Friday, July 14, 2017

Trao đổi của các chuyên gia về thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông


Text Box: Ảnh: Xuân QuỳnhÔng Trịnh Lê Nguyên - GĐTrung tâm Con người và Thiên nhiên điều hành buổi làm việc


Ngày 26/6 tại Hà Nội đã diễn ra cuộc trao đổi về vấn đề phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông giữa các chuyên  gia  hoạt  động trong các lĩnh vực thủy lợi, nông nghiệp,  đa dạng sinh học, thể chế chính sách v.v... do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đồng tổ chức. Cuộc trao đổi này xuất phát từ thực tế
quá trình “Thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA) của các công trình thủy điện trên dòng chính Mê Kông”thời gian qua chưa được triển khai một cách thực chất. Hơn thế nữa, việc thực thi PNPCA chưa mang nhiều ý nghĩa này lại được đặt trong bối cảnh đang tiến tới xây dựng cơ chế pháp lý và kỹ thuật hợp tác Mê Kông - Lan Thương.
Việt Nam nằm ở hạ lưu Mê Kông, có vị thế quan trọng trong cấu trúc chính trị, kinh tế, văn hóa và quan hệ cộng đồng xã hội rộng rãi với các quốc gia trong lưu vực, bên cạnh đó rất dễ bị tổn thương dưới tác động tiêu cực của các đập thủy điện. Do vậy, với phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh, Việt Nam sẽ tham góp như thế nào,  để việc khai thác   tài nguyên nước sông Mê Kông của các quốc gia thượng nguồn nhận được sự đồng thuận cao giữa các nước, nhằm tạo ra sự ổn định và phát triển bền vững lưu vực Mê Kông.



TS. Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đã tóm lược tình hình phát triển thủy điện Mê Kông, trong đó nhấn mạnh tác động tiêu cực do việc quá trình phát triển thủy điện tại thượng nguồn phía Trung Quốc đã gây ra, đồng thời đưa ra các nguy cơ nếu đập Pak Beng tại Lào và Sambor tại Căm – Pu - Chia tiến hành xây dựng.


PGS.TS. Lê Anh Tuấn – thành viên Hội đồng Mạng lưới cũng bày tỏ các quan ngại khi các con đập thượng nguồn không chỉ ảnh hưởng tới 20 triệu dân sống tại ĐBSCL, con số thực tế sẽ là 60 triệu người hiện đang phụ thuộc vào nguồn lương thực từ vựa lúa lớn nhất cả nước này.

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất được thảo luận trong cuộc họp là vấn đề nhìn nhận lại vị thế của Việt Nam trong các chương trình tham vấn của MRC và điều mà chúng ta có thể làm trong bối cảnh hiện nay. Các chuyên gia khẳng định, Việt Nam cần kiên định và tích cực trong việc thúc đẩy, hỗ trợ, hợp tác và phối hợp các hoạt động chương trình chung, nhằm thực hiện Hiệp định 1995. Bên cạnh đó, các phương án liên quan đến việc chủ động xây dựng chiến lược thích ứng dài hạn, chủ động ứng phó với vấn đề tài nguyên nước, đưa thủy điện trên dòng chính Mê Kông vào vấn đề hợp tác kinh tế trong khu vực, v.v... cũng được các chuyên gia đề cập và phân tích.

Thời gian tới, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, tiếp  tục tập hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia và công chúng để xây dựng bản kiến nghị gửi đến  các  bộ, ngành liên quan, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam và MRC. Vì vậy, chúng tôi hoan nghênh và mong nhận được sự quan tâm của quí vị cùng các bạn. Những  ý kiến,  mọi sự chia sẻ liên quan đến vấn đề phát triển thủy điện trên sông Mê Kông xin gửi đến hộp thư điện tử: rivervietnam@gmail.com.

Xuân Quỳnh Ban thư ký VRN


No comments:

Post a Comment