Băn khoăn dự
án nhiệt điện tỷ đô tại Long An
4/4/2017
Người dân tại xã Phước
Vĩnh Đông ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An và Hiệp Phước của huyện Nhà Bè, TPHCM
không khỏi lo lắng môi trường sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trước thông tin sẽ có nhà
máy nhiệt điện tỷ đô mọc lên tại Cần Giuộc.
Khu vực được đề xuất xây Trung tâm nhiệt
điện Long An nằm tại
ấp Vĩnh Thạnh xã Phước Vĩnh Đông, Cần Giuộc với diện tích gần 250ha.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch UBND
xã Phước Vĩnh Đông cho biết, theo quy hoạch, Trung tâm điện lực Long An được
xây dựng để đáp ứng nhu cầu điện năng không chỉ cho tỉnh mà còn cho cả vùng
ĐBSCL. Việc đầu tư dự án này không chỉ cung cấp điện đáp ứng
nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng mà còn kéo theo các dự án khác góp phần phát
triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, ông Hùng nói địa phương
cũng rất lo lắng về vấn đề môi trường. Do đó, rất cần sự góp ý, phản biện của
nhiều cơ quan, chuyên gia một cách công khai, minh bạch để người dân an tâm
hơn. “Quan điểm của địa phương là không đánh đổi môi trường nên rất cần ý kiến
phản biện của các nhà chuyên môn, chuyên gia,… đến khi nào thỏa mãn các yêu
cầu, các điều kiện đảm bảo môi trường”, ông Nguyễn Việt Hùng nói.
Lo ngại Trung tâm điện lực Long An
được xây dựng tại xã Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) có thể gây
ảnh hưởng đến môi trường TPHCM, UBND TPHCM đã có công văn số gửi Bộ Công Thương
phân tích về những tác động và đề nghị xem xét lại việc xây dựng nhà máy nhiệt
điện tại xã này.
Theo UBND TPHCM, vị trí này tiếp giáp
với khu đô thị cảng Hiệp Phước (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM), có thể tận
dụng tuyến luồng sông Soài Rạp đã được nạo vét cho tàu trọng tải 50.000 tấn,
tương lai sẽ được nạo vét cho tàu 70.000 tấn lưu thông. Tuy nhiên, nhược điểm là
diện tích hạn chế, không có khả năng mở rộng trong tương lai.
Khu vực bố trí Trung tâm điện lực
Long An nhiều kênh rạch phải san lấp nên chi phí san lấp lớn. Đoạn sông qua khu
vực này hẹp hơn, uốn khúc, nên khó khăn để bố trí cảng than và không đảm bảo an
toàn cho giao thông hàng hải, tàu bè ra vào cảng Hiệp Phước.
Đặc biệt, việc xây dựng nhà máy nhiệt
điện sử dụng nhiên liệu than đá đặt tại vị trí trên tiềm ẩn rủi ro cao về ô
nhiễm môi trường đối với người dân sống ở khu Nam TPHCM, ảnh hưởng trực tiếp đến
việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào khu vực này của TPHCM.
UBND TPHCM cho rằng, vị trí xã Long
Hựu Đông (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) phù hợp hơn. Vị trí này cách xa cảng
Hiệp Phước và có nhiều ưu thế để xây dựng, về lâu dài có thể mở rộng, phát triển
được. Riêng về vị trí ở xã này phải nạo vét khoảng 3km đoạn sông Vàm Cỏ làm
luồng lạch để tàu trọng tải 50.000 tấn vào, tuy nhiên chi phí nạo vét, duy tu
hàng năm đã được tính trong giá thành điện và không phải xây thêm các hạng mục
hạ tầng khác.
Trung tâm nhiệt điện Long An sẽ đặt
tại ấp Vĩnh Thạnh. Trong ảnh khu vực đánh dấu.
Bộ Công thương: Địa điểm phù hợp
Mới đây, ngày 20/3, Bộ Công Thương đã
có thông tin giải thích về quy hoạch Trung tâm điện lực Long An. Theo Bộ Công
Thương, ngày 18/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt điều
chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm
2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Theo đó, tại tỉnh Long An sẽ phát
triển 2 dự án nhà máy nhiệt điện: Long An I (quy mô 2x600MW vận hành năm
2024-2025) và Long An II (quy mô 2x800MW vận hành năm 2026-2027). Thủ tướng
giao Bộ Công Thương chỉ đạo lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch địa điểm, quy
hoạch chi tiết các trung tâm nhiệt điện than… trong đó có Trung tâm điện lực
Long An.
