Sunday, August 25, 2024

PHÚC TRÌNH HÀNG NĂM CỦA THEO DÕI ĐẬP MEKONG: 2022-2023

(Mekong Dam Monitor Annual Report: 2022-2023) 

Brian Eyler, Alan Basist, Regan Kwan, Courtney Weatherby and Claude Williams – Bình Yên Dông lược dịch

Stimson Center – December 2023

 


TÓM LƯỢC DÀNH CHO CẤP ĐIỀU HÀNH VÀ TÓM TẮT CHÁNH SÁCH

Phúc trình nầy cung cấp một cái nhìn tổng quát và phân tích làm thế nào việc điều hành đập thay đổi điều kiện dòng chảy của sông Mekong từ mùa mưa 2022 (tháng 6 đến tháng 11) đến mùa khô 2023 (tháng 12 năm 2022 đến tháng 5 năm 2023) so với những năm trước.  Để thông báo phân tích nầy, nhóm Theo dõi Đập Mekong (MDM) tổng hợp tin tức rút ra từ những quan sát vệ tinh với dữ kiện do Ủy hội Sông Mekong (MRC) cung cấp.  Phúc trình nầy cũng tóm lược những dòng mới của nghiên cứu được thực hiện trong suốt năm ngoái bởi nhóm MDM, đó là việc khám phá những động cơ của việc Bành trường hồ Tonle Sap ở Cambodia và một phân tích lịch sử làm thế nào các đập trong các phụ lưu Sekong, Sesan và Srepok (3S) thay đổi dòng chảy trong Lưu vực 3S và dòng chánh sông Mekong nói chung.  Các bên liên hệ khu vực đã thực hiện một số phát triển then chốt liên quan đến việc chia sẻ dữ kiện và quản lý nước xuyên biên giới trong năm ngoái, trong nhiều trường hợp với sự hỗ trợ của dữ kiện và phân tích công khai của MDM.  Những dữ kiện nầy được tóm lược ở bên dưới và theo sau bởi những điều được tìm thấy then chốt và những đề nghị chánh sách.  Phúc trình chánh cũng duyệt xét những cập nhật gần đây của diễn đàn MDM.  Cuối cùng, nội dung của phúc trình nầy đại diện cho nghiên cứu và phân tích của các tác giả của nghiên cứu nầy.


Những phát triển then chốt

·                    Như một kết quả của đối thoại với MRC, Trung Hoa hứa chia sẻ dữ kiện điều hành đập với MRC vào cuối năm 2023.

·                    Trung Hoa nay chia sẻ dữ kiện mỗi 12 tiếng đồng hồ ở các trạm Jinghong và Man’an.  Đây là một cải thiện đối với thời khoảng cập nhật trước đây là mỗi 24 tiếng đồng hồ cải thiện khả năng theo dõi những thay đổi thình lình và không báo trước đối với việc điều hành đập ở Trung Hoa và cung cấp cho các cộng đồng ở hạ lưu thêm thời giờ để thích ứng.

·                    MRC đang thực hiện lần đầu tiên Đánh giá Ảnh hưởng Môi trường Xuyên biên giới (TbEIA) cho một đập trên phụ lưu – đập Sekong A của Việt Nam ở hạ Lào.  Đập sẽ có những ảnh hưởng xuyên biên giới nghiêm trọng đối với thủy sản của Mekong, và MRC đã tuyên bố rằng TbEIA sẽ cải thiện thiết kế của đập.  Đập bắt đầu được xây cất trong tháng 12 năm 2020, và Lào PDR không tuân thủ nghi thức thông báo của Thỏa ước Mekong 1995 cho đến khi họ thông báo với MRC việc xây cất đập trong tháng 8 năm 2022.

