Lê Quỳnh
Đề án tái cơ cấu
các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa được Chính phủ phê
duyệt. Hai khâu quan trọng trong thị trường điện là khâu phát điện và kinh
doanh bán lẻ được cho là sẽ có tự do cạnh tranh. Trong khi đó, phong trào thoái
vốn khỏi các dự án năng lượng nhiên liệu hóa thạch đang lan rộng tại nhiều quốc
gia. Ở Việt Nam, liệu một thị trường điện cạnh tranh có thể thúc đẩy các dự án
năng lượng sạch vốn ì ạch lâu nay?
Trao đổi với Người
Đô Thị về những vấn đề còn gây khó trong việc phát triển năng lượng tái tạo hiện
nay ở Việt Nam, ông Trần Văn Quang, Phó giám đốc Quỹ đầu tư năng lượng sạch của
Công ty quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng: việc thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa
thạch hiện nay là yếu tố tự thân.
Trước đây Trung
Quốc tập trung phát triển nhiệt điện than để thỏa mãn nhu cầu nóng về tăng trưởng
năng lượng, còn hiện nay, cùng với Ấn Độ, đất nước này đang có xu hướng giảm mạnh
nhiệt điện than và đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo. Vậy ông đánh giá
như thế nào về chuyển dịch năng lượng tái tạo hiện nay ở Việt Nam?
Ở Việt Nam, tình
hình hơi khác. Quy hoạch điện VII mới nhất, tức là kế hoạch trung và dài hạn về
phát triển năng lượng của Việt Nam, cho thấy: tăng trưởng trung bình năm về nhu
cầu năng lượng miền Nam lúc nào cũng cao hơn bình quân cả nước.
Ông Trần Văn
Quang,
Phó giám đốc Quỹ đầu tư năng lượng sạch của Công
ty quản lý quỹ Dragon Capital
Trong khi đó, nguồn
nguyên liệu hóa thạch (than đá) đang được sử dụng rất nhiều ở Việt Nam chủ yếu
tập trung ở miền Bắc. Điều này đặt ra bài toán kỹ thuật là phải có một trào lưu
truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam.
Hiện tuyến đường
dây 500kV Bắc Nam đã quá tải, thậm chí mạch 3 (dự kiến sẽ xây dựng tới đây)
cũng không giải quyết nổi nhu cầu năng lượng của miền Nam. Chính từ đó, người
ta mới đưa ra quan điểm phát triển là phải xây dựng các nhà máy điện tại phía
Nam phục vụ nhu cầu phụ tải tại chỗ.
Tuy nhiên, thực tế
trong năm năm qua, không có dự án thủy điện lớn nào ở miền Nam, không có dự án
điện khí nào sau cụm nhiệt điện Phú Mỹ và cụm nhiệt điện khí Cà Mau, mà tất cả
đều là nhà máy nhiệt điện than. Cụm nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) và nhiệt
điện Duyên Hải 1 và 3 ở đồng bằng sông Cửu Long đang sử dụng than trong nước.
Các loại hình năng lượng khác cũng phát triển ì ạch.
Còn đánh giá của
ông về năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VII?
Tôi nghĩ rằng việc
phát triển năng lượng tái tạo theo quy hoạch điện VII đến bây giờ là một thất bại.
Năng lượng tái tạo ở Việt Nam bao gồm các dự án thủy điện nhỏ phát triển bền vững,
năng lượng từ gió và từ Mặt trời. Tuy nhiên, nguồn năng lượng từ Mặt trời vẫn
còn rất nhỏ lẻ, manh mún, và hiện hợp đồng mua bán điện mẫu chưa đáp ứng kỳ vọng
của các nhà đầu tư.
Về điện gió, hiện
nay có bốn dự án. Nhà máy điện gió Tuy Phong không phải lúc nào tất cả các
tuabin gió đều hoạt động tốt, có lẽ liên quan đến phụ tùng thay thế sản xuất
bên Đức. Dự án điện gió trên đảo Phú Quý mang tính xã hội là chính, với suất đầu
tư rất cao cho 6MW mà cuối cùng chỉ có 3MW cần thiết. Điều này chỉ có thể giải
thích đơn vị đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đối tượng được đầu tư là một
đảo xa khó khăn về năng lượng. Nó không phải là một dự án thành công theo nghĩa
tài chính kinh tế.