Bộ Công Thương cho rằng, đơn vị tư
vấn đề xuất chọn địa điểm tại xã Long Hựu Đông (huyện Cần Đước, tỉnh Long An)
bởi địa điểm này có khả năng phát triển đến 3 nhà máy với tổng công suất đến
khoảng 4.000MW. Sau đó, để phù hợp với ý kiến của các bộ ngành, đơn vị tư vấn
đã hiệu chỉnh hồ sơ quy hoạch vào tháng 2/2017, đề xuất xây dựng tại xã Phước
Vĩnh Đông thay cho địa điểm đề xuất trước đó. Bộ Công Thương cho rằng, địa điểm
này phù hợp với phát triển 2 dự án có tổng công suất khoảng 2.800 đến 3.600MW.
Đồng thời phù hợp với quy hoạch của tỉnh Long An, với quy hoạch Bộ Quốc phòng,
phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải.
Theo Bộ Công Thương, hiện tại Tổng
cục Năng lượng đang hoàn thiện công tác thẩm định hồ sơ quy hoạch địa điểm
Trung tâm điện lực Long An để trình lên Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét phê
duyệt.
Theo Bộ Công Thương, trường hợp quy hoạch Trung tâm điện lực Long An đáp
ứng yêu cầu, được phê duyệt, Bộ sẽ quản lý chặt chẽ quá trình triển khai các dự
án. Ngay từ việc đề xuất lựa chọn nhà đầu tư phải có năng lực, kinh nghiệm, áp
dụng công nghệ tiên tiến, có cam kết đảm bảo môi trường trong đầu tư cũng như
vận hành nhà máy nhiệt điện.
Tỉnh Long An nói gì?
Trả lời báo Tiền Phong, về việc UBND TPHCM có nêu một số nhược điểm và
xem xét lại vị trí xây dựng Trung tâm điện lực Long An, trong đó có vấn đề rủi
ro cao về môi trường, ông Dương Văn Hoàng Hoanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương
Long An cho biết, Bộ Công Thương đã tổ chức một số buổi hội thảo tại Hà Nội và
TPHCM để các nhà khoa học thảo luận về vấn đề môi trường của các nhà máy nhiệt
điện. UBND tỉnh Long An cũng đã có cam kết về việc quản lý chặt chẽ các nhà đầu
tư để không xảy ra các vi phạm ảnh hưởng đến môi trường.
Ông Hoanh cho biết thêm, vị trí dự án nằm ở trung tâm khu vực có các hộ
tiêu thụ điện lớn của vùng, sẽ tiết kiệm rất lớn so với chuyển tải điện từ vùng
khác về. Mặt khác, đây là vị trí có cảng nước sâu rất thuận lợi cho việc cung
cấp nhiên liệu than bằng tàu biển với trọng tải lớn thông qua sông Soài Rạp.
Khi dự án đưa vào vận hành sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của việc khai thác
tuyến đường thủy sông Soài Rạp.
Mặt khác, khu vực dự kiến quy hoạch dự án này có mật độ dân cư thưa
thớt, đất chủ yếu là đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dừa nước; hạ tầng
giao thông, điện nước… còn kém và nhiều khó khăn. Để giảm thiểu tác động của dự
án trung tâm nhiệt điện, về lâu dài, khu vực giáp ranh với dự án được quy hoạch
phát triển các khu cụm công nghiệp. Người dân sẽ được sắp xếp bố trí tái định cư,
hỗ trợ việc làm, nơi sinh sống mới để ổn định cuộc sống lâu dài.
“Dự án nhiệt điện tại Long An sử dụng công nghệ siêu tới hạn và trên
siêu tới hạn có hiệu suất cao, giảm thiểu phát thải, ảnh hưởng đến môi trường
thấp nhất. Xỉ than được nhà đầu tư cam kết không còn là chất thải công nghiệp
nguy hại, có thể là nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất công nghiệp khác”,
ông Hoanh nói.
Văn Minh - Ngô Bình (ghi)
SOURCE :
*****
Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện
đảm bảo than cho sản xuất
Thứ Tư,
11/1/2017
(BĐT)
- Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cung cấp than cho sản xuất
điện.
Thủ tướng
lưu ý các đơn vị cung cấp than xây dựng kế hoạch cung cấp than ổn định lâu dài
đáp ứng phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện Ảnh: Tường Lâm
Theo chỉ đạo này, để đảm bảo cung cấp đủ than cho các
nhà máy nhiệt điện, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư
các nhà máy nhiệt điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt
Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tính toán nhu
cầu than cần thiết cho sản xuất điện trong giai đoạn hiện tại và tương lai (bao
gồm cả nguồn than trong nước và nhập khẩu để có kế hoạch cụ thể bảo đảm đủ
nguyên liệu cho hoạt động của các nhà máy).
