Tuesday, August 20, 2024

Thần nông Việt Nam đã ra đi (Nguyễn Xuân Xanh)

 

"Cuộc đời như một cuốn phim. Hãy để lại những thước phim có giá trị nhất".

Võ Tòng Xuân

19 Tháng Tám, 2024

 https://i0.wp.com/rosetta.vn/nguyenxuanxanh/wp-content/uploads/sites/6/2024/08/Anh-Cao-pho.jpg?resize=422%2C627&ssl=1

Sáng thứ Hai, ngày 19 tháng 8, năm 2024, Giáo sư Võ Tòng Xuân, sau cơn bệnh nặng đã vĩnh viễn ra đi tại Thành phố Hồ Chí Minh, lúc 7 giờ sáng. Tin này như sét đánh. Có lẽ không ai không biết tên tuổi của ông, nhất là người dân của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tôi hay gọi ông là Thần Nông Việt Nam. Thần nông trong truyền thuyết chỉ là truyền thuyết. Nhưng ở đây, Thần nông là câu chuyện có thật, “người thật, việc thật”, được lịch sử ghi chép rõ ràng. Ông rất xứng đáng với danh hiệu cao quý đó.

Võ Tòng Xuân sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 tại xã Châu Phú, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Ông xuất thân từ một gia đình nghèo, phải làm nhiều nghề để lo cho 5 người em. Ông kể: “Khi tôi học xong Trung học đệ nhất cấp thì như những thanh niên khác muốn kiếm trường để lên cấp 3, rất may tôi đậu vào Trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng (nay là trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng). Học Cao Thắng là giai đoạn cực nhất vì gia đình nghèo tôi phải đi bán báo kiếm tiền lo cho việc học và phụ ba mẹ nuôi các em. Mỗi ngày tôi phải thức dậy từ 2 giờ 30 phút sáng đến chổ phát hành lãnh báo, lãnh xong đem về nhà để cả gia đình cùng xếp báo lại, sau đó anh em tôi chia báo ra bán cho đến 6 giờ 30 sáng thì về đi học…”. Sau một thời gian ông bị bệnh lao nặng, và được điều trị tại Bệnh viện Sài gòn. Nhưng cũng chính nơi đây, như một duyên nợ tiền định, ông đã gặp người bạn đời của ông, bà Bùi Thị Ngọc Lệ, “người vợ tào khang” mà ông biết ơn suốt đời. Việc học kỹ thuật ở Trường Kỹ thuật Cao Thắng đã có tác dụng rèn cho ông một khuôn mẫu suốt đời: đức tính kỹ lưỡng, kiên nhẫn, làm việc gì cũng phải chỉnh chu, tác phong nghiêm túc. 

 

 https://i0.wp.com/rosetta.vn/nguyenxuanxanh/wp-content/uploads/sites/6/2024/08/Anh-Thu-hai-tham-ruong-luc-Tan-Hong-Dong-Thap-resized.jpg?resize=866%2C618&ssl=1

 

Năm 1961, sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật Cao Thắng, ông nhận được học bổng Rockefeller để tham gia vào hoạt động của Viện cây lúa quốc tế IRRI là viện được 24 quốc gia tài trợ, trong đó có những nhà tài trợ chính là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn độ, Indonesia và Philippines.

Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân Hóa nông, chưa phải là nghề lúa, nhưng sau đó được nhận làm Nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu cây lúa IRRI.

Năm 1971, một khúc quanh đã đến, ông đã giã từ viện IRRI, nơi cuộc sống của ông rất ổn định, lương cao, điều kiện làm việc rất tốt, để khăn gói về về Việt Nam với mức lương thấp hơn, chỉ vì muốn đào tạo đội ngũ kỹ sư nông nghiệp cho quê nhà theo lời mời của Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ. Lúc đó viện trưởng Đại học Cần Thơ Nguyễn Duy Xuân viết thư sang cho ông: “Đồng bằng sông Cửu Long không có ai chuyên về lúa cả, nếu anh về làm ở đại học chắc sẽ giúp ích được nhiều hơn. Chiến tranh rồi sẽ có ngày hòa bình, cái ăn sẽ luôn luôn đi đầu, rất cần những người như anh…”.

