Friday, July 5, 2019

Tình trạng thiếu điện bị lũng đoạn để trục lợi (Bài 2)


RFA
2019-07-03


Bài 2: “THIẾU ĐIỆN”, CƠ HỘI CỦA THIỂU SỐ, ĐẠI HỌA VỚI ĐA SỐ

Mưa lũ và sạt lở ở Bắc Kạn khiến hàng chục người chết vào năm 2017

Cho đến giờ, tác hại của phong trào xây dựng các thủy điện vừa và nhỏ, rồi phong trào phát triển hệ thống nhà máy đốt than phát điện (nhiệt điện than) đối với môi trường, kinh tế - xã hội đã rõ. Cả hai cùng là con đẻ của cảnh báo “thiếu điện”.
Điểm lại tác hại của những phong trào này là cần thiết để bớt mơ hồ, thêm cảnh giác khi EVN lại cảnh báo “thiếu điện”…

Rừng núi tan hoang

Cuối thập niên 1990, cảnh báo của EVN về viễn cảnh “thiếu điện” đã mở đường cho phong trào xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở cả vùng rừng núi phía Bắc, lẫn rừng núi miền Trung và Tây Nguyên trong thập niên 2000.

Năm 2013, chính phủ Việt Nam công bố một báo cáo, theo đó, Việt Nam có hơn 1.500 dự án thủy điện vừa và nhỏ. Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi dự án thủy điện vừa và nhỏ ngốn khoảng 59 héc ta rừng.
Chẳng phải dân chúng, báo giới và các đại biểu Quốc hội cũng đồng thanh chỉ trích: Phát triển thủy điện vừa và nhỏ thực chất chỉ là tổ chức cấp giấy phép phá rừng! Cũng vì vậy, tháng 9 năm 2013, chính phủ Việt Nam loan báo không xem xét đưa vào qui hoạch 172 vị trí được xem là có “tiềm năng thủy điện. Loại ra khỏi qui hoạch 424 dự án thủy điện bị xem là sẽ gây nguy hại ở mức nghiêm trọng cho môi trường và xã hội. Ra lệnh tạm dừng khởi công 136 dự án thủy điện đã được phê duyệt.

Tính đến thời điểm đó, theo qui hoạch đã được phê duyệt, Việt Nam vẫn còn 815 dự án thủy điện, trong đó có 286 dự án đã hoàn thành, 205 dự án đang xây dựng, hơn 300 dự án sẽ khởi công. “Thiếu điện” cho nên cần phát triển các dự án thủy điện từ bậc thang, vừa, tới nhỏ đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nuốt chừng… 48.000 héc ta rừng.

Mưa lũ, lụt xảy ra nhiều hơn những năm gần đây

Photo: RFA


Gia tăng nguồn điện từ các dự án thủy điện cho khỏi… “thiếu điện” tỉ lệ thuận với gia tăng thiệt hại do thiên tai: Lũ quét nhiều hơn, dễ lụt và lụt nặng hơn trong mùa mưa, hạn hán trầm trọng hơn trong mùa khô. Thiệt hại về nhân mạng, tài sản do thời tiết dị thường mà từ chuyên gia tới dân chúng cùng tin là hậu quả của phong trào phát triển thủy điện tăng dần chứ không giảm.

Tháng 7 năm ngoái, tờ Nông nghiệp Việt Nam thực hiện một phóng sự, chứng minh hạn hán dị thường, lũ lụt dị thường, người chết, mùa màng thất bát, hàng trăm ngàn gia đình trắng tay, hệ thống hạ tầng hư hại nặng nề, thiệt hại nhân mạng, tài sản càng ngày càng cao đều do một “thủ phạm giấu mặt” gây ra. Tờ báo này đã vạch mặt thủ phạm đó: Thủy điện!

Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia nghiên cứu độc lập về môi trường nói với RFA: “Thủy điện cái chính là chặn phù sa và chặn đường cá đi. Trong mùa lũ, thủy điện xả lũ sẽ khiến lũ chồng lũ; còn trong mùa hạn hán - khiến khô kiệt thì thủy điện tích nước làm  gia tăng hạn hán; chặn đường cá đi cá không di cư sinh sản được, chặn cát và phù sa mịn khiến bờ biển, đáy biển (sông) thiếu cát gây sạt lở, ảnh hưởng nông nghiệp...”

Về lý thuyết, thủy điện là một trong những nguồn năng lượng tái tạo, cần phát triển để hạn chế và loại bỏ dần việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, hủy diệt môi sinh, tàn phá môi trường nhưng ở Việt Nam, qua tư vấn của EVN, thủy điện là ác mộng cho dân chúng khu vực hạ du, thủy điẹn khiến mùa khô thiếu cả nước sinh hoạt và mùa mưa thì chẳng biết lúc nào mất mạng, trắng tay do thủy điện xả lũ, vỡ đập.