Dự án điện gió
Phú Lạc, 24MW, so với tất cả các dự án khác thì có thể là dự án tốt nhất về mặt
kỹ thuật. Tuy nhiên thời gian phát triển dự án quá dài, mất 8 năm (2008 - 2016)
để dựng 12 tuabin, trong khi chỉ cần 12-18 tháng là xong công trình đó. Với một
dự án tư nhân đầu tư, thì lãi vay trong 8 năm của giai đoạn xây dựng đã làm chi
phí tăng gấp đôi. Đó cũng không phải là dự án hiệu quả theo đúng nghĩa của nó.
Còn cụm dự án điện gió ở Bạc Liêu thực ra sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát
triển Việt Nam chứ không phải là nguồn vốn vay thương mại bình thường có giá
bán cao hơn là giá công bố chính thức đối với các dự án điện gió trên bờ, tức
là 9,8 cent cho một kWh trong khi các dự án trên bờ chỉ bán được 7,8 cent/kWh.
Như vậy, với phân
tích trên, tôi cho rằng mục tiêu đạt 5% năng lượng tái tạo vào năm 2020 trong
Quy hoạch điện VII là rất khó đạt, hoặc không thể đạt, trừ khi có những thay đổi
hết sức mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bãi xỉ than của cụm nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân (Bình
Thuận) đến nay vẫn là mối lo nguy cơ ô nhiễm lớn của người dân và chính quyền địa
phương. Ảnh Lê Quỳnh
Những điểm mấu chốt
nào trong khung pháp lý hiện nay cần thay đổi?
Hợp đồng mua bán
điện mẫu, theo các nhà đầu tư, có 4 điểm bất cập. Thứ nhất là về nghĩa vụ bên
mua với sản lượng phát ra của dự án Mặt trời. Theo hợp đồng, bên mua có thể viện
dẫn bất kỳ lý do gì về tình trạng không sẵn sàng của lưới điện, của phụ tải để
từ chối mua. Như vậy, khi đầu tư vài chục triệu USD cho một dự án mà làm ra sản
phẩm không bán được thì nó rất rủi ro.
Thứ hai, sau khi
chấm dứt và thanh lý hợp đồng, bên mua chỉ có trách nhiệm thanh toán cho bên đầu
tư doanh thu một năm sản lượng thôi. Như vậy nó không đảm bảo được yếu tố tài
chính của người đầu tư.
Thứ ba, trong hợp
đồng mua bán điện mẫu, nếu xảy ra tình trạng tranh chấp thì cơ quan giải quyết
tranh chấp là trọng tài kinh tế Việt Nam. Đối với các nhà đầu tư bỏ vốn ra, họ
có thể chấp nhận rủi ro đó. Tuy nhiên thực tế, phần vốn vay thì các ngân hàng
trong nước không đủ khả năng, nên dẫn đến yêu cầu thực tế là sẽ phải có các
ngân hàng nước ngoài tham gia cho vay. Vậy liệu các ngân hàng nước ngoài có sẵn
lòng cho vay khi họ thấy cơ quan giải quyết tranh chấp là trọng tài kinh tế Việt
Nam? Đây là một trong những điểm mấu chốt còn đang tranh luận.
Điểm thứ tư, hợp đồng mua bán điện mẫu đã cho phép tiền thanh toán là tiền đồng, nhưng tại thời điểm thanh toán sẽ tương đương với 9,35 cent/kwh. Tuy nhiên theo nhà đầu tư, sự liên kết giữa giá thanh toán và chỉ số trượt giá tiêu dùng CPI chưa được phản ánh trong hợp đồng.
Phong trào thoái
vốn toàn cầu khỏi nhiên liệu hóa thạch, với mục tiêu kêu gọi các chính phủ,
doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thoái vốn khỏi ngành công nghiệp vốn gây biến
đổi khí hậu và ô nhiễm trên toàn cầu, đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo,
cho tới nay đã phát triển mạnh. Theo ông, phong trào thoái vốn này có bền vững ở
Việt Nam?
