Friday, July 14, 2017

Gian nan tái định cư cho người dân vùng sạt lở



  SGGP 23/06/2017

Trước tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng ở ĐBSCL thời gian qua, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, theo chỉ đạo của Chính phủ, người dân vùng sạt lở phải được di dời chỗ ở đến nơi an toàn. 

Hiện trường vụ sạt lở tại xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, An Giang) ngày 22-4.
Ảnh: ĐÔNG XUYÊN

Tuy nhiên, với hàng trăm ngàn hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở, việc di dời không phải ngày một ngày hai, kèm theo đó là bài toán sinh kế.

Bám trụ để kiếm sống
Chưa năm nào người dân sống khu vực cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) lại nơm nớp lo sợ như năm nay. Nhiều cư dân nơi đây đã bỏ đi nơi khác, để lại những “xác” nhà nằm trơ trọi nơi cửa biển. Nhưng hiện vẫn còn vài chục hộ dân cố bám trụ.
Con đường dẫn ra Vàm Xoáy đã bị sóng biển đánh hư hỏng. Bà con phải bắc những cây cầu đước nối tiếp nhau từ nhà này qua nhà khác để đi lại. Bà Lý Thị Mấy (ấp Kênh Đào Đông, xã Đất Mũi) nói: “Nơi đây, tới mùa gió chướng là sóng đánh tràn ngập hết, đồ đạc trong nhà bị ướt chẳng còn gì. Đêm đến không dám cho trẻ con ngủ ở nhà vì sợ bị lọt xuống biển, mà phải gởi nhà người thân quen phía trong vàm”.
Mặc dù sống ở đây hiểm nguy rình rập, nhưng khi được hỏi nguyện vọng có muốn vào các khu tái định cư tập trung để sinh sống thì nhiều người lại tỏ ra không mặn mà. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Văn Tươi khẳng định: “Tới đâu hay tới đó, vì cuộc sống mưu sinh hàng ngày nên gia đình tôi mới bám trụ lại đây chứ đâu muốn đương đầu với sóng biển làm chi. Vào khu tái định cư mà không có việc làm thì sẽ càng khó khăn hơn”.

Điểm dân cư Vàm kênh Hương Mai (xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) là một trong 3 điểm dân cư nằm trong dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư rừng phòng hộ biển Tây. Điểm dân cư này đã xây dựng được 6 năm nay nhưng vẫn chưa hoàn thiện, nhiều công trình phụ trợ vẫn chưa được đầu tư. Vì vậy, dù đã có kế hoạch bố trí hơn 180 hộ dân vào ở nhưng nhiều người vẫn chưa mặn mà, có hộ vào cất nhà ở được một thời gian rồi lại bỏ đi nơi khác.
Sau vụ sạt lở tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới hồi tháng 4 vừa qua khiến hàng chục căn nhà trôi xuống sông, tỉnh An Giang buộc phải công bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời lên phương án di dời gấp rút hơn 100 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Thế nhưng cho đến nay, người dân vẫn phải sống trong những khu nhà tạm bợ, vì dự án tái định cư cho những người dân nơi đây vẫn đang chậm tiến độ. Không chịu nổi cạnh sống tạm ở chùa chiền, trường học, một số hộ dân đã trở lại nhà cũ dù sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Thiếu kinh phí, kẹt giải pháp
Theo thống kê chưa đầy đủ, ĐBSCL có gần 500.000 hộ dân cần di dời để tránh sạt lở, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, số hộ dân được di dời không nhiều do thiếu kinh phí, thiếu quỹ đất và cả những giải pháp liên quan đến sinh kế. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, giai đoạn trước 2015, tỉnh được phê duyệt đầu tư 35 cụm, tuyến dân cư mới chỗ ở ổn định cho khoảng 13.870 hộ dân. Tuy nhiên, do gặp khó về quỹ đất, đồng thời nguồn vốn Trung ương hỗ trợ còn hạn chế, đến nay tỉnh mới bố trí được hơn 1.000 hộ dân ở các vùng nguy cơ xảy ra thiên tai cao vào các điểm, khu dân cư sinh sống ổn định.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Cà Mau cần khoảng 1.200 tỷ đồng để di dời gần 5.700 hộ ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao (vùng sông ven biển, ven sông) vào sinh sống ổn định ở các cụm tuyến dân cư mới. Trước mắt, tỉnh Cà Mau đề nghị Trung ương hỗ trợ 120 tỷ đồng thực hiện tái định cư phục vụ cho khoảng 500 hộ dân sinh sống tại cửa biển Vàm Xoáy và cửa biển Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển).

Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2050, ĐBSCL có thể có tới 1 triệu người phải di dời do những yếu tố sạt lở, lũ lụt và hạn hán lặp đi lặp lại nhiều lần. Việc tái định cư cho người dân vì thế nằm ngoài “tầm với” của chính quyền địa phương. Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần thực hiện quyết liệt các giải pháp để chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ sớm được triển khai tại ĐBSCL.

Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, phần lớn hộ dân ở những vùng sạt lở hiện thiếu vốn, không đất sản xuất và không có nghề nghiệp ổn định. “Khi xây dựng các khu tái định cư thì cần bố trí đổ vốn để xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Tranh thủ vốn từ các chương trình mục tiêu, dự án khác để hỗ trợ người dân vào ở, nhất là hỗ phát triển sản xuất, đào tạo nghề. Nếu bài toán tạo sinh kế cho người dân được làm tốt thì sẽ thu hút được dân ở”, ông Tô Quốc Nam đề xuất.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ trên 82 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia để tỉnh xây dựng 11/29 cụm tuyến dân cư giai đoạn 2016 - 2020, di dời được 2.090 hộ dân có nguy cơ cao nằm trong vành đai sạt lở của 6 huyện. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng các cụm, tuyến dân cư gặp khó khăn do thiếu kinh phí, tiến độ rất chậm.

HÀM LUÔNG - NGỌC CHÁNH



No comments:

Post a Comment