July 26, 2019
Nước sông Mê Kông xuống thấp, Đồng Bằng
Sông Cửu Long không có lũ, sinh kế của người dân vùng đầu nguồn An Giang, Đồng
Tháp sẽ gặp nhiều khó khăn. (Hình: Thanh Niên)
CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Nước sông Mê
Kông ở thượng nguồn xuống thấp “chưa từng thấy” ngay trong mùa mưa đã khiến
vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đối diện với hạn mặn xâm nhập, hết tôm cá, cạn phù
sa, sắp rơi vào cảnh đói nghèo.
Đứng ở Bến Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ)
nhìn ra sông Hậu Giang, nhánh chính của dòng Mê Kông chảy về hạ nguồn Đồng Bằng
Sông Cửu Long, ông Nhâm Hùng, một nhà nghiên cứu văn hóa ở Cần Thơ nói với báo
Thanh Niên: “Lý ra, giờ này con nước bạc đã về sông Hậu, khởi đầu mùa nước nổi,
kéo theo những đàn cá bống trứng, rồi sau đó là cá linh non. Thế nhưng không hiểu
sao, năm nay nước không có. Ngay trong nội thành Cần Thơ, các con rạch lúc nước
ròng cũng cạn trơ đáy. Thật đáng lo.”
Theo báo Thanh Niên, cùng thời điểm này
hồi năm 2015 lũ cũng rất thấp nhưng mực nước cao hơn. Hệ quả sau đó là sang đầu
năm 2016, Việt Nam hứng chịu đợt hạn hán, xâm nhập mặn lớn chưa từng thấy khiến
10/13 tỉnh thành Đồng Bằng Sông Cửu Long công bố thiên tai, hơn 160,000 hécta
lúa bị thiệt hại. Điều đáng sợ là đợt hạn mặn này có thể lặp lại vào mùa khô
năm 2020
Giải thích về việc này, Tiến Sĩ Dương
Văn Ni, Khoa Môi Trường Tài Nguyên Thiên Nhiên, trường Đại Học Cần Thơ, cho biết
ngay tại Đồng Bằng Sông Cửu Long có hai vùng trữ lũ rất lớn là Đồng Tháp Mười
và Tứ Giác Long Xuyên, được xem là hai túi nước điều hòa cho đồng bằng. Thế
nhưng nhiều năm trước, do chạy theo sản lượng lúa, Việt Nam đã đắp rất nhiều đê
bao để ngăn không cho nước lũ tràn vào khu vực này nhằm tăng diện tích canh tác
lúa vào mùa lũ lên. Việc này đã làm cho diện tích trữ nước của đồng bằng bị thu
hẹp, lượng nước ngọt không giữ lại được, mùa hạn đến thì lượng nước tại chỗ
không còn đủ để bổ sung cho sông Hậu, sông Tiền đẩy bớt nước mặn ra biển. Và
càng vào mùa khô hạn thì xâm nhập mặn càng sâu vào nội đồng.
Thạc Sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc
lập về sinh thái Mê Kông, nói thẳng: “Kinh nghiệm như năm 2016 cho thấy,Việt
Nam gần như không có biện pháp nào để đối phó với những năm khô hạn gay gắt. Dù
có công trình cống đập ngăn mặn thì cũng không có tác dụng ngăn mặn vì bên
trong không đủ nước.”
Làng nổi Chong Khneas của Việt kiều ở Biển
Hồ, Siem Reap, Cambodia “mắc cạn” dù đang là mùa mưa. (Hình: Thanh Niên)
Phân tích về nguyên nhân khiến nước sông
Mê Kông xuống thấp, ông Thiện cho biết lưu vực Mê Kông có hai đoạn gồm thượng
lưu vực là phần chảy trong lãnh thổ Trung Quốc với nguồn nước chủ yếu là từ tuyết
tan ở cao nguyên Tây Tạng, đóng góp vào tổng lượng nước khoảng 16% và Myanmar
đóng góp 2%.
Trong khi đó ở đoạn hạ lưu vực là phần từ
Lào xuống bờ biển Đồng Bằng Sông Cửu Long cung cấp đến 82% lượng nước cho sông
Mê Kông nhờ vào từ những cơn mưa ở Lào (35% tổng lượng nước), Thái Lan,
Cambodia (18% mỗi nơi) và ở tại chỗ Đồng Bằng Sông Cửu Long.
“Đáng ngại là hiện nay theo bản tin dự
báo của Cơ Quan Khí Quyển Và Đại Dương Quốc Gia Mỹ, đang có tình trạng El Nino
yếu và có khả năng lượng mưa trong lưu vực Mê Kông trong vòng 1-2 tháng tới sẽ
thấp. Tại Lào mưa rất ít và mực nước cũng thấp kỷ lục so với tất cả các năm trước.
Điều này đồng nghĩa với việc mùa lũ ở Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ rất thấp kéo
theo sang mùa khô đầu năm 2020, tình trạng xâm nhập mặn sẽ rất khốc liệt,” ông
Thiện nói.
Theo ông Thiện, về lâu dài để tăng cường
sức chống chịu của Đồng Bằng Sông Cửu Long thì cần khôi phục không gian của dòng
sông, để nước có thể vào lại ruộng đồng phải bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ
lúa trong mùa lũ ở Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Lũ vào được hai vùng
này không chỉ tích nước điều hòa dòng chảy cho mùa khô mà còn giảm ngập úng cho
các đô thị, đường sá vùng hạ lưu, những nơi không có đê bao.
Trong khi đó, Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Lê Anh
Tuấn, phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu (Trường Đại Học Cần
Thơ), cho rằng Đồng Bằng Sông Cửu Long cần giảm ngay diện tích lúa, những nơi
nào không bảo đảm nước ngọt hay kém hiệu quả, bởi lúa chính là cây trồng tốn rất
nhiều nước. Ước tính để làm ra 1 tấn lúa vào mùa khô phải sử dụng 4,000-5,000
khối nước.
“Ngay lúc này, bộ ngành Trung Ương và
các địa phương Đồng Bằng Sông Cửu Long cần nhanh chóng khuyến cáo cho người dân
có những bước chuẩn bị để ứng phó thiên tai,” ông Tuấn khuyến cáo. (Tr.N)
Source:
No comments:
Post a Comment