Tuesday, August 30, 2022

Ninh Kiều - Thượng nguồn tích nước, hạ nguồn khan

 

30/8/2022



Tất cả hoạt động khai thác tài nguyên nước sông Mê Kông ở phần lãnh thổ Trung Quốc đều được thực hiện đơn phương

Mực nước sông Mê Kông đang ở mức thấp nhưng  có thể tiếp tục giảm trong những tuần tới, do tổng lượng mưa thấp hơn bình thường và các đập thủy điện thượng nguồn tích nước kỷ lục.

Trung Quốc là duyên cớ của các vấn đề mà dân gian đúc kết, “thượng nguồn tích nước, hạ nguồn khan”.

Mặc dù là một nước nằm trong lưu vực sông Mê Kông nhưng Trung Quốc không thừa nhận nguyên tắc sử dụng nước sông quốc tế. Trung Quốc không tham gia Ủy hội sông Mê Kông, mà chỉ  là bên đối thoại.

Tất cả hoạt động khai thác tài nguyên nước sông Mê Kông ở phần lãnh thổ Trung Quốc đều được thực hiện đơn phương, không có bất cứ một hợp tác nào với các quốc gia hạ lưu.

Một trong những lý do khác khiến Trung Quốc không tham gia hợp tác ở Mê Kông chính là muốn được phát triển nguồn tài nguyên này tự do, tránh sự can thiệp và gây khó dễ của các nước hạ lưu. Việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính Mê Kông của Trung Quốc đã gây nên sự lo ngại sâu sắc của các quốc gia hạ lưu, nhưng tiếc thay mọi việc suốt ngần ấy năm vẫn không thể làm gì trước sức mạnh cơ bắp cùng giấc mộng bá quyền của Trung Quốc.

Theo MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện Mê Kông), hồi trung tuần tháng 8-2022, có đến 15 trong số các đập lớn nhất ở sông Mê Kông đã tích trữ lượng nước lên tới 2,5 tỉ m3. Đây là một trong những lần trữ nước tích lũy hàng tuần lớn nhất được quan sát kể từ khi khởi động dự án MDM vào tháng 12-2020. Đập thủy điện lớn nhất ở Trung Quốc – Nọa Trát Độ, đã lấp đầy hồ chứa bằng cách tích trữ 1,5 tỉ m3 nước từ thượng tuần tháng 8-2022.

Việc tích nước trực tiếp làm dòng chảy tại Chiang Saen (Thái Lan) ước tính thiếu hụt 33%. Ba đập lớn nhất ở Lào hiện cũng đang tích trữ nước. Việc tích trữ kết hợp với lượng mưa tổng thể thấp hơn bình thường có thể sẽ tiếp tục khiến mực nước sông Mê Kông thấp hơn trong những tuần tới đây.

Xét về tổng thể thì khoảng 70 – 80 % lương thực sản xuất ở các quốc gia Thái – Lào – Miên – Việt đều lấy nước từ sông Mê Kông, khoảng 50% diện tích lưu vực sông Mê Kông được sử dụng để sản xuất nông nghiệp và có thể mạnh dạn khẳng định lưu vực sông Mê Kông là vựa lúa lớn nhất thế giới  với 2 cường quốc xuất cảng lúa lớn là Thái Lan và Việt Nam.

Trên 65 triệu người dọc theo lưu vực sông Mê Kông sử dụng nguồn nước này để sản xuất, sinh sống và sinh hoạt hàng ngày.

Bài học của đập Aswan ở Ai Cập – do Liên Xô xây dựng trước đây – có lẽ là một bài học điển hình nhất mà các nhà môi sinh học trên thế giới hay lấy làm ví dụ cụ thể cho việc đánh giá tác động môi trường đối với các đập nước gây ra. Theo đó, một lượng lớn phù sa sông bị giữ lại ở trong lòng hồ chứa làm chất lượng ở hạ nguồn giảm, đồng ruộng sẽ thiếu phù sa màu mỡ bồi bổ khiến nông dân phải  nhập phân bón hóa học vừa tốn tiền, vừa tác hại cho đồng ruộng, sinh vật chung quanh và cả con người.

Nhiều loại cá sông cũng không thể phát triển vì đường đi để sinh sản và kiếm ăn của chúng bị cắt đứt. Một số công trình hồ chứa có hạng mục xây dựng đường đi cho cá, nhưng thực tế nhiều nới có công trình này nhưng lượng cá trên sông vẫn tụt giảm thê thảm, có nhiều nơi chưa đến 10% so với khi chưa có công trình.

Những ghi nhận trên đang xảy ra. Ngày 28-8-2022, quan sát tại khu vực cánh đồng thuộc xã Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, An Giang, nước đã mấp mé tràn bờ đê, trên đồng nông dân sau vụ lúa lại tiếp tục làm ngư dân đặt dớn đánh bắt cá. Tuy nhiên, mực nước trên đồng còn quá thấp, lượng cá chưa nhiều, cá linh xuất hiện thưa thớt, chủ yếu có cá lòng tong, tép rong và cua đồng.

“Trên đồng nước ít quá, đặt hơn 5 cái dớn mà được chừng 2 kg cua đồng, gần 300 gam cá linh… Bán hết mớ cá, cua, tép thu được hơn 300.000 đồng cho có đồng ra đồng vô” – “Mấy năm nay nước lũ về muộn, đồng Long Xuyên tầm này mà lúa chét chưa ngập bông thì kiếm con cá linh cũng mỏi mắt” – “Cá linh sống ở nước chảy nên khi nuôi trong ao thì nước đứng dễ bị thiếu oxy cục bộ dẫn đến cá chết. Cái thứ hai nữa là nuôi cá linh càng nhiều thì ảnh hưởng đến tỉ lệ sống càng lớn, khó nuôi. Nuôi mật độ thưa thì không có năng suất, dày thì cá dễ chết. Do vậy cá linh chỉ theo mùa nước nổi thôi…”.

Đó là những ý kiến của nông dân miệt nội đồng Tứ giác Long Xuyên quanh chuyện “thượng nguồn tích nước, hạ nguồn khan” mùa nước nổi hiện tại, 2022.

SOURCE:

https://vietnamthoibao.org

 


 Tứ giác Long Xuyên

.

No comments:

Post a Comment