 https://i0.wp.com/rosetta.vn/nguyenxuanxanh/wp-content/uploads/sites/6/2024/08/Anh-vo-ong.jpg?resize=407%2C563&ssl=1

Bà Bùi Thị Ngọc Lệ, phu nhân của GS Võ Tòng Xuân

Tình yêu đất nước và khao khát đem kiến thức áp dụng cho quê hương của anh lúc nào cũng mãnh liệt, mặc cho mọi gian khổ, thử thách. VN lúc đó chưa có những nhà nông khoa học. Chính ông là người đã mở màn cho việc đào tạo bài bản. Trong 2 năm, 1972 – 1974, ông đã hướng dẫn được 25 SV làm luận văn tốt nghiệp, nền tảng khoa học cho cây lúa. Con số này sẽ tăng lên hàng nghìn.

 https://i0.wp.com/rosetta.vn/nguyenxuanxanh/wp-content/uploads/sites/6/2024/08/Anh-VTX-va-Dai-tuong-Vo-Nguyen-Giap.jpg?resize=558%2C416&ssl=1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Võ Tòng Xuân trong buổi công bố

chức danh giáo sư nhà nước, tháng 4,1981 (Thanh Niên)

 

Cuối năm 1974, ông sang Nhật Bản bảo vệ luận án tiến sĩ và sau khi đất nước thống nhất, trở về từ Nhật Bản, ông mang những kiến thức đã học ở nước ngoài về phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam.

Năm 1975, ông không ra đi, mà vẫn tiếp tục ở lại “bám ruộng, bám đồng” để phát triển cây lúa VN, góp phần hồi sinh và thăng hoa kinh tế lúa trong những điều kiện rất khó khăn. Đây cũng là một điểm son của ông.

Tại lễ nhận giải thượng VinFuture năm 2023, ông chia sẻ: “Muốn làm sao để người nông dân Việt Nam giàu hơn. Đi nước này nước kia, tôi thấy sao người nông dân người ta giàu quá vậy, mà người nông dân nước mình lại nghèo thế. Cần làm sao để người nông dân trồng lúa Việt Nam có thu nhập cao lên. Từ đó tôi xác định mục tiêu để học, nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề”.

Ông Võ Tòng Xuân được xem là “cha đẻ” của nhiều giống lúa ngon của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ông là người, bằng những phương pháp sáng tạo mới mẻ, đã phổ biến giống lúa IR36 nhanh chóng trên diện rộng có đặc tính dễ trồng, khống chế được rầy nâu và cho năng suất cao tới 8-9 tấn/ha, góp phần giải quyết nạn khan hiếm thực phẩm quốc gia. Ông cũng có nhiều đóng góp biến các giống Thần Nông, IR33, IR64, MTL30 khắp các tỉnh miền Tây. Đóng góp của ong rất nhiều, không kể hết.

Ông cũng đã đưa nhiều giống lúa cao sản và chất lượng cao sang châu Phi. Đây cũng là một hoạt động hết sức quan trọng của ông.

 https://i0.wp.com/rosetta.vn/nguyenxuanxanh/wp-content/uploads/sites/6/2024/08/Anh-VTX-nhan-giai-thuong-VinFuture.jpg?resize=614%2C405&ssl=1

GS Võ Tòng Xuân nhận Giải thưởng VinFuture năm 2023

 

“Cuộc đời như một cuốn phim. Hãy để lại những thước phim có giá trị nhất“: Đó là Võ Tòng Xuân. Ông được phong “Anh hùng lao động” năm 1985 là năm khó khăn nhất của Việt Nam. Ông là nhà khoa học không phải đảng viên hiếm hoi đứng trước diễn đàn của Quốc hội hùng hồn hiến kế cho đất nước. Ông từng là đại biểu quốc hội 3 khóa liền. Điều đó nói lên uy tín của ông, điều không phải dễ đối với người ngoài Đảng, nhất là trí thức từ miền Nam.

 https://i0.wp.com/rosetta.vn/nguyenxuanxanh/wp-content/uploads/sites/6/2024/08/Anh-trao-huan-chuong-mat-troi-moc.jpg?resize=740%2C473&ssl=1

Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận Huân chương Mặt Trời Mọc, Tia Sáng Vàng và Ruy Băng Cổ 

của Chính phủ Nhật Bản tháng 12/2023.