Biển… bạc như vôi

Sau giai đoạn phát triển ồ ạt thủy điện, EVN tiếp tục cảnh báo sẽ lại “thiếu điện”. Đầu thập niên 2010, EVN soạn và trình chính phủ Qui hoạch điện 7. Qui hoạch điện 7 xác định Việt Nam sẽ bảo đảm nguồn điện bằng cách phát triển các nhà máy đốt than phát điện. Theo qui hoạch này, Việt Nam sẽ xây dựng các trung tâm nhiệt điện than ở Vĩnh Tân (Bình Thuận), Duyên Hải (Trà Vinh), Long Phú (Sóc Trăng), Sông Hậu (Hậu Giang), Kiên Lương (Kiên Giang),…

Kế hoạch xây dựng hàng loạt nhà máy đốt than phát điện nằm dọc bờ biển Việt Nam, suốt từ Bắc và Nam đã được các chuyên gia xem là một nỗ lực hủy diệt biển. Than là nguồn nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất và ô nhiễm nhất. Đốt than để sản xuất điện sẽ tạo ra nhiều loại khí độc, phóng thích nhiều kim loại nặng làm ô nhiễm cả nguồn nước mặt lẫn nguồn nước ngầm, đất, chưa kể than còn tạo ra tro, xỉ... Báo chí Việt Nam thi nhau dẫn các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, các đại học, cảnh báo đốt than phát điện là nguyên nhân dẫn tới đủ loại ung thư, nhiễm độc thần kinh, dị tật cho thai nhi… Vì các nhà máy nhiệt điện dùng than của Việt Nam đều được sắp đặt cạnh biển, biển Việt Nam được dự báo sẽ ô nhiễm nặng nề, không còn nguồn lợi hải sản nào.

Giống như nhiều trường hợp khác, các khuyến cáo, lời kêu gọi của giới chuyên gia, các tổ chức bảo vệ môi sinh, môi trường trong và ngoài Việt Nam – đừng xây dựng những nhà máy đốt than phát điện, giống như nước đổ đầu vịt. Cuối năm ngoái, dựa trên tính toán của giới hữu trách, tờ Tuổi Trẻ loan báo, chừng ba năm, Việt Nam hết chỗ chứa tro xỉ than do các nhà máy nhiệt điện dùng than thải ra. Hệ số phát thải tro xỉ của Việt Nam gấp 4,7 lần so với Nhật. Tỉ lệ than dư trong tro xỉ gấp khoảng năm lần so với thế giới, tỉ lệ này càng cao thì nguy cơ sử dụng tro xỉ để san lấp, làm vật liệu xây dựng cho môi trường và sức khỏe con người càng lớn. Chưa đầy mười năm, Việt Nam đã qua mặt Úc, Nhật, Canada, hiện diện trong nhóm mười quốc gia dẫn đầu thế giới vì phát thải tro xỉ khi đốt than phát điện!

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn –Phó viện trưởng Viện nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) nói với RFA: “Nhiệt điện ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường nhất là khi nó phát thải lượng khí nhà kính lớn, tác động ô nhiễm không khí; nhà máy nhiệt điện còn phát thải tro xỉ khó xử lý và sử dụng lượng nước lớn để làm mát hệ thống nên nước thải của nó không như nước bình thường làm ảnh hưởng các loài vi sinh vật và hệ sinh thái. Ngoài ra, hoạt động phát thải của các nhà máy nhiệt điện cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Riêng vùng ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn, rất nhạy cảm đối với sự thay đổi về môi trường nên sẽ bị tác động đáng kể đến sản xuất nông nghiệp và thủy sản”.

Tuyên bố chỉ sử dụng công nghệ tiên tiến, sạch khi phát triển hệ thống nhà máy đốt than phát điện của EVN hóa ra là hết sức vô lý! Làm sao có thể có công nghệ tiên tiến, sạch khi vừa vay vốn của Trung Quốc (cho nên phải dùng công nghệ đốt than phát điện của Trung Quốc – quốc gia dẫn đầu thế giới về tỉ lệ than dư trong tro xỉ, từ 5% đến 15%) vừa mời gọi Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực đốt than phát điện?

Cả hai lần dân chúng huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận nổi loạn (một lần vào tháng 4 năm 2015, một lần vào tháng 6 năm ngoái) đều phát xuất từ sự bất bình do phải gánh chịu ô nhiễm quá mức chịu đựng từ Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. Theo qui hoạch, trung tâm này có năm nhà máy đốt than phát điện. Hiện mới chỉ có 3/5 vận hành (Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4), 2/5 (Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 Mở rộng) đang xây dựng nhưng Tuy Phong đã trở thành một thùng thuốc súng, thêm hai nhà máy nữa, thùng thuốc súng có thể nổ nhiều lần nữa.

Tác hại của việc phát triển các nhà máy đốt than phát điện đối với môi trường, kinh tế - xã hội, nhân tâm càng lúc càng rõ, tháng 8 năm ngoái, chính quyền tỉnh Long An chính thức từ chối sử dụng công nghệ đốt than phát điện tại Trung tâm Điện lực của tỉnh này. Tuy Bộ Công Thương đã tìm nhiều cách ép chính quyền tỉnh Long An chấp nhận xây dựng các nhà máy đốt than theo đúng tinh thần Qui hoạch điện 7 nhưng Long An dứt khoát lắc đầu.

Xây dựng các nhà máy đốt than phát điện bằng công nghệ Trung Quốc, dùng vốn Trung Quốc dường như không hợp thời nữa, có thể vì thế, theo sau cảnh báo “thiếu điện” mới nhất, EVN vừa vạch ra một con đường mới: Mua điện của Trung Quốc. Mua điện của Trung Quốc có đáng phải bận tâm hay không sẽ là nội dung bài kế tiếp và cũng sẽ là bài cuối của loạt bài này.

SOURCE:




No comments:

Post a Comment