Thủ tướng cũng chỉ đạo TKV, Tổng công ty Đông Bắc, các doanh
nghiệp khác tham gia khai thác than, rà soát, tính toán năng lực cung ứng cho
các nhà máy nhiệt điện để xây dựng kế hoạch cụ thể về khai thác và nhập khẩu
bảo đảm cung cấp đủ cũng như ổn định than cho các nhà máy nhiệt điện.
Đồng thời, TKV phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và
các cơ quan liên quan, nghiên cứu, tính toán tiềm năng các nguồn than khác đang
được nghiên cứu thăm dò khai thác (trong đó có nghiên cứu Bể than Sông Hồng…)
để có các phương án, giải pháp bảo đảm than đáp ứng nhu cầu phát triển trong
tương lai.
Thủ tướng lưu ý các đơn vị cung cấp than (TKV, Tổng công ty
Đông Bắc và các đơn vị khác) làm việc với EVN để xây dựng kế hoạch cung cấp
than ổn định lâu dài đáp ứng phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện của EVN theo
đúng quy định của pháp luật.
Nguyễn
Thủy
SOURCE:
*****
Thứ tư, 4/7/2017
Hướng đi mới cho nhà máy nhiệt điện
Công nghệ đốt than trộn của than trong nước khó cháy với than nhập khẩu
dễ cháy do Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam thực hiện đã góp phần nâng cao
hiệu quả sử dụng nhiên liệu, đem lại lợi ích rất lớn cho các nhà máy nhiệt điện
đốt than ở Việt Nam.
Tăng hiệu suất nhà máy
Nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất điện năng. Vì vậy,
giảm tiêu thụ than nhiên liệu, giảm lượng tro xỉ, giảm phát thải khí nhà kính
đồng thời tăng hiệu suất của lò đốt mà không cần những thay đổi tốn kém về
thiết bị của nhà máy nhiệt điện là những yêu cầu cấp bách hiện nay.
PGS.TS
Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, Chủ nhiệm đề
tài - cho biết: Hiện các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam đều chỉ sử dụng một
loại than ổn định cho suốt cuộc đời vận hành của nhà máy và loại than này được
chọn mặc định ngay từ khâu thiết kế là than antraxit - một loại than xấu rất
khó cháy. Nếu đem trộn nó với than nhập khẩu cùng loại thì không có trở ngại gì
về kỹ thuật nhưng việc trộn với than khác loại sẽ là vấn đề lớn vì các nhà máy
nhiệt điện là một hệ thống thiết bị rất lớn về quy mô, phức tạp về vận hành và
sử dụng rất nhiều lượng than tiêu thụ. Hơn nữa, không có nhiều nghiên cứu về vấn
đề này. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã tìm ra giải pháp trộn than antraxit của
Việt Nam với than á bitum của Indonesia - loại than có chất bốc cao, dễ cháy.
Cách làm này nhằm giảm chi tiêu của than nội địa xấu (như giảm lượng tro), từ
đó cải thiện quá trình cháy, tăng hiệu suất cháy và giảm lượng than tiêu thụ.
Cụ thể, sử dụng quy trình công nghệ mới, các nhà máy nhiệt điện có thể tăng
hiệu suất cháy than từ 2-5% mà không cần phải cải tạo gì lớn, ngoài việc trang
bị thêm thiết bị trộn. Đây là ưu điểm mà các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam có
thể ứng dụng.
Tăng hiệu suất cho các nhà máy nhiệt
điện là vấn đề cấp thiết.
Lợi hàng trăm tỷ đồng
Quá trình thử nghiệm tại Công ty cổ
phần Nhiệt điện Ninh Bình đã bước đầu mang đến thành công ngoài mong đợi.
Trong suốt quá trình đốt than trộn,
lò hơi vận hành an toàn, ổn định. Việc điều chỉnh công suất tăng - giảm tải,
điều chỉnh thiết bị đều thuận lợi, dễ dàng. Hỗn hợp than trộn bắt cháy sớm hơn
than nội địa, buồng cháy ổn định. Đặc biệt, trong gần 1 năm qua, áp dụng công
nghệ này đã giúp nhà máy tiết kiệm được khoảng 640 tấn than tương đương với
khoảng 12 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến lợi ích về môi trường do lượng tro xỉ
thải ra ít khi hiệu suất cháy tăng lên.