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP

Tóm lược những điều được tìm thấy và đề nghị

Ảnh hưởng của đập và thay đổi khí hậu

Có nhiều cái làm cho Mekong đặc thù, từ nền thủy sản nước ngọt lớn nhất trên thế giới đến việc sản xuất nông nghiệp vững chắc và tính đa dạng sinh học đáng ngạc nhiên, dựa vào sự lên xuống cực đoan của nhịp lũ hàng năm,  Kể từ khi được phát động vào tháng 12 năm 2020, MDM đã liên tục công bố bằng chứng rằng những đập trữ nước lớn nhất trong lưu vực Mekong làm đầy hồ chứa của chúng trong mùa mưa và xả nước từ hồ chứa trong mùa khô để sản xuất thủy điện.  Ảnh hưởng của việc điều hành nầy là sự sụt giảm lợi ích cung cấp bởi nhịp lũ.  Như một quy tắc chung, giới hạn của đập làm giảm đỉnh lũ trong mùa mưa, và việc xả nước từ đập làm tăng mực nước sông trong mùa khô cao hơn nhiều so với dòng chảy thiên nhiên.  Theo thời gian, việc làm bằng nhịp lũ nầy sẽ làm giàm đáng kể dân số cá lớn lao của Mekong và làm giảm cơ hội của nông nghiệp đồng lụt, nhất là ở Cambodia và Việt Nam.

Hầu hết Lưu vực Mekong đã trải qua biến đổi gia tăng trong lượng mưa trong những mùa mưa gần đây.  MRC đã nói rằng mùa mưa 2022-2023 khô bất thường.  Nghiên cứu hỗn hợp của MRC với Trung Hoa cũng khám phá thêm những tác động qua lại của việc điều hành đập và khí hậu, mặc dù với kết quả không thuyết phục.  Nghiên cứu của chúng tôi đặc biệt cung cấp một cái nhìn bên trong vào việc làm thế nào việc điều hành đập làm bằng nhịp lũ trong việc cứu xét những lề lối khí hậu mới nầy.  Dữ kiện trong nghiên cứu nầy cũng đề nghị rằng ngay như những tháng mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9 đã khô hơn bình thường, những đập lớn nhất trong Mekong vẫn có khuynh hướng hạn chế thêm nước để làm đầy hồ chứa trong những tháng nầy so với những tháng khác, và điều nầy làm tồi tệ ảnh hưởng của khí hậu đối với dòng nước.  Thí dụ, trong tháng 9 năm 2021, dòng chảy ở Stung Treng, Cambodia thấp hơn bình thường 26% là kết quả của việc thiếu mưa, nhưng điều đó bị giảm đến 39% thấp hơn bình thường khi bị làm tồi tệ thêm bởi 55 đập ở thượng lưu.  Dòng chảy thấp trong mùa mưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến thủy sản và kết quả nông nghiệp trên khắp Lưu vực Mekong trong đó hàng chục triệu người dựa vào cho cuộc sống của họ.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu không cố định trên khắp toàn Lưu vực Mekong.  Dữ kiện cho thấy những thời kỳ khi các quốc gia ở hạ lưu trải qua hạn hán mùa mưa nghiêm trọng trong khi ở thượng lưu Trung Hoa không có.  Đây là trường hợp của năm 2020, khi dòng chảy hàng năm xuống thấp đến mức kỷ lục nhưng lượng mưa trung bình trong Mekong ở Trung Hoa tạo nên điều kiện cho các đập ở đó hạn chế số nước tối đa, làm tồi tệ đáng kể hạn hàn mùa mưa ở hạ lưu.  Trong những lúc như vậy, cải thiện tiên đoán thời tiết hàng tháng và theo mùa toàn lưu vực và liên lạc tốt hơn giữa các quốc gia thượng và hạ lưu về giảm nhẹ ảnh hưởng của đập trong lúc khủng hoảng có thể giúp tránh làm tồi tệ tình hình vốn đã xấu.  Dữ kiện cũng cho thấy mùa hay thời kỳ khi điều trái ngược đúng, chẳng hạn như trường hợp của mùa mưa năm 2022 khi thượng lưu Trung Hoa bị hạn hán nhưng ở hạ lưu thì không.

