Ks Nguyễn
Minh Quang
(trích)
Kết luận: Tuy chưa là cao điểm của mùa khô
2016, tình trạng hạn hán và xâm nhập của nước mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long
(ĐBSCL) đã lên đến mức báo động. Các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam đều
cho rằng “các hồ chứa thượng lưu” là nguyên nhân “chi phối chủ đạo.”
Dữ kiện lưu lượng của Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission (MRC))
cho thấy các đập thủy điện trên dòng chánh Mekong ở Trung Hoa hay trên phụ lưu
trong hạ lưu vực Mekong không phải là
nguyên nhân. Cũng không phải do hạn hán (hay thay đổi khí hậu) vì ĐBSCL
hiện đang ở trong mùa khô.
(Một trong) “Thủ
phạm” chính là việc gia tăng sử dụng nước sông Mekong của Lào, Thái Lan, và
Cambodia; lên đến 2.991 m3/sec tức 49% lưu lượng sông Mekong tại Kratié.
Đó là chưa kể lượng nước do Cambodia sử dụng cho các dự án thủy nông ở hạ lưu
Kratié.
Việc gia tăng sử dụng nước sông Mekong của Lào, Thái Lan, và Cambodia không phải là nguyên nhân duy nhất.
Tình trạng thiếu nước hiện nay ở
ĐBSCL, thực sự, bắt nguồn từ chánh sách phát triển thiển cận ở ĐBSCL, nguyên
tắc “mạnh ai nấy làm” trong lưu vực Mekong, và việc quản lý nguồn nước
thiếu khoa học kéo dài từ năm 1975 cho đến nay.
Để cứu hạn mặn ở ĐBSCL, chánh phủ
Việt Nam đã yêu cầu Trung Hoa xả nước sông Mekong từ đập Cảnh Hồng, nhưng trên
thực tế, biện pháp nầy “quá ít và quá trễ. ”
Biện pháp thực tiễn và khả thi cấp thời là:
(1) sử dụng khôn ngoan số nước hiện
có để cứu vãn diện tích lúa Đông-Xuân chưa bị thiệt hại và
(2) tránh tối đa việc “lấy ngọt chống
hạn” để giảm thiểu sự xâm nhập của nước mặn và duy trì nguồn nước ngọt cho các
thành phố như Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh và Mỹ Tho.
Các biện pháp ngắn hạn có thể bao gồm việc:
(1) thực hiện hệ thống đo đạc lưu
lượng và độ mặn dùng cho việc quản lý nguồn nước,
(2) giảm bớt số lượng nước dùng cho
nông nghiệp trong vùng chịu ảnh hưởng của nước mặn, và
(3) nghiên cứu khả thi việc sử dụng
các hồ thủy điện hiện có trên Cao nguyên miền Trung cho mục đích thủy nông.
Các biện pháp dài hạn có thể bao gồm:
(1) thay đổi chánh sách phát triển
ĐBSCL,
(2) “cải tạo” hệ thống thủy lợi hiện
nay cho phù hợp với chánh sách phát triển mới,
(3) “phục hồi” các nguyên tắc của Ủy
ban Quốc tế Mekong (Mekong Committee (MC)) 1957 và điều lệ của Thông cáo chung
1975, và
(4) thương thảo với các quốc gia
thượng nguồn để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trong việc phát triển sông
Mekong.
(Lá thư Úc châu)
(Tác giả là Kỹ sư Công chánh Chuyên
nghiệp (Professional Civil Engineer) của Tiểu bang California. Tốt nghiệp
Kỹ sư Công chánh tại Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972;
Trưởng ty Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia Thủy lợi thuộc Bộ Công chánh và Giao
thông đến tháng 4 năm 1975. Tốt nghiệp Cao học Thủy lợi tại Đại học Nebraska,
Hoa Kỳ năm 1985; Chuyên viên Thủy học (Hydrologist) của Sở Quản trị Thủy lợi,
Broward County, Florida đến năm 1989. Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám
sát trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công
ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles).
SOURCE:
https://nhatbaovanhoa.com/p192a3791/20/vi-sao-thieu-nuoc-o-dong-bang-song-cuu-long-vi-cambodia-
https://nhatbaovanhoa.com/p192a3791/20/vi-sao-thieu-nuoc-o-dong-bang-song-cuu-long-vi-cambodia-
No comments:
Post a Comment