Biển Hồ cạn nước
do dòng Mekong bị ảnh hưởng
bởi biến đổi khí hậu và các đập trên thượng nguồn
Hai nhà nghiên cứu thường trú ở Đồng bằng
sông Cửu Long (ĐBSCL) cảnh báo rằng khu vực này đang đối mặt với đợt hạn hán cực
kỳ tồi tệ, hơn cả mức kỷ lục hồi năm 2016. Nguyên nhân của đợt thiên tai sắp xảy
ra là hiện tượng El Nino và việc tích nước của các đập thủy điện bên Lào và
Trung Quốc, theo hai nhà nghiên cứu.
Các cơ quan báo chí như Tân Hoa Xã,
Bangkok Post, Chiang Rai Times trong những ngày gần đây loan tin rằng mực nước
sông Mekong đã xuống đến mức thấp kỷ lục trong vòng 100 năm trở lại đây ở vùng
biên giới Thái-Lào-Myanmar.
Dẫn lại một báo cáo của Trung tâm Stimson
có trụ sở ở Mỹ, các bản tin nước ngoài cho hay mực nước sông Mekong xuống thấp
là “do các đập thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy và do biến đổi khí hậu, dẫn
đến những đợt hạn hán kéo dài”.
ĐBSCL của Việt Nam ở cuối nguồn con sông lớn
này và đang phải chịu những tác động rõ rệt. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn tại Đại học Cần
Thơ cho VOA biết tuy ông không có số liệu dài hạn đến 100 năm, nhưng các trạm
đo trên các nhánh sông Mekong ở Việt Nam cho thấy tính đến nay mực nước ở mức
thấp nhất trong 10 năm qua, và điều này là “hết sức đáng lo ngại”.
Nguyên nhân số một của tình trạng này là
hiện tượng El Nino làm lượng mưa đến khu vực ĐBSCL “rất là thấp” mặc dù thời điểm
này đang là mùa mưa, theo tiến sĩ Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến
đổi khí hậu tại trường đại học.
Nguyên nhân thứ hai là việc các nước có đập
thủy điện ở thượng nguồn “tích nước càng nhiều càng tốt” do có dự báo sẽ thiếu
nước vào mùa khô tới, tiến sĩ Tuấn nói thêm.
Ông Tuấn cảnh báo rằng các khó khăn trong
hoạt động sản xuất nông nghiệp và một số mặt của đời sống xã hội sẽ “thấy rõ,
gay gắt hơn” vào mùa khô.
Một nhà nghiên cứu khác, thạc sĩ Nguyễn Hữu
Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Mekong, cho rằng thời điểm nguy kịch nhất
là khoảng tháng 3 năm tới, 2020. Ông Thiện nói với VOA:
“Sau Tết là qua mùa khô, đỉnh điểm của mùa
khô là khoảng tháng 3. Bây giờ cái dấu hiệu mà lũ nó không về thì chứng tỏ là rất
đáng báo động cho cái chuyện tháng 3 năm sau sẽ xâm nhập mặn sâu vào đất liền.
Nếu tình trạng này tiếp diễn, không thay đổi, thì rất nguy hiểm cho đồng bằng.
Có thể sẽ là một trận hạn lịch sử, còn nặng hơn năm 2016 nữa”.
Thạc sĩ Thiện so sánh rằng đỉnh lũ ở vùng
ĐBSCL vào cuối năm 2015 chỉ cao hơn các cánh đồng 50 cm và sau đó hạn hán kỷ lục
đã xảy ra vào đầu năm 2016, trong khi năm nay một số đoạn sông Mekong ở Lào và
Thái Lan bị “cạn trơ đáy”, báo hiệu đợt hạn còn “tồi tệ hơn nhiều”.
Để
giúp người dân đối phó từ sớm, tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho VOA biết cơ quan của ông
đã đưa ra các khuyến cáo:
“Tốt
nhất là hiện nay đang trong mùa mưa, người dân nên tích trữ nước mưa càng nhiều
càng tốt, có thể trữ trong các ao hồ, kinh mương, và các bể trữ nước. Thứ hai,
nên giảm bớt diện tích trồng lúa đi vì cây lúa tiêu thụ nước khá nhiều. Thứ ba,
nên chọn các loại cây trồng khác ít sử dụng nước. Ở các vùng ven biển, không
nên sản xuất nông nghiệp nhiều mà chuyển qua ví dụ như nuôi thủy sản nước lợ hoặc
nước mặn”.
Nhìn lại 40 năm qua và hướng tới tương
lai, tiến sĩ Tuấn khẳng định rằng “ngày càng thấy rõ” tác động của biến đổi khí
hậu, nước biển dâng, và các đập thủy điện trên thượng nguồn ở Lào và Trung Quốc.
Các vấn đề này đang có tính “thời sự, nóng bỏng” cho ĐBSCL, ông Tuấn nói.
Về tác động của các đập thủy điện, thạc sĩ
Nguyễn Hữu Thiện phân tích với VOA rằng trong khi không làm thay đổi tổng thể
tích nước của dòng sông, các đập thủy điện có hồ chứa thường gây ra lũ chồng lũ
vào những năm có mùa mưa nhiều nước; và làm tồi tệ thêm nạn hạn hán vì phải
tích nước trong những năm rất khô hạn.
Đối với những năm bình thường, loại đập có
hồ chứa mới phát huy tác dụng là giảm đỉnh lũ trong mùa mưa và tăng dòng chảy
trong mùa khô, ông Thiện cho biết.
Việt Nam ở cuối nguồn sông Mekong, nơi có
8 đập của Trung Quốc đã đi vào hoạt động và 1 đập ở Lào sẽ bắt đầu trữ nước vào
tháng 10 tới.
Tổ chức Sông ngòi Quốc tế tại Thái Lan mới
đây cho biết “vẫn còn 28 đập khác ở Trung Quốc và 11 đập ở Lào đã được lên kế
hoạch”, trong khi hiện nay mới nay chỉ có một vài đập thủy điện giữ nước “mà
chúng ta đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
SOURCE:
YOUTUBE:
.
.
No comments:
Post a Comment