Ông Trịnh Văn Đoàn - Giám đốc Công ty
cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình - cho hay, tỷ lệ trộn 10 - 20% than ngoại nhập đã
được ghi nhận là đem lại chế độ vận hành tốt nhất cho lò hơi của nhà máy nhiệt
điện Ninh Bình, hiệu suất đạt trung bình 84 - 85%. Còn nếu đốt hoàn toàn than
nội địa, tỷ lệ này chỉ đạt 82%. Bên cạnh đó, hàm lượng NOx trong khói thải giảm
10 - 15% so với đốt hoàn toàn bằng than nội địa. Trong quá trình đốt than trộn
không xảy ra hiện tượng đóng xỉ, chảy xỉ, sập xỉ. Hệ thống thải xỉ tự động của
lò hơi vận hành ổn định. Hệ thống khử bụi tĩnh điện làm việc tốt hơn do đã giảm
được nồng độ bụi đầu vào xuống dưới định mức. Hiện tại các nhà máy nhiệt điện
của Việt Nam đang tiêu thụ trên 30 tấn than/năm. Do đó, nếu sử dụng công nghệ
này, hàng năm có thể tiết kiệm được ít nhất 500.000 tấn than/năm, tương đương
khoảng 850 tỷ đồng/năm. Ngoài các lợi ích về kinh tế trên, việc ứng dụng thành
công công nghệ này trong các nhà máy nhiệt điện còn giúp ngành năng lượng xây
dựng kế hoạch khai thác và nhập khẩu than trong thời gian tới góp phần đảm bảo
an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế.
PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch
Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam:
"Tập đoàn Điện lực Việt Nam và
Bộ Công Thương đã thống nhất được giải pháp để các nhà máy nhiệt điện đốt than
trong thời gian tới thực hiện quy trình công nghệ đốt than trộn của than trong
nước khó cháy với than nhập khẩu dễ cháy."
SOURCE:
*****
07/06/2017
Tô Văn Trường
Tôi đã đọc bài viết “Nhà
máy điện chạy than, lợi hay hại” đăng ngày 3/6/2017 trên BVN của tác
giả Thanh Trúc phóng viên RFA(*).
Tôi chia sẻ và đồng tình với tác giả về những mặt bất cập do nhà máy nhiệt điện
gây ra về lĩnh vực ô nhiễm môi trường.
Giá trị của phản biện
chính là ở chỗ biện luận thuyết phục, có cơ sở khoa học, nói có sách mách có chứng.
Tiếc rằng, bài báo của tác giả Thanh Trúc còn để lại nhiều “lỗ hổng” như sau:
Người viết ít am hiểu về
chuyên môn, nhiều chỗ viết không chính xác, không rõ ràng và không có minh chứng
khoa học, thậm chí còn nhầm lẫn giữa nguyên liệu và nhiên liệu (những chỗ tôi
bôi vàng trong bài báo được trích tại Phụ chú cuối bài này). Các
thông tin số liệu không được cập nhật. Ông Phạm Khánh Toàn là nguyên Viện trưởng
Viện Năng lượng thuộc MOIT, không phải EVN.
Tác giả
không nên lấy thí dụ về một nhà máy công nghệ cũ, không có hệ thống xử lý khí
thải để minh họa cho tất cả các nhà máy nhiệt điện chạy than hiện có và trong
tương lai. Nhà máy ô nhiễm gây xôn xao dư luận là nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân
2, không phải Vĩnh Tân 4 v.v...
Song song với phát triển
nhiệt điện than thì giải pháp xử lý an toàn các chất thải cũng đang được Bộ
Công Thương và Bộ Tài nguyên & Môi trường quan tâm giám sát, xử lý và tiến
tới phải thắt chặt hoàn toàn hơn.
Vần đề phát thải cacbon
dioxit tăng là tất yếu khi tăng công suất nhiệt điện than. Nhưng VN chưa phải
là nước phát thải nhiều CO2 ở mức đáng lo ngại.
Phát triển nhiệt điện chạy
than còn nhiều vấn đề cần giải quyết. An toàn hay không phụ thuộc rất nhiều vào
lựa chọn công nghệ, nguồn nhân lực và đặc biệt là việc thực thi các chính sách
và pháp luật của bộ máy hành pháp. Điều này thì không ai dám chắc được mọi thứ
v.v…
Theo tôi hiểu, nếu muốn
“mổ xẻ” về nguy cơ gây ô nhiễm của các nhà máy điện chạy than thì cần nhấn mạnh
đến vấn đề giám sát môi trường của Việt Nam còn yếu nên nhìn chung các nhà máy
vẫn có tình trạng phát thải SOx và NOx do không cho khói đi qua các bộ khử để
giảm chi phí điện tự dùng và các hóa chất xử lý. Giám sát online mặc dù đã được
áp dụng nhưng cần quản lý chặt chẽ hơn.
