Monday, August 5, 2024

Campuchia chính thức khởi công Dự án kênh đào Phù Nam Techo (5 tháng 8 năm 2024)

RFA

05/8/2024

 

Lễ khởi công Dự án kênh đào Phù Nam

AFP

 


Campuchia sáng ngày 05/8 chính thức khởi công Dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo Canal), một đại dự án với chi phí dự kiến 1.7 tỷ đô la Mỹ gây nhiều tranh cãi.

Theo hãng tin AFP, Thủ tướng Hun Manet đã bấm nút khởi công dự án dài 180 km được coi là “lịch sử” nối sông Mekong với biển.

Ông Manet cho rằng, con kênh đào hứa hẹn sẽ mang lại sự bền vững cho nền kinh tế Campuchia bằng cách tăng cường sự thống nhất quốc gia, độc lập và tự vận chuyển bằng đường thủy, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại.

Thủ tướng Campuchia khẳng định: "Để giải quyết những lo ngại và nghi ngờ, chúng ta phải xây dựng kênh đào này bằng mọi giá."

Ông cũng được trích dẫn nói rằng công trình này sẽ giúp Campuchia củng cố nền độc lập chính trị về mặt vận tải đường thủy, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến môi trường và dòng chảy của Sông Mekong.

Theo nghiên cứu khả thi của dự án, Dự án Kênh đào Phù Nam Techo dài 180 km và rộng 100 mét ở thượng nguồn và 80 mét ở hạ lưu, độ sâu là 5,4 mét với hai làn đường thủy. Việc xây dựng sẽ mất khoảng bốn năm để hoàn thành theo hình thức BOT (Xây dựng, Vận hành, Chuyển giao).

Báo chí Việt Nam phản ứng thế nào?

Báo chí nhà nước Việt Nam dường như ít quan tâm đến việc Campuchia khởi công xây dựng kênh đào Phù Nam Techo, một công trình có thể làm suy giảm lượng nước chảy vào sông Cửu Long từ 30% đến 50%, theo một số nhà khoa học.

Cho đến đầu giờ chiều cùng ngày, chỉ có báo mạng VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam có một bài viết ngắn về lễ động thổ, trong khi báo mạng Thanh Niên đưa lại tin của AFP một cách ngắn gọn. Cả hai bài báo này đều không đưa ý kiến của chuyên gia về công trình “lịch sử” của Campuchia.

Báo Công an TPHCM cuối tháng 5 đưa tin tại một hội nghị tham vấn về đề xuất Dự án kênh đào Phù Nam Techo diễn ra ở Cần Thơ do Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức vào ngày 23/4 vừa qua, các chuyên gia nhìn nhận việc xây dựng kênh đào này sẽ có tác động xấu đáng kể đến các quốc gia trong khu vực, nhất là với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam nằm ở hạ nguồn sông Mekong.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, một chuyên gia về biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long, được trích dẫn với lời phát biểu “Việc chuyển nước này liên quan đến dòng chính của sông Mekong, chứ không phải dòng nhánh hay phụ lưu gì cả, bởi nó lấy nước của cả sông Tiền, sông Hậu trước khi đến Việt Nam."

Tại hội thảo này, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, kênh Phù Nam không chỉ là kênh đường thủy mà còn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh mà con kênh đi qua, gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep, khả năng sẽ lấy đi ít nhất 50% lượng nước sông Mekong vào mùa khô.

Cho tới nay, chưa có quan chức cao cấp nào của Việt Nam đề cập đến tác động của kênh đào một khi nó hoàn thành. Trong chuyến đi thăm Campuchia giữa tháng trước của tân Chủ tịch nước Tô Lâm, hai bên không đưa ra tuyên bố chung trong khi báo chí nhà nước không nhắc gì đến dự án này khi đưa tin về chuyến đi của người đứng đầu chế độ.

Tuy nhiên, từ Hoa Kỳ, luật sư Lê Quốc Quân cho rằng Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến dự án này. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 05/8:

“Nhìn về phía bên ngoài thì chúng ta thấy rằng là Chính phủ Việt Nam có vẻ như là chưa quan tâm đầy đủ. Tuy nhiên, theo tôi được biết Chính phủ đã rất là quan tâm đến dự án này vì tính chất nghiêm trọng của vấn đề.

