Friday, July 14, 2017

Người dân Thái Lan khởi kiện chính quyền trong vụ xây đập Pak Beng



08/06/2017 
 
BVR&MT – Hôm nay (8/6), Mạng lưới người Thái thuộc 8 tỉnh lưu vực sông Mê Kông đã gửi đơn tới Tòa án Hành chính Thái Lan kiện các cơ quan chính phủ nước này  liên quan đến việc xây dựng đập thủy điện Pak Beng sông Mê Kông với các tác động xuyên biên giới tiềm tàng ​​đối với các cộng đồng người dân Thái Lan.
Pak Beng là đập thứ ba dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông (sau hai đập Xayaburi và Don Sahong). Con đập có công suất dự kiến 912MW này được xây dựng tại tỉnh Oudomxay, bắc Lào, chặn dòng ở hạ nguồn sông Mê Kông cách huyện Wiang Kaen, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan khoảng 92 km. Tổng công ty Datang Trung Quốc là đơn vị thực hiện dự án. Theo kế hoạch, khoảng 90% sản lượng điện sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan thông qua Cơ quan Điện lực Thái Lan (EGAT).


Đoạn sông Mê Kông gần biên giới phân chia giữa Lào và Thái Lan (Ảnh: PanNature)

Đập Pak Beng hiện đang trong giai đoạn Tham vấn trước theo Quy trình Thủ tục Thông báo, Tham vấn và Thỏa thuận trước (PNPCA) của Hiệp định Mê Kông năm 1995. Sáu tháng của giai đoạn Tham vấn trước sẽ kết thúc vào ngày 19/6 tới.

Là một phần trong quy trình Tham vấn trước, Ủy hội Sông Mê Kông (MK) đã tiến hành rà soát kỹ thuật các nghiên cứu tác động môi trường và xã hội của đập Pak Beng. Nội dung rà soát tập trung vào một số vấn đề quan trọng như thuỷ văn, trầm tích, thủy sản, an toàn đập, giao thông thủy và các tác động xã hội và tác động xuyên biên giới của đập Pak Beng.
Nhóm đánh giá kỹ thuật của MRC đã phát hiện ra những thiếu sót nghiêm trọng trong các Báo cáo  về đập Pek Beng trình lên MRC hồi tháng 11/2016. Theo đó, thông tin về các loài cá bị ảnh hưởng được cung cấp trong báo cáo rất hạn chế. Số liệu thu thập trong báo cáo cũng ít ỏi, mẫu cá chỉ được lấy vào một vài ngày tại sáu điểm trong năm 2011 ở cả mùa mưa và mùa khô. Các chuyên gia cũng khẳng định tuyến đường di chuyển của cá được đề xuất nhằm giảm nhẹ tác động của đập Pak Beng đối với việc di cư của cá sẽ không mang lại hiệu quả. Hơn nữa, những nghiên cứu về tác động xuyên biên giới của Pak Beng cũng chưa đầy đủ, đặc biệt là những thông tin liên quan đến các tác động dự kiến ​​tới nước láng giềng Thái Lan.


Khu vực dự kiến xây dựng đập Pak Beng (Ảnh chụp tháng 3/2017: PanNature)

Trong cả bốn cuộc họp về đập Pak Beng tổ chức tại Thái Lan, theo khuôn khổ của quy trình Tham vấn trước, người dân Thái đều bày tỏ quan ngại về các tác động xuyên biên của con đập ở cả thượng lưu và hạ lưu.
Do tính chất liên kết của sông Mê Kông, nếu mực nước trên sông tăng chỉ 50cm tới 1m, sẽ gây ra những tác động rất lớn. Người dân Thái Lan đặc biệt lo lắng về thảm họa lũ lụt do ảnh hưởng của hồ chứa đập. Thông tin được chia sẻ trên các diễn đàn về đập Pak Beng ở Thái Lan rất hạn chế, vì vậy nhiều câu hỏi liên quan đến tác động của dự án đã bị bỏ qua.
Hiện tại, khi đập thượng nguồn ở Trung Quốc xả nước sẽ gây ngập lụt ở hạ lưu. Một khi đập Pak Beng được xây dựng, người dân ở Chiang Rai sẽ phải sống thấp thỏm giữa hai con đập.

Đại diện Mạng lưới người Thái 8 tỉnh lưu vực sông Mê Kông trả lời phỏng vấn
Ảnh: Thai Network of Eight Mekong Provinces

Đại diện Mạng lưới người Thái 8 tỉnh lưu vực sông Mê Kông trước Tòa án Hành chính Thái Lan sáng nay (Ảnh: Thai Network of Eight Mekong Provinces)

Đại diện Mạng lưới người Thái 8 tỉnh lưu vực sông Mê Kông trước Tòa án Hành chính Thái Lan sáng nay (Ảnh: Thai Network of Eight Mekong Provinces)

Đây là vụ kiện thứ hai liên quan đến ảnh hưởng xuyên biên giới của các dự án bên ngoài Thái Lan và cũng là vụ kiện thứ hai về các tác động môi trường và xã hội xuyên biên giới của các dự án thủy điện trên sông Mê Kông sau vụ kiện đầu tiên với Cơ quan Điện lực Thái Lan ở dự án Xayaburi.

Bích Ngọc



No comments:

Post a Comment