Hiện nay giá
thành sản xuất trong suốt vòng đời 1kWh của điện gió hay Mặt trời đã bằng hoặc
rẻ hơn năng lượng hóa thạch. Vì vậy, tôi cho rằng, việc thoái vốn khỏi nhiên liệu
hóa thạch là yếu tố tự thân, là nhu cầu tự nhiên, có lợi về mặt tài chính chứ
không phải là phong trào. Ở Việt Nam, Quyết định số 11 của Thủ tướng Chính phủ
cho phép mua 1kWh ở điện Mặt trời với giá 9,35 cent. So với số liệu của các dự
án nhiệt điện than mới xây ở Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực phía Nam và nếu
đánh giá thêm chi phí xã hội, thì đó là giá cạnh tranh.
Với chức năng
cung cấp tài chính, các tổ chức tín dụng luôn có vai trò quyết định đối với việc
triển khai các dự án phát triển, tuy nhiên trách nhiệm giải trình môi trường -
xã hội phát sinh từ các hoạt động kinh tế đó hầu như không được nhắc đến. Ông
có nghĩ những cam kết thoái vốn khỏi các khoản đầu tư, dự án nguy cơ gây ô nhiễm
môi trường là cần thiết?
Tôi nghĩ việc
chuyển hướng đầu tư là hiển nhiên. Như đã phân tích, một khi yếu tố giá thành
thỏa mãn yêu cầu đầu vào của nhà đầu tư thì việc lựa chọn là dĩ nhiên. Khi đầu
tư vào dự án với 1 kWh điện cùng giá thành, tại sao phải đi đầu tư cho dự án
(nhiệt điện than) mà cộng đồng sẽ không ủng hộ.
Dragon Capital đã
và đang làm việc với các định chế tài chính nước ngoài, tiêu biểu là Công ty
tài chính quốc tế IFC (một nhánh đầu tư tư nhân của Ngân hàng Thế giới), Ngân
hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ đầu tư FMO (Quỹ đầu tư nhà nước của chính phủ
Hà Lan đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường). Thông qua quá trình hợp tác
này, Dragon Capital xây dựng một bộ tiêu chuẩn riêng cho mình, đánh giá toàn diện
dự án, bao gồm cả môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Bất kỳ dự án nào
dù hứa hẹn tốt về lợi nhuận mà không thỏa mãn các tiêu chí này thì chúng tôi chắc
chắn sẽ không đầu tư.
Phong trào
thoái vốn khỏi nhiên liệu hoá thạch
Bắt nguồn từ Bắc
Mỹ, châu Âu và Úc, hiện phong trào đã lan rộng đến các nước châu Á, Mỹ Latin và
châu Phi; và chính thức khởi động trên toàn cầu vào tháng 2.2015. Trong chiến dịch
năm 2017, kéo dài từ 5-13.5, có 264 sự kiện được diễn ra tại 42 quốc gia, với sự
tham gia mạnh mẽ của các nhà hoạt động môi trường, các nhóm tín ngưỡng, những
nhà nghiên cứu, và đặc biệt là người dân các cộng đồng địa phương chịu ảnh hưởng.
Hoạt động Cam kết thoái vốn toàn cầu đã đạt được sự ủng hộ của 719 tổ chức thuộc
76 quốc gia, với tổng số tiền đã thoái vốn hoặc cam kết sẽ thoái vốn khỏi các
khoản đầu tư liên quan đến nhiên liệu hóa thạch lên tới gần 5,5 nghìn tỷ USD.
Ngoài ra, đã có hơn 58.000 cá nhân tham gia thoái vốn với tổng số tiền ước tính
5,2 tỷ USD.
Theo nghiên cứu bản
đồ gió của Ngân hàng Thế giới (WB), công suất lắp đặt của điện gió ở Việt Nam
vào khoảng 50 GW (công suất của nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nguồn cung cấp điện
chính cho toàn miền Bắc chỉ vào khoảng hơn 1 GW). Tuy nhiên, Tổ chức hợp tác
phát triển Đức (GIZ), đối tác thực hiện dự án này cùng với WB, đưa ra con số thấp
hơn và khả thi hơn với điều kiện của Việt Nam là 27 GW.
Lê Quỳnh
Nguồn:
No comments:
Post a Comment