Những giai đoạn đốt dầu
kèm thì khử bụi tĩnh điện hoạt động không hiệu quả thì phát thải lớn. Hiện nay,
đang có tình trạng các nhà máy điện không phát được hết công suất do nhu cầu điện
giảm và phía điều độ không cho phát toàn tải.
Cách thức làm quy hoạch dựa
trên cơ sở của tốc độ phát triển GDP và cho điện phải phát triển cao hơn phát
triển GDP để đón đầu sẽ có bất cập là thừa công suất phát và không dẫn đến các
nỗ lực tiết kiệm năng lượng, tăng cường năng lượng tái tạo, cố gắng phát triển
loại hình đồng phát nhiệt-điện.
Vấn đề giá điện vẫn là vấn
đề lớn cản trở sự phát triển nguồn một cách đúng đắn. Nếu không giải quyết
hợp lý thì ta luôn tìm cách lờ đi vấn đề môi trường để giữ được giá điện rẻ.
Đây là sự thật không thể tránh khỏi.
Yếu tố thiết bị rẻ, đều
có xuất xứ từ Trung Quốc luôn ảnh hưởng tới vấn đề môi trường, hiệu quả năng lượng,
độ tin cậy vận hành của các nhà máy nhiệt điện Việt Nam. Khi mà chúng ta không
biết yếu tố nào là đểu trong các trang thiết bị mà phải đấu thầu công khai thì
hiển nhiên ta không thể tránh được yếu tố giá rẻ.
Nguồn nhân lực trong
ngành điện còn rất hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, năng suất lao động thấp
so với các nước trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp thuộc ngành điện họ chỉ nhìn
lợi ích cục bộ mà không nhìn lợi ích quốc gia. Về mặt bằng chung, lương cho người
lao động không cao như các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, chi phí
lót đường chiếm tỷ trọng lớn. Trong doanh nghiệp có 02 nhóm rõ rệt, nhóm lợi
ích & nhóm làm công ăn lương. Nhóm 02 bị bóc lột sức lao động còn hơn các
nước “đang giẫy chết” bóc lột. Họ làm việc như “bán mặt cho màn hình máy tính
bán lưng cho ghế tựa”.
Trong thời gian tới với
quy hoạch mà có thêm tới 40 nhà máy nhiệt điện than thì càng phải chú trọng đến
yếu tố bảo vệ môi trường. Âu lo nhất không khí ở hầu hết các thành thị trong cả
nước đều đang bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng do khí thải nhà máy và xe cộ. Đến
nay, những gì hiển thị trên bản đồ của NASA một lần nữa báo động về mức độ ô
nhiễm không khí ở Việt Nam. Chỉ số PM2.5 của miền Bắc Việt Nam đang ở mức 20 -
25, cao gấp 2 lần so với mức an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới WHO đưa ra. Theo
WHO, chỉ số PM2.5 nhỏ hơn 10 được coi là mức an toàn. PM là viết tắt của
Particulate Matter - vật chất dạng hạt. PM 2.5 là chỉ số thường để đo mức độ ô
nhiễm không khí của các dạng hạt bui lơ lửng trong không khí có kích thước nhỏ
hơn hoặc bằng 2.5 micron mét trên một mét khối không khí. Loại bụi này rất nguy
hiểm, đi thẳng vào niêm mạc phổi và gây hậu quả khôn lường.
Trong quá trình phát triển
nếu đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, các giải
pháp tiết kiệm điện v.v… thì phải giảm số lượng nhà máy nhiệt điện than đến mức
có thể.
Đối với những nơi bắt buộc
phải có nhà máy nhiệt điện, phải sử dụng thiết bị tiên tiến, tránh xa các công
nghệ của Trung Quốc đã quá nhiều tai tiếng. Tôi nghe nói các nhà khoa học Nga mới
giới thiệu phương pháp Electrochimique Ionisasion trong quá trình đốt than ở
các nhà máy nhiệt điện. Phương pháp này giúp giảm tối đa bụi và khí thải ra môi
trường, hoàn toàn không dùng tới Mazut nên hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, nên nghĩ đến
phương án tìm cách mua công nghệ tiên tiến, mua máy móc trang thiết bị để chế tạo,
tìm cách phát triển công nghiệp trong nước, tránh phải phụ thuộc vào trang thiết
bị nước ngoài vừa khó khăn cho công tác sửa chữa bảo dưỡng sau này mà vừa lãng
phí một nguồn công ăn việc làm rất lớn.
