Trung Khang, RFA
2019-07-18
2019-07-18
Ruộng
lúa gần một con kênh khô hạn ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam ngày
8/3/2016.
AFP
Tổ chức Future Direct International
của Úc vừa công bố phân tích cho thấy, sụt lún đất tại Đồng Bằng Sông Cửu Long
đang đe dọa vựa lương thực của Việt Nam.
Phân tích vừa nêu do ông Mervyn
Piesse, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình nghiên cứu khủng hoảng nước và
thực phẩm toàn cầu thực hiện và công bố hôm 18/7/2019.
Khai thác nước ngầm quá mức
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực
sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Hầu hết việc sản xuất gạo của quốc
gia, nuôi trồng thủy sản và sản xuất trái cây được đặt tại khu vực này.
Theo ông Mervyn Piesse, Việt Nam là
nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới. Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất
đủ lương thực cho gần 200 triệu người và bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào về sản
lượng nông nghiệp ở khu vực này sẽ gây ra hậu quả cho an ninh lương thực toàn
cầu.
Bài phân tích nêu rõ, sản xuất nông
nghiệp không bền vững của Việt Nam, mực nước biển dâng cao, sụt lún đất, xây
dựng đập trên thượng nguồn sông MêKông và tăng nhiễm mặn cho đất và nước đều là
những đe dọa đến việc giảm năng suất của ngành nông nghiệp trong khu vực.
Nguyên nhân của hầu hết những thách
thức đó nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam. Theo ông Mervyn, giảm sử dụng
nước ngầm ở ĐBSCL là giải pháp tốt nhất.
"Trong bối cảnh nước
biển dâng từ từ chỉ khoảng 3mm nỗi năm thì sụt lún tính bằng cm. Sụt lún không
chỉ ảnh hưởng đất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng nhiều thứ, tức là mình đang chìm
dần xuống.
-Nguyễn Hữu Thiện"
Để tìm hiểu thêm, RFA liên lạc ông
Nguyễn Hữu Thiện, một nhà nghiên cứu độc lập về Đồng bằng sông Cửu Long, và
được ông cho biết như sau:
“Sụt lún có nguyên nhân chính là do
lấy nước ngầm, ngoài ra có hai nguyên nhân phụ là do sự nén tự nhiên và tải
trọng của các công trình xây dựng đè lên đó, nhưng chỉ xảy ra ở thành phố. Còn
việc sụt lún khắp nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long là do khai thác nước ngầm là
chính. Trong bối cảnh nước biển dâng từ từ chỉ khoảng 3mm nỗi năm thì sụt lún
tính bằng cm. Sụt lún không chỉ ảnh hưởng đất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng
nhiều thứ, tức là mình đang chìm dần xuống.”
Đồng quan điểm với ông Mervyn
Piesse, ông Nguyễn Hữu Thiện cũng cho rằng khó khắc phục tình trạng này, chỉ có
cách giảm sử dụng nước ngầm, ông giải thích thêm:
“Bởi vì khi mình lấy nước ngầm thì
các lỗ rỗng trong đất đã bị nén xuống, biến dạng lỗ rỗng. Biến dạng đó có thể
là vĩnh viễn, không có chuyện phục hồi được. Bây giờ chỉ có cách làm chậm sụt
lún lại bằng cách giảm sử dụng nước ngầm, chứ còn chuyện bơm nước ngầm xuống
thì mình không dám mơ tưởng vì không khả thi.”
Trao đổi với RFA hôm 18/7/2019, Tiến
sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ cũng đồng
tình việc sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long là do khai thác nước ngầm quá
nhiều. Theo Ông Tuấn, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng địa chất rất non trẻ,
không chắc chắn, khi tầng nước ngầm hạ xuống thì dễ gây lún sụt. Ông nói tiếp:
“Ngăn chặn khai thác nước ngầm hiện
nay khá nan giải, vì đó là nhu cầu sử dụng nước hàng ngày. Hiện nay tôi cũng
đang kiến nghị là tận dụng nước mưa, các nơi tận dụng ao hồ trữ nước mưa, để
giảm áp lực sử dụng nước ngầm. Ngoài ra phải coi lại chuyện sản xuất ở cùng
Đồng bằng sông Cửu Long. Mùa khô thì không nên trồng các loại sử dụng nước
nhiều như cây lúa.v.v… mà chuyển sang nuôi trồng thủy sản nước lợ hay nước mặn
chẳng hạn.”
Theo bài phân tích của ông Mervyn
Piesse, ĐBSCL mất hơn 500 ha đất ven biển từ năm 2003 đến 2012. Tốc độ xói mòn
kể từ đó tăng lên và khu vực này mất 300 ha đất mỗi năm.
