(China winning new Cold War on the Mekong)
Bertil Lintner – Bình Yên Đông lược
dịch
Asia Times – June 24, 2019
Lực lượng an ninh của Trung Hoa tuần
tiểu dọc theo sông Mekong. [Ảnh: Twitter]
Bắc Kinh dùng đòn bẫy Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road
Initiative (BRI)) để chiếm ưu thế trên sông Mekong trong khi các sáng kiến cạnh
tranh của Hoa Kỳ và Nhật Bản bị lu mờ.
Một quảng cáo trên tờ New York Times,
do tờ báo China Daily của nhà nước Trung Hoa cậy đăng để ca tụng hiệu quả của
các đập do Bắc Kinh xây ở Lào, đã châm ngòi cho việc tranh luận về cuộc chiến
tranh lạnh mới.
Với tựa đề “Dùng thủy điện ở Lào để
mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn,” mẩu quảng cáo nói rằng chuỗi đập được đề nghị
trên sông Nam Ou [một phụ lưu của sông Mekong ở bắc Lào] sẽ giúp cho các công
nhân địa phương có thể mua xe pickup và cung cấp điện mà quốc gia nghèo khổ nầy
rất cần.
Mẩu quảng cáo cũng cho biết rằng
chuỗi đập Nam Ou “là một phần quan trọng của BRI do Trung Hoa lãnh đạo và là dự
án đầu tiên do một công ty Trung Hoa thực hiện cho toàn thể con sông.”
Với ảnh hưởng đang lên trong khu vực
và tài nguyên quốc gia đồ sộ, Trung Hoa chiếm ưu thế rõ rệt so với Hoa Kỳ và
Nhật Bản trong việc ấn định đường lối và sự phát triển trong tương lai của thủy
lộ trọng yếu nầy.
Nó là một viễn kiến kinh tế-quan
trọng hơn-môi trường mà các quốc gia hạ lưu thường chống đối, nhưng vì không có
tài nguyên để chống lại nên các nước nầy không thể làm gì trong khi các đối
sách (counter-initiative) do Hoa Kỳ và Nhật Bản hỗ trợ bị cuốn đi vào vô dụng.
Một tàu hàng trên sông Mekong gần phụ
lưu Pak Ou, Luang Prabang, Lào, Feb. 1, 2017.
[Ảnh: Wikimedia/Christian Terrissen]
[Ảnh: Wikimedia/Christian Terrissen]
Cuộc chiến tranh lạnh mới trên sông
Mekong một phần được tiến hành trên mặt trận môi trường. Sông ngòi Quốc tế (International Rivers), một
tổ chức phi chánh phủ (non-governmental organization (NGO)), xem việc xây dựng
đập của Trung Hoa khác với những gì được mô tả trong mẩu quảng cáo trên New
York Times. Tổ chức nầy cho biết trên
website của mình rằng mẩu tuyên truyền “tô vẽ một hình ảnh tươi sáng cho một
loạt đập nguy hại đang được xây cất ở Đông Nam Á (ĐNA).” Sông ngòi Quốc tế cho biết, thay vì được
hưởng lợi kinh tế từ việc xây đập, nông dân đã mất đất đai của họ và có thể
không bao giờ nhận được tiền bồi thường mà họ được hứa hẹn. Chuỗi đập khiến cho hơn 4.000 người buộc phải
tái định cư và đảo lộn cuộc sống của hàng chục ngàn người trong các làng trong
lưu vực. Tổ chức nầy cũng tố cáo rằng
công ty China Power đang phát triển 350 trong số 450 km chiều dài sông và “từ
chối đề nghị của Tổ hợp Tài trợ Quốc tế (International Finance Corporation) và
Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) để tham gia vào việc quy
hoạch quản lý lưu vực.”
Điều đó không có gì đáng ngạc
nhiên. Trong những năm qua, Trung Hoa đã
qua mặt MRC, một cơ cấu được thành lập từ nhiều thập niên để kết hợp các quốc
gia sông Mekong trong các dự án phát triển, với sự hình thành của diễn đàn Hợp
tác Lancang-Mekong (Lancnag-Mekong Cooperation (LMC)).
Lancang là tên Trung Hoa của sông
Mekong và diễn đàn, bao gồm tất cả các quốc gia duyên hà từ nguồn cho đến cửa
sông ở Biến Đông, nhưng loại trừ các quốc gia viện trợ truyền thống trong khu
vực như Nhật Bản và Hoa Kỳ. Theo Carl
Middleton và Jeremy Allouche, hai học giả Tây phương viết cho tờ International
Spectator của Ý, LMC “đề nghị những chương trình phát triển nguồn nước và kinh tế,
và dự đoán ngoại giao thủy điện qua việc sử dụng đập của Trung Hoa để kiểm soát
thượng nguồn” sông Mekong.
Với việc LMC đọ sức với MRC được Tây
phương và Nhật Bản tài trợ, cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa
ảnh hưởng đến vận mạng của dòng sông chảy qua sáu quốc gia, gồm có Trung Hoa,
Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam.
Nó là viễn kiến lâu dài đang trở
thành hiện thực một cách nhanh chóng.
Vào tháng giêng 2011, tờ China Daily công bố một kế hoạch hành động bao
quát của LMC với các kế hoạch đầy tham vọng trong việc hợp tác kinh tế, khuyến
khích mậu dịch và những cam kết để xây dựng “một hệ thống tài chánh đa dạng,
lâu dài, ổn định và khả chấp” cho thành viên LMC.