Đối với mùa khô, bằng chứng rõ ràng chỉ váo các đập là động cơ quan trọng của những thay đổi chế dộ dòng chảy, khiến cho những khối lượng dòng chảy cao hơn bình thường rất nhiều ngay ở xa về phía hạ lưu.  Dữ kiên cho thấy các đập với trữ lượng hồ chứa lớn nhất xả nước trong mùa khô để sản xuất thủy điện.  Trong những tháng mùa khô nhất định, việc xà nước từ đập cộng dồn có thể gần gấp đôi dòng chảy của sông ở Stung Treng, Cambodia.  Hầu hết thời gian, những gia tăng lớn nhất trong dòng chảy ở Stung Treng đến từ các đập của Trung Hoa cách đó 2.000 km, nhưng điều nầy không phải luôn luôn là trường hợp.  Việc xả nươc từ đập chuyển điểm thấp trong mùa khô 1 tháng sớm hơn bình thường ở các trạm dọc theo toàn thể hành trình cùa dòng chánh Mekong.  Những khối lượng nước cao trong mùa khô gây ra những mức độ ảnh hưởng không biết đối với dinh thái và kinh tế-xã hội.  Những ảnh hưởng trong mùa khô rõ ràng nhất có thể được quan sát trong rừng ngập nước ở Cambodia giữa biên giới Lào và Stung Treng, nơi một số lớn cây bị chết trong những năm gần đây vì mực nước sông cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của khí hậu từ mùa mưa cũng mang qua mùa khô.  Điều nầy được thảo luận thêm ở dưới, nhưng dữ kiện cho thấy rằng khi mưa mùa mưa thấp bất thường ở nhiều nơi trong lưu vực thì các đập ở những nơi nầy của lưu vực hạn chế ít nước vì thiếu nước.  Hậu quả là, trong mùa khô những đập nầy xả nước ít hơn cho sản xuất thủy điện, và điều nầy tạo nên biến đổi đáng kể trong mực nước sông trong mùa khô từ năm nầy sang năm khác.  Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng thu nhập của các đập thủy điện, tạo nên trường hợp mạnh cho giải pháp thay thế tái tạo ít bị tổn thương hơn.  Ảnh hưởng mùa khô của các đập và khí hậu phải được nghiên cứu thêm và định lượng để hiểu ảnh hưởng của chúng và xác định những đường lối giảm nhẹ tiềm tàng.

Ảnh hưởng hàng tháng lớn nhất của đập luôn luôn đến từ 2 đập của Trung Hoa (Xiaowan (Tiểu Loan) và Nuozhadu (Nọa Trát Độ)), cùng nhau chúng giữ 50% dung tích hoạt động trong Lưu vực Mekong.  Ảnh hưởng của 2 đập nầy sâu dậm nhất ở các cộng đồng ở gần nhất chẳng hạn như Chiang Saen, Thái Lan, nơi các đập của Trung Hoa làm giảm dòng chảy trong mùa mưa 62% trong tháng 9 năm 2021 và đã tăng gấp 3 dòng chảy của sông nhiều lần trong những tháng nhất định trong mùa khô.  Tuy nhiên, ảnh hưởng của những đập lớn ở Lào nằm trên các phụ lưu chảy vào sông giữa Vientiane, Lào và Nakhon Phanom, Thái Lan nhiều lúc có thể lớn bằng.  Những đập nầy có thể làm giảm dòng chảy tổng cộng của Mekong ở Nakhon Phanom 20% trong mùa mưa và gia tăng dòng chảy đến 60% trong mùa khô.  Xa hơn về phía hạ lưu ở Stung Treng, ảnh hưởng của 20 đập trong Lưu vực 3S kết hợp với ảnh hưởng của các đập ở thượng lưu ở Trung Hoa, Lào và Thái Lan làm thay đổi thêm lề lối dòng chảy theo mùa.  Mặc dù các đập 3S nói chung có ít ảnh hưởng hơn các nhóm đập khác, chúng có thể làm tăng dòng chảy mùa khô 30%.

