22/06/2017
Ba nhà máy thủy điện nằm trong vùng lõi, 1 nhà máy ở khu phục hồi sinh
thái của khu bảo tồn. Việc làm thủy điện đã khiến 200 ha rừng đặc dụng bị mất, ảnh
hưởng đến bảo tồn, đa dạng sinh học
Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phong Điền ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa
Thiên - Huế được thành lập năm 2002, rộng trên 41.500 ha với 43 tiểu khu. Việc
thành lập nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, quần thể của
các loài động thực vật quý hiếm, các loài đang bị đe dọa, các loài đặc hữu của
vùng núi thấp miền Trung; duy trì giá trị sinh thái và chức năng phòng hộ đầu
nguồn của khu vực đối với các con sông lớn Mỹ Chánh, Ô Lâu, sông Bồ.
Nhộn nhịp các đại công trường
Khu BTTN Phong Điền được công nhận là một trong những nơi cư trú cuối
cùng của gà lôi lam màu trắng, là vùng bên trong của Vùng chim đặc hữu (EBA)
vùng địa hình núi thấp Trung Bộ. Tại đây còn có 6 trong số 9 loài có vùng phân
bố hạn chế trong EBA này, đáng chú ý là gà so Trung Bộ (Arborophila merlini),
khướu đuôi ngắn (Jabouilleia danjoui).
Tuy nhiên, năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định phê duyệt quy
hoạch thủy điện nhỏ ở địa phương này. Theo đó, trong số 8 thủy điện ưu tiên đầu
tư thì 4 thủy điện ( Alin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4...) nằm trong Khu BTTN
Phong Điền.
Một nhà máy Thủy điện đang được thi công
Để thi công các nhà máy thủy điện này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chấp
thuận cho các chủ đầu tư mở Tỉnh lộ (TL) 71 dựa trên lối mòn từ thời chiến
tranh để lại, cạnh bên là đường dây điện dẫn nguồn từ 4 nhà máy hòa vào lưới điện
quốc gia. Ông Đặng Vũ Trụ, Giám đốc Khu BTTN Phong Điền, cho biết TL71 dài hơn
50 km nhưng có đến 25 km qua khu bảo tồn. Tương tự, cả 4 nhà máy thủy điện trên
đều nằm trong Khu BTTN Phong Điền, thuộc vùng lõi và khu vực phục hồi sinh
thái. "Khoảng 200 ha rừng phải chuyển đổi mục đích để thi công các dự án
thủy điện. Ngoài ra, một số diện tích khác cũng phải chuyển đổi để thi công
TL71 và đường dây điện nối vào hệ thống điện lưới quốc gia. Tất cả đã được HĐND
tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch, thẩm định
và có quyết định chuyển đổi mục đích từ năm 2011" - ông Trụ khẳng định.
Men theo TL71 ở đoạn đầu tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, vượt qua
nhiều đoạn đường đang thi công giữa những ngọn núi dựng đứng, chúng tôi ghi nhận
cảnh nhộn nhịp ở các đại công trường. Cách chừng 20 km là công trình thủy điện
Rào Trăng 4 đang thi công nhiều hạng mục với khoảng 60 công nhân, phương tiện
máy móc đang làm việc. Tiếp đó là thủy điện Rào Trăng 3, Alin B2...
Theo báo cáo của các chủ đầu tư, thủy điện Alin B2 đã thi công hoàn thành
nền đường của hạng mục đường vận hành thi công, đường điện 22 KV phục vụ thi
công, một số hạng mục cụm đầu mối, đường hầm dẫn nước, hạng mục tháp điều áp,
hoàn thành toàn bộ khu phụ trợ đã thi công...; thủy điện Rào Trăng 3 đang xây dựng
các hạng mục phụ trợ; thủy điện Rào Trăng 4 thì đã hoàn thành toàn bộ các hạng
mục phụ trợ.