Ngay cả trong chương trình nghị sự của ông Tô Lâm đi Campuchia trong dịp vừa qua, bề ngoài thì chúng ta thấy không có chương trình chi tiết nào, tuy nhiên tôi biết được rằng là việc xây dựng kênh đào hay bàn đến kênh đào là một phần quan trọng.”

Theo truyền thông nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã bốn lần yêu cầu phía Campuchia cung cấp các dữ kiện về dự án kênh đào Phù Nam Techo, tuy nhiên, Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol cho biết đã thông báo về dự án cho ủy ban liên hợp của Ủy hội sông Mekong (MRC) theo Hiệp định Mekong năm 1995 và đề nghị Hà Nội liên lạc với MRC.

Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn từ Pháp cho rằng, việc Campuchia chỉ gửi một thông báo về Dự án kênh đào Phù Nam Techo đến MRC vì Phnom Penh lý luận rằng sông Bassac (sông Hậu) chỉ là phụ lưu chứ không phải là một nhánh của hệ thống sông Mekong, và do đó không cần áp dụng Hiệp định Mekong 1995.

Theo ông, có lẽ phía Campuchia chưa tham khảo sâu và sát nội dung các phụ lục đính kèm. Bởi vì sông Bassac, cũng như Biển Hồ, thuộc về hệ thống sông Mekong như qui định tại khoản a Điều 5 Hiệp định Mekong 1995, chứ không phải là một phụ lưu sông Mekong.

“Nhưng điều quan trọng hơn hết là nguyên tắc ‘không được gây hại.’ Nếu Việt Nam nhận thấy rằng khi con kinh này được thực hiện, nguồn nước Mekong thay đổi, đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam bị thiếu nước thì Việt Nam có quyền yêu cầu Campuchia ngừng vĩnh viễn công trình này.”

Ông cho rằng phía Campuchia sử dụng lập luận như vậy vì họ đã thấy các bên như Việt Nam, Lào, Thái lan đã xây dựng nhiều con đập trên các phụ lưu của sông Mekong "đã vi phạm Hiệp định sông Mekong 1995 rồi, thì bây giờ họ đào kinh là chỉ làm lại những gì mà Việt Nam đã làm ở các phụ lưu sông Mekong mà thôi.”

Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về lễ khởi công Dự án kênh đào Phù Nam Techo nhưng chưa nhận được phản hồi.

SOURCE:

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cambodia-starts-building-funan-techo-canal-08052024051317.html

 

Dự án kênh đào Funan-Techo sẽ khai trương vào ngày mai

Trương Nhân Tuấn

04/8/2024

Kênh đào Funan-Techo chuẩn bị khởi công.

Ảnh: Bộ Công Thương và Giao Thông Vận Tải Campuchia

 

Ngày mai, 5 tháng 8 năm 2024 Campuchia sẽ chính thức động thổ, khai trương dự án kinh đào Funan-Techo.

Đây là một dự án đượm chất “dân tộc chủ nghĩa” với ước mơ phục hưng đế chế Phù Nam, một đế quốc trực thuộc văn minh Khmer, bao gồm cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Con kinh sẽ chảy qua Takeo, thủ phủ của đế chế Phù Nam ngày xưa.

Để làm gì?

Các lãnh đạo Khmer nói là để “Campuchia được thở bằng mũi”. Tức là hàng hóa từ Nam Vang đi thẳng ra biển, không thông qua sông Tiền để lệ thuộc Việt Nam nữa.

Chuyện này không thuyết phục. Mọi tính toán về kinh tế cho thấy giá cả một tấn hàng thông kinh Phù Nam sẽ đắt giá hơn khi thông qua sông Tiền.

Theo tôi, dự án được khai sinh, không phải để đưa dân Khmer thoát khỏi cảnh nghèo đói và chậm tiến. Các lãnh đạo “dân tộc cực đoan” hiện thời của Campuchia theo tinh thần “Ỷ Trung bài Việt”, dựa vào Trung Quốc để chống Việt Nam. Đây hiện đang là phong trào sôi nổi trong nội bộ chính phủ Campuchia.

Tôi không biết vì sao dân Khmer lại chống Việt Nam? Nhứt là dựa vào Trung Quốc?

Các lãnh đạo Campuchia lại quên lịch sử. Cách đây không lâu Trung Quốc đỡ đầu cho Sihanouk và Khmer đỏ. Súng đạn của Khmer đỏ (để giết dân Khmer và chống Việt Nam) trực tiếp đến từ Trung Quốc. Ghế đại diện của Khmer đỏ tại LHQ là nhờ Trung Quốc chống lưng. Trực tiếp hay gián tiếp, Trung Quốc có trách nhiệm trong cuộc diệt chủng bốn triệu dân Campuchia trong khoản thời gian Khmer đỏ cầm quyền từ năm 1975-1978. Tức là 1/2 dân Khmer tử vong là có phần trách nhiệm của Trung Quốc.