Sau cùng, mặc dù các đập có thể có những ảnh hưởng sâu đậm đối với chế độ dòng chảy của Mekong, hạn hán trong mùa mưa cũng làm giảm ảnh hưởng của những đập lớn.  Thí dụ, hạn hán mùa mưa 2022 ở Trung Hoa đã hạn chế đáng kẻ khả năng làm đầy những hồ chứa nước lớn.  Nhóm MDM theo dõi phát triển nầy một cách tức thời và liên lạc với các cộng đồng và chánh phủ ở hạ lưu việc xả nước mùa khô 2023 sẽ ít có ảnh hưởng hơn những năm trước vì các đập có ít nước hơn để xả cho sản xuất thủy điện.  Tiên đoán của chúng tôi sau đó được kiểm chứng qua dữ kiện mùa khô 2023 cũng như những xác nhận từ các cộng đồng ở hạ lưu rằng lề lối dòng sông gọi là bình thường trong mùa khô 2023 tạo nhiều lợi ích văn hoá, kinh tế và sinh thái.

Để làm giảm ảnh hưởng do các đập gây ra cho chế độ dòng chảy theo mùa và vì thế tối đa hóa năng suất thủy sản và sản xuất nông nghiệp ở hạ lưu, ngưỡng dòng chảy tối thiểu và tối đa cho các đập trữ nước theo mùa hiện nay và được dự trù trên dòng chánh và phụ lưu nên được xác định.  Hơn nữa, tác dộng qua lại của khí hậu với ảnh hưởng của đập và dòng nước thì phức tạp, và hầu hết chưa được biế về tác động qua lại của những ảnh hưởng nầy đối với kết quả sinh thái và kinh tế-xã hội của Mekong.  Cần nghiên cứu thêm để biết những tác động qua lại nầy và lượng dịnh ảnh hưởng.  Sự hiểu lầm những tác động qua lại nầy và giá trị của những ảnh hửng của chúng có thể đưa đến những giải pháp không có hiệu quả.

Báo động cảnh báo sớm và thủy đỉnh (hydropeaking)

Từ tháng 6 năm 2022 đến tháng 5 năm 2023, nhóm MDM công bố 20 báo động khi các đập của Trung Hoa ở thượng lưu xả hay hạn chế đủ nước làm cho mực nước sông ở Chiang Saen, Thái Lan lên hay hạ xuống 0,5 m.  Báo động được loan báo cho các chánh phủ quốc gia, MRC, và hàng chục ngàn người sống trong các cộng đồng bị ảnh hưởng qua truyền thông xã hội.  Trong chuyến viếng thăm Chiang Saen trong tháng 7 năm 2022, người dân của cộng đồng địa phương nhận được báo động xác nhận rằng những báo động nầy giúp bảo vệ tài sản của họ, đó là tàu bè mà trước đây bị cuốn đi khi xả nước thình lình.

Những lên xuống thình lình nầy của mực nước sông hầu hết đến từ thủy đỉnh, là một phương pháp điều hành đập hạn chế nước lúc nhu cầu điện thấp để rồi phát diện và xả nước khi nhu cầu cao.  Điều nầy làm cho mực nước sông dao động bất thường và thường đáng kể suốt ngày, và lối thực hành vô cùng thiệt hại cho những nơi cư trú ở dưới nước và sinh thái ven sông.  Trong trường hợp tồi tệ, việc xả nước thình lình có thể gây lũ quét ở hạ lưu.  Các cộng đồng dọc theo biên giới Thái-Lào đã phải đối phó với ảnh hưởng của việc điều hành thủy đỉnh của Trung Hoa trên 1 thập niên.  Nghiên cứu nầy cũng cho thấy làm thế nào việc điều hành thủy đỉnh bởi các nhà điều hành đập ở thượng lưu trên sông Sesan và Srepok trên lãnh thổ Việt Nam đã gây ra những vấn đề tương tự ở hạ lưu Cambodia.