Kế hoạch được gọi là “sử dụng nguồn
nước,” dĩ nhiên, bao gồm việc xây cất thêm đập trên sông Mekong và các phụ lưu
như Nam Ou. Kết hợp với đường sắt cao
tốc đang được xây dựng từ tỉnh Vân Nam ở tây nam Trung Hoa đến Vientiane, thủ
đô của Lào, Trung Hoa sẽ sớm nối liền với lân bang ĐNA bằng các phương tiện
chưa từng thấy trong lịch sử của khu vực.
MRC, mặt khác, là di sản của cuộc
Chiến tranh Lạnh cũ giữa Hoa Kỳ và Liên Sô và ngày càng yếu đi, kém hiệu quả và
lỗi thời. Khởi thủy, nó là Ủy ban Quốc
tế Mekong (Mekong Committee (MKC)) được thành lập vào năm 1957 dưới một quy chế
do tướng hồi hưu Raymond Wheeler của Hoa Kỳ khởi xướng nhưng được Liên Hiệp
Quốc xác nhận. Mô hình của ông là Tennessee
Valley Authority, một trong những đề án New Deal lớn của Tổng thống Hoa Kỳ
Franklin Roosevelt. Dự án đó đã xây
nhiều đập trên sông Tennessee và mang điện, thủy nông và ngừa lụt cho một số
tiểu bang của Hoa Kỳ. Nhưng cấy cái ý
tưởng đó ở ĐNA – đặc biệt trong sự bất ổn của Chiến tranh Lạnh trong quá khứ và
sau đó là chiến tranh Đông Dương – đã không cho kết quả tương tự.
Mực nước sông Mekong
ở hạ lưu đập của Trung Hoa thường xuống thấp.
[Ảnh: AFP Forum/Paritta Wangkiat]
Trung Hoa hay Myanmar
không hề là đối tác của MKC, vì đây là một phần của chiến lược Chiến tranh Lạnh
để kết hợp các chế độ thân Tây phương ở Thái Lan, Lào, Cambodia và Nam Việt Nam
nhằm chống lại cộng sản Trung Hoa và Bắc Việt Nam. Văn phòng của MKC ở Bangkok, một trung tâm
của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam.
Cho mãi đến khi chiến tranh chấm dứt vào giữa thập niên 1990s, các quốc
gia mới liên kết với nhau hơn. Được đổi
tên là MRC, nó bao gồm 3 thành viên ban đầu là Lào, Thái Lan và Cambodia cùng
với nước Việt Nam thống nhất. Nhưng vì
không có sự tham gia của Trung Hoa và Myanmar, MRC cũng kém hiệu quả như MKC vì
nó không thể theo dõi và duy trì lưu lượng của toàn thể sông Mekong bắt nguồn
từ vùng núi phía tây bắc của Trung Hoa.
Ngược lại, thành viên của LMC tránh được các chướng ngại nầy.
Mặc dù
cơ chế Sáng kiến Hạ lưu Mekong (Lower Mekong Initiative (LMI)) do Hoa Kỳ thiết
lập năm 2009 cũng bao gồm Myanmar, nó không đạt được tiến bộ đáng kể, vì phần
lớn các kế hoạch cho y tế, giáo dục và phát triển hạ tầng cơ sở vẫn còn nằm
trên bản vẽ. Sự lôi cuốn của nó cũng tùy
thuộc vào địa chánh trị. Lào và Cambodia
thì gần gũi với Trung Hoa hơn Hoa Kỳ, ngay cả Myanmar cũng trở lại quỹ đạo của
Trung Hoa sau một thời gian ngắn ve vãn với Tây phương.
Trong
khi Hoa Kỳ các các quốc gia Tây phương lên án và trừng phạt việc vi phạm nhân
quyền ở Cambodia, Myanmar và Việt Nam; Trung Hoa không cảm thấy khó chịu vì
nước nầy cũng vi phạm nhân quyền đáng kể.
Các công ty xây cất Trung Hoa cũng ít quan tâm về ảnh hưởng môi trường
so với các đối thủ Tây phương và Nhật Bản, phải chịu các quy định gắt gao về
trách nhiệm tài chánh và môi trường.
Tàu
hàng của Trung Hoa chạy trên sông Mekong gần Tam giác Vàng ở biên giới giữa
Myanmar, Lào và Thái Lan trong tháng 3 năm 2016. [Ảnh: Facebook]
Hơn
nữa, chuỗi đập Nam Ou không chỉ là một dự án đồ sộ duy nhất của Trung Hoa trên
sông. Trung Hoa hiện đang xây một chuỗi
đập khác trên sông Mekong, một dự án khổng lồ mà khi hoàn tất nó có thể gồm có
14 nhà máy thủy điện trong lãnh thổ Trung Hoa trước khi con sông chảy về phía
nam và tạo thành biên giới giữa Lào và Myanmar.
Chắc
chắn, các quốc gia hạ lưu đã than phiền về sự thay đổi dòng chảy của sông. Việt Nam, đối phó với một cơn hạn hán tồi tệ
nhất trong 90 năm vào năm 2016, cáo buộc các đập của Trung Hoa ở thượng lưu đã góp
phần vào thiên tai nầy. Những mối quan
ngại tương tự được nêu ở Lào vì mực nước lên xuống bất thường khi Trung Hoa mở
hay đóng đập. Thỉnh thoảng, sông Mekong
hùng vĩ một thời hoàn toàn khô cạn chung quanh thủ đô Lào.
Nhưng Trung Hoa kiểm
soát cả lưu lượng nước lẫn ngân sách phát triển, các quốc gia hạ lưu không thể
làm khác hơn là hợp tác với thiết kế và tham vọng của Bắc Kinh. Trong lúc đó, MRC và cái mầm mới LMI dường
như càng ngày càng lỗi thời khi tất cả các tín hiệu cho thấy LMC của Trung Hoa
được thiết lập để tồn tại.
Bertil Lintner – Bình Yên Đông lược dịch
No comments:
Post a Comment