(*) Nguyên
là bài “Thách thức về
môi trường từ các nhà máy điện than“ đăng một ngày trước đó trên RFA (BVN chú giải)
Tác giả gửi BVN.
Phụ chú:
Thanh Trúc, phóng viên RFA
(...)
Năm 2015, Trung tâm Phát
triển Sáng tạo Xanh Green ID thuộc Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam
ở Hà Nội, đã tổ chức buổi hội thảo để nói về những tác hại của nhiệt điện than
đối với sức khỏe con người. Số liệu từ
Green ID cho thấy hàng năm khoảng 4.300 người Việt Nam chết yểu vì những chứng
bệnh liên quan đến nhiệt điện than. Green ID cảnh báo là con số 4.300 có
thể tăng thành 25.000 khi mà tất cả các dự án nhiệt điện than theo qui hoạch đi
vào hoạt động.
Vẫn theo Green ID, nhiều loại khí thải ra từ nhà máy nhiệt điện chạy
bằng than như khí ozone khi phản ứng với các phân tử khác trong
không khi dưới điều kiện ánh sáng mặt trời sẽ tạo thành sương mù độc hại. Nếu
thường xuyên hít vào loại sương mù này con người dần dà có những triệu chứng
tức ngực, ho, khó thở. Đó cũng là nguyên nhân của chứng hen suyễn, sau một thời
gian dài sẽ dẫn đến viêm phổi mãn tính.
Thứ
đến là xỉ than mà thành phần là các kim loại và chất hóa học, khi con người hít
vào thì những hạt li ti đó có thể len tận mạch máu, gây rối loạn nhịp tim, đau
tim, hư phổi…
Nhiệt
điện ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu truyền thống là than. Đây là loại nguyên
liệu rẻ tiền và sẵn có của Việt Nam. Việc đốt than gây ô nhiễm ra môi trường
xung quanh là đương nhiên... - Giáo sư Phạm Ngọc Đăng
Ngoài sức khỏe của con
người, khói thải từ các nhà máy nhiệt điện
than còn tác động đến chất lượng đất, mùa màng ở những vùng chung
quanh trong bán kính cả trăm kilomet.
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng,
Giám đốc Trung tâm Kinh tế Môi trường, Đầu tư và Khu Công nghiệp, Đại học Xây
dựng, giải thích ảnh hưởng của việc đốt than và những qui định mà một nhà máy
nhiệt điện phải tuân theo:
Nhiệt
điện ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu truyền
thống là than. Đây là loại nguyên liệu rẻ
tiền và sẵn có của Việt Nam. Việc đốt than gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh
là đương nhiên do việc đốt than sinh ra bụi, SO2, NOX, CO2… Về khí thải có qui
định mức tối đa cho phép đối với bụi, SO2, NOX, CO. Đây là 4 yếu tố quan trọng
nhất gây ra ô nhiễm môi trường. Đồng thời cũng qui định nước thải không được
vượt quá nhiệt độ thải ra môi trường gây hại cho các hệ sinh thái. Đối với chất
thải rắn cũng có qui định phải xử lý triệt để làm vật liệu xây dựng hay đối với
các hạt bụi có thể gây ra ô nhiễm cho các nguồn nước và các mạch nước ngầm…
Dưới mắt Giáo sư Phạm
Ngọc Đăng, phát triển nào cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Trong kế hoạch
phát triển nhiệt điện than, ông nói, các cơ quan chức năng đã đề ra những qui
chuẩn về công nghệ, về vận hành cũng như xử lý chất thải từ nhà máy nhiệt điện:
Nếu
thực hiện đúng qui chuẩn kỹ thuật môi trường thì tôi chắc cũng không có vấn đề
gì nghiêm trọng. Thực tế một số nhà đầu tư kinh doanh muốn giảm chi phí giải
quyết ô nhiễm thì người ta lợi dụng thời cơ ít kiểm tra, kiểm soát. Có một số
nhà máy gây ô nhiễm môi trường chung quanh khiến dân kiện cáo căng thẳng.
Theo
tôi nếu thực hiện đúng luật pháp, những qui định, qui chuẩn môi trường thì ảnh
hưởng có khả năng chấp nhận được. Cơ bản việc thực thi pháp luật ở Việt Nam còn
yếu kém, cơ quan quản lý môi trường yếu kém về năng lực cũng như chưa làm tròn
trách nhiệm nên trong thực tế nhiều nhà máy gây ra ô nhiễm, gây ảnh hưởng sức
khỏe cũng như suy thoái môi trường chung quanh nhà máy điện. Nếu thực thi đúng
những qui định về quản lý và kỹ thuật thì bảo vệ môi trường được thôi.