Các nhà điều hành đập trên khắp lưu vực nên tránh dòng chảy thình lình do xả nước hay hạn chế nước gây dao động nghiêm trọng ở hạ lưu và cũng giảm lối thực hành thủy đỉnh.  Quản lý đập khôn ngoan hơn có thể tránh những ảnh hưởng nầy.  Trong trường hợp cần xả nước hay hạn chế nước cho an toàn của đập hay những lý do khác, các nhà điều hành đập nên cung cấp cảnh báo sớm nhiều ngày trước cho các giới chức và cộng đồng thích hợp ở hạ lưu để người dân dễ tổn thương có thời giờ chuẩn bị.  Chánh quyền địa phương nên thiết lập những tiến trình rõ ràng để thông báo và đòi hỏi việc tuân thủ của các nhà điều hành đập.

Bành trướng của Tonle Sap

Hồ Tonle Sap thường được gọi là nhịp tim của Lưu vực Mekong.  Trong điều kiện mùa mưa bình thường, nó phình ra gấp 5 lần diện tích và 6 làn khối lượng nước trong mùa khô.  Sự bành trướng nầy hầu hết được thúc đẩy bởi nhịp lũ Mekong mang đến mực nước sông cao hơn trên khắp dòng chánh Mekong, khiến cho “đảo ngược dòng chảy Tonle Sap” nổi tiếng nơi sông có truyền thống chảy ra khỏi Tonle Sap chảy ngược chiều.  Việc dảo ngược chiều nầy đưa nước từ Mekong vào Tonle Sap, và vận chuyển bởi nước đó là trứng cá và ấu trùng tìm nơi cư trú phong phú bên trong hồ Tonle Sap nơi cà được nuôi lớn.  Khi hồ thu hẹp trong mùa khô và tháo nước trở lại hệ thống Mekong, di ngư di chuyển về phía thượng lưu vào các phụ lưu ở Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam và đua nước và phù sa xuống hạ lưu để nuôi dưỡng Đồng bẳng sông Cửu Long (ĐBSCL).  Tiến trình nầy khiến cho Lưu vực Mekong chiếm 20% số cá nước ngọt đánh được trên thế giới.  Số cá đánh được ở Cambodia không thôi chiếm 60-70% lượng chất đạm dộng vật ăn vào của dân số quốc gia.

Dữ kiện trong phúc trình nầy cho thấy rằng việc Bành trướng của Tonle Sap thay đổi đáng kể từ năm 2018 đến 2022.  Bằng chứng đề nghị rằng thời điểm của dỉnh bành trướng chuyển từ tháng 9 đến tháng 10, và trong năm 2019, 2020, và 2012, sự bành trường đạt mức dưới bình thường với việc bành trướng yếu nhất xảy ra trong năm 2019 với khoảng 58% của mức bình thường.  Tuy nhiên, dữ kiện cũng cho thấy rằng Tonle Sap có thể bành trướng bên trong tầm bình thường mặc dù có những ảnh hưởng đang diển ra của việc hạn chế nước của đập trong mùa mưa, như được thấy trong năm 2018 và 2022.  Với ảnh hưởng của đập, tuy nhiên, ấu trùng cá và phù sa vận chuyển vào hồ bị giảm nghiêm trọng.  Quan trọng hơn, dũ kiện cũng cho thấy rằng đảo ngược của Tonle Sap có thể không luôn luôn là động cơ quan trọng nhất của việc Bành trướng của Tonla Sap.  Dữ kiện của MRC cho thấy rằng trong năm 2022, dòng chảy đảo ngược thấp nhất trong 30 năm được ghi nhận – nhưng hồ Tonle Sap phình ra đến mức bình thường trong năm đó.  Mô phỏng của chúng tôi cho phúc trình nầy đề nghị mưa trên hồ Tonle Sap đủ để thúc đẩy việc bành trướng bình thường nếu dòng chánh Mekong có thể duy trì điều kiện mực nước nhất định trong suốt mùa mưa.  Điều nầy nhấn mạnh sự cần thiết để ưu tiên hóa việc bảo tồn Lưu vực Tonle Sap.  Cần có thêm nghiên cứu để xác định tầm quan trọng của việc đóng góp của các phụ lưu Tonle Sap vào tiến trình phình ra trong mùa mưa, nhất là trong mùa mưa với dòng chảy thấp trong dòng chánh.  Các phụ lưu của Tonle Sap không được nghiên cứu đầy đủ và đang được khai thác đến mức báo động bởi việc xây cất những đập nhỏ và trung bình và những kinh thủy nông.

