Wednesday, March 13, 2024

HỎI & ĐÁP: KINH ĐÀO FUNAN TECHO ĐƯỢC TRUNG HOA HẬU THUẪN CỦA CAMBODIA CÓ NGUY CƠ GÂY MẤT ỔN ĐỊNH ĐỒNG BẰNG Ở HẠ LƯU MEKONG

 (Q & A: How Cambodia’s Chinese-backed Funan Techo Canal Risks Destabilizing the Lower Mekong Delta)

 

Han Zhen – Bình Yên Đông lược dịch

China Global South Project – February 20, 2024

Hình ảnh một nông dân Việt Nam ở đồng bằng hạ lưu Mekong, một vùng có thể bị ảnh hưởng tai hại nếu kinh đào trị giá 1,7 tỉ USD được Trung Hoa hậu thuẫn được xây ở Cambodia. [Ảnh: Nhac Nguyen]

 

Trong tháng 5 năm 2023, nguyên thủ tướng Cambodia – Hun Sen – chủ tọa một phiên họp nội các để bật đèn xanh cho “Kinh đào Funan Techo”, hệ thống thủy lộ đầu tiên ở Cambodia, sẽ nối Cảng Tự trị Phnom Penh với tỉnh Kep của Cambodia.

Kinh dài 180 km, kéo dài từ Prek Takeo của sông Mekong đến Prek Ta Ek và Prek Ta Hing của sông Bassac, và nối với tỉnh Kep.  Dự án sẽ cắt qua 4 tỉnh của Cambodia gồm có Kandal, Takeo, Kampot và Kep của Cambodia.

Kế hoạch để xây thủy lộ rộng 100 m, với chiều sâu thủy vận 4,7 m.  Dự án cũng gồm có việc xây cất 3 hệ thống cổng nước, 11 cầu, và 208 km đường 2 bên, sẽ được xây cất bởi Tổ hợp Cầu Đường Trung Hoa (China Bridge and Road Corporation (CRBC)) theo thủ tục Xây-Điều hành-Chuyển giao (BOT).

 

Bản đồ của Kinh đào Funan Techo được đề nghị ở Cambodia.

[Nguồn Cambodia National Mekong Committee]

 

Đương kim thủ tướng của Cambodia Hun Manet ủng hộ dự án mạnh mẽ, hứa rằng nó sẽ không gây ảnh hưởng nguy hại đến môi trường, nhất là đối với sông Mekong – một con sông chia sẻ bởi một số quốc gia ASEAN.  Hồi tháng 12 năm ngoái, Hun bay đến Việt Nam để bảo đảm với đối tác Việt Nam của mình rằng dự án sẽ không ảnh hưởng đến dòng nước trên sông Mekong của quốc gia.

Nhưng một số người nói nó chỉ có thể, và là kết quả, sẽ làm hại Thỏa ước Mekong 1995 – một thỏa thuận được ký kết bởi Cambodia, Việt Nam, Thái Lan và Lào, hứa hợp tác trong việc quản lý sông.

Tôi nói chuyện với Brian Eyler, một giám của Trung Tâm Stimson, để hiểu thêm về mô hình phát triển BOT và ý nghĩa của nó đối với Cambodia, cũng như những hệ quả môi trường tiềm tàng của dự án.  Thảo luận của chúng tôi được nhuận sắc chút đỉnh để làm rõ.

 

HAN ZHEN: Thủ tướng Hun Manet đã nói rằng Cambodia sẽ không vay tiền từ Trung Hoa.  Tuy nhiên, một trong 4 nhà thầu quốc doanh khổng lồ của Trung Hoa, CRBC, sẽ tham gia qua mô hình BOT.  Ông có thể giải thích ngắn gọn ý nghĩa của nó?

 

BRIAN EYLER: Tôi giả sử rằng hợp đồng BOT sẽ về một nhà thầu Trung Hoa để làm chủ kinh đào.  Công ty đó sẽ nhận rủi ro và tài chánh của dự án.  Qua thỏa thuận nầy, chánh phủ Cambodia không phải vay nợ.  Tuy nhiên, thu nhập từ kinh đào – hoặc từ lệ phí hay thuế - sẽ thuộc về chủ của dự án, có lẽ là nhà thầu Trung Hoa đó, trong một thời hạn khoảng 20 đến 30 năm tùy theo hợp đồng được thương lượng.  Chỉ khi nào hợp đồng BOT hết hạn, chủ và thu nhập từ kinh đào từ đó về sau sẽ thuộc về chánh phủ Cambodia.

Cũng như thế, các dịch vụ đòi hỏi để chuyển hàng hóa từ xà lan sông lên tàu đi ra biển ở cảng mới ở Kep, có lẽ sẽ được cung cấp bởi các công ty Trung Hoa đã rất tích cực trong việc phát triển bờ biển của Cambodia.  Những hợp đồng phát triển cảng sẽ có tiến trình đấu thầu, nhưng tôi sẵn lòng để đánh cược là các công ty của Trung Hoa sẽ nhận phần lớn hợp đồng.

 

Hình ảnh của Thủ tướng Cambodia Hun Manet, Phú Thủ tướng Sun Chanthol và một đại diện của CRBC ở Beijing (Bắc Kinh).  

 [Ảnh: Fresh News]

 

Theo đúng nghĩa, thu nhập từ những dịch vụ sẽ không về người Cambodia, nó sẽ thuộc về doanh nghiệp do người Trung Hoa làm chủ.  Điều nầy khiến tôi thắc mắc liệu dự án mang lợi cho Cambodia nhiều hơn hay liệu nó mang lợi cho Sáng kiến Vành đai và Con dường của Trung Hoa và quyền lợi của các công ty xây cất của Trung Hoa nhiều hơn.