Đối diện nhiều nguy cơ
Để thực hiện các dự án này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn đã có quyết định chuyển đổi mục đích đất và khai thác,
tận thu rừng tự nhiên. Năm 2016 và 2017 có trên 63 ha rừng bị chặt hạ, trong đó
khoảng 40 ha rừng có gỗ với khối lượng được tận thu là 349 m3. Trong số diện
tích trên, Khu BTTN Phong Điền mất gần 30 ha rừng tự nhiên để xây dựng nhà máy
thủy điện Alin B2 và Rào Trăng 3...
Theo ông Đặng Vũ Trụ, thực hiện các dự án xây dựng sẽ có những tác động
nhất định đến việc bảo tồn và đa dạng sinh học của Khu BTTN Phong Điền. Ông Trụ
cho biết trước kia, khu bảo tồn không bị chia cắt, chỉ có tuyến đường mòn bị
che phủ nên đường sá khó khăn. Giờ đây, sau khi tuyến TL71 mở ra thì giao thông
thuận lợi, rất dễ cho việc khai thác và vận chuyển gỗ trái phép trong Khu BTTN.
Đặc biệt, việc thi công sẽ gây ra tiếng ồn, rừng bị mất, tác động đến môi trường
sống của các loại động thực vật… Mặt khác, do nhiều công trình thi công nên rất
dễ xảy ra tình trạng đối tượng trà trộn, lợi dụng để phá rừng. "Không thể
phủ nhận sự tác động của những công trình này lên việc bảo tồn nhưng cũng không
nên giữ quan điểm cực đoan trong bảo tồn. Việc xây dựng này có lợi ích rất lớn
trong tạo việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vấn đề là phải
giải quyết mâu thuẫn đó như thế nào để giảm thiểu sự tác động. Khi lập quy hoạch,
chúng tôi cũng đã tham mưu, kiến nghị những giải pháp để có sự hài hòa giữa bảo
tồn và phát triển" - ông Trụ nói.
Mặt khác, ông Trụ cho rằng phương án thi công giảm thiểu tối đa tác động
lên Khu BTTN. Trong đó, đường dây điện dẫn dòng ở 4 nhà máy này đều men theo
TL71; các thủy điện xây dựng theo kiểu bậc thang, trong đó Alin B2 đào hầm
xuyên núi dẫn nước vào phát điện… nên giảm thiểu phá rừng.
Ông Dương Văn Quý, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 4, cho
biết dự kiến năm 2018, thủy điện Rào Trăng 4 sẽ hoàn thành và phát điện. Rừng ở
đây gỗ rất ít, giá trị thấp. Trong quá trình thi công, nhà đầu tư luôn cam
kết bảo đảm chấp hành nghiêm túc các quy định bảo vệ rừng.
"Chúng tôi chỉ thi công trong 140 ha đất được UBND tỉnh cấp, 20 ha
xung quanh phục vụ thi công và sẽ trả khi hoàn tất dự án" - ông Quý
thông tin.
Đường cao tốc đi qua vùng lõi
Báo cáo tác động môi trường đối với đường Hồ Chí Minh Đông (hay còn gọi
là đường cao tốc) đoạn Cam Lộ - Túy Loan, ở khu vực phía Bắc, cho thấy đường sẽ
đi qua phân khu phục hồi sinh thái thuộc vùng lõi của Khu BTTN Phong Điền với
chiều dài 3,2 km, diện tích rừng bị chiếm dụng trên 7,6 ha. Theo lý giải, việc
mở đường đi qua Khu BTTN Phong Điền là phương án bất khả kháng vì nếu dịch tuyến
đường về phía Đông sẽ gặp địa hình thấp, lũng sông Mỹ Chánh và rất gần Quốc lộ
1; nếu bố trí dịch chuyển lên phía Tây sẽ đi sâu vào giữa Khu BTTN Phong Điền.
Bài và ảnh: QUANG NHẬT
No comments:
Post a Comment