm nhập
mặn, cho nên việc tìm nguồn nước ngọt rất khó khăn.”
Theo Tiến sĩ Tuấn,
nhiều biện pháp đã được nghĩ đến để cứu vãn tình trạng thiếu nước sinh hoạt của
đồng bằng sông Cửu Long, như là trữ nước vào mùa mưa, bơm nước mưa xuống các tầng
nước ngầm bị nhiễm mặn để phục hồi các tầng nước ngọt này. Tuy nhiên ông cho rằng
việc này đỏi hỏi tầm mức kỹ thuật khá cao.
Ngoài ra còn có
những dự án cung cấp nước bề mặt cho cư dân qua những hệ thống nước máy từ nước
bề mặt của sông Cửu Long, cho một vùng rộng lớn, hoặc một cách cục bộ, nhưng việc
này cũng đòi hỏi nhiều vốn liếng đầu tư.
Thiếu phù sa
Theo các nhà khoa
học nghiên cứu về đồng bằng sông Cửu Long, như Tiến sĩ Dương Văn Ni, thuộc Đại
học Cần Thơ, có hai yếu tố chính tạo nên đồng bằng này và duy trì cuộc sống của
nó là nước và phù sa.
Trong buổi hội thảo
do Đại học An Giang tổ chức, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn có đưa ra số liệu là trong
liên tục 20 năm qua lượng phù sa đưa về đồng bằng sông Cửu Long giảm đi 2,3% mỗi
năm.
Lượng phù sa về đồng
bằng Cửu Long lại bị nạn khai thác cát rất mạnh trong mấy năm qua làm cho ít
hơn nữa. Theo số liệu của Tiến sĩ Dương Văn Ni, thì trong những năm qua, lượng
cát khai thác ở đồng bằng Cửu Long cao gấp ba bốn lần lượng cát được con sông
này vận chuyển về.
Tình trạng này sẽ
dẫn đến sự sụt lún của đồng bằng sông Cửu Long.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn
nói với chúng tôi rằng một vùng châu thổ vốn vẫn có sự sụt lún tự nhiên, tuy
nhiên ông nói tiếp:
“Nhưng nhờ phù sa
hàng năm do lũ đem về bù cho phần lún đó. Nhưng bây giờ phù sa ít đi, chuyện
lún hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long là một vấn đề lớn. Có nhiều nghiên cứu
chứng minh rằng tốc độ lún của đồng bằng sông Cửu Long nhanh hơn mực nước biển
dâng rất là nhiều nên khả năng bị xâm nhập mặn, đặc biệt trong mùa khô sẽ gia
tăng lên.”
Tiến sĩ Tuấn nói
thêm là với tốc độ đô thị hóa hiện nay, các công trình kiên cố tại vùng đồng bằng
sẽ làm cho sự sụt lún thêm nặng nề.
Sụt lún và sạt lở
dọc theo sông Cửu Long đã được ghi nhận và thu hút sự quan tâm của dư luận
trong thời gian qua. Nhưng theo Tiến sĩ Dương Văn Ni, thì điều đó không đáng lo
ngại bằng sự xói lở bờ biển. Trong một lần trao đổi với chúng tôi về nạn khai
thác cát quá mức trên sông Cửu Long, ông nói:
“Hệ lụy của chuyện
thiếu cát lòng sông, sẽ làm xói lở bờ biển. Khi bờ biển xói lở thì rừng ngập mặn
bị tàn phá trước. Khi rừng ngập mặn bị phá hủy thì có nghĩa là cái áo giáp bảo
vệ đồng bằng sông Cửu Long sẽ không còn. Đồng bằng sẽ bị tổ thương rất nặng nề
khi có các yếu tố bất lợi của thời tiết như sóng to gió lớn, triều cường,…
không còn rừng ngập mặn bảo vệ thì tác hại sẽ khủng khiếp.”
Trong những giải
pháp ngắn hạn trước mắt để đương đầu với sự sụt lún của đồng bằng sông Cửu
Long, ông Dương Văn Ni cho rằng việc khai thác cát tại sông Cửu Long phải được
kiểm soát. Và việc xây dựng tại vùng đồng bằng này, được Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đề
nghị, phải được nghiên cứu tìm ra các vật liệu nhẹ, tránh những công trình nặng
nề làm trầm trọng sự sụt lún của đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu nước và phù
sa là hai yếu tố duy trì sự sống còn của đồng bằng sông Cửu Long, thì theo phân
tích của các nhà khoa học, cả hai yếu tố đó đang dần dần biến mất, đe dọa sự tồn
tại của chính bản thân đồng bằng sông Cửu Long.
Source:
No comments:
Post a Comment