Hôm 26 tháng Năm vừa
qua, trong một bài viết đăng trên trang mang Mongabay chuyên về môi trường và
sinh thái, nhà báo David Brown có bài chi tiết về kế hoạch phát triển nhiệt
điện than mà Việt Nam muốn đưa vào qui mô năm 2030, nói rằng trong lúc GDP Việt
Nam tăng 315% thì lượng khí thải nhà kính Việt Nam cũng tăng vọt 937% từ 1991
đến 2012.
Trích dẫn lời Chủ tịch
Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim trước một cử tọa gồm viên chức chính phủ lẫn
doanh gia các nước ASEAN năm 2016, ký giả David Brown nhắc lại lời ông Jim Yong
Kim rằng nếu Việt Nam quyết đạt thêm 40 dự
án điện than với công suất hàng ngàn MW, và nếu cả khu vực đều áp dụng sản xuất
nhiệt điện than giống Việt Nam thì coi như con người và hành tinh này phải gánh
chịu thảm họa môi trường không thể tránh trong tương lai.
T.T.
Source:
*****
Nở rộ xin đầu tư dự án nhiệt điện
than tỷ “đô”
Loạt nhà máy nhiệt điện than có
vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD được chấp thuận xây dựng...
Nhiệt điện
than có giá thành rẻ, phù hợp với hoàn cảnh thực tế nền kinh tế, song có rủi ro
môi trường.
Gần đây liên tục các dự án nhiệt điện than với quy mô hàng chục tỷ USD
được đề xuất, chấp thuận đầu tư. Mới đây, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến về vị
trí cụ thể của trung tâm nhiệt điện Long An. Dự kiến trung tâm này sẽ được xây
dựng và vận hành từ năm 2024 để giúp giải quyết việc thiếu điện của miền Nam.
Vốn đầu tư cho dự án lên tới 5 tỷ USD.
Các dự án tỷ USD được cấp phép
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự kiến nhu cầu than tiêu thụ cho trung tâm nhiệt điện Long An sẽ lên đến gần 10 triệu tấn/năm. Nguồn than sẽ lấy từ Úc, Indonesia. Vị trí dự án được đề xuất chọn là tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc (Long An), sát với Tp.HCM.
Loạt dự án nhiệt điện than khác cũng trong kế hoạch thực hiện trong thời gian tới. Chẳng hạn, dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Quảng trạch 1 với vốn đầu tư 33.000 tỷ đồng, thuộc Trung tâm điện lực Quảng Trạch.
Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự kiến khởi công cuối năm 2017, phát điện tổ máy 1 vào năm 2021 và phát điện tổ máy 2 vào năm 2022. Còn nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 sẽ được xây dựng năm 2019.
Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) vừa ký thỏa thuận đầu tư dự án BOT nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, tổng công suất tổ máy 1 đạt 1.200MW gồm 2 tổ máy 600MW.
Dự án sẽ vận hành tổ máy số 1 vào năm 2021, tổ máy số 2 năm 2022. Khi đi vào vận hành nhà máy sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu. Nhà máy được xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Cuối năm 2016, dự án dự án BOT nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2, có vốn đầu tư 2,3 tỷ USD đã được chấp thuận đầu tư chính thức. Dự án có tổng công suất 1.200 MW gồm 2 tổ máy 600 MW, sản xuất điện bằng nguyên liệu than nhập khẩu.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110 MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm. Lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn/năm.
Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động và tổng công suất lắp đặt là 24.370 MW.
Theo Quy hoạch điện VII, Việt Nam sẽ có thêm 40 nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030.
Vào năm 2030 tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi vốn đang chịu tổn thương nặng nề do biến đổi khí hậu và tác động của việc dùng nước trên thượng nguồn, sẽ có tới 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt hơn 18.000 MW.
Hiện nhiệt điện than dung cấp 40% sản lượng điện cho cả nước, trong tương lai con số này tiếp tục nâng lên, thuỷ điện có xu hướng giảm đi. Việc ồ ạt xây dựng các nhà máy nhiệt điện than có thể được lý giải dựa trên hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, tiềm lực xây dựng nhà máy thuỷ điện gần như đã cạn kiệt do nguồn thuỷ văn hạn chế, theo mùa ảnh hưởng đến vận hành của nhà máy. Các nguồn năng lượng sạch, năng lượng sinh học, điện gió,…có ưu điểm bảo vệ môi trường song giá thành đắt.
Trong khi nhiệt điện than đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên, giá thành rẻ, phù hợp với hoàn cảnh thực tế nền kinh tế, song có rủi ro môi trường.