Nhìn về lịch sử, ta không thể phủ nhận rằng khi suy tàn, dân tộc Khmer luôn dựa vào một bên để chống một bên.

Đế quốc Khmer là một đế quốc hùng mạnh, cao điểm là thế kỷ thứ 11. Đế quốc này suy tàn bắt đầu từ thế kỷ 14. Các đế quốc Xiêm lần lượt mang tên Sukhôthaï, Ayuthia và Bangkok, đã chinh phục hầu như 80% lãnh thổ đế quốc Khmer. Đế quốc Khmer hùng mạnh ngày xưa đã bị đế quốc Thái tiêu diệt gần hết. Dân chúng Khmer sót lại đã chạy đi tản mát, một số trở thành các bộ lạc nhỏ trong rừng sâu, núi thẳm, số còn lại lui về lập đô ở Nam Vang.

Hai phần ba (2/3) diện tích nước Thái Lan hiện nay vốn ngày xưa thuộc về đế quốc Khmer. Các di tích lịch sử, đền đài của Khmer như Angkor Thom và Angkor Wat, hoàn toàn xóa bỏ trong ký ức của dân Khmer, bị bỏ hoang phế. Chỉ đến giữa thế kỷ thứ 19 thì các phế tích này mới được mọi người biết đến.

Nếu không nhờ Việt Nam, sau đó là Pháp, chống lại ảnh hưởng của Thái Lan thì dân tộc Khmer đã bị tiêu diệt.

Tại sao dân Khmer không có tinh thần “bài Thái” hay “bài Trung”, hai đế quốc đã khiến dân Khmer suýt bị diệt chủng?

Thái Lan đã chiếm 2/3 lãnh thổ đế chế Khmer nhưng chưa bao giờ dân Khmer lên án dân Thái cướp đất. Còn bên Việt Nam, đất miền Nam có được một phần là do khai hoang, tức khai khẩn đất vô chủ. Phần khác do nguyên tắc luật học “uti possidetis juris”. Không có Việt Nam nào “cướp đất” của Campuchia hết cả.

Dân Khmer “bài Việt” vì các lãnh tụ Khmer bao đời nay luôn “chính trị hóa” các tranh chấp đất đai, lãnh thổ. Họ sử dụng tinh thần “bài Việt” để phục vụ lợi ích chính trị.

Trong khi nếu không có Việt Nam đem quân giúp Khmer, chống quân Xiêm hay tiêu diệt Khmer đỏ, thì không chừng những gì còn lại của Campuchia sẽ là các bộ tộc thuở hồng hoang.

Vụ đào con kinh Phù Nam dĩ nhiên phía Campuchia đơn phương “gây hại” cho Việt Nam.

Một số ý kiến chủ quan của tôi về các khía cạnh pháp lý mà phía Campuchia có thể phải chuẩn bị để đối phó với Việt Nam.

Về việc gây hại cho Việt Nam

Vấn đề đặt ra là xác định như thế nào về những nguy hại tất yếu sẽ xảy ra cho Việt Nam nếu con kinh này được thực hiện?

Chỉ khi nào Việt Nam có những ước tính về thiệt hại thì Việt Nam mới có thể có những hành vi tương ứng để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Theo tôi biết thì phía Việt Nam chưa có cuộc nghiên cứu nào cho việc này.

Về việc phòng ngừa, theo tôi biết thì đến nay Việt Nam đã 4 lần yêu sách phía Campuchia cung cấp các dữ kiện về dự án kinh đào Phù Nam, đúng như nội dung Hiệp định Mê Kông 1995 nhưng phía Campuchia vẫn im lặng.

Về việc sử dụng nguồn nước sông Mê Kông

Theo tin tức báo chí và theo nội dung các tuyên bố của quan chức Campuchia thì lập luận của họ là Campuchia không có nghĩa vụ cung cấp thêm dữ kiện cho Việt Nam, hay cho Ủy hội sông Mê Kông (được thành lập theo Hiệp định Mê Kông 1995). Theo Campuchia thì sông Basac chỉ là một phụ lưu của sông Mê Kông, do đó không phụ thuộc vào nội dung Hiệp định Mê Kông 1995.