Nuôi thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh minh họa chụp
trước đây. AFP
Ông Mervyn cho rằng, Đồng bằng sông
Cửu Long đang phải đối mặt với bốn thách thức có nguy cơ làm suy yếu ngành nông
nghiệp là: sản xuất nông nghiệp không bền vững; mực nước biển dâng và sụt lún
đất; việc xây dựng đập trên sông Mê Kông; và tăng độ mặn của đất và nước.
Cũng theo ông Mervyn Piesse, trong 20
năm qua, khai thác nước ngầm đã tăng gấp bốn lần. Tốc độ khai thác đó đã khiến
mực nước ngầm giảm tới 20 mét ở một số nơi, dẫn đến việc đất bị chìm đến 18cm.
Mặt đất tiếp tục chìm với tốc độ từ một đến ba centimet mỗi năm. Đổi lại, việc
sử dụng nước ngầm tăng lên, một phần là do nguồn nước mặt thấp hơn và xảy ra
xâm nhập mặn.
Liên quan vấn đề này Tiến sĩ Lê Anh
Tuấn giải thích:
“Đồng bằng sông Cửu Long thấp và
phẳng, sát bờ biển nữa, khi sụt lún sẽ làm xâm nhập mặn tăng nhanh. Kèm theo đó
là tình trạng nước biển dâng, khi biến đổi khí hậu, trái đất nóng dần lên, băng
tan, nước biển giãn nở ra. Tuy nhiên hiện nay, các chuyên gia cảnh báo là sụt
lún đi nhanh hơn nước biển dâng. Kết hợp hai cái thì làm cho mặn xâm nhập sâu
hơn. Mà nguồn nước mặt nhiễm mặn rồi thì làm tăng nhu cầu sử dụng nước ngầm,
điều này giống như bị tác động kép.”
Cần kế sách lâu dài cho ĐBSCL
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, muốn giảm
sử dụng nước ngầm thì nước sông ngòi phải sạch lại như ngày xưa. Muốn sạch thì
phải bớt làm nông nghiệp. Từ trước tới giờ Việt Nam làm nông nghiệp tới 3 vụ
lúa một năm cho nên chất ô nhiễm tích lũy trong đất đai, trong nước lâu nay rất
nhiều.
Ông Thiện cũng cho rằng, vì nước ô
nhiễm nên người dân không có nguồn nước sạch để dùng cho sinh hoạt, chỉ dùng
cho sản xuất, mà sản xuất chủ yếu là cây lúa. Cho nên chìa khóa nằm ở nền nông
nghiệp, phải chuyển đổi nền nông nghiệp, hồi xưa chạy theo thâm canh, chạy theo
số lượng, sản lượng thì bây giờ nên chuyển hướng nền nông nghiệp, bớt thâm canh
để bớt sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Chuyển sang chất lượng hơn là số lượng.
Theo ông, chính phủ cũng đã nghe chuyện này, trong nghị quyết 120 của chính phủ
đã đề ra chuyện phải chuyển hướng nền nông nghiệp. Nhưng phải 10 năm mới thấy
kết quả, nếu thực hiện tốt nghị quyết 120.
Tuy nhiên Tiến sĩ Đặng Kim Sơn,
nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông
thôn, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 18/7, nhận định:
“Thật ra người dân không dùng nước
ngầm để trồng lúa đâu, mà để nuôi tôm, trồng cây hoa màu giá trị cao, làm nước
sinh hoạt. Về nước sinh hoạt thì nên có giải pháp linh hoạt cho người dân, ví
dụ như Cà Mau là vùng mưa lớn nhất trong năm, nếu có giải pháp hợp lý thì người
dân có thể trữ nước ngọt để dùng được. Ngoài ra có thể chuyển nước ngọt bằng
đường ống, chứ còn quản lý nước để sản xuất nông nghiệp, nhất là thủy sản thì
phải quản lý rất nghiêm ngặt.”
Ông Mervyn Piesse cho rằng gần 40%
diện tích của ĐBSCL có nguy cơ bị chìm dưới nước vào cuối thế kỷ này. Nếu điều
đó xảy ra, hàng chục triệu người sẽ phải di dời và việc mất đất nông nghiệp sẽ
ảnh hưởng sâu rộng đến các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng nếu
ĐBSCL không bị ảnh hưởng quá lớn của biến đổi khí hậu thì riêng hai vựa lúa tại
An Giang, Đồng Tháp sẽ đáp ứng tốt người dân trong nước và kể cả xuất khẩu, đảm
bảo an ninh lương thực ngay cả trong trường hợp dân số Việt Nam tiếp tục tăng
lên. Và những nơi khác có thể chuyển đổi trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản.
Tuy là vậy nhưng theo ông Sơn, Chính phủ Việt Nam vẫn cần phải tìm mọi cách
ngăn chặn sụt lún ở vùng đồng bằng, vì không chỉ giúp ổn định việc canh tác,
trồng lúa và trái cây mà còn ổn định đời sống của người nông dân và các vấn đề
về cơ sở hạ tầng khác.
SOURCE:
.
No comments:
Post a Comment