 

HAN ZHEN: Chánh phủ Cambodia bảo đảm với Việt Nam rằng kinh đào sẽ không gây ra bất cứ ảnh hưởng tai hại nào trong lãnh thổ của Việt Nam.  Có phải đó là một lời hứa thành thật?

 

BRIAN EYLER: Thủ tướng Hun Manet không cần phải chơi trò ngoại giao nước để làm giảm mối lo âu của Việt Nam.  Cambodia là một thành viên đã ký vào Thỏa ước Mekong 1995 và theo đúng nghĩa phải tôn trọng hiệp ước.  Nếu thỏa ước được tuân theo, thì Ủy hội Sông Mekong (MRC) có thể quản lý những vấn đề xuyên biên giới.

Để làm rõ, Cambodia đã thông báo với MRC trong tháng 8 năm 2023, nhưng họ sai bằng cách gọi kinh đào là một dự án phụ lưu thay vì dòng chánh.  Theo định nghĩa, kinh đào là một dự án dòng chánh Mekong và lòng lạch Bassac.

Sai lầm nầy có thể làm cho MRC không phải tham gia vào việc đánh giá ảnh hưởng xuyên biên giới của kinh đào, tổ chức các diễn đàn công cộng trên khắp khu vực, và thu thập phản hồi.  Nếu MRC có thể làm một cách thích hợp, thì việc đánh giá ảnh hưởng môi trường và xã hội phải được công bố.  Nhận xét của MRC cũng cung cấp hướng dẫn làm thế nào để giảm nhẹ những ảnh hưởng đó.

Theo ý tôi, kinh đào nầy sẽ có những ảnh hưởng xuyên biên giới sâu rộng, không chỉ ở Cambodia và còn xuyên biên giới đến Việt Nam.  Một nhận xét đầy đủ của MRC rất cần thiết và cuối cùng sẽ tạo nên một dự án tốt hơn với ảnh hưởng ít hơn.

 

HAN ZHEN: Kinh đào kéo dài sẽ nối Cảng Tự trị Phnom Penh với Cảng Tự trị Sihanoukville, sẽ cắt qua các tỉnh Kandal, Takeo và Kampot.  Những ảnh hưởng quan trọng nào từ dự án đã nằm trong radar của ông?

 

BRIAN EYLER: Nhìn vào các bản vẽ, nếu hệ thống cổng và âu tàu được quản lý và bảo trì tốt, thì kinh đào sẽ không lấy nước từ dòng chánh Mekong.  Nhưng, lo ngại chánh của tôi là kinh sẽ cắt ngang các tỉnh Kandal, Takeo, và Kampot và làm thế nào nó cắt đôi một đồng lụt xuyên biên giới rộng lớn giữa Kandal và Takeo cũng ăn sâu vào Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.  Đồng lụt hiện được nối liền tạo nên những điều kiện cho việc sản xuất nông nghiệp của vùng ấn tượng nầy (một số gạo tốt nhất của Cambodia đến từ đây) và thủy sản và tạo nên nơi cư trú cho nhiều chủng loại có nguy cơ tuyệt chủng.

Kinh đào sẽ cắt đứt đồng lụt, ngưng dòng nước chảy xuống hạ lưu.  Kinh sẽ tạo nên một vùng khô về phía nam, gồm có nhiều nơi trong các tỉnh An Giang và Kiên Giang ở Việt Nam [Lời người dịch:  Tỉnh An Giang và Kiên Giang nằm trong Tứ giác Long Xuyên đã “khô” từ khi có kinh Vĩnh Tế chạy dọc theo biên giới Việt Nam-Cambodia], và nó sẽ tạo nên một vùng ướt hơn về phía bắc.  Khi nước gặp kinh đào trong mùa mưa, nó có lẽ sẽ làm cho ngập lụt tồi tệ trong thành phố Takeo và có thể những trung tâm đô thị ở nhiều nơi ở phía nam của Phnom Penh.  Kinh đào sẽ thay đổi dòng chảy tự nhiên của đồng lụt, đã cung cấp nhiều lợi ích kinh tế và xã hội cho hàng trăm ngàn người Cambodia và hàng triệu người ở Việt Nam.

Vì thế, tôi lo ngại nhất về ảnh hưởng đối với đồng lụt và những hậu quả vô tình mà kinh đào sẽ có.  Có thể có một cách để dời nó, hay tái thiết kế những tiến trình giảm nhẹ của kinh, và đây là cái mà MRC có thể cố gắng để xác định.  Nếu MRC tham gia vào việc tạo nên một sản phẩm cuối cùng tốt hơn, thì điều nầy sẽ làm giảm hầu hết lo âu hiện đang đến từ Việt Nam.

 

HAN ZHEN: Nếu ông có thể tóm tắt một cách ngắn gọn, ông nghĩ chánh phủ Cambodia nên làm gì để bảo vệ và tối thiểu những ảnh hưởng mà ông vừa nêu?

 

BRIAN EYLER: Tôi nghĩ con đường hành động tốt nhất là thăm dò những dự án chọn lựa thay thế, chẳng hạn như các xa lộ và đường sắt hiện nay đến Cảng Tự trị Sihanoukville.  Nhưng nếu kinh đào phải được xây, thì quan trọng nhất là ảnh hưởng đối với các tiến trình đồng lụt cần được giảm nhẹ.  Một giải pháp có thể được là dời kinh dào xa hơn về phía bắc, để kinh không cắt ngang đồng lụt trong tỉnh Kandal và Takeo và thay vào đó cắt ngang một vùng khô theo truyền thống.

MRC là thực thể tốt nhất để giúp chánh phủ Cambodia thăm dò những chọn lựa đó để có thể tránh hay giảm nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất do kinh đào mang lại.

No comments:

Post a Comment