Friday, July 5, 2019

Tình trạng thiếu điện bị lũng đoạn để trục lợi (Bài 3)


RFA
2019-07-03


Bài 3: MUA ĐIỆN CỦA TRUNG QUỐC, TRẢ TIỀN ĐỂ NHẬN THÊM HỌA?

Người dân ở ĐBSCL bắt cá giữa cánh đồng khô hạn 
Ảnh chụp năm 2016 tại Sóc Trăng

AFP


Điện là một loại hàng hóa. Nguồn, phương thức phân phối, giá bán thứ hàng hóa này tác động trực tiếp đến kinh tế - xã hội, quyết định mức độ phát triển của một quốc gia nên điện trở thành hàng hóa đặc biệt. Sản xuất – cung ứng điện được xem là một yếu tố quan trọng phải tính  kỹ để duy trì và bảo vệ an ninh năng lượng.

Dù liên quan tới an ninh năng lượng nhưng nhập khẩu điện (mua điện của nước ngoài) là điều bình thường, thậm chí rất nên nếu có thể tiết giảm vốn đầu tư, gia tăng khả năng cung ứng, hạ giá bán, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mua điện của Trung Quốc, Lào sẽ không phải là chuyện cần phải bận tâm, đáng bàn nếu…

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không… còn

ĐBSCL – vựa lúa của Việt Nam đang ngắc ngoải. Sông rạch chằng chịt nhưng khu vực này đang thiếu nước ngọt cho cả sản xuất lẫn sinh hoạt. Lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về ĐBSCL không còn dồi dào như trước, mực nước của hệ thống sông rạch tụt xuống là lý do nước mặn từ biển xâm nhập càng ngày càng sâu vào đất liền. Cách nay ba năm, nước mặn lấn sâu vào sông rạch tới 90 cây số. Ruộng thiếu nước, vườn thiếu nước, con người cũng thiếu nước ăn, uống, tắm, giặt, phải khai thác nước ngầm và bề mặt sụt lún. Nếu bề mặt tiếp tục sụt lún và nước biển tiếp tục dâng lên, phần lớn ĐBSCL sẽ biến mất.

Hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL khiến người dân phải đào giếng lấy nước ngọt- AFP Photo: RFA

Lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về ĐBSCL giảm đáng kể còn là lý do đất đai cằn cỗi vì không được phù sa bù đắp, lượng cát sỏi cũng giảm dần, đây cũng là lý do sạt lở xảy ra khắp nơi. Theo các thống kê đã công bố, mỗi năm, sạt lở làm ĐBSCL mất khoảng 300 héc ta. Khu vực này hiện có 564 điểm sạt lở cả ở bờ sông (512 điểm) lẫn bờ biển (52 điểm). 

Chi phí chống sạt lở dù tính bằng tỉ nhưng những tỉ đồng đó cũng đổ xuống sông, biển vì chính đê bao, kè biển bị xói mòn. Tuy có nhiều lý do dẫn tới thảm cảnh này: Khai thác cát quá mức. Số công trình ven bờ gia tăng tác động tới nền địa chất vốn yếu ớt,… song các chuyên gia vẫn khẳng định, nguyên nhân chính vẫn là sự suy giảm lượng nước, lượng phù sa từ thượng nguồn.

Tiến sĩ Dương Văn Ni - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An, Đại học Cần Thơ – lưu ý: Có những thứ độc quyền của ĐBSCL vĩnh viễn biến mất. Trước tiên phải kể đến vỉa than bùn của vùng U Minh, từ hơn 8.000 ha với chiều dày hơn 2 mét, nay chỉ còn lỏm chỏm trong vùng U Minh Hạ và trong vườn quốc gia U Minh Thượng và chiều dày chỉ còn khoảng một mét và có nguy cơ mất dấu theo thời gian vì mực nước ở các vùng này mỗi năm mỗi kiệt hơn.

Thông qua hệ thống truyền thông Việt Nam, những chuyên gia như Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Viện phó Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ – từng nhiều lần lưu ý: Việc các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong, tích nước cho việc phát điện trong mùa khô là một trong những lý do chính gây ra đủ thứ họa cho ĐBSCL. 

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – một chuyên gia độc lập về ĐBSCL và thủy điện Mekong – từng lặp đi, lặp lại, các đập thủy điện ở Trung Quốc đã làm giảm 50% lượng phù sa mà lẽ ra ĐBSCL có thể nhận được hàng năm, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến độ màu mỡ của đất đai, sự phát triển của nông nghiệp mà còn gia tăng mức độ sạt lở bờ sông, bờ biển.

Không chỉ dẫn đầu trong việc chặn dòng Mekong để phát triển thủy điện (từ cuối thập niên 1990 đến nay, Trung Quốc đã hoàn tất 5/7 dự án theo kế hoạch khai thác đoạn Mekong trên lãnh thổ Trung Quốc), Trung Quốc còn đầu tư vào Lào, Campuchia để phát triển thủy điện trên đoạn Mekong chảy qua hai quốc gia này và cho họ vay vốn để phát triển các công trình thủy điện. Nếu kế hoạch này hoàn tất, năm 2030, đoạn Mekong chảy qua Lào và Campuchia trước khi đổ vào Việt Nam sẽ có thêm 12 công trình thủy điện nữa!

Các tổ chức bảo vệ sông ngòi, môi trường quốc tế đã lên tiếng nhiều lần, cố gắng thuyết phục cả Trung Quốc, Lào, Campuchia rằng, phát triển các công trình thủy điện trên dòng Mekong là hủy diệt cả nông nghiệp, ngư nghiệp lẫn tương lai toàn bộ khu vực thuộc lưu vực Mekong nhưng không hiệu quả. Chẳng riêng ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng cũng bị đe dọa khi Trung Quốc đang và sẽ xây dựng các công trình thủy điện trên thượng nguồn sông Hồng, sông Đà đoạn nằm trên lãnh thổ Trung Quốc.

Trong bối cảnh như hiện nay, ý tưởng hỏi mua điện của Trung Quốc và Lào có khác gì trả tiền để thiên hạ tích cực hơn trong việc tạo thêm họa cho mình. Mua điện của Trung Quốc và Lào có khác gì trả tiền để nhận thêm họa?

Read more:
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/profiteering-from-the-lack-of-electricity-07032019074820.html


.

No comments:

Post a Comment