Ngoài ra, rất quan trọng để làm giảm hạn chế ở các đập lớn ở thượng lưu trong tháng 7 và 8 để khuyến khích thêm sự bình thường của Bành trướng của Tonle Sap.  Cần có một kế hoạch quản lý thích ứng để điều hành đập để tối đa hóa Bành trướng Tonle Sap và tối thiểu hóa ảnh hưởng của hạn chế dòng chảy đối với nhịp lũ.  Dữ kiện cho thấy tiến trình Bành trướng TonleSap ngập ngừng cùng với những hạn chế ở các đập lớn nhất ở Trung Hoa và Lào, nhất là trong tháng 7 và 8.  Khi những đập nầy giảm hạn chế trong những tháng sau của mùa mưa, tiến trình bành trướng tiến hành với ít trở ngại.  Dữ kiện cũng đề nghị rằng những tháng sau của mùa mưa đang trở nên ướt hơn bình thường, có thể là một yếu tố khác đóng góp vào các đỉnh bành trướng trễ được quan sát trong dữ kiện.

Dữ kiện cần thiết

Như một lối thực hành tốt nhất, tất cả các quốc gia có đập trong Lưu vực Mekong nên công bố và chia sẽ dữ kiện điều hành đập hàng ngày hay hàng giờ - một cách lý tưởng là qua cổng tin tức có sẵn cho quần chúng, nhưng ít nhất là với MRC.  Dữ kiện và tin tức nầy sẽ cung cấp một sự hiểu biết rõ hơn của điều kiện sông và hồ chứa nước và đưa đến những cách để tránh hay giảm nhẹ ảnh hưởng môi trường và xã hội.  Thái Lan, Việt Nam và Lào đã chia sẻ cong khai tin tức thích hợp cho một số đập của họ trong Lưu vực Mekong.  Trong sự vắng mặt của dữ kiện vật lý, bằng chứng được cung cấp bởi nghiên cứu nầy và những nghiên cứu khác đủ để cho thấy mức độ mà việc điều hành đập thay đổi dòng sông ở nhiều nơi khác nhau dọc theo hành trình của sông ở chu kỳ hàng tháng hay theo mùa.  Áp dụng những phương pháp nầy để làm tin tức hàng tuần hay hàng ngày có thể cho phép quản lý sông thích ứng gần tức thời có hiệu quả.  Dữ kiện vệ tinh có độ phân giải cao hơn từ những dụng cụ viễn thám phức tạp hơn cũng có thể làm giảm tiềm năng thiên vị và cải thiện độ chính xác.

 


Nghiên cứu nầy cũng tiết lộ khoảng trống dữ kiện chung quanh điều kiện của sông Sekong, phụ lưu dài nhất của sông Mekong, vì thiếu dữ kiện mực nước sông được công bố trên trang mạng của MRC.  Chánh quyền ở Cambodia và MRC nên phục hồi thước đo nước ở Siempang trên sông Sekong.  Thêm 1 thước đo nước ở bên dưới hợp lưu của các sông Sekong, Sesan và Srepok nhưng trước khi sông chảy vào dòng chánh Mekong cũng giúp đo dạc và nghiên cứu thay đổ dòng chảy và lưu lượng tổng cộng của Lưu vực 3S từ các đập ở thượng lưu.

 

No comments:

Post a Comment