 

Ông nhận được hầu hết các vinh danh: được phong Giáo sư vào năm 1980, được tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 1985, Nhà giáo Ưu tú năm 1990, Nhà giáo Nhân dân năm 1999, Huân chương Lao động hạng ba năm 1981 và Huân chương Lao động hạng nhất năm 1986.

Ông cũng được nhận nhiều giải thưởng quốc tế, bao gồm: Giải thưởng Derek Tribe về khoa học kỹ thuật 2005; giải thưởng Nikkei Á châu năm 2002 về tăng trưởng vùng; giải thưởng Ramon Magsaysay về phục vụ Nhà nước năm 1993; huy chương “Kỵ mã nông nghiệp” của Bộ Nông Lâm Thủy sản Pháp, năm 1996, bằng khen của Bộ Ngoại giao Nhật Bản 2019, Huân chương Mặt Trời Mọc của Chính phủ Nhật Bản năm 2023. Vâng, ông đã nếm trải đủ cả: gian khổ của tuổi thơ và thành niên, cũng như vinh quang ở tuổi trưởng thành, từ những nỗ lực phi thường của ông.

Vào giai đoạn đầu của Minh Trị Duy Tân, nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi đã nghiên cứu về sự tiến bộ của văn minh của phương Tây và “những định luật tinh thần của sự tiến bộ” theo hàm số của đạo đức và trí tuệ. Đạo đức có “mối quan hệ trực tiếp hơn với nghĩa vụ của chúng ta” và trí tuệ “với tri thức của chúng ta”. Để nền văn minh tiến bộ, cả hai đều cần thiết và gắn kết với nhau. Sẵn sàng thực hiện bổn phận của mình là phần đạo đức; biết thực hiện nó là phần trí tuệ. Võ Tòng Xuân là người có đủ hai phẩm chất đó: thực hiện nghĩa vụ đối với đất nước như một thái độ đạo đức, và có năng lực trí tuệ để thực hiện nó. Và các trí thức yêu nước khác cũng đều như thế cả. Có như thế quốc gia mới tiến bộ. Tinh thần đó – đức hạnh và sự thông minh (tri thức) – khi lan tỏa trong dân tộc, sẽ làm cho quốc gia tiến bộ, rủ bỏ quá khứ nghèo nàn, để đi lên phồn vinh. Tinh thần của họ đã hòa nhập vào tinh thần của thế giới.

Những năm trước dịch Covid, thỉnh thoảng tôi còn gặp anh ấy tại Lễ trao Giải Sách Hay. Anh là người rất hăng say và tâm huyết với giáo dục, và thường được mời phát biểu. Sự hiện diện của anh ấy làm tăng lên giá trị của những ngày hội sách như thế. Ông từng đảm nhiệm nhiều trọng trách như Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, sáng lập và là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học An Giang; hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo; sau đó là Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ.

Gia đình diễn đàn edu-sci mà ông là thành viên rất lâu gửi nhiều lời phân ưu với gia đình ông. Trong vòng nửa năm qua, chúng ta mất mát nhiều tài năng của thế hệ trước: Cao Huy Thuần, Chu Phạm Ngọc Sơn, ở hải ngoại có Phạm Gia Thụ, nhà thống kê học nổi tiếng ở Canada, đồng học lớp toán MGP ở Đại học Sài gòn cùng với tôi, Thế hệ này dần lùi vào dĩ vãng. Họ đều mang theo nỗi ưu tư và khát vọng về một tương lai tươi sáng bền vững cho giống nòi Việt Nam.

Nguyễn Xuân Xanh

 GOOGLE DRIVE'S LYMHA:

https://docs.google.com/document/d/1WH_C5uH0puiiskXAvlA3nAUPnj8UFnCI/edit

.

No comments:

Post a Comment