Theo tôi, phía Campuchia sử dụng lập luận như vậy vì họ đã thấy các bên như Việt Nam, Lào, Thái Lan đã xây dựng những con đập trên các phụ lưu của sông Mê Kông mà các quốc gia này không thông báo, hay nộp các dữ kiện về việc sử dụng nguồn nước cho các quốc gia khác. Tức là, Campuchia hàm ý cho rằng Việt Nam cũng như các quốc gia khác đã vi phạm Hiệp định Mê Kông 1995 rồi. Thì bây giờ họ đào kinh là chỉ làm lại những gì mà Việt Nam đã làm ở các phụ lưu sông Mê Kông mà thôi.

Theo tôi thì có lẽ phía Campuchia chưa tham khảo sâu và sát nội dung các phụ lục đính kèm Hiệp định Mê Kông 1995. Bởi vì sông Basac, cũng như Biển Hồ, thuộc về “hệ thống sông Mê Kông” như qui định khoản A điều 5 Hiệp định Mê Kông 1995, chớ không phải là một “phụ lưu” sông Mê Kông. Nhưng điều quan trọng hơn hết là nguyên tắc “không được gây hại – principle of no harm”. Nếu Việt Nam nhận thấy rằng khi con kinh này được thực hiện, nguồn nước Mê Kông thay đổi, đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam bị thiếu nước. Việt Nam có quyền yêu cầu Campuchia ngừng vĩnh viễn công trình này.

Nếu Campuchia quyết định đào kinh Phù nam, nối dòng Basac ra biển, sông Basac là một nhánh trong hệ thống sông Mê Kông, nhưng sông Mê Kông là sông quốc tế. Sông quốc tế là những con sông biên giới, hay những con sông chảy qua nhiều nước. Việc sử dụng nguồn nước một con sông quốc tế được điều chỉnh bởi các công ước quốc tế về việc bảo vệ và sử dụng nguồn nước.

Luật và tập quán quốc tế liên quan đến việc sử dụng các nguồn nước, hồ nước, những con sông quốc tế gồm có Công ước Helsinski 1992, Công ước 1997 của LHQ về việc sử dụng nguồn nước. Công ước về nguồn nước 1997 này tương tự Công ước 1982 về Biển.

Nguyên tắc nền tảng của các công ước này là việc “không được gây hại cho quốc gia khác” (principle of no harm). Tức là, phía Campuchia có thể sử dụng một cách bình đẳng với các quốc gia khác về nguồn nước sông Mê Kông nhưng Campuchia không thể lạm dụng nguồn nước để làm thiệt hại quyền và lợi ích cho các quốc gia khác.

Ngoài ra Campuchia cùng các quốc gia Việt Nam, Lào và Thái lan đã có ký kết Hiệp định về hợp tác Phát triển bền vững sông Mê Kông năm 1995.

Mục đích các quốc gia là “hợp tác trên tinh thần xây dựng và cùng có lợi để phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của Lưu vực sông Mê Kông”.

Ngoài ra, nếu con kinh Phù Nam hoàn thành, thì nó sẽ đổ ra cảng Kép. Cảng này nằm trong “vùng nước lịch sử” giữa Việt Nam và Campuchia. Hiệp ước về vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Camuchia được ký kết năm 1985. Tức là Việt Nam cũng có thẩm quyền ngang với Campuchia ở vùng nước này.

Tức là, mặc dầu Việt Nam và Campuchia không có ký kết hiệp ước nào song phương về con kinh Phù Nam, nhưng phía Campuchia vẫn bị ràng buộc bởi các điều ước quốc tế, như Công ước Helsinski 1992, Công ước LHQ về Nước năm 1997 và Hiệp ước Mê Công 1995. Bởi vì hành vi đào kinh đưa nước sông Mê Công qua một hệ thống khác mà việc này có thể gây thiệt hại cho phía Việt Nam.

Ta có nhiều án lệ (jurisprudence) của Tòa án quốc tế phân xử các tranh chấp giữa các quốc gia về việc sử dụng nguồn nước và sông quốc tế. Ta có thể nhắc trường hợp sông Silala giữa Bolivia và Chile. Sông Danube giữa Tiệp Khắc và Hung v.v…

SOURCE:

https://baotiengdan.com/2024/08/04/du-an-kenh-dao-funan-techo-se-khai-truong-vao-ngay-mai/

 

No comments:

Post a Comment