Thứ hai, nhu cầu dùng điện của Việt Nam tăng quá nhanh do vận hành một nền kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng nên áp lực lên ngành điện rất lớn.
Nhu cầu 30 tỷ USD đầu tư trong 5 năm
Ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt, tổng công suất của các nhà máy điện năm 2020 phải đạt 60.000 MW, nghĩa là trong 5 năm 2016-2020, cần đưa vào thêm 21.650 MW.
Theo ước tính của Viện Năng lượng, số tiền đầu tư trong 5 năm của các nhà máy điện từ nay đến năm 2020 là gần 30 tỷ USD. Đó là chưa kể việc xây dựng các nhà máy điện, hệ thống lưới điện truyền tải. Tổng số tiền cần đầu tư trong giai đoạn này là 40 tỷ USD, tức mỗi năm gần 7,9 tỷ USD.
Dù nhà máy nhiệt điện quy hoạch ồ ạt, song Bộ Công Thương cũng đang tỏ ra cẩn trọng trong vấn đề này. Mới đây khi dư luận lo lắng về nguy cơ ô nhiễm về việc phát triển Trung tâm điện lực Long An - vốn đầu tư 5 tỷ USD, Bộ Công Thương đã trấn an dư luận là chỉ phê duyệt quy hoạch khi thấy phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo an ninh quốc phòng, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ quản lý quá trình triển khai các dự án. Ngay từ việc đề xuất lựa chọn nhà đầu tư phải có năng lực, kinh nghiệm, áp dụng công nghệ tiên tiến, có cam kết đảm bảo môi trường trong đầu tư cũng như vận hành nhà máy.
Khi thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, các dự án phải có giải pháp kỹ thuật tuân thủ báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, đặc biệt xem xét kỹ các nội dung liên quan đến môi trường: công nghệ áp dụng, giải pháp xử lý phát thải, giám sát của cộng đồng…
Gần đây, hiện tượng ô nhiễm môi trường từ các nhà máy nhiệt điện than tại đồng bằng sông Cửu Long, khiến lãnh đạo Bộ Công Thương phải yêu cầu các nhà máy nhiệt điện xây dựng và thực hiện quy trình thải tro xỉ nhà máy nhiệt điện, đảm bảo không phát tán tro xỉ ra môi trường.
Bộ Công Thương cũng ban hành một danh sách các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Trong đó có nhiều dự án nhiệt điện góp mặt trong danh sách này: nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh.
SOURCE:
*****
Xây dựng kế hoạch để cung cấp đủ
than cho sản xuất điện
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc cung cấp than cho sản xuất
điện.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo chủ
đầu tư các nhà máy nhiệt điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn
Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)
tính toán nhu cầu than cần thiết cho sản xuất điện trong giai đoạn hiện tại và
tương lai (bao gồm cả nguồn than trong nước và nhập khẩu để có kế hoạch cụ thể
bảo đảm đủ nguyên liệu cho hoạt động của các nhà máy).
Bên cạnh đó, chỉ đạo TKV, Tổng công ty Đông Bắc và các doanh
nghiệp khác (đã được cấp phép khai thác, sản xuất kinh doanh than) có tham gia
khai thác than, rà soát, tính toán năng lực cung ứng than (kể cả sản xuất trong
nước, nhập khẩu than) cho các nhà máy nhiệt điện và các hộ tiêu thụ khác để xây
dựng kế hoạch cụ thể về khai thác và nhập khẩu bảo đảm cung cấp đủ và ổn định
than cho các nhà máy nhiệt điện.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, TKV và
các cơ quan liên quan, nghiên cứu, tính toán tiềm năng các nguồn than khác đang
được nghiên cứu thăm dò khai thác (trong đó có nghiên cứu Bể than Sông Hồng…)
để có các phương án, giải pháp bảo đảm than đáp ứng nhu cầu phát triển trong
tương lai.
Các đơn vị cung cấp than (TKV, Tổng công ty Đông Bắc và các
đơn vị khác) làm việc với EVN để xây dựng kế hoạch cung cấp than ổn định lâu
dài đáp ứng phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện của EVN theo đúng quy định của
pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang
thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh chủ động nhập khẩu than phục vụ riêng cho hoạt
động nhà máy nhiệt điện của Công ty.
SOURCE:
*****
https://drive.google.com/file/ d/ 0B7vxHAQlq7jzdVhTeFBNakhpRzA/ view?usp=sharing
TỔNG QUAN VỀ
NGÀNH NĂNG LƯỢNG ĐIỆN TẠI VIỆT NAM